Cuộc “cách mạng nhung” tại Georgia hôm Chủ Nhật vừa qua sẽ không êm dịu như truyền thông hay dư luận Hoa Kỳ đang ca tụng...
Đối với Tây phương, đáng lẽ, Edward Shevardnadze phải chia giải Nobel Hòa bình với Mikhail Gorbachev khi giúp cho Liên xô tan rã mà không gây ra chiến tranh. Ngày nay, ông đã mất hết và Hoa Kỳ có khi sẽ lãnh họa sau này.
Trùm KGB của Cộng hòa Georgia, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên xô và Ngoại trưởng của Gorbachev, Shevardnadze đã sớm hợp tác với chính quyền George Bush (Bush Bố) chuẩn bị cho sự chuyển hướng an toàn của Liên xô ra khỏi chế độ Cộng sản, và sau đấy đưa Georgia ra khỏi quỹ đạo của Liên bang Nga khi trở về làm Tổng thống Georgia. Kể từ đó, ông cũng là nhân vật thân Mỹ nhất trong vùng đất chiến lược nối liền Liên bang Nga với vùng Caucasus và thế giới Hồi giáo. Vì mái tóc bạc phơ và đầu óc đầy mưu lược, ông được tặng cho hỗn danh “Con cáo xám vùng Causasus”.
Georgia nằm bên mạn Đông của Hắc hải, giáp giới với Liên bang Nga ở phía Bắc qua rặng núi Caucasus, và phía Nam giáp giới với Turkey, Armenia cùng Azerbaijan. Bị Đế quốc Nga thôn tính vào thế kỷ trước, Georgia chỉ có ba năm độc lập ngắn ngủi sau “Cách mạng tháng 10” của Liên xô, đến năm 1992 lại trở thành một nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết cho tới khi chế độ Cộng sản tan rã năm 1991. Tháng Chín năm đó, Georgia ly khai khỏi Liên xô và chế độ độc tài của Zviad Gamskhurdia bị lật đổ vào đầu năm sau. Edward Shevardnadze được bầu lên làm Tổng thống từ 1992 cho đến Chủ nhật 23 vừa qua thì phải từ chức vì bị chống đối sau cuộc bầu cử ngày mùng hai.
Đôi dòng lịch sử
Georgia chỉ có chừng năm triệu dân cư, với mức lợi tức trung bình là gần 3.000 Mỹ kim (gần gấp 10 Việt Nam) trên một lãnh thổ dưới 70 ngàn cây số vuông (so với chừng 330 ngàn của Việt Nam). Georgia gồm nhiều sắc dân và những khu tự trị như Abkhazia, Adzhar hay Nam Ossetia. Đa số dân cư theo Chính thống giáo, nhưng 11% dân số theo đạo Hồi. Sau khi Liên xô tan rã, các sắc dân chung sống trong cùng lãnh thổ đều muốn tách riêng và xung đột đã bùng nổ, riêng Shevardnadze bị ám sát hụt và nhiều lần thoát chết. Tại chỗ, ông muốn kéo Georgia ra khỏi ảnh hưởng của chế độ Xô viết xa xưa và ngả về Tây phương, nhưng không được lòng dân cũng vì mang tiếng là thân Tây phương, tham nhũng và độc tài. Shevardnadze đặc biệt không được lòng Liên bang Nga cũng vì lập trường thân Tây phương đó. Putin tố cáo Georgia ngầm giúp phe Hồi giáo ly khai tại Chechnya, Shevardnadze than phiền là Nga muốn chi phối nội tình xứ sở qua các sắc tộc hay các sứ quân tự trị trong từng vùng lãnh thổ.
Năm 2000, Shevardnadze tái đắc cử với 80% số phiếu nhưng bị đả kích là nhờ gian lận. Cũng tệ nạn gian lận trong vụ bầu cử quốc hội vào đầu tháng khiến ông bị chống đối. Phe đối lập huy động dân chúng tràn vào trụ sở quốc hội hôm Thứ Bảy khiến ngày Chủ Nhật, ông phải ký giấy từ nhiệm, nhường quyền lãnh đạo cho nữ Dân biểu cầm đầu Quốc hội, bà Nino Burdzhanadze. Theo Hiến pháp, Georgia sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trong thời hạn 45 ngày sau đó và một lãnh tụ đối lập (Phong trào Quốc gia Saakashvili SNM) tên là Mikhail Saakashvili có hy vọng lên cầm quyền vì cầm đầu vụ nổi loạn chống gian lận bầu cử. Saakashvili được truyền thông Tây phương cho là một nhân vật dân chủ, có khuynh hướng thân Tây phương. Vụ truất phế Shevardnadze được ngợi ca như một cuộc cách mạng nhung của Tiệp khắc hay Cộng hỏa Balgrade, vì không gây ra đổ máu.
Đó là những gì ta được biết qua truyền thông Tây phương.
Sự thật lại phức tạp hơn vậy và trong những ngày tháng tới, Georgia có khi lại thành thời sự, một điểm nóng có loại chất nổ dễ bốc nhất: Hồi giáo và dầu hỏa, trong vùng tranh chấp quyền lợi giữa Nga và Mỹ.
Như Nga với Mỹ....
Đối với Liên bang Nga thì Georgia nằm trong vùng chiến lược để mình kiểm soát được biên giới phía Nam và nhất là khống chế được phong trào ly khai của xứ Chechnya. Với Georgia trong quỹ đạo của mình, Nga có thể ảnh hưởng tới khu vực Caucasus và Trung Đông. Georgia không có dầu hỏa, nhưng lại nằm trên đường giao lưu dẫn dầu từ biển Caspian phía Đông qua tới Hắc hải và cả Địa Trung Hải. Liên bang Nga có thể chi phối tình hình Georgia nhờ quan hệ gắn bó của mình với lãnh tụ của các địa phương hay khu tự trị, thí dụ như vùng Ajara, nằm sát biên giới Georgia với xứ Turkey.
Phần mình, Hoa Kỳ cần Georgia để giới hạn ảnh hưởng Nga và xứ này cũng là nơi Mỹ có thể bơm dầu hỏa trong vùng biển Caspian về phía... Tây, về Âu châu, mà khỏi bị Nga chế ngự. Nếu chi phối được Georgia, Hoa Kỳ có thể đưa quân vào khu vực xưa nay thuộc quyền sinh sát của Nga, và từ đó xuống tới Turkey lẫn Iran (nếu như có phải tìm “hòa bình trong danh dự” tại Iraq, nghĩa là rút khỏi ổ kiến lửa Iraq). Ngay trước mắt, làm chủ được tình hình Georgia, Hoa Kỳ còn có thế mạnh đối với Liên bang Nga trong trận chiến giữa Nga và Chechnya và chặn được đường tiếp vận của al-Qaeda.
Nếu dầu hỏa và quyền lực là yếu tố cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga thì khủng bố al-Qaeda lại là yếu tố khiến hai bên phải hợp tác với nhau.
Đó là trên đại thể và Eduard Shevardnadze đã lãnh đạo Georgia trong cái thế vừa cạnh tranh vừa hợp tác của hai đại cường. Ông đặc biệt có ác cảm với Liên bang Nga vì từng ở trong chăn và biết được sức khuynh đảo rất mạnh của Mạc Tư Khoa đối với xứ sở của mình. Ngược lại, Putin cũng khó chịu với tính cứng đầu và trò đu dây của Shevardnadze với Hoa Kỳ. Shevardnadze là người mở cửa cho Biệt kích Mỹ bước vào Georgia, một biến cố lịch sử nếu ta nhớ ra, và hỗ trợ kế hoạch lập ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan và ống dẫn khí đốt Baku-Tbilisi-Erserum xuyên qua lãnh thổ Georgia.
Nói chung, truyền thông lẫn các học giả Tây phương đều có cảm tình với Shevardnadze vì cái công tháo gỡ chế độ Xô viết năm xưa, nhưng quên mất hai điều. Thứ nhất, được cảm tình của Tây phương có khi là nhược điểm chính trị trong nước. Huống hồ, Shevardnadze vẫn còn máu độc đoán trong người và có thể đã nhắm mắt cho tay chân trục lợi về kinh tế khi được Mỹ yểm trợ, là điều được các đối thủ lẫn các tổ chức vận động dân chủ Tây phương đả kích rất mạnh, kể cả Soros Foundation của tỷ phú Soros, một tổ chức thiện nguyện phát huy dân chủ và cởi mở xã hội trong các nước cộng sản cũ.
Bầu cử và hai bên đổi ngựa giữa dòng
Cho đến gần đây, Hoa Kỳ vẫn yểm trợ Eduard Shevardnadze, với lời khuyên là ông ta không nên hợp tác với Liên bang Nga nhưng cũng bớt gay gắt chống Putin. Đối sách của Mỹ tại Georgia chỉ thay đổi khi từ chính trường Georgia nổi lên một khuôn mặt thân Mỹ còn hơn Shevardnadze. Trong khi Shevardnadze bị mang tiếng là tham nhũng và độc tài, lãnh tụ trẻ tuổi, dưới 40, Mikhail Saakashvili của phong trào SNM lại từng qua Mỹ học và được các diễn đàn dân chủ coi là một nhân vật dân chủ theo hình thái Tây phương. Hoa Kỳ có một con ngựa mới và bắt đầu nghĩ đến thời hậu Shevardnadze.