Tin cho biết Đức Giáo hoàng đã ra lệnh triệu tập 8 vị Hồng y cai quản những giáo khu lớn của Mỹ là Baltimore, Boston, Chicago, Detroit, Los Angeles, New York, Philadelphia và Washington DC. Ngoài ra còn 5 vị Hồng y khác không cai quản giáo khu nào cũng có thể được mời họp. Trong giáo hội Gia tô giáo La mã (Roman Catholic Church) - ở Việt Nam trước đây vẫn gọi ngắn gọn là Công giáo, xuất phát từ hai cuộc họp dấu mốc có tên là Công đồng Vatican I và Công đồng Vatican II - các vị Hồng y theo hàng giáo phẩm chỉ kém có Đức Giáo hoàng một bậc. Vatican cai quản toàn thể các giáo hội Gia tô giáo trên thế giới. Một cuộc họp đặc biệt chỉ dành riêng cho các vị Hồng y một nước là việc hiếm có. Một cuộc họp tương tự đã diễn ra một lần trước đây vào năm 1989, khi Giáo hoàng triệu tập tất cả các vị Tổng giám mục Mỹ đến thảo luận sự căng thẳng giữa Giáo hội Mỹ và Tòa thánh vì những vấn đề như làm lễ kết hôn cho những người Công giáo đã ly dị và việc người Công giáo Mỹ bất chấp lệnh cấm của Vatican không được dùng các phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh đẻ.
Lần này vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Vụ một số linh mục hành dâm với trẻ em và được một vài hàng giáo phẩm che đậy đã bùng nổ từ đầu năm nay, khi tờ The Boston Globe cáo giác linh mục Geoghan có thói hành dâm trẻ em và được cấp trên bao che vì sợ mang tiếng xấu. Rồi từ đó sự phanh phui những bê bối kiểu đó đã lan ra khắp nước và báo chí Mỹ hàng ngày nói đến những vụ này, chúng ta đã biết qua. Chẳng hạn hai tờ tạp chí lớn nhất nước và có nhiều ấn bản quốc tế. Tờ Newsweek số đề ngày 4 tháng Ba, in hình Hồng Y Bernard Law ở Boston bìa ngoài với tựa đề "Dâm dục, Nhục nhã và Gia tô giáo". Tại Boston có 80 vị linh mục bị cáo giác hành dâm với trẻ em. Tờ Time, trong số đề ngày 1 tháng Tư, bìa ngoài có vẽ hình sau lưng một người đội nón hồng y đang lấy tay che mặt, và một câu hỏi lớn in sau lưng: Liệu Giáo hội Gia tô giáo có thể tự cứu được mình không"
Tôi viết bài này sau khi thấy trên TV bản tin CNN sáng thứ ba 16-4 ghi hàng chữ "Câu hỏi lớn: Bạn đã mất đức tin ở tôn giáo của bạn chăng"". Tôi bất giác mỉm cười vì tôi có một vài suy nghĩ. Tôi là người theo một tôn giáo khác, nhưng tôi không ủng hộ và cũng không chống một tôn giáo nào. Tôi mỉm cuời không phải vì muốn chế diễu hay khoái trá, mà vì tôi thấy câu hỏi hơi ngớ ngẩn. Nó quá dễ trả lời khi nhìn đến vấn đề bao quát hơn về mọi tôn giáo chớ không phải riêng tôn giáo nào. Đó là con người và tôn giáo nói chung.
Trước hết phải nhìn nhận rằng không chỉ riêng ở Mỹ mà ở một vài nước Tây phương, một số ít tu sĩ Công giáo có thói quen bệnh hoạn dâm ô với trẻ em, nạn này đã xẩy ra từ trước khá lâu. Nay cũng vấn đề đó ở Mỹ bỗng được làm rầm rộ hơn khác thường có lẽ vì ở Mỹ hơi nhiều và cũng vì truyền thông Mỹ ngày nay phát triển quá mạnh với những kỹ thuật hiện đại. Vấn đề trở nên sôi nổi vì có sự che dấu của các bậc bề trên. Tu sĩ chỉ là người nên họ có thể phạm tội, điều đó đúng. Và cũng cần phải nói thêm không cứ chỉ riêng Gia tô giáo, ở bất cứ tôn giáo nào cũng có những tu sĩ phạm tội, điều đó càng đúng hơn nữa. Nhưng khi một người đi tu có thiên chức dẫn dắt tín đồ mà phạm tội thế tục, người đó phải bị thế quyền xét xử như mọi thế nhân khác để làm gương, chớ không thể có thứ quyền nào bao che hay ếm nhẹm vì bất cứ lý do gì. Tôi không nghĩ một đấng chí tôn đã khai sáng ra bất cứ tôn giáo nào lại chấp nhận một sự dung túng như vậy. Bao che để xử lý, trừng phạt trong nội bộ, để tiếng xấu khỏi lọt ra ngoài làm mất đức tin ở đạo chăng" Sự thật nếu giữ được vẻ đẹp bên ngoài, thì chủ trương đó chỉ làm ung thối bên trong. Kinh nghiệm của mọi tổ chức tập thể của con nguời, dù đạo dù đời, đã cho thấy thế.
Những tai tiếng như vậy có làm mất đức tin tôn giáo không" Hãy hỏi đức tin tôn giáo là gì" Câu hỏi đó được đặt ra trong khi loài người đã bước sang thế kỷ 21 khởi đầu thiên kỷ thứ ba với những phát triển kỳ diệu của kỹ thuật truyền thông làm gia tăng khối lượng trao đổi thông tin giữa con người. Trong khung cảnh đó, tư duy của loài người hiện nay không phải tư duy của loài người hơn 2,000 năm trước. Đức tin của con người ngày nay là đức tin của trí tuệ sáng suốt, chớ không phải đức tin không biết phân biệt chính tà. Như vậy đức tin ngày nay khác với đức tin của những thiên sứ rao giảng mấy ngàn năm trước đây chăng" Quyết nhiên không khác. Thượng đế quyết không bao giờ muốn loài người đứng im một chỗ trong tư duy. Khi Ngài vạch ra cho chúng ta một con đường để đi, đó là vì Ngài không muốn chúng ta đứng im một chỗ. Trái lại Ngài muốn loài người tiến lên. Chỉ có những loại giáo điều chính trị cứng nhắc không biết tự sửa đổi mới giam hãm bộ óc con người trong một cái rọ bằng thép.
Và lạ lùng thay, đức tin không mù quáng lại là đức tin có chao đảo, có nghi ngờ. Khi đức tin biết đặt dấu hỏi, những người dẫn đường không thể nào dìu dắt tín đồ vào đường của ma quỷ như chúng ta đã thấy tình hình thế giới sau ngày 11 tháng 9. Khi có trí tuệ để trả lời được những câu hỏi, đức tin đó chỉ vững thêm chớ không bao giờ sợ mất. Chỉ có đức tin mù quáng mới sợ mất.