Trước thềm năm mới, năm 2000, Văn Phòng Robert Mullins International xin kính chúc quý thính giả và độc giả một năm an khang thịnh vượng trong sự đoàn tụ của gia đình.
Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin mời quý thính giả nhìn lại các hoạt động bảo lãnh và đoàn tụ trong năm 1999, một năm có nhiều thay đổi về chương trình tỵ nạn và di dân, có ảnh trực tiếp đến cộng đồng Việt Nam chúng ta. Biến cố quan trọng nhất là việc đóng cửa cơ quan ODP Bangkok và việc thiết lập Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon.
1- VIỆC ĐÓNG CỬA CƠ QUAN ODP BANGKOK :
Năm 1999 đánh dấu một khúc quanh lịch sử về chương trình tỵ nạn và di dân đối với cộng đồng Việt Nam do việc đóng cửa cơ quan ODP Bangkok, vì trong suốt 20 năm dài ODP là cơ quan duy nhất phụ trách vấn đề định cư cho người Việt Nam tại Hoa Kỳ theo các diện di dân hay tỵ nạn. Trong suốt thời gian hoạt động, cơ quan ODP đã định cư được khoảng gần 500,000 người Việt Nam, những người muốn đoàn tụ với thân nhân trên miền đất hứa, hoặc muốn tìm tự do và tránh khỏi chế độ cộng sản, theo một thủ tục hợp pháp và an toàn hầu tránh được các hiểm nguy chết chóc của con đường vượt biên.
Hầu hết những người hội đủ điều kiện thuộc chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees) và Tu Chính Án McCain đều được phỏng vấn để cho đi định cư. Sau ngày 30 tháng 9, 1999 các đơn mới về hai chương trình này sẽ không còn được nhận vì ngân khoản dành cho các chương trình này đã hết.
Cũng như chương trình ROVR và McCain, chương trình tỵ nạn cho cựu tù nhân cải tạo, thường quen gọi là chương trình HO, trên căn bản cũng đã chấm dứt. Ngoại trừ chương trình McCain mới được gia hạn thêm một năm nữa Các cuộc phỏng vấn cuối cùng cho các hồ sơ mới của chương trình HO đã được thực hiện trong tháng 9-1999 tại địa điểm phỏng vấn ở Saigon của ODP.
Riêng các hồ sơ HO cũ, tức những hồ sơ HO đã được phỏng vấn và bị bác hoặc đương sự vắng mặt trong ngày gọi phỏng vấn, thì những hồ sơ này, tương đối cũng còn khá nhiều, vẩn được Phòng Di Trú thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bangkok tiếp tục quản lý. Nếu đương sự có các giấy tờ tài liệu chứng minh để nộp xin khiếu nại hay kháng cáo thì hồ sơ sẽ được chuyển qua Văn Phòng Cứu Xét Tỵ Nạn và Định Cư (RRU) thuộc Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sàigon để xếp đặt việc tái phỏng vấn. Văn Phòng RRU cũng phụ trách cứu xét các đơn bảo lãnh tỵ nạn mẫu 93 (Visa 93) tức trường hợp một người sang Hoa Kỳ trước, thuộc diện tỵ nạn, và sau đó bảo lãnh cho vợ con đi theo sau cũng thuộc diện tỵ nạn.
Ngoài ra, trong năm 1999 cũng có thông báo cho biết là Văn Phòng RRU của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon sẽ cứu xét các hồ sơ của cựu nhân viên Sở Mỹ đã nộp trước đây nhưng chưa được cứu xét. Việc cứu xét các hồ sơ này có thể tiến hành vào tháng 2, năm 2000.
Những người thuộc diện tỵ nạn đã được phỏng vấn và đã được chấp thuận trước tháng 10-1999 đang được Tòa Lãnh Sự Saigon thu xếp việc đưa đi định cư tại Hoa Kỳ với sự cọng tác của cơ quan thiện nguyện và Tổ Chức Định Cư Quốc Tế (International Organization for Migration, gọi tắc là IOM).
2-VIỆC MỞ TÒA LÃNH SỰ HOA KỲ TẠI SÀIGON:
Từ tháng 8-1999 Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ được mở tại Saigon và bắt đầu phụ trách thủ tục cấp chiếu khán di dân. Việc này có nghĩa là kể từ thời điểm nói trên, thủ tục cấp chiếu khán di dân cho người Việt Nam cũng đồng nhất như tại các nước khác trên thế giới, chớ không có gì đặc biệt như thời còn cơ quan ODP.
Thời gian chờ đợi cấp chiếu khán tại Tổng Lãnh Sự Saigon hiện nay rất mau, chỉ trong một hoặc hai ngày mà thôi. Tuy nhiên thời gian chờ tái xét các hồ sơ khiếu nại hoặc kháng cáo rất lâu, có thể từ 6 tháng trở lên mới biết kết quả ra sao. Ngoài ra việc hỏi thăm tin tức về tình trạng hồ sơ cũng khó khăn và mất nhiều thì giờ hơn.
Cũng kể từ tháng 9-1999, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon bắt đầu nhận đơn xin chiếu khán du học và đơn xin chiếu khán đi tham quan về kinh doanh thương mại. Hiện nay chúng tôi nhận thấy số đơn xin chiếu khán du học bị bác khá nhiều, có lẽ là vì trong số những người Việt Nam được cấp chiếu khán du học Hoa Kỳ trước đây, có rất nhiều người không trở về nước sau khi học xong, mà tìm cách để ở lại luôn Hoa Kỳ.
PHẦN GIẢI ĐÁP CÁC CÂU HỎI CỦA QUÝ VỊ:
Câu hỏi 1: Năm 1998, tôi có làm hồ sơ bảo lãnh cho con gái tôi đi Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn. Hồ sơ bị từ chối và cơ quan ODP cho biết là tôi có thể xin thử máu (DNA test) để xác nhận quan hệ huyết thống cha con. Xin cho biết cách thức thử máu làm sao"
Đáp: Chỉ những Phòng Thí Nghiệm đã được chấp thuận cho làm DNA test mới có tư cách thi hành việc thử máu. Sở Di Trú có danh sách các Phòng Thí Nghiệm này. Trước đây cơ quan ODP có xếp đặt việc lấy máu của người được bảo lãnh ở Việt Nam. Hiện nay cơ quan ODP đã đóng cửa và Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon thì chưa ban hành các thủ tục về thử máu. Tuy nhiên ông có thể liên lạc với các Phòng Thí Nghiệm ở Hoa Kỳ để tiến hành việc thử máu này.
Câu hỏi 2 : Tôi có gặp một bạn gái ở Việt Nam và có ý định muốn kết hôn với cô ta. Xin cho biết là cô ta có thể xin đi du lịch Hoa Kỳ và sau đó nếu đôi bên đồng ý, chúng tôi sẽ kết hôn với nhau tại Hoa Kỳ. Như vậy có được không"
Đáp: Xin đáp là không được. Dù Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon có nhận đơn xin đi du lịch đi nữa thì đơn xin chiếu khán du lịch của cô ta cũng sẽ bị bác, nếu mục đích du lịch của cô ta là để gặp gỡ người bạn trai ở Hoa Kỳ. Cô ta sẽ bị xem như có ý định ở lại luôn Hoa Kỳ, chớ không phải du lịch Hoa Kỳ trong thời hạn cho phép và sau đó trở về Việt Nam, theo đúng như định nghĩa của du lịch. Có lẻ ông nên bảo lãnh cô ta theo diện vị hôn thê thì tốt hơn.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM, sáng thứ Bảy từ 0 giờ 30AM và mỗi trưa Chủ Nhật từ 11:30AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933, San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830, Sacramento (916) 257-6550 hay qua Email: info@rmiodp.com