SAIGON -- Màn bắt cóc Thầy Trí Lực đã thực hiện ở Cam Bốt ra sao" Dưới đây là các chi tiết ẩn kín mới được tiết lộ do chính Thầy ghi lại, được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phổ biến như sau.
Trong bản Thông cáo Báo chí phát hành ngày 28.3.2004 trình bày tiếng nói nhân chứng của thầy Trí Lực về vụ công an Cam Bốt hợp đồng với công an Việt Nam bắt cóc thầy tại Nam Vang đêm 25.7.2002. Nhưng sang ngày 29.3.2004, ông Vũ Anh Sơn, đại diện cơ quan Cao ủy Tị nạn LHQ tại Hà Nội tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng: Chưa có chứng cớ gì về cuộc bắt cóc này. Cho nên ngày 31.3.2004, thầy Trí Lực đã tự tay viết bản Tường trình gửi đến Genève cho ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Đoàn Quôc tế Nhân quyền, hiện đang tham dự khóa họp lần thứ 60 của Ủy hội Nhân quyền LHQ. Ông Ái đã trao bản Tường trình này cho Ủy hội Nhân quyền LHQ sau khi ông lên tiếng cáo giác Nhà cầm quyền Hà nội đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tự do ngôn luận tại Việt Nam (xin xem Thông cáo Báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phát hành tại Genève ngày 2.4.2004). Sau đây là nguyên văn bản Tường trình:
"Bản Tường trình kính gửi Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế"
"Tôi tên là Thích Trí Lực, tục danh Phạm Văn Tưởng, sinh ngày 15.3.1954 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam). Hồ sơ và giấy chứng nhận tỵ nạn số 610 IC, do bà Elisabeth Kirton - Phủ Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) tại Phnom Penh, Vương quốc Cambodia - cấp ngày 28.6.2002. Tôi kính trình sự việc như sau :
"Vào khoảng 19 giờ, ngày 25.7.2002, tôi đang đi bộ trên đường 185, đối diện chợ Russey, Phnom Penh, Cambodia, để mua đồ dùng. Bất ngờ có các người lạ mặt xông vào vây quanh tôi, họ khống chế bắt cóc tôi đưa lên một chiếc xe ôtô đã đậu sẵn gần đó. Tôi bị còng tay, có một người ngồi bên cạnh siết mạnh cổ tôi, nên tôi không thể nào kêu cứu. Có mấy người ở hàng ghế sau đánh vào mặt tôi một cách tàn nhẫn. Họ trấn lột tư trang, tiền bạc và thẻ tỵ nạn trong túi áo tôi. Một người ngồi trên xe hỏi tôi bằng tiếng Việt với giọng nói chính gốc người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ :
- "Ông sang đây có hộ chiếu hay không "
"Tôi thẳng thắn trả lời :
- "Tôi đi tỵ nạn chính trị, đã được hưởng quy chế tỵ nạn do Cao ủy Tỵ nạn LHQ chứng nhận. Tôi được quyền cư trú trên lãnh thổ Campuchia dưới sự bảo vệ của LHQ. Tôi không hề vi phạm pháp luật của đất nước này, cớ sao các ông lại bắt cóc và hành hung tôi "
"Mọi người trên xe đều im lặng. Họ tiếp tục khống chế tôi, nỗi kinh hoàng không thể nào tả xiết !
"Xe chạy khoảng nửa tiếng đồng hồ, đến một cơ quan. Qua ánh đèn điện, tôi đọc được dòng chữ International Police (Cảnh sát Quốc tế). Họ chuyển tôi sang một chiếc xe du lịch loại bốn chỗ ngồi rồi tiếp tục chuyển bánh. Chiếc xe chở những người bắt cóc tôi chạy trước, ngồi ở xe sau tôi đọc rõ ràng biển số ++ 2 - 2475 (hai chữ trước số 2 là mẫu tự tiếng Khmer, tôi không biết). Xe đưa tôi vào một cơ quan tọa lạc tại gần vòng xoay chân cầu Saigon ở Phnom Penh, họ giam tôi vào gian phòng dùng làm nơi hội họp, trong phòng có treo huy hiệu đặc biệt của ngành Công an Campuchia được vẽ lớn. Suốt đêm dài, tôi vẫn bị còng tay. Không có một ai vào phỏng vấn, cho nên tôi không thể nào trình bày để xin liên lạc với với văn phòng Cao ủy Tỵ nạn LHQ đến can thiệp.
"Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, tức ngày 26.7.2002, cũng chiếc xe mang biển số ++ 2 - 2475 lăn bánh hướng về cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ở biên giới phần lãnh thổ Việt Nam, đã có các viên chức thuộc Bộ Công an Việt Nam đứng chờ sẵn. Tôi thấy hai bên chào hỏi, tay bắt mặt mừng. Lúc đó là vào khoảng 10 giờ sáng, ngày 26.7.2002.
"Mọi người chuyển tôi lên xe mang biển số tỉnh Tây Ninh, rồi họ đưa tôi về trại giam B34/A24, Bộ Công an, tọa lạc tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi làm các thủ tục nhập trại, vào khoảng 15 giờ, các cán bộ thuộc Cơ quan An ninh điều tra lại chở tôi đến trụ sở Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây họ lập biên bản khám xét và ông Thiếu tá Nguyễn Đình Hóa đọc lệnh bắt. Tôi thấy lại tấm thẻ tỵ nạn số 610 IC do Cao ủy Tỵ nạn LHQ cấp, và tôi chắc chắn rằng, phía Campuchia đã bàn giao cho Việt Nam, họ thu giữ và buộc tôi ký vào biên bản. Tôi bị khởi tố theo tội danh "Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân", điều 91, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
"Gần một tháng sau (khoảng cuối tháng 8.2002), tại trại giam B34, các cán bộ điều tra lập lại biên bản khác với nội dung không đúng sự thật, là khám xét và bắt tôi tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Họ tuyên bố hủy bỏ biên bản được lập tại trụ sở Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26.7.2002. Tôi không nhận được bản sao này dù có yêu cầu. Các cán bộ điều tra luôn luôn phủ nhận việc bắt tôi tại Campuchia ngày 25.7.2002, và ghi vào hồ sơ tôi bị bắt ngày 26.7.2002.
"Mặc dầu Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt cho tôi bản Kết luận điều tra (ngày 10.3.2003), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt bản Cáo trạng (ngày 25.3.2003), Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử (ngày 25.7.2003, hoãn đến ngày 1.8.2003), thế nhưng tôi vẫn bị tước đoạt quyền được thân nhân đến thăm theo luật định. Mãi đến ngày 22.8.2003 tôi mới được gặp thân nhân, sau gần 13 tháng kể từ hôm bị bắt.
"Sau ba lần Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoãn việc đưa vụ án ra xét xử (ngày 25.7.2003, ngày 1.8.2003 và ngày 5.9.2003), đến ngày 12.3.2004, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử tôi 20 tháng tù giam, mãn hạn tù vào ngày 26.3.2004.
"Tôi có nguyện vọng xin Cao ủy Tỵ nạn LHQ can thiệp cho tôi được đi định cư tại Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Trong thời gian bị tạm giam, tại các buổi thẩm cung cũng như tại phiên tòa ngày 12.3.2004, tôi luôn khẳng định lập trường của mình, rằng tôi không bao giờ quay lưng lại với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và mục đích ra hải ngoại là để tiếp tục phục vụ cho Giáo hội này.
"Tôi cam đoan những điều trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về bản văn này.
"Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2004
"Nay kính tường trình
ký tên Thích Trí Lực"