(Trich tuyển tập NHỚ HUẾ, Tết Giáp Thân, 2004)
Từ khi xa quê mấy mươi năm, tôi đã về thăm quê tính ra cũng đã mươi mười lần. Muenchen và Huế, quãng cách không phải là gần, cuộc đi cũng như cuộc về lắm nỗi nhiêu khê. Nhiêu khê không phải vì đám hành lý lích kích quà bánh, áo quần tiền bạc cho bà con ở quê nhà, nhiêu khê nằm nơi tấm lòng của người đi, mỗi lần lên đường lại cảm thấy mình như một cơn gió vô định, không tên. Rất nhiều khi sau cuộc chạy đua với thời gian để đến kịp giờ bay, hôn vội vàng đứa con gái đi tiễn, lật đật lên tàu, kéo dây nịt an toàn khi phi cơ cất cánh, vừa hoàn hồn trong chiếc ghế, bất chợt câu hỏi hay đến với tôi khi nhìn qua khung kính phi cơ thành phố Muenchen dưới kia đang dần khuất: "tôi đi hay về"" Huế tôi sắp đến kia là quê tôi đó, đây Muenchen xa xôi này là nơi tôi đang sống gần hơn một nửa tuổi đời. Trở về hay Ra Đi" Đi xa đứa con dưới đất đang trên đường Muenchen trở về nhà của mẹ là tôi, để Về gần Ai nơi xứ Huế, khi hai phần ba người thân ở đó đã về với đất"
Cảm giác "mây nổi" xâm chiếm hết tâm hồn và câu trả lời không gọi được thành câu. Cũng thế ở phi trường Phú Bài, sau những phút giã từ bà con, anh chị em đưa tiễn tôi ĐI VỀ Muenchen, vừa ngồi trên máy bay, nhìn xuống dãy núi Trường Sơn xanh lam quen thuộc đang mờ dần nơi cuối trời, sông Hương xa tít lấp lánh như một lá tre nhỏ đâm nhói tim và câu hỏi lại đến: "Tôi lại đi xa hay đang về với gia đình" Tôi sẽ về nhà hay đang xa nhà""
Nhà mình thật sự là nơi đâu" Lại thấy mình bồng bềnh như những đám mây trôi nổi đang lướt qua khung cửa phi cơ… Ở Huế vội vàng là thế, chưa đủ năm ba ngày quây quần với bà con bạn bè đã thấy mình đang lấy tư thế dợm chân chuẩn bị trở lại Muenchen. Về đến Muenchen vui gặp gia đình được mấy hôm chợt thấy hình như mình đang nhẩm tính trong lòng chuyến đi Huế sắp tới, tuồng như mình đã để quên một thứ chi thân thiết nơi đó, phải về ngay để lấy đem theo…!
Đã lâu rồi có một triết gia hiện sinh nào đó nói về tâm trạng "không nơi đâu là nhà", bi đát như số phận người Do Thái lang thang. Thảm trạng phi lý Camus (*) "lưu đày và quê nhà" trở nên một "cách nói hiện sinh" thời trang của những kẻ chưa bao giờ bước chân ra khỏi ngưỡng cửa ba bước như trường hợïp của Trịnh Công Sơn thời thanh xuân. Người họ Trịnh một thời du ca với cơn mộng viễn du lênh đênh làm trào nước bọt ứa nước mắt cho những kẻ ru rú xó nhà. Đến khi nếm được vị lênh đênh trời nước mới biết đoạn trường ai có qua cầu ! Nào ai có đạt đạo như Tô Đông Pha nghe kể sương mù Lô Sơn sóng dữ Triết Giang hăm hở lặn núi trèo non đến đó "đến rồi lại thấy không gì khác: mù khói Lô Sơn, sóng Chiết giang" để bật cười ha hả rồi xách gói ra về.
Tô Đông Pha đến và đi không một chút vướng bận còn kẻ tầm thường như tôi "đi thì nhớ ở thì vương". Mà "vương" thật! Hễ vương gió bên này thì lại nhớ mưa bên nớ, thấy nắng bên kia mà nhớ tuyết bên này. Thoạt đầu cứ cho rằng đó là một thứ tình nhớ rất tự nhiên, lành mạnh, ai không nhớ mới là kẻ vô tình. Cứ yên chí mình lành mạnh cho nên đã xem thường câu nhận xét nhẹ nhàng của ôn Thiện Siêu chùa Từ Đàm, một lần nghe tôi thưa chuyện trong điện thoại, ôn nói giọng đơn sơ, từng tửng: "Ừ răng nghe lạ! xác bên nớ mà hồn thì ở bên ni, nói nghe như người nằm ngủ nói mê!" Vị sư không thấy rõ mặt người đối thoại mà đã chẩn bịnh thấu tâm gan phèo phổi, còn người bệnh thì cứ tưởng mình vai u thịt bắp, lòng gan dạ thép nên cứ nhởn nhơ, mang ung thư trong dạ dày mà vẫn tưởng mình sung sức. Cho đến khi bệnh tình tọa họa mới biết mình ngắc ngoải trong cõi Đi-Về như câu chuyện về Tết nửa khóc nửa cười mà tôi sắp kể ra đây.
Năm ấy cuối đông, cuối đông bên trời Tây vào tháng hai tây lịch rơi nhằm vào tháng chạp âm lịch. Không biết những nơi nào có những ngày đông kỳ dị như ở Muenchen" Mùa đông đang lê thê tưởng như còn mãi, bầu trời vần vũ mây xám mịt mù, cỏ cây đang tê cóng bất động như ở trong cõi chết, bỗng bất ngờ một tia nắng từ phương nào chiếu đến, le lói, sắc sảo như một đường kiếm vung ngang trời nhanh đến mười thành công lực, đâm xuyết mấy từng mây, sướt qua những đỉnh núi nước đá, xẹt vào đường phố, chọc thẳng vào thị giác đến nhức mắt, quáng đầu. Nắng quái mùa đông thường làm quay quắt thần kinh, và kẻ nhạy cảm có thể bị "quật" như Tôn Ngộ Không bị chú Kim Cô, vật vã rên rỉ như có muôn nghìn mũi kim châm vào những huyệt li ti của chân tóc. Đó là những lúc người Muenchen bỗng thấy chân đi hỏng đất, thao thức, hốt hoảng trong một trạng thái thần kinh bị động. Cùng với tia nắng "Foehn" (*) quái dị là cơn gió bất ngờ ùa đến, lay tan nhanh đám tuyết trong vườn, không khí loãng đi trong hơi nóng đột ngột, vạn vật bỗng trần trụi sửng sốt trước cú chuyển trời xuất kỳ bất ý, ngơ ngác ngượng ngập như một phụ nữ đang thay áo bị tấm màn giựt rơi xuống đất.
Ban đêm gió xoay vòng như một cơn lốc, phần phật bay nhanh trên mái nhà rồi bỗng đổi chiều quay ngược lại như tìm kiếm những đối tượng sinh khí để ùa đến, thổi thốc vào tim như một con thuồng luồng ma quái tìm người để hút hồn, rồi như được nhập hồn cơn gió bỗng chuyền hơi nóng thành những đợt sóng lao xao không ngừng quấy động trên những nhánh cây khô. Không hiểu cơn gió ấy có những tầng rung động đột kích cơ thể ra sao, chỉ biết những ngày đông đột chuyển như thế thường làm cho tôi bỗng nhớ "Nhà... Huế" lạ lùng, như thể cơn Foehn nắng gió làm cho không gian trống trải và lòng mình bỗng là một căn nhà hoang bơ vơ trên ngọn đồi trơ trọi.
Cũng không biết có phải tờ lịch trên tường hay cơn gió quái thì thào bên tai như một lời nhắc nhở, chừ đây ở nơi xa xôi đó năm đang tàn và Tết sắp đến. Không biết có phải vì buổi sáng nhìn ra khu vườn trơ trụi bỗng hiển hiện gtrong tâm ởtưởng cây mai gầy bên cạnh bể cạn nơi cố viên xa xôi, thầm lặng nhưng ồn ào lời vẫy gọi người về nhìn mai đang độ nở… Trong không khí nửa đông bên này mà nửa xuân đã đến bên kia như thế, buổi sáng điểm tâm tôi nói bất chợt giữa hai miếng bánh mì "toast": "Năm ni cho mạ về Huế ăn Tết hỉ!"
Lời đề nghị cũng là lời khẳng quyết. Con gái tôi, sinh và lớn lên ở Đức, mau mắn và thông cảm: "Ô, về Huế! sướng quá! Lúc mô mạ bay, để con lái xe đưa mạ ra phi trường cho" (con tôi vừa có bằng lái xe nên rất ham đi đưa đi đón). Chồng tôi hé mắt qua tờ báo với cái nhìn nghi vấn như thầm nghĩ: "Lại đi về Huế nữa rồi! Vừa mới đi tháng trước về giỗ mẹ!" Chống trả những cái nhìn như thế tôi vẫn dùng chiến lược "trước sự đã rồi" bằng cách chìa vé máy bay đã đặt và nói như xin lỗi: "Lâu quá mấy mươi năm rồi chưa về ăn Tếât, năm ni năm con ngựa, nên phải về thôi. Cho mạ về hí, con ở nhà với ba nghe!" Chuyến đi được chuẩn bị chớp nhoáng như một cuộc đánh úp, nên ai cũng… đầu hàng vô điều kiện, người phản kháng nhất cũng hết đường phản kháng!
Tính ra từ khi cơn gió Foehn nổi lên bất ngờ cho đến ngày tuyên bố chuyến đi chỉ còn hai buổi để chuẩn bị va li, mua quà Tết, sắp đặt công chuyện ở nhà, đúng là nhiêu khê… thứ thiệt. Thiệt tệ hơn nữa là cái tôi "đáng ghét" của tôi, du lịch gần hết trái đất bao lần, nhưng rất vụng về làm va-li mà lại lích ka lích kích hàng trăm thứ, thứ nào cũng muốn đem theo làm quà Tết cho bà con bạn bè. Mãi đến giờ sắp lên đường hai cái va-li đầy nhóc mới được đóng lại - đến nỗi con tôi kêu lên: "Mạ đi hai tuần mà hành lý nhiều như đi ba tháng ri!" Tôi cười xin lỗi: "thì quà thì cáp đủ thứ trong nớ. Kẹo là nhiều nhất, lần ni mạ muốn lì xì tất cả mấy đứa nhỏ trong đại gia đình!" Khi chiếc va-li thứ hai nhiều lần mở ra để thêm thứ này thứ khác còn bỏ quên được khóa lại lần cuối, con tôi đã đứng bên cạnh thúc hối, vì biết tôi có tật đi trễ: "Mạ xong chưa, gần đến giờ rồi, phải đi nửa tiếng đó nghe. Giờ ni hay bị kẹt xe mạ nờ!" Con tôi nói giọng Huế đặc sệt mặc dù sinh ra ở tại Muenchen, vừa nói vừa đưa áo choàng mặc vào cho tôi… Tôi đưa tay xỏ vào tay áo, nắm lấy bàn tay mềm mại ấm áp của con, quay lại bắt gặp ánh mắt ngây thơ đầy yêu thương của con - bỗng nhiên nghe tim xao động như đang bị một cơn gió Foehn từ phương nào khác thốc đến, đứng nơi cánh cửa vừa được mở, tôi thỏng tay, nghe tất cả những vội vàng ra đi đều biến mất, tôi hỏi con: "Bé ơi ! Mạ có nên đi về Huế không hè"" Đứa con kinh ngạc: "Ui chao, răng tự nhiên chừ lại hỏi có đi không hè" đúng ngay lúc ra cửa lên đường".
Tôi nhìn vào nhà, tưởng tượng bàn và ghế sẽ trơ trọi biết mấy trong mấy ngày Tết nếu không có tôi ở đây, sẽ chẳng có ai bày biện làm mứt, nấu bánh, làm dưa món cúng quảy ông bà như những cái Tết tha phương mọi năm, căn nhà sẽ lạnh lẽo bơ vơ. Riêng tôi lại muốn được hưởng Tết sum họp một mình ở quê nhà, bỗng thấy mình ích kỷ. Tôi do dự, bất chợt ngồi xuống muốn cởi áo choàng. Đứa con trở nên nóng nảy: "Ủa, tại răng mạ tự nhiên đổi ý" Chướng kỳ chưa tềø! Đi cho rồi không thôi lại trễ nữa chừ!" Đứa con đã nhiều lần chứng kiến những cuộc chạy đua ra phi trường của tôi nên rất sợ cảnh ấy. Như một người lú lẫn tôi ngước mặt hỏi lại con: "Đi không con hè"" Ui chao, giờ ni mà còn hỏi đi hay không, chỉ còn ba mươi phút để ra phi trường mà còn dùng dằng dùng dưởi không biết đi hay ở. Con tôi bắt đầu mất kiên nhẫn: "Con không hiểu tại răng mami - khi con tôi kêu mami là lúc hắn đang lý luận theo tư duy người Đức - lại mua vé, đã mua vé rồi thì phải đi!" Thấy con la có lý quá mà không thể giải thích được cho con, tôi lặng thinh, đứng bất động giữa hai cánh cửa. Đứa con đâm khùng hỏi xẵng: "Răng mạ" chừ có đi không nì" Mau không thôi trễ rồi!" Không trả lời tôi hỏi lại ngớ ngẩn: "Đi không hè. Hay mạ ở đây ăn Tết"" Đứa con dậm hai chân dãy nảy: "Mami đừng hỏi con, mami phải biết mami làm chi. Mami đã nói mấy mươi năm mami chưa ăn tết ở Huế nên cả nhà ai cũng muốn mami đi về!"
Ô, đúng quá, người ta phải biết mình làm chi chứ! Thế nhưng trong cuộc đời ni nếu mình biết rõ được mình làm chi muốn chi thì đã khỏe chuyện đời !!! Đứa con nhìn đồng hồ nóng nảy, rồi chẳng nói chẳng rằng đưa hai tay kéo xềnh xệch hai cái va-li ra xe. Tôi đứng dậy lò dò theo sau. "Thôi được ! Đi thì Phải Đi, không đi thì vô lý quá." Vả chăng trong đầu tiếng gọi đàng xa kia thúc dục "phải ĐI VỀ". Nếu không đi thì sẽ ân hận, sẽ tiếc nuối, sẽ thấy mình là kẻ tự "phá đám", nhưng chân bước đi… mà LÒNG THÌ NGOẢNH LẠI.
Ngồi trên xe, nghe trong lòng miễn cưỡng, tôi lại thấy mình vô lý thêm một lần nữa, đã không muốn đi thì chỉ việc ra lệnh bảo con dừng xe lại khỏi ra phi trường. Vậy mà cũng phải lên xe ra phi trường - hình như lên xe để biết rõ hơn nữa mình đang lên đường về quê đồng thời cũng để nhận rõ hơn rằng mình đang muốn ở lại. Chiếc xe chồm tới trong bước đạp nhấn ga, tôi ngoái nhìn cổng nhà, thảng thốt thấy mình thiệt tình không muốn "Xa Nhà", nghe ân hận gậm nhấm trong đầu, nhưng không mở miệng thốt nên lời ngăn con dừng xe, tôi xuôi xị ngồi yên như bị động. Trong muôn vàn sự tình của tâm lý bình thường tôi biết mình lúc ấy là một mớ bòng bong mâu thuẫn vĩ đại nên lặng thinh, trong lúc đứa con đang nhích từng bước một trên con đường xa lộ kẹt xe. Hắn toát mồ hôi, mím môi lách giữa hai luồng xe, vượt chiếc này, chận đầu chiếc kia, vừa lái vừa càu nhàu: "Trễ rồi đây nì, ui chao răng mà kẹt xe quá, mạ thấy chưa"" Hắn nóng nảy với cái mục đích ra phi trường cho kịp. Còn tôi, chưa bao giờ tôi thấy mình lại ung dung đến như thế trong cuộc chạy đua với thời gian đi đến đích đã định, bởi vì bỗng dưng tôi thấy hình như mình cầu đi trễ, nói ra thì thêm tội đã hành con cất công lái xe, dù con rất thích giúp mẹ. Quả thật khi xe đến phi trường, máy bay đã cất cánh từ lâu. Không còn cách nào khác, hai mẹ con lại lục tục bê hành lý trở lại xe. Tôi thở phào nhẹ nhõm, chuyện "trễ máy bay" là trường hợp bất khả kháng ngoại tại để đừng… đi. Khoẻ re, không phải tự mình chiến đấu để khỏi băn khoăn giữa đi và ở. Nhưng đứa con thì cáu thật. Đứa con lý luận suốt buổi về sự lưỡng lự của người mẹ, như một người mẹ la đứa con nhỏ. Tôi không cãi lại lời nào, biết rằng trong muôn vàn biện minh, không có biện minh nào bào chữa cho hành động phi lý, mất thì giờ, tốn công sức, tốn não bộ, tốn giây thần kinh của tôi lúc ấy. Nó bảo "mạ có biết làm như ri là tốn thì giờ, mami có biết là làm như ri là mất công mất sức, mami có biết là… biết là…" Con nói chi cũng đúng hết, ui chao đứa con có lý quá, cãi làm sao được, tôi mím miệng, im thin thít. Ừ! thì ai có đầu óc lý trí lại không biết đi là đi, về là về, nhưng khổ nỗi có lúc đi, đi chẳng được, mà về thì về cũng chẳng xong, lý luận mãi nghe nhức đầu, tôi đâm cáu nói bạt mạng kiểu tướng cướp bị dồn vào chân tường: "Nì con, thì mạ biết mạ tào lao, mạ mừng vì chừ con không ở trong da của mạ, thiệt may cho con, con không giống mạ điểm ni đó tề."
Đứa con không biết rằng trong một triệu thứ phải "biết" trên đời, một điều chắc chắn mà tôi biết lúc ấy là nếu tôi không ra phi trường để bị trễ tàu bắt buộc phải quay về không đi nữa, có lẽ tôi sẽ điên, sẽ bệnh vì tiếc nuối chuyến về quê ăn Tết. Phải đi như bản năng của cá hồi, khi ngọn gió thổi về làm sởn ốc làn da, khi con nước chảy xiết dồn máu bừng trong gan đánh thức nỗi nhớ âm ba nguồn cội, khi ánh dương quang trên sóng nước tha phương làm đỏ mắt cá mơ về những sỏi đá thuở sơ sinh, khi hơi thở sủi tăm bỗng như nồng nàn hương suối tóc rong rêu nơi hóc đá sinh thành, cá hồi quay quắc ngược dòng, PHẢI trở về nguồn, dù chuyến băng đồng vượt thác về nguồn là cuộc tử sinh mười phần chết bảy. Đối với cá hồi hình như chuyến về gian nan sau mỗi phiêu lưu mang nghĩa sống tột cùng của thân phận cá hồi, không trở về mới là nỗi chết mòn mỏi. Thế nên con người như tôi cũng PHẢI ĐI, đi một vòng để cảm thấy mình ra đi, - mà con người thì "láu cá", phức tạp hơn cá hồi với bao thủ thuật tự che đậy mình! - Nên đi rồi quay lui, đi như một thứ lễ nghi của phù thủy đồng bóng biến thế giới thực thành ảo, ảo thành thực, để được an lòng. Nếu không ra phi trường thì sự tiếc nuối chuyến đi sẽ vô cùng vô tận và tôi sẽ không tha thứ cho tôi đã ngồi lại không lên đường về với Tết quê hương. Hình như cuộc đi nửa vời này là một sự đánh lừa cái TÔI HUẾ đang quay quắt mong về quê ăn tết, tương tự như tôi xin lỗi cái TÔI HUẾ rằng, tôi lỡ chuyến tàu nên xin hẹn một lần khác.
Chuyện tôi không đi, cả nhà cười.
Nhưng chưa được một ngày, từ hai cái va-li chưa kịp dọn dẹp nghe như có tiếng phản đối của mấy món quà dành cho những người thân đang ngóng đợi. Mấy chục gói kẹo như mấy cặp mắt to tròn của những đứa cháu nhỏ đang dương lên hỏi han, gói chocolat cho cô bạn thân, áo sơ mi cho anh, cà vạt cho em đang quày quạy lắc đầu thất vọng… Tôi tưởng tượng không khí ăn Tết ở nhà, bao nhiêu cuộc hẹn bỏ dở. Ban đêm gió Foehn vẫn rít trên mái nhà, nằm úp đầu xuống gối tôi bỗng thấy ý nghĩ mình đang rình rập, vờn quanh nơi hai chữ "đi về", lân la vân vê tấm vé máy bay trong trí tưởng. Tôi thòm thèm, tôi tiếc nuối, thấy chuyến đi vẫn còn… nóng hổi: vé đổi được, mà va li đã làm xong, chỉ cần khoác áo, chân bước ra đi… là có thể về ăn Tết ở Huế! Không khí Giao Thừa trong gió lạnh, sáng mồng một đi chùa, ngắm mai trong vườn Linh Mụ. Chao ơi ước mơ đã mấy mươi năm! Buổi sáng tôi loay hoay nói với con: "Hay mạ đi hè. Họ nói vé còn đổi được. Chiều ni có chuyến bay." Đứa con nhìn sâu vào mắt mẹ, hình như nó tội nghiệp cho cái nhúm sinh linh bé nhỏ đầy mâu thuẫn đang đứng trước mặt mình, nên kiên nhẫn và từ bi: "Rứa thì mạ đi đi. Về gặp mấy cậu vui lắm tề!" Tôi như cái lốp được thổi phồng: "Rứa thì chiều mạ đi hí!" Đứa con sốt sắng: "Chiều đi học về con đưa mạ đi, mà lần ni thì không được trễ đó nghe!" Tôi hứa chắc.
Đúng giờ trường bãi, khuôn mặt hiền lành của con hiện ra nơi cửa kính với tiếng lách cách của chùm chìa khóa. Tôi đã sẵn sàng áo mũ, đứng dậy phụ con xách va-li ra xe. Thùng xe đã đậy, lên xe, quàng dây an toàn cũng đã xong, con tôi đút chìa khóa vào xe, sắp sửa rồ máy, tôi bỗng nghe tiếng mình cất vội vàng: "hay mạ ở nhà con hè"" Có một bản năng nào đó của cá hồi đang quay ngược dòng thác trong tôi! Đứa con há hốc miệng tròn mắt, muốn nói mà nói không được, ú ớ: "Mami mami nói chi lạ", rồi từ cấm khẩu đến nỗi giận phát khóc: "Chừ mami phải nói mami muốn đi hay ở, cho rõ ràng đi!" Tôi nói như vừa xin lỗi vừa thú tội với con: "Mạ cũng không biết mạ muốn chi con ơi! Chừ đi hay không con hè""
Ui chao, con tôi quát lên, "con không muốn nghe câu nớ nữa".
Đứa con nhìn mẹ như nhìn một hiện tượng kỳ quái, hắn nghĩ trong bụng "chưa thấy có bà mami nào như bà mami ni", trong lúc người mẹ bối rối đưa tay lên cắn môi: "Mạ đi thì ai gói bánh chưng ở nhà" Mạ đi mạ sợ con buồn!" Đứa con gắt lên: "Thì mạ cứ đi, có ai buồn mô nà, ai cũng cho mạ đi hết mà." Rồi bỗng dịu giọng bất ngờ, như vừa xin lỗi vừa tội nghiệpï: "Thôi được, mạ nói mạ không biết muốn chi, chừ mạ muốn con trả lời theo con phải không"" Tôi như vớ được chiếc phao: "Ừ con nói đi". Hắn mếu máo nước mắt nước mũi nhồm nhoàm: "Thì con nói thiệt: con không muốn mạ đi!" Nước mắt từng hột lăn tròn ràn rụa - con tôi có tật khi khóc thì khóc òa bù lu: "Cả nhà có ai muốn xa mạ một giây mô, tại vì con thấy mạ thích về nên con mới để mạ đi chớ con không muốn. Thôi chừ con nói theo ý con: mạ ở nhà đừng đi nữa!" Nói xong đứa con ôm chầm lấy người mẹ, cả hai ôm nhau vừa khóc vừa cười trong xe.
Năm ấy tôi gói bánh chưng ăn Tết như mọi năm ở Muenchen. Lần đầu tiên thấy tâm mình thực sự định cư, yên ổn một nơi: không phải nơi Huế là quê tôi sinh ra, cũng không phải là nơi Muenchen mà tôi đã trú ẩn hơn nửa tuổi đời, mà là chốn ấy, căn nhà vĩnh viễn: tình thương sâu thẳm ít lời như một nguồn suối lành chữa bệnh trầm kha.
Sáng mồng một Tết, nhìn nhánh hoa vàng na ná giống hoa mai chưng trong phòng cho ra cảnh tết, cũng nghe nhớ một cành mai cốt cách quê nhà, nhưng không phải là cành mai não nuột đau xót của Lê Cảnh Tuân mòn mỏi bơ vơ nơi đất khách mà là cành mai thân thuộc của một Vương Duy tự tại với lời gửi gió Foehn đem đi: Mai lạnh bên cạnh bể cạn trong vườn nhà đã rộ hoa chưa" Hỡi Huế trong tôi và Huế xa tôi !
Thái Kim Lan
November 2003
* Albert Camus 1913 - 1960, giải thưởng văn chương Nobel năm 1957, tác phẩm "L'exil et le royaume".
* Foehn: tiếng Đức chỉ cơn gió nóng do thời tiết đặc thù của vùng Bayern, còn có nghiã là cái máy sấy tóc.