*Bùi Văn Phú
[Hành Trình Của Một Kinh Tế Gia Việt (Tâm Bút) của Phạm Đỗ Chí. 158 trang. Nhà Xuất Bản Trẻ. Sài-gòn, 2003]
Trong vài năm qua đã có những sơ sở xuất bản trong nước cho in và phát hành một số tác phẩm của người Việt hải ngoại. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi được đọc tập sách nhỏ Hành Trình Của Một Kinh Tế Gia Việt (Tâm Bút) của tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, một người Mỹ gốc Việt hiện giảng dạy tại American University ở thủ đô Washington.
Đây không phải là tác phẩm đầu tiên của Phạm Đỗ Chí. Ông từng viết cho các báo Việt ngữ tại hải ngoại với bút hiệu Phạm Đỗ Thăng Long và đã cho ra đời một tập bút ký khoảng mười năm trước. Hai năm trở lại đây ông cùng với một nhà kinh tế Việt khác ở Úc đứng làm chủ biên hai quyển sách bàn về kinh tế Việt Nam (*) đã được xuất bản trong nước.
Tâm Bút gồm những bút ký và một số bài phân tích tình hình kinh tế Việt Nam, Trung Quốc và thế giới sau biến cố 11 tháng 9. Nếu hai tập sách đã xuất bản mang nặng chất xám và nghiêng hẳn về nghiên cứu kinh tế thì Tâm Bút, như ý của tiểu tựa tập sách, chứa đựng những suy nghĩ và ước vọng tiềm ẩn trong tim, mà nói theo ngôn từ bình dân là tấm lòng của tác giả đối với một quê hương Việt Nam còn lạc hậu, kém phát triển đến mủi lòng khiến tác giả cảm thấy niềm tự hào Con Rồng Cháu Tiên của người Việt chưa được đặt đúng chỗ: "Chúng ta chưa xứng đáng xưng danh Con Rồng Cháu Tiên khi nào đất nước mình còn nghèo và tụt hậu so với các nước láng giềng châu Á."
Việt Nam không chỉ kém mở mang so với lân bang. "Vị trí tụt hậu của Việt Nam, có lẽ chỉ khá hơn vài nước châu Phi trên bản đồ thế giới" là so sánh với những gì tác giả đã tiếp cận ở Togo, Niger hay Mauritania, những nơi ông đã sống hay ghé qua trong những dịp tham dự hội nghị về kinh tế và phát triển. Với kinh nghiệm ba năm làm đại diện thường trực của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tại Togo, một nước ở phía tây châu Phi (không phải trung Phi như trong sách đã ghi), niềm tủi hổ vì một nước Việt Nam nghèo nàn còn dấy lên mạnh mẽ khi tác giả nghe các chuyên gia kinh tế hết lời ca ngợi những con rồng của châu Á là Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản tại những hội nghị.
Gần gũi quê nhà hơn, ông làm đại diện cho cùng một cơ quan tài chính quốc tế tại Lào vì thế những quan sát và nỗi dày vò trong tim của tác giả khi nhìn về quê hương có những giá trị thực tế. Ông kể chuyện gặp gỡ, bàn luận với Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Lào về kinh tế hơn mười năm trước đây xem ra cũng giống như hai ba năm trước cựu tổng bí thư Đỗ Mười, trong ban cố vấn tối cao của đảng, đã hỏi cặn kẽ những chuyên viên kinh tế Việt về từng điều khoản trong bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt để rồi, vì không đủ kiến thức kinh tế, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam đã quyết định đình hoãn việc ký hiệp định đến hơn cả năm. Vì lãnh đạo thiếu kiến thức và một phần còn mang những nghi ngờ, đặc biệt đối với người Mỹ, nên tác giả cũng như nhiều Việt kiều khác muốn mang tài năng đóng góp cho đất nước nhưng cảm nhận mình như là "người lạ" trong môi trường làm việc ở Việt Nam.
Để đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng phát triển lừng khừng, theo tác giả nhà nước cần quyết tâm thúc đẩy đổi mới kinh tế mạnh mẽ hơn bằng việc giảm khu vực quốc doanh, nâng cấp các hoạt động tư doanh, vì ông đã chính mắt nhìn thấy ở nhiều quốc gia kém mở mang những đầu tư do chính phủ thực hiện thường là lãng phí, bị tham nhũng đục khoét và kém hiệu quả, tự do kinh doanh và sản xuất sẽ giúp kinh tế tăng trưởng; cải tiến thủ tục hành chính rườm rà, bớt việc kiểm soát, gây khó dễ để thu hút đầu tư nước ngoài trở lại; cải tổ hệ thống luật pháp hầu đem đến một xã hội công dân, pháp trị kẻo không sẽ dẫn đến một nền kinh tế "tư bản rừng" như có người đang lo ngại.