Vào ngày 12 tháng 7 năm 2006 vừa qua, Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thường được gọi là Ban chỉ đạo 33, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Hà Nội để bàn về phương hướng và giải pháp khắc phục hậu quả mà chánh phủ Việt Nam cáo buộc là do các chất hóa học mà quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam gây ra. Một trong những phương hướng khắc phục được thảo luận là việc tẩy độc một số điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin, mà điển hình là các phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, và Phú Nhuận (tức Phù Cát).
Để tìm hiểu thêm chi tiết về các điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin ở Việt Nam cũng như các giải pháp tẩy độc được bàn luận trong cuộc tọa đàm nầy, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang, một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ông rất quan tâm và thường xuyên theo dõi những diễn tiến liên quan đến sự hiện diện và ảnh hưởng của các hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe của người dân ở Việt Nam. Xin mời quý thính giả theo dõi.
- Hỏi: Trước hết, KS vui lòng giải thích cho quý thính giả của đài Á Châu Tự Do biết về những điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin ở Việt Nam.
- Đáp: Dạ thưa, danh từ "điểm nóng" được dịch sát nghĩa từ danh từ "hotspots" của tiếng Anh. Trong khoa học về môi trường, điểm nóng được dùng để chỉ một vùng có phạm vi giới hạn nhưng mức độ ô nhiễm rất cao so với mức độ ô nhiễm có nguy cơ hủy hoại môi trường hoặc sinh vật trong một thời gian rất ngắn. Ở Việt Nam, những điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin được xác định qua lý thuyết (theory) của Hatfield Consultants, một công ty (CT) cố vấn về môi trường ở Vancouver, Canada, và qua kết luận của Bác sĩ (BS) Arnold Schecter của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Texas-Houston ở Dallas, Texas. Theo lý thuyết của CT Hatfield, những điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin là những căn cứ quân sự cũ của quân đội Hoa Kỳ đã từng tàng trữ, phân phối, bị phun xịt, và rò rỉ chất da cam; và người dân địa phương có thể bị tiếp nhiễm vì mức độ ô nhiễm dioxin ở các căn cứ quân sự cũ nầy cao nhất. Theo BS Schecter, những điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin là những nơi mà dioxin trong thực phẩm hoặc trong máu của cư dân có nồng độ rất cao so với thực phẩm và cư dân ở những nơi khác.
- Như vậy, có bao nhiêu điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin đã được xác định ở Việt Nam, thưa KS"
- Tôi không có con số chính xác nhưng tôi nghĩ rằng, không một ai, kể cả các cơ quan chức năng Việt Nam và các chuyên viên hoặc cơ quan nghiên cứu quốc tế, biết một cách chính xác số điểm nóng ô nhiễm chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Còn những con số mà tôi được biết thì không giống nhau. Theo BS Schecter thì có khoảng 10 điểm, đài BBC thì nói có 12 điểm, các viên chức có thẩm quyền của Việt Nam thì nói có khoảng 30 điểm, còn CT Hatfield của Canada thì nói hơn 50 điểm. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì tất cả các con số nầy là những con số phỏng đoán mà thôi.
- Trở lại với cuộc tọa đàm ở Hà Nội ngày 12 tháng 7 vừa qua, Tiến Sĩ (TS) Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Ban chỉ đạo 33 cho biết, vào đầu năm 2007, sẽ tiến hành tẩy độc ba điểm nóng nhiễm chất da cam/dioxin nằm trong khu vực phi trường quân sự Đà Nẳng, Biên Hòa, và Phù Cát. KS có thể cho Quý thính giả biết thêm chi tiết về ba điểm nóng nầy không"
- Dạ thưa phi trường Đà Nẳng, Biên Hòa, và Phù Cát là ba trong số năm phi trường dùng làm nơi phát xuất các phi vụ khai quang trong cuộc chiến Việt Nam, trong đó có phi trường Tân Sơn Nhứt và Nha Trang. Theo tin tức đăng tải trên báo Lao Động ngày 13 tháng 7 năm 2006, thì khu vực phi trường Đà Nẳng được xem là "điểm nóng nhất" vì có đến 85.000 m3 đất bị ô nhiễm dioxin với nồng độ trung bình là 10.000 phần ức hay ppt (parts per trillion). Nhưng nồng độ nầy thì không phù hợp với con số vài trăm ngàn ppt mà các nhà khoa học Việt Nam đã thông báo với TS Dwernychuk của CT Hatfield trước đây. Tôi cũng không hiểu tại sao dioxin được tìm thấy ở khu vực phi trường Đà Nẵng với nồng độ cao như vậy, bởi vì theo tài liệu vừa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mật, không có một vụ rò rỉ nào xảy ra ở bên trong phi trường Đà Nẳng mà chỉ có những thiệt hại cây cối và hoa màu ở một vài khu vực bên ngoài phi trường do việc sử dụng thùng rỗng không đúng cách được báo cáo. Hơn thế nữa, nồng độ dioxin ở đây rất thấp so với nồng độ 1.160.000 ppt mà BS Lê Cao Đài tìm thấy ở phi trường Biên Hòa vào năm 1999.
- Còn điểm nóng ở khu vực phi trường Biên Hòa thì sao, thưa KS"
- Cũng theo báo Lao Động, phi trường Biên Hòa có khoảng 90.000 m3 đất bị ô nhiễm dioxin với nồng độ trung bình là 6.000 ppt. Nhưng theo kết quả nghiên cứu năm 1999 của BS Lê Cao Đài, 3 trong 4 mẩu đất thu thập ở đây có nồng độ dioxin rất cao: 1.160.000 ppt, 606.969 ppt, và 10.580 ppt. Theo tài liệu vừa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mật thì các loại thuốc khai quang như chất da cam, trắng, và xanh được tìm thấy dọc theo đường thoát nước và một bàu nước (swamp) cạnh khu vực dành cho chiến dịch Ranch Hand ở phi trường Biên Hòa. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là chất da cam qua vụ rò rỉ xảy ra ngày 1 tháng 3 năm 1970 khiến khoảng 7.500 gallons bị thất thoát qua một lỗ thủng trên đường ống ngầm dùng để bơm chất da cam từ bồn chứa ra máy bay. Kết quả nghiên cứu trong tháng 4 năm 1970 cho thấy nồng độ cao nhất của chất da cam ở trong đất nơi rò rỉ là 106.100.000 ppt. Nếu chất da cam có chứa 50 phần triệu (hay ppm) chất dioxin, thì nồng độ cao nhất của dioxin ở trong đất nơi ngay nơi rò rỉ là 5.305 ppt vào năm 1970 và chỉ còn khoảng 660 ppt vào năm 1999 nếu thời gian bán hủy của dioxin là 10 năm.
- Theo chỗ chúng tôi được biết, vào ngày 10 tháng 7 năm 2001, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định là ông Vũ Hoàng Hà đã yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp cùng tiểu đoàn 906 thuộc Bộ Tư lệnh Hoá học và các cơ quan liên hệ tiến hành khảo sát chi tiết, lập phương án xử lý cụ thể hầm chứa chất độc hoá học tại khu vực 8 phường Bùi Thị Xuân mà Ông cho là "vùng đất bị ô nhiễm chất độc da cam nguy hiểm nhất." Đây có phải là điểm nóng thứ ba được đề cập đến trong cuộc tọa đàm ngày 12 tháng 7 không, thưa KS"
- Ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có lẽ đã "đồng hóa" tất cả các hóa chất với chất da cam, vì hóa chất ở khu vực 8 phường Bùi Thị Xuân được Bộ Tư lệnh Hóa học xác định là hơi cay CS thường dùng để kiểm tra các hầm bí mật và giải tán biểu tình phản chiến hay chống đối chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa trong thời chiến tranh. Còn điểm nóng được đề cập trong cuộc tọa đàm nằm trong khu vực phi trường Phù Cát, mà theo báo Lao Động, có 40.000 m3 đất bị ô nhiễm dioxin với nồng độ trung bình là 1.500 ppt. Theo tài liệu vừa được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mật thì không có một vụ rò rỉ chất da cam nào xảy ra trong phi trường Phù Cát cả.
- KS có nhận xét gì về việc xác định các điểm nóng ô nhiễm dioxin ở phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, và Phú Cát"
- Tôi không có kết quả nghiên cứu chi tiết về việc xác định các điểm nóng ô nhiễm dioxin ở ba phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, và Phù Cát; nhưng dựa theo những gì được Ban chỉ đạo 33 công bố, thì việc xác định nầy rất đáng nghi ngờ vì nó không phù hợp, nếu không muốn nói là mâu thuẫn, với dữ kiện đã biết từ trước. Dường như những con số về mức độ ô nhiễm dioxin được đăng tải trên báo Lao Động chỉ là những con số phỏng đoán rất thô sơ; do đó, Ban chỉ đạo 33 đã lên kế hoạch để "khoanh vùng chính xác các khu vực bị nhiễm dioxin tại ba điểm nóng" như TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết trong cuộc tọa đàm tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 7 vừa qua.
- Theo tin tức đăng tải trên mạng Netnam ngày 18 tháng 7 năm 2006, muộn nhất là vào đầu năm 2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tiến hành tẩy độc ba điểm nóng ô nhiễm dioxin ở phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, và Phú Cát bằng phương pháp chôn lấp tích cực. KS có nhận xét gì về việc tẩy độc nầy"
- Theo tôi, dường như Ban chỉ đạo 33 đang đặt cái cày trước con trâu khi tiến hành việc tẩy độc ba khu vực trong phi trường Đà Nẳng, Biên Hòa, và Phù Cát. Mặc dù chưa biết một cách chính xác mức độ và phạm vi bị ô nhiễm dioxin và cũng chưa có tiêu chuẩn về nồng độ cho phép của dioxin trong đất để ấn định phạm vi ô nhiễm và để ấn định tiêu chuẩn cho việc tẩy độc, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang lên kế hoạch để thực hiện việc tẩy độc. Vì thiếu dữ kiện căn bản tối cần thiết, kế hoạch tẩy độc ở khu vực phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, và Phù Cát của Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể sẽ không mang lại kết quả mong muốn vì tẩy độc không đúng chỗ hoặc không đúng phương pháp.
- Như vậy, theo KS, Ban chỉ đạo 33 phải làm gì để việc tẩy độc chính xác và có kết quả tốt"
- Việc đầu tiên là ấn định nồng độ cho phép của dioxin cho mỗi loại đất khác nhau, như đất dùng cho nông nghiệp, kỹ nghệ, thổ cư, khu quân sự, rừng, vân vân. Nồng độ nầy phải dựa trên kiến thức mới nhất về ảnh hưởng của dioxin chứ không thể tiếp tục dùng con số 1.000 ppt được ấn định hơn 2 thập niên về trước. Sau đó, một cuộc nghiên cứu chi tiết và kỹ lưỡng cần phải được thực hiện để ấn định chính xác phạm vi ô nhiễm cũng như thu thập tài liệu cần thiết để quyết định xem tẩy độc có cần thiết hay không, và nếu có, thì phương pháp nào là thích hợp và khả thi nhất. Nhà cầm quyền Việt Nam nên hợp tác với Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu nầy vì nó nằm trong khuôn khổ mà hai phía đã thỏa thuận sau hội nghị khoa học về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe và môi trường ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 3 năm 2002.