Như vậy, để có cơ hội hiểu biết thêm cúm gà H5N1 là gì, vì sao bệnh dịch có thể hoành hành kinh khủng như thế và nguy cơ của nó đối với nhân loại như thế nào, Saigon Times xin mời quý độc giả theo dõi bài viết tổng hợp các bài từ những tạp chí Time (ấn bản Á Châu) và Newsweek (ấn bản quốc tế) số gần đây nhất.
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT:
Cúm gà avian flu là gì": Cúm gà là một loại bệnh cúm thường chỉ gây chết chóc cho gia cầm như gà và gà lôi. Các loại chim di thê (thay đổi chỗ ở theo mùa), đặc biệt là vịt trời, thường mang vi khuẩn cúm gà loại A (avian-influenza A) nhưng vì chúng có kháng thể cao nên không bị ảnh hưởng. Vi khuẩn từ phân hoặc nước dãi những con chim này được truyền qua các loài gia cầm vốn không có kháng thể cao và dễ bị lây lan truyền nhiễm tạo nên những cơn dịch chết hàng loạt gia cầm.
Một vài loại vi khuẩn cúm gà có thể khiến con người bị bệnh. Trước đây, giới chuyên khoa vi trùng học cho rằng vi khuẩn cúm gà chỉ có thể lây lan sang con người qua loại heo, vì heo thường dễ bị lây cả cúm người lẫn cúm gà. Khi lây sang heo, vi khuẩn sẽ biến thái tự nhiên hoặc kết hợp với vi khuẩn cúm của con người để từ đó lây lan sang con người.
Thế nhưng, năm 1997, tại Hương Cảng, lần đầu tiên mà người ta biết được loại vi khuẩn H5N1 vượt được rào cản thiên nhiên giữa các giống để lây thẳng từ chim gà sang con người. Năm ấy, có 6 trong số 18 người mắc bệnh bị thiệt mạng. Trong cơn dịch hiện nay, có ít nhất 10 người đã thiệt mạng. Nỗi lo ngại lớn lao nhất của các nhà chuyên khoa là H5N1 có thể kết hợp với một loại vi khuẩn cúm của con người - nhờ lây lan qua một người đang bị cúm sẵn, hoặc một con heo đang mang vi khuẩn cúm của người - đổi genes với nhau và tạo nên một loại vi khuẩn mới có thể dễ dàng lây từ người sang người một cách thật nhanh chóng, tạo nên một cơn dịch cúm khủng khiếp chưa từng thấy.
Nguyên nhân gì gây trận dịch lớn lao như hiện nay": Một giả thuyết cho rằng loài vịt trời (waterfowl) đã lây truyền vi khuẩn khi chúng di thê dọc theo Á Châu. Những chợ bán gà, chim sống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho vi khuẩn lan truyền vì các con gà mắc bệnh thường thải phân và nước rãi có chứa vi khuẩn trong vòng ít nhất là 10 ngày trước khi chết.
Làm thế nào mà người ta có thể phòng ngừa không để bị lây bệnh": Những người có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhất là những người làm việc, chung đụng với gà vịt còn sống, chẳng hạn như làm việc tại trại gà hoặc trong những lò mổ gà. Nếu sinh sống tại những nơi hiện có bệnh cúm gà, tránh xa những chỗ này thì sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Như thế, ăn thịt gà vịt có được không": Được. Vi khuẩn cúm gà không phải là loại vi khuẩn lây lan qua đường thực phẩm, nên ăn thịt gà, vịt vẫn an toàn. Mua thịt gà vịt đông lạnh đã được làm vệ sinh sạch sẽ, và nấu thật chín vì vi khuẩn sẽ bị sức nóng giết. Trứng được nấu nướng chiên xào cẩn thận cũng an toàn.
Triệu chứng bị cúm gà như thế nào": Những triệu chứng này bao gồm nóng sốt, đau cổ họng, ho khan, đau nhức bắp thịt, mắt bị nhiễm trùng, sưng phổi và khó thở cấp tính (acute respiratory distress).
Chữa trị cúm gà bằng cách nào": Các loại thuốc chống vi khuẩn (antiviral drugs) như amantadine và rimantadine có hiệu quả trong việc chống lại một vài loại vi khuẩn cúm, thế nhưng, loại vi khuẩn hiện đang hoành hành ở Á Châu luôn biến thái (mutate) và dường như có sức chống lại những loại thuốc tương đối rẻ tiền này. Người ta tin rằng những loại thuốc đắt tiền hơn, như Tamiflu, sẽ có hiệu quả hơn, thế nhưng, loại thuốc này thì chỉ có số lượng hạn chế. Trong khi đó, có thể phải mất ít nhất là 6 tháng để có thể bào chế được loại thuốc chủng ngừa vi khuẩn H5N1 có hiệu quả.
Như thế, chúng ta có nên sợ hãi quá không": Cho đến nay, những người bị lây bệnh cúm này đều có đụng chạm tới những con gà mắc bệnh, và phần lớn là trẻ em. Chưa có bằng chứng gì cho thấy bệnh cúm gà này bị truyền từ người sang người. Nếu chuyện này xảy ra, bệnh dịch này sẽ nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng nếu chuyện này xảy ra, thì sẽ có một bệnh dịch kinh khủng hơn cả trận dịch SARS vừa qua. Rất khó tiên đoán được về các loại vi khuẩn thường xuyên biến thái như vậy, tuy nhiên, việc tiêu hủy hàng loạt gà qué cũng giúp phần ngăn chận bệnh dịch hoành hành.
MỨC ĐỘ VÀ TẦM VÓC CỦA TRẬN DỊCH HIỆN NAY
Trong trận dịch năm 1997, nhà cầm quyền Hương Cảng đã lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia vi khuẩn cúm và ra lệnh tiêu hủy hơn 1,4 triệu gà vịt trên toàn lãnh thổ này. Mặc dù có 18 người mắc bệnh và 6 người thiệt mạng, nhưng việc tiêu hủy gia cầm nhanh chóng như thế đã ngăn ngừa được một hiểm họa thảm khốc hơn nhiều.
Nhà vi trùng học Kennedy Shortridge, một trong những người chủ động nỗ lực ngăn ngừa H5N1 lây lan sang con người vào năm 1997 nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã ngăn ngừa được một trận dịch toàn cầu khủng khiếp. Chúng ta cần phải triệt tiêu loại vi khuẩn này một lần nữa. Thế nhưng, lần này có thể phải kéo dài nhiều năm mới thành công”.
Một trong những lý do khiến cho việc triệt tiêu trận dịch kỳ này là tầm vóc rộng lớn về của nó. Cho đến bây giờ đã có 10 quốc gia bị dịch cúm gà. Và tiêu diệt hết tất cả gà vịt ở những nơi này là cả một vấn đề.
Ngoài tầm vóc địa lý rộng lớn, nhiều nguyên tố khác cũng góp phần tạo khó khăn cho công cuộc ngăn ngừa bệnh dịch lan tràn, bao gồm: sự thiếu hiểu biết về căn bệnh cũng như cách truyền bệnh, giới chức thẩm quyền bưng bít sự thật và không chịu thú nhận sai sót của họ, thiếu thốn tài chánh và nhân lực để có thể có những biện pháp ngăn ngừa một cách hữu hiệu.
HỘI CHỨNG BƯNG BÍT
Mặc dầu cho đến bây giờ vẫn còn nhiều bí mật về nguồn gốc của nơi mà dịch cúm hiện nay bộc phát cũng như thời điểm mà nó bắt đầu xuất hiện và lý do vì sao mà nó lại có thể lây lan một cách nhanh chóng đến nhiều quốc gia như thế, nhưng một điểm chắc chắn đã giúp sức cho bệnh dịch được tràn lan sâu rộng, gần khắp Đông Á, từ Việt Nam, Trung Hoa lục địa, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Cao Miên, Nam Dương và luôn cả Hồi Quốc nữa. Đấy là một hội chứng được mệnh danh là “Hội Chứng Trung Hoa” (China Syndrome) nói nôm na là hội chứng bưng bít của nhà cầm quyền ở các quốc gia này.
Tuần san Time (Asia) số ngày 26/1/04 tường thuật rằng ở Việt Nam mặc dầu đã có 12 bệnh nhân được đưa vào Học Viện Nhi Khoa (National Institute of Pediatrics) với một loại vi khuẩn “khác thường” - theo lời của bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện - thế nhưng cho đến ngày 7/1/04 cán bộ CS từ bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Ministry of Agriculture and Rural Development) vẫn ra thông cáo rằng “chưa có dấu hiệu nào cho thấy bệnh dịch có thể lây sang con người”.
Cũng theo Time (Asia) thì dường như ngay từ tháng 7/03 đã có hàng loạt gà bị chết dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc ở miền Bắc Việt Nam, 6 tháng trước khi nhà nước cộng sản chính thức thú nhận có dịch cúm gà hoành hành. Một công ty nuôi gà ở huyện Tầm Dương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Giapfa Comfeed Vietnam Ltd, cho biết 20,000 con gà của họ chết với những triệu chứng của bệnh cúm gà. Công ty cho biết họ gởi mẫu máu đến cho phân khoa Thú Y của bộ NN&PTNT để thử nghiệm. Kết quả cho thấy những con gà này chết vì một loại vi khuẩn không xác định được (unknown agent). Ông Văn Đăng Ky, thú y sĩ thuộc khoa truyền nhiễm (epidemiology unit) của bộ này thú nhận: “Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh dịch được phát hiện ở huyện Tầm Dương vào tháng 7/03. Vào thời điểm ấy, Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ Đông Nam Á Vận Hội (SEA Games) lần thứ 22 và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể kiềm chế được bệnh dịch nên, vì lý do chính trị và kinh tế, chúng tôi đã không công bố về nó”.
Ông Anton Rychener, một chuyên gia của Cơ Quan Thực Phẩm và Nông Nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng viên chức của bộ NN&PTNT có khẳng định với ông đã có nhiều vụ bệnh dịch cúm gà bộc phát trước đây.
Chuyện Việt Nam bưng bít che giấu chuyện dịch cúm gà đã có từ tháng 7/03 có nghĩa rằng loại vi khuẩn này đã có được một thời gian dài để biến thái và càng có nhiều nguy cơ gây bệnh hơn nữa.
Có lẽ không một quốc gia nào lại đối phó với trận dịch hiện nay vụng về và bất lực như Nam Dương, theo như kinh nghiệm của ông Ah Tong, một chủ trại gà. Ông Tong cho biết từ giữa tháng 10/03, mỗi ngày, trại gà của ông có vài chục con chết gục. Thoạt đầu, ông không lo ngại lắm, vì theo lời của giới chức thẩm quyền thì gà của ông chết vì loại bệnh Newcastle disease, một loại vi khuẩn hoàn toàn vô hại cho con người. Vì thế, ông Tong gọi thú y tiêm thuốc ngừa Newcastle disease cho 180,000 con gà của ông. Nhưng gà của ông vẫn chết. đến tháng 11 thì gần như 100 con chết mỗi ngày. Viên thú y gởi mẫu máu đến Học Viện Nông Nghiệp Bogor gần thủ đô Jakarta để thử nghiệm. Ông Tong kể lại với giọng cay đắng: “Họ khám phá rằng gà tôi chết không phải vì bệnh Newcastle mà vì cúm gà. Thế nhưng chính phủ vẫn khăng khăng cho là bệnh Newcastle”.
Cuối cùng thì chỉ trong vòng một tháng, ông mất toi 150,000 cho bệnh dịch. Và, theo lời ông thuật lại, thì chỉ riêng khu vực của ông đã có hơn 3 triệu con gà chết toi vì bệnh dịch. Ông nói: “Bây giờ thật là buồn cười khi nghe các viên chức lên truyền hình bảo chúng tôi phải cẩn thận vì cúm gà. Lúc chúng tôi đang chống chọi với trận dịch, lúc gà của chúng tôi chết như rươi thì họ ở đâu"”.
Ông Marthen Malole, trưởng phòng thí nghiệm vi trùng học thuộc phân khoa Gia Súc thuộc Học Viện Bogor cho biết ông nghi ngờ đã có dịch cúm gà từ tháng 8/03. Ông cho biết ông đã thông báo với bộ Nông Nghiệp từ tháng 10/03. Mãi đến 25/01/04 giới chức thẩm quyền Nam Dương mới chính thức thú nhận dịch cúm gà đang hoành hành ở quốc gia này. Thế nhưng, ngay cả vào thời điểm ấy, bộ trưởng Nông Nghiệp Nam Dương, với lý do là tốn kém quá cao, vẫn tuyên bố rằng chính phủ để nông dân tự quyết định có tiêu hủy số gà họ nuôi hay không. Sau khi tổ chức WHO làm áp lực dữ dội, cuối cùng vào ngày 29/1 thì tổng thống Megawati Sukarnoputri mới hứa hẹn sẽ tiêu hủy gà vịt một cách cẩn thận.
Ở Thái Lan không những chỉ có giới thư lại mới phủ nhận sự thực. Ngay cả các chính trị gia cũng hè nhau tấn công những người có can đảm nói lên sự thật về trận dịch này. Nữ bác sĩ Malinee Sukavejworakit, đồng thời là một thượng nghị sĩ đại diện cho một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã rất quan tâm về số lượng gà bị chết từ tháng 11/03. Thế nhưng, mặc dù mối nghi ngờ của bà ngày càng gia tăng, bà vẫn chấp nhận lời giải thích của chính phủ Thái rằng mọi việc đều đang được kiểm soát và gà chết vì dịch tả (cholera) hoặc tiêu chảy (diarrhoea). Thế rồi vào ngày 17/01/04, bà được một người bạn là bác sĩ ở tỉnh của bà gọi điện thoại yêu cầu bà đến viếng thăm bệnh nhân của ông. Bà kể lại: “Anh ấy nghi rằng đấy là bệnh cúm. Anh ấy đã gởi mẫu máu đến Bộ Y Tế (Public Health Department) để thử nghiệm nhưng vẫn không nhận được kết quả gì cả. Anh ấy nghĩ rằng nếu anh thúc đẩy thì sẽ bị chính phủ ra lệnh bảo im lặng. Vì thế, anh ấy nói cho tôi biết”.
Khi bà đến thăm bệnh nhân, vốn hành nghề đồ tể thì ông ta có những triệu chứng bị nhiễm H5N1, bao gồm xuống cân, mạch đập nhanh, thân nhiệt cao và đau nhức bắp thịt. Bà nói: “Ông ta nói cho tôi biết ông ta mổ gà ở một nông trại và thấy nhiều con gà mà ruột gan, nội tạng thật dị dạng, ông ta chưa từng thấy bao giờ”.
Bà viếng thăm trại gà và người chủ trại nói với bà rằng đấy chắc chắn không phải là dịch tả. Bà vội vàng triệu tập một phiên họp của Ủy Ban Thượng Viện về Y Tế Công Cộng (Senate Committee on Public Health) và thông báo về những việc bà biết được. Bà cũng tổ chức một buổi họp báo để yêu cầu chính phủ Thái công bố kết quả về cuộc thử nghiệm của người đồ tể và giải thích về nguyên nhân của dịch gà toi. Thứ trưởng Nông Nghiệp lên án bà Malinee “vô trách nhiệm với đất mẹ” và tạo nguy hại cho kinh tế quốc gia. Vài ngày trước đó, thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra cũng lớn tiếng phủ nhận rằng những lời báo động về dịch cúm gà chỉ là “huyền ảo và tưởng tượng” (fantasy & imagination). Ông cũng cảnh cáo rằng “những sự phóng đại như thế chỉ làm thiệt hại cho kỹ nghệ xuất cảng gà”.
Hiện nay thì dịch cúm gà đang hoành hành tại hơn phân nửa trong số 76 tỉnh của Thái Lan và gần 11 triệu con gà đã bị tiêu hủy. Mười hai người bị tình nghi đã mắc bệnh và 7 người trong số này đã thiệt mạng.
Ở Trung Hoa lục địa thì tình trạng cũng không khác gì như tại ba quốc gia vừa nêu trên. Mặc dù gần đây đã qua kinh nghiệm không lấy gì làm tốt về bệnh SARS vì hội chứng bưng bít, nhưng Trung Cộng vẫn chưa thấu hiểu được bài học quan trọng về sự cởi mở, thành thật trong việc xác nhận con số cũng như địa điểm bệnh dịch hoành hành cùng nhu cầu hợp tác với các cơ quan quốc tế như WHO.
Trong nhiều tuần lễ liên tiếp, khi các quốc gia Á Châu lân cận bị dịch cúm gà hoành hành thì giới chức thẩm quyền Trung Cộng vẫn ngoan cố tuyên bố rằng bệnh dịch chưa lan đến đất nước họ. Trong suốt khoản thời gian ấy, họ không hề thông báo cho nông dân biết những chuyện cần làm nếu gà vịt bắt đầu chết hàng loạt. Hơn thế nữa, mặc dầu các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh đã ngỏ lời yêu cầu được thông báo, nhà nước Trung cộng vẫn không chuyển giao tin tức dữ liệu nhanh chóng, kịp thời.
Những chậm trễ này đã khiến các chính quyền cấp địa phương ở Trung Hoa Lục Địa mất đi nhiều tuần lễ quý báu để có thể chuẩn bị cho bệnh dịch cúm gà. Mãi đến ngày 27/01/04 thì chính quyền trung ương mới lên tiếng thừa nhận rằng dịch cúm gà đã lan đến Trung hoa lục địa. Cơ quan ngôn luận của nhà nước lúc ấy mới thông báo rằng 14,000 con gà vừa bị tiêu hủy ở xã Longan thuộc tỉnh Quảng Tây ở miền Nam Trung Hoa. Một ngày sau thì Hồ Cẩm Đào, lúc ấy đang công du ở Pháp, mới dành thì giờ kêu gọi chính quyền cấp địa phương phải “cảnh giác cao”. Bô Nông Nghiệp khi ấy mới ra lệnh phải cấp báo trong vòng 24 giờ mỗi khi phát hiện bệnh dịch và ra lệnh cho chính quyền địa phương có kế hoạch tiêu hủy gà bệnh và chủng ngừa các vùng lân cận những nơi có dịch. Gần đây nhất có tin bệnh dịch đã lan đến Hồ Nam và hồ Bắc, hai tỉnh trung phần của Trung Hoa.
ẢNH HƯỞNG KINH TẾ
Dịch SARS năm 2003 đã khiến cho các quốc gia Á Châu bị thất thu khoảng $59 tỷ Mỹ Kim, dù vậy, nhờ sự trỗi dậy của kinh tế Hoa Kỳ và sự phát triển của thị trường tiêu thụ Trung Hoa liên tục đòi hỏi hàng ngoại quốc nên các công nghệ xuất cảng tại Á Châu phát triển. Vì thế, giới tiêu thụ Á Châu cũng thừa dịp kinh tế phát triển và lãi xuất thấp này để mua sắm thả cửa. Các nền kinh tế ớ châu Á bộc phát và thị trường chứng khoán cũng thăng hoa.
Trước khi có tin về dịch cúm gà thì năm 2004 được tiên đoán cũng sẽ là một năm thịnh vượng và phát đạt cho châu Á, với nhiều nhà chuyên môn, như công ty Merill Lynch tiên đoán rằng mức phát triển sẽ là 6,1% trong năm nay. Và dịch cúm gà có ảnh hưởng gì đến sự phát triển này không" Ông Jean Pierre Verbiest phụ tá kinh tế gia của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã lên tiếng cảnh cáo rằng nếu không tiểu trừ được dịch cúm gà nhanh chóng, nó sẽ “tạo thiệt hại cho khu vực này lên đến vài chục tỷ Mỹ Kim”. Một thí dụ điển hình là kỹ nghệ xuất cảng gà vịt của Thái Lan, trị giá khoảng $1,25 tỷ Mỹ Kim mỗi năm đã bị thiệt hại trầm trọng vì nhiều thị trường tiêu thụ đã tạm ngưng nhập cảng.
Kỹ nghệ du khách cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ông Marcel Schneider, tổng giám đốc của công ty Diethelm Travel, một công ty du lịch đặt cơ sở tại Thái Lan cho biết rằng mặc dù cho đến bây giờ đại đa số du khách vẫn tiến hành chương trình du lịch như họ đã dự tính trước đó, đã có nhiều người lo ngại và liên lạc hầu tìm hiểu thêm về nạn dịch. Ông cũng cho biết rằng trong số thân chủ của công ty đã có ba nhóm tổ chức tours quyết định hủy bỏ chuyện ghé thăm Thái Lan vì e ngại cúm gà. Ông cho biết thêm mặc dầu chưa đến nỗi tệ hại như dịch SARS hồi năm ngoái, nhưng SARS chỉ hoành hành trong khoảng từ tháng Năm đến tháng Mười, thời gian mà kỹ nghệ du lịch Á châu thưa thớ nhất. Ông nhấn mạnh: “Thời gian cao điểm là tháng Giêng tới tháng Ba. Nếu dịch cúm gà lên đến cao độ vào thời gian này thì hậu quả sẽ trầm trọng hơn năm ngoái rất nhiều”.
Nhưng hiều kinh tế gia vẫn không tin rằng tình hình quá bi đát. Ông Daniel Lian, một chuyên gia về Thái Lan thuộc công ty Morgan Stanley, nói: “Hiện nay tôi không nghĩ rằng vụ cúm gà này lại có thể vượt khỏi vòng kiểm soát được”. Ông cho biết, ngay như nếu mức xuất cảng gà vịt của Thái Lan xuống còn con số không trong ba tháng đầu của năm nay thì nó cũng chỉ làm mức xuất cảng toàn diện của nước này giảm xuống 0,4% mà thôi.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế tối hậu không những tùy thuộc vào mức độ nhanh chóng mà chính phủ các quốc gia châu Á có thể ngăn ngừa bệnh dịch tràn lan mà còn tùy thuộc vào sự khéo léo của họ trong việc đương đầu với dư luận quốc tế. Ông Ken Scott, phát ngôn nhân của Hiệp Hội Du Lịch Á Châu Thái Bình Dương (Pacific Asia Travel Association) nói: “Chúng tôi có thể nói rằng Á Châu là một nơi an toàn. Thế nhưng, một khi nói về việc đối phó với dư luận thì chúng tôi không thể nào kiểm soát được hình ảnh, trên báo chí hoặc truyền hình, về việc tiêu hủy những bầy gà”.
CUỘC TRƯỜNG CHINH TÌM THUỐC NGỪA CÚM
Theo bác sĩ Klaus Stohr, trưởng toán chuyên gia cúm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO thì mặc dù hiện nay không có một loại thuốc ngừa nào cho con người nhằm chống lại các loại cúm gà, nhưng việc sản xuất thuốc ngừa cúm gà cũng sẽ chỉ được bắt đầu khi nào có dấu hiệu cho thấy “có một mức độ lây lan đáng kể từ người sang người”.
Dưới sự bảo trợ của WHO, một số phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ và Anh Quốc đã bắt đầu chuẩn bị hạt mầm chủng ngừa (vaccine seed) từ những mẫu vi khuẩn được lấy từ trận dịch hiện nay, thế nhưng sự bào chế và thử nghiệm loại thuốc ngừa mới có thể đòi hỏi thời gian lên tới 6 tháng. Cho đến lúc ấy, ông Stohr cũng cho biết, “chúng ta vẫn không có đủ thuốc ngừa cho toàn thế giới”. Theo ông thì đấy là một việc “không thực tế” bởi vì khởi công sản xuất một loại thuốc ngừa mới với tầm vóc toàn cầu trong một thời gian thật ngắn thì không khác gì việc cố chế tạo một chiếc phản lực cơ với một xu vậy. Hiện nay chỉ có chín công ty dược phẩm bào chế hơn 90% tuốc ngừa cúm của thế giới và tất cả đều rất bận rộn để sản xuất thuốc ngừa cúm-người rồi. Chuyển bớt những ngân khoản, tài nguyên ấy để sản xuất một loại thuốc ngừa cúm gà mà loại thuốc ấy có thể không cần thiết thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc cung cấp thuốc ngừa cúm-người.
Giáo sư Paul K. Chan, một nhà vi khuẩn học thuộc đại học Trung Hoa ở Hương Cảng nói: “Phải tốn thật nhiều tài nguyên để có thể bào chế một loại thuốc chủng ngừa có thể sử dụng cho con người. Chúng ta phải thẩm định thật kỹ lưỡng nhu cầu ấy”.
Chướng ngại đầu của việc bào chế thuốc chủng ngừa H5N1 cho con người là việc loại vi khuẩn này biến thái quá nhanh chóng khiến phương pháp bào chế thông thường trở nên quá chậm. Thông thường, các khoa học gia phải trộn lẫn (sample) vi khuẩn H5N1 với một loại vi khuẩn khác mà tính chất đã được biết rõ - thường được gọi là vi khuẩn mầm chủ (master seed virus), và rồi sau đó nghiên cứu lựa lọc tất cả những kết hợp về genes của chúng để có thể tìm được một kết hợp nào có khả năng kích động hệ thống kháng độc của con người mà không gây bệnh. quá trình nghiên cứu lựa lọc này có thể kéo dài nhiều tháng.
Một trở ngại khác là tính độc hại của loại vi khuẩn cúm gà này. Các loại thuốc chủng ngừa cúm người vốn thường được bào chế từ những vi khuẩn được nuôi trong những cái trứng gà đã có mầm, thế nhưng H5N1 lại là cúm gà nên có thể giết cái phôi thai trong trứng.
Vì thế, các nhà bào chế thuốc ngừa phải dùng một phương pháp khác, tên gọi là “reverse genetics” (lật ngược di truyền thể) do bác sĩ Peter Palese thuộc bệnh viện Mt Sinai ở Nữu Ước khám phá năm 1992. Theo phương pháp này, các nhà khoa học gia sẽ chế tạo được một vi khuẩn mất tính truyền nhiễm, yếu hơn bình thường, không thể giết phôi gà trong trứng, và không tạo nguy hiểm cho các nhà nghiên cứu.
Tuần báo Newsweek số ra ngày 9/1/04 cho biết hai nhà vi trùng học Robert Webster và Richard Webby thuộc bệnh viện nhi đồng St Jude ở Memphis, Tennessee đã dùng phương pháp này năm 1997 để cấu tạo nên một loại thuốc ngừa chống H5N1 của năm ấy. Tuy nhiên, vì quá trình chế tạo này dính líu đến việc sửa đổi genes nên đã không được ưa chuộng lắm, và thuốc chủng ngừa ấy cũng trôi vào quên lãng.
Tuy nhiên, cũng theo Newsweek, thì hai ông Webster và Webby đã bắt đầu một cuộc điều chế khác, sử dụng nước dãi của hai bệnh nhân người Việt Nam, và hai ông hy vọng sẽ bào chế được thuốc ngừa trong vòng một vài tháng.
Thế nhưng chuyện tốt nhất vẫn là tiễu trừ được loại vi khuẩn này trước khi cần đến thuốc chủng ngừa cho con người. Bác sĩ Yi Guan, một chuyên gia về SARS và cúm gà thuộc đại học Hương Cảng nói: “Một khi loại vi khuẩn này có thể lan từ người sang người, từ vùng này sang vùng khác, thì lúc ấy quả thật đã quá muộn rồi”.