Kashmir là một lãnh thổ nằm giáp biên giới phía Bắc của Ấn Độ, và một cạnh nằm giáp biên giới phía Đông của Hồi Quốc. Từ ngày hai nước Ấn-Hồi trở thành độc lập năm 1947, đây là vùng đất tranh chấp liên tục giữa hai nước. Hiện nay phần lớn lãnh thổ này được chia làm hai phần, phần phía Bắc do Hồi Quốc kiểm soát và phần phía Nam do Ấn Độ kiểm soát. Người ta vẫn cho rằng Kashmir chia hai, nhưng sự thật một phần lãnh thổ này còn do Trung Quốc chiếm đóng, tuy nhỏ hơn và cũng không thấy nói đến tranh chấp với Trung Quốc, nhưng phần đất lớn nhất do Trung Quốc chiếm là lấn vào phần do Ấn Độ kiểm soát và chiến tranh biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã xẩy ra năm 1962. Trung Quốc không dính líu đến cuộc tranh chấp Ấn-Hồi, nhưng lại là một nguyên nhân cơ bản làm nẩy ra những quả bom nguyên tử ở vùng đất Nam Á.
Trước năm 1947, toàn thể bán đảo Ấn Độ và vùng phụ cận có tên gọi chung là Ấn thuộc Anh, gồm cả đất ngày nay là Hồi Quốc. Trong thời Thế chiến II các nhân sĩ gốc Ấn Độ, đứng đầu là Mahatma Ghandi đã nổi lên tranh đấu bất bạo động để đòi độc lập. Nước Anh lúc đó đang lâm chiến cả hai mặt Âu và Á, nên đã phải nhân nhượng, hứa sẽ cho Ấn Độ độc lập sau đại chiến. Trong khi đó một luật sư người Hồi giáo ở Bombay tên là Mohammed Ali Jinnah đã lập ra phong trào Hồi giáo cũng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia. Từ bao thế kỷ qua, người Hồi giáo và người Ấn giáo đã chung sống với nhau trên bán đảo Ấn Độ. Vào thế kỷ 16, các đoàn quân Hồi giáo rất mạnh đã chiếm được bán đảo Ấn Độ và lập ra đế quốc Mogul, đặt thủ đô ở Delhi (nơi bây giờ đã cải tên thành New Dehli tức Tân Đê-li). Từ đó Hồi giáo phát triển mạnh ở Ấn và hai tôn giáo Ấn-Hồi vẫn chung sống với nhau, đế quốc Mogul cai trị cho đến đầu thế kỷ 18 thì suy tàn. Khi người Anh đến chiếm bán đảo này làm thuộc địa, Ấn giáo có đông tín đồ hơn, bắt đầu lấn lướt.
Trong Thế chiến II, các lãnh tụ đảng Quốc đại dưới sự lãnh đạo của Gandhi chống lại sự cai trị của người Anh nên không sốt sắng lắm trong việc ủng hộ Anh trong nỗ lực chiến tranh. Trái lại phong trào Muslim của ông Jinnah lại tận tình giúp đỡ. Vì thế khi Anh trao trả độc lập cho các sắc dân ở bán đảo Ân Độ, Jinnah đã đòi được sự chia cắt lãnh thổ thành hai nước theo tôn giáo. Nơi nào có nhiều người theo Ấn giáo thì lập thành nước Ấn Độ và nơi nào có tín đồ Hồi giáo thì gọi là Hồi Quốc. Sự xích mích giữa các nhà lãnh đạo đảng Quốc đại theo Ấn giáo và các nhà lãnh đạo Hồi Quốc bắt đầu từ đó. Vì hai sắc dân tôn giáo Ấn-Hồi sống xôi đậu với nhau nên sự chia cắt lãnh thổ rất khó khăn. Hồi Quốc lúc đầu có hai mảnh rời, một phần phía Tây gọi là Tây Hồi, phần phía Đông là Đông Hồi, hai mảnh cách biệt vì lãnh thố nước Ấn Độ chắn ngang khúc giữa. Riêng sự phân chia lãnh thổ Kashmir đã biến thành một cuộc xung đột võ trang ngay từ lúc đó. Sau khi Ấn Dộ giúp Đông Hồi tách rời Tây Hồi để thành một nước độc lập gọi là Bangladesh, sự thù nghịch Ấn-Hồi càng thêm sâu đậm. Đến nay hai bên đã giao chiến với nhau 2 lần vào năm 1965 và 1971, đó là chưa kể các vụ đấu với nhau lẻ tẻ bằng đại bác thường xuyên xẩy ra trên đường ranh giới Kashmir.
Năm 1964, Trung Quốc thành công trong một vụ nổ thí nghiệm nguyên tử và từ đó sản xuất vũ khí hạt nhân. Ấn Độ nhìn thấy đây là một mối hăm dọa trực tiếp nên cũng nỗ lực chế tạo bom nguyên tử. Năm 1974, Ấn Độ cho nổ được một quả bom nguyên tử đầu tiên. Đây chỉ là một quả bom dưới dạng thô sơ, nhưng toàn dân Ấn hân hoan, trong khi dân Hồi kinh hoàng. Hồi Quốc nhỏ hơn, ít dân và nghèo hơn Ấn Độ, lại có nội biến liên miên, nỗ lực trang bị vũ khí hạt nhân không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, người thù của Ấn Độ. Vào khoảng đầu thập niên 80, Hồi đã bắt đầu sản xuất bom nguyên tử, và đến nay ước lượng có từ 20 đến 40 bom. Ấn Độ vẫn trội hơn vì đến nay có khoảng từ 55 đến 110 bom. Tháng 5 năm 1998, Ấn Độ thử 5 quả bom hạt nhân vùng sa mạc Tây Bắc Ấn. Ba tuần sau Hồi Quốc trả lời bằng vụ thử liên tiếp 6 quả bom hạt nhân ở Tây Nam Hồi. Vụ chạy đua lên gân nguyên tử này không khác gì vụ chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Sô thời chiến tranh lạnh. Nhưng hai siêu cường năm xưa cách xa nhau bằng một đại dương lớn, còn Ấn-Hồi ngày nay ở liền bên nhau, chỉ có đường ranh giới trên bộ ngăn đôi.
Chính trong tình trạng đó, người ta phải tự hỏi nếu có chiến tranh nguyên tử, hai bên sẽ đánh cách nào" Cả hai bên đều có hỏa tiễn tầm trung và tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Đầu đạn nguyên tử ngày nay có sức nổ khủng khiếp, không thể nhắm vào những mục tiêu gần ở ngay mặt trận trên đường biên giới, vì như vậy nếu quân thù chết, quân bạn cũng chết. Người ta chỉ có thể nhắm vào những mục tiêu ở xa. Ở đâu vậy" Không lẽ đem những quả bom nguyên tử quý giá nện xuống miền thôn quê hay rừng núi" Chỉ có một nơi xứng đáng để lãnh một đòn chí tử là thủ đô. Vì thế chiến lược hạt nhân thích hợp nhất là "tiên hạ thủ vi cường', nghĩa là đánh phủ đầu. Thế nhưng nếu Ấn bắn phi đạn hạt nhân vào Islamabad, Hồi không biết bắn phi đạn hạt nhân vào New Delhi hay sao" Đó là cảnh "đôi ta cùng chết" vậy. Tôi không nghĩ các nhà lãnh đạo hai bên lại có thể cuồng tín đến độ đánh bom tự sát bằng nguyên tử.