Có một số huyền thoại về Chiến tranh Việt Nam đã từng làm mưa làm gió trên dư luận và sách vở Mỹ. Việt Cộng là một phong trào tự phát ở Miền Nam, không phải của CS Hànội. Quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam gồm đa số là Mỹ đen, màu và nghèo. Chánh quyền VNCH quân phiệt, Quân đội gồm tướng tá tham, lính không muốn chiến đấu. Trận Tết Mậu Thân là một chiến thắng quân sự của Cộng sản và sự phá sản chiến lược của Hoa kỳ. Các huyền thoại ấy được một số người có quyền ăn, quyền nói nhưng không có một ngày mặc áo tác chiến, thấy một tên Việt Cộng cầm AK nã vào mình, nếu không bắn trả kịp thì mất cả mọi thứ trên đời. Số người ấy núp trong Đại học, trong phòng điều hòa không khí, trốn qua Canada cả chục ngàn, đốt cờ Mỹ, đốt thẻ trưng binh. Nhưng họ chê trách 58 ngàn người đổi mạng sống mìmh để cây cờ Mỹ vẫn là cây cờ của quốc gia tôn vinh Thần Tự Do, cho Hiến Pháp Hoa kỳ là hiện thân của Dân chủ. Họ xem 300,000 người Mỹ đã bỏ một phần thân thể cho các giá trị văn hóa Mỹ là thành phần nghèo, thiểu số, ít học và hay bắn giết như vụ Mỹ Lai.
Muốn đánh tan các huyền thoại ấy không dễ như khi ngụy tạo nó. Cần sự kiện lịch sử, tinh thần khách quan chớ không phải cảm tính, và bầu không khí tĩnh lặng không tràn ngập thông tin, không ít thì nhiều bác dư luận. Việc trả lại cho Chiến tranh Việt Nam chính nghĩa của nó, trả lại cho Quân đội Mỹ, Việt danh dự của nó, trả lại cho chân lý lịch sử vì chân lý của nó, các nhà sử học, xã hội học, tư tưởng và quần chúng thầm lặng đã làm trong 25 năm âm thầm, cậm cụi. Cộng với sưu khảo, lý luận là sự kiện của vận dụng lịch sử: hàng triệu người bị CSVN cho đi tù cải tạo, trên hai triệu người bỏ nước ra đi, Việt Nam bị biến thành một trong ba quốc gia nghèo nhứt thế giới, tham nhũng nặng nhì ba Á châu.
Do vậy, huyền thoại phản chiến xóa tan như sương mù biến mất khi ánh nắng ấm áp của chân lý chiếu rọi. Và cao điểm nhứt là ngày 30/4/2000 của đầu thế kỷ và thiên niên kỷ. Rõ nét nhứt là tại Hoa kỳ và tại Việt Nam.
Tại Mỹ, có thể nói không còn ai nghĩ rằng Việt Cộng là một thực thể tại Miền Nam, mà chỉ là một bộ phận của CS Hànội.
Quân đội Mỹ tham chiến có tỷ số quân số tử vong, thương tật tương ứng với tỷ số các sắc tộc cấu thành dân tộc Hoa kỳ. Họ khác với nhóm phản chiến vì tinh thần trọng pháp, niềm tin vào giá trị văn hóa Mỹ, quyền lợi của đất nước Mỹ. Đó là tư tưởng của lớp người trung lưu tạo nên sự ổn định, tiến bộ của xã hội Hoa kỳ.
Quân đội VNCH nói chung biết mình chiến đấu cho độc lập, tự do, dân chủ của Miền Nam.
Trận Mậu Thân là một thất bại quân sự của CSVN nhưng là một thắng lợi tuyên truyền trong dư luận Mỹ.
Về phía Việt Nam, Công luận Mỹ thấy rằng hai chế độ chính trị, hai cảnh đời, một dân tộc, sự khác biệt như trắng với đen về mọi mặt. Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ thành đạt từ bàn tay trắng. Tỷ lệ đậu đại học cao hay bằng một số sắc dân Á châu lâu đời tại Mỹ. Nơi nào có người Việt định cư có thương mại dù nhỏ, phồn thịnh, chùa chiền, nhà thờ, lớp học tư mọc lên nhiều hơn dự tưởng. Trong lúc đó VNCS trở thành nghèo nhứt nhì thế giới, tham nhũng hạng nhì ba Á châu. Kinh tế suy sụp. Văn hóa đóng băng. Xã hội thoái hóa. Lý do: một bên có tự do dân chủ, một bên chỉ có độc tài Cộng sản.
Tại trong nước Việt Nam, 30/4/2000 nầy, huyền thoại Cộng sản hoàn toàn sụp đổ tận nền móng. Kỷ niệm 25 năm CSVN hy vọng một số quan khách, nhà báo vào ồ ạt sẽ giúp cho mục đích tuyên truyền về sự đổi mới, cởi mở hầu thu hút đầu tư đang sút giảm nguy hiểm. Nhưng thúng không úp được miệng voi, vải the không che được mắt thánh. Nhận xét can đảm của TNS McCain tại Việt Nam về 30/4 về kẻ chiến thắng làm đảo lộn cả huyền thoại CSVN tốn sức người, của, trí ngụy tạo hằng một phần tư thế kỷ. Tin tức, bài viết của các đặc phái viên từ VN gởi về là những điếu văn, những tiếng trống kèn đưa đám táng của chế độ CSVN hơn là ký sự, bình luận lễ hội.
Chân lý vẫn là chân lý. Huyền thoại do phản chiến và Cộng sản VN ngụy tạo không phải là chân lý. Các huyền thoại ấy bị đào thải dần trong 25 năm qua và khai tử trong kỳ 30/4 đầu thế kỷ. Có lẽ kỳ 30/4/00 cũng là kỳ chót để công luận chấm dứt một vấn đề đã từng suýt phân hóa dư luận, xã hội Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Chót là vì đã đạt chân lý và từ chân lý đó hướng về tương lai trong vai trò và niềm tự hào chính đáng của một nước từng là thuộc địa nhờ dân chủ, tự do để biến thành một siêu cường như hôm nay. Và trong xu thế toàn cầu đồng thăng tiến, nhứt định Hoa kỳ không quên một đồng minh cũ của mình đã cùng chiến đấu gian khổ, hiện đang đau thương vì thiếu tự do, dân chủ là nhân dân Việt Nam.