Cháu chơi mãi tận khuya mới về. Hai ngày hôm sau tôi để ý không thấy xe của cháu đậu tại nhà. Hỏi ra thì cháu cho biết là đã cho người bạn thân mượn.
Mấy hôm sau, tôi đi làm về thì cháu cho biết là cảnh sát đã đến nhà và để lại giấy yêu cầu cháu phải ra trình diện tại đồn cảnh sát. Cháu đã đến trình diện và đã trả lời toàn bộ những câu hỏi của cảnh sát.
Sau khi thẩm vấn cháu đã bị buộc đồng lõa về tội cướp. Cháu đã ra hầu tòa một lần trước đây và không chịu nhận tội. Hiện cháu vẫn tiếp tục được tại ngoại để chờ ngày xét xử.
Tôi hỏi cháu về đầu đuôi của câu chuyện thì được cháu cho biết là vào đêm sinh nhật cháu uống khá nhiều bia, vì sợ cảnh sát thổi rượu nên cháu đã nhờ mấy người quen dùng xe của cháu để đưa cháu về. Khi về đến nhà thì họ yêu cầu cháu để cho họ mượn xe rồi ngày mai sẽ giao trả lại cho cháu. Nhưng những người bạn này đã không mang xe giao trả lại cho cháu như đã hứa, và đã dùng xe của cháu vào chiều tối ngày hôm sau để cướp và gây thương tích tại hai cửa tiệm thực phẩm Á Châu. Sau đó họ bị cảnh sát bắt khi đang cướp tại một tiệm thực phẩm khác.
Vì xe của cháu đã được xử dụng trong các vụ cướp này nên cháu đã bị cáo buộc tội trạng nêu trên.
Là một học sinh chăm học, cháu chưa bao giờ có tiền án.
Xin LS cho biết là với sự kiện vừa nêu liệu cháu có bị kết tội hay không"
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi của ông, thiết nghĩ rằng chúng ta cần phải xét xem luật pháp đã định nghĩa như thế nào về “tội đồng lõa” (accessory).
accessory (tội đồng lõa, kẻ tòng phạm, kẻ đồng lõa): Thuật từ được dùng để chỉ người không phải là chính phạm trong sự phạm tội. Kẻ đồng lõa “trước khi” tội phạm xảy ra là người vắng mặt vào lúc tội phạm hình sự đã phạm phải, tuy thế đương sự đã vấn ý một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc đã dự phần vào sự phạm tội [ví dụ; cung cấp vũ khí cho kẻ cướp để trợ giúp trong việc cướp giựt], hoặc ra lệnh cho người khác phạm tội. Kẻ đồng lõa “sau khi” tội phạm xảy ra là người biết được rằng tội ác đã phạm phải, sau đó vẫn chứa chấp hoặc trợ giúp kẻ phạm tội, hoặc bằng phương cách nào đó che chở hoặc cố gắng tìm cách giúp phạm nhân trốn thoát. (The term used to denote a person who is not a principal in the commission of a crime. An accessory “before” the fact is one who was absent at the time the crime was committed, yet directly or indirectly advised, or contributed towards its commission [for example; provided firearms to the robbers to assist in the robbery, or commanded another to commit a crime]. An accessory “after” the fact was one who, with the knowledge that a felony had been committed, subsequently harboured or assisted the felon, or in any way secured or attempted to secure the escape of the felon).
Theo hình luât, một người chỉ có thể bị kết buộc về một tội hình sự nếu “hành động phạm pháp” (a guilty act) của đương sự đi đôi với “ý định phạm tội” (a guilty mind).
Theo án lệ, nhiều thuật từ đã được xử dụng để chỉ hành động bị xem như là sự đồng lõa, chẳng hạn như “trợ giúp” (aiding), “tiếp tay, hoặc khuyến khích phạm tội” (abetting), “tán thành qua sự bày tỏ bằng lời” (approbating), “khuyến khích, cổ vũ” (encouraging), “thỏa thuận” (consenting), “đồng ý” (assenting), hoặc “đồng tình” (countenancing).
Để có thể buộc một người về tội đồng lõa, công tố viện còn phải chứng minh rằng đương sự đã biết rõ về những sự kiện mà những sự kiện đó cấu thành tội trạng mà chính phạm đã bị kết buộc và đã tiếp tục trợ giúp cho sự phạm tội đó.
Trong vụ Chính Quyền truy tố Bainbridge [1960] 1 QB 129. Trong vụ đó, “bị cáo” đã mua giùm cho chánh phạm dụng cụ để cắt thép bằng oxy-acetylene. Sau đó chánh phạm đã dùng dụng cụ này để cắt những song sắt và đột nhập vào ngân hàng ăn trộm tiền. Công tố viện cho rằng “bị cáo” đã biết được rằng dụng cụ đó sẽ được xử dụng để cạy cửa và đột nhập vào nhà.
“Bị cáo” khai rằng đương sự tình nghi là dụng cụ đó sẽ được xử dụng vào những chuyện bất hợp pháp, và đã nghĩ rằng chuyện bất hợp pháp đó là cạy cửa vào nhà để ăn cắp đồ đạc. Sau đó “bị cáo” đã bị kết buộc về “tội đồng lõa trước khi tội phạm xảy ra” (accessory “before” the fact). “Bị cáo” bèn kháng án.
Bị cáo kháng án dựa vào lý do là vị thẩm phán tọa xử đã đưa ra lời hướng dẫn sai lạc cho bồi thẩm đoàn khi ông ta tuyên bố:
Trước tiên công tố viện phải chứng minh rằng tội phạm đã xảy ra. Kế đến, công tố viện phải chứng minh là “bị cáo” biết trước được rằng loại tội phạm đó sẽ được thực hiện và khi biết được điều đó “bị cáo” đã cố gắng trợ giúp cho sự phạm tội đó. Công tố viện phải chứng minh là sự nhận thức trong tâm trí của “bị cáo” không cần phải là sự nhận thức về tội phạm một cách rõ ràng. Điều này có nghĩa là công tố viện không cần phải chứng minh là bị cáo biết rõ được chi nhánh ngân hàng nào sẽ bị đánh cắp, nhưng chỉ cần chứng minh rằng bị cáo đã biết được rằng loại tội phạm đó sẽ được thực hiện. Vị thẩm phán tọa xử tuyên bố tiếp là nếu trước khi tội phạm xảy ra bị cáo biết được rằng điều đó sẽ xảy ra mà vẫn cố tình trợ giúp thì đương sự sẽ bị tội đồng lõa. Nếu bị cáo không có mặt vào lúc tội phạm xảy ra thì đương sự sẽ không bị kết buộc là “chánh phạm” (a principal). Quý vị phải quyết định liệu bị cáo khi mua giúp dụng cụ có biết được rằng loại tội phạm mà dụng cụ đó sẽ được dùng hay không, và liệu với sự hiểu biết đó bị cáo vẫn cố giúp để mua các dụng cụ đó hay không.
Luật sư của bị cáo đã tranh cãi rằng vị thẩm phán tọa xử đã đưa ra lời hướng dẫn sai lạc cho bồi thẩm đoàn. Theo luật sư của bị cáo, để có thể kết buộc một người về “tội đồng lõa trước khi tội phạm xảy ra” thì phải chứng minh rằng vào lúc bị cáo mua dụng cụ đương sự đã biết được rằng một tội phạm đặc biệt nào đó sẽ được thực hiện. Điều này có nghĩa là “bị cáo”phải biết được chi nhánh của ngân hàng nào đó sẽ bị cạy cửa, cũng như ngày giờ mà ngân hàng đó sẽ bị đột nhập.
Tuy nhiên, Tòa Kháng Án Hình Sự Anh Quốc đã bác đơn kháng án vì cho rằng khi bị cáo mua giúp các dụng cụ đó đương sự không những chỉ nghi ngờ mà còn nhận biết được rằng loại tội phạm hình sự đó sẽ xảy ra. Vì thế, vị thẩm phán tọa xử đã không hướng dẫn sai lạc bồi thẩm đoàn khi cho rằng nếu bị cáo biết được rằng một loại tội phạm nào đó sẽ xảy ra và cố tình trợ giúp, tội phạm trong tường hợp này là sự cạy cửa đột nhập vào nhà để đánh cắp tài sản trong đó.
Dựa vào luật pháp cũng như phán quyết vừa trưng dẫn ông có thể thấy được rằng để có thể kết buộc con của ông về tội đồng lõa công tố viện phải chứng minh được rằng vào lúc đưa xe cho những người bạn mượn, con của ông đã biết được rằng những người bạn đó sẽ xử dụng chiếc xe của đương sự như là phương tiện để cướp các cửa tiệm thực phẩm Á Châu.
Nếu đúng như những gì ông đã trình bày trong thư, thì tòa hoặc bồi thẩm đoàn không còn cách nào khác hơn là phải tha bổng cho con của ông vì vào lúc cho mượn xe đương sự hoàn toàn không biết là những người bạn sẽ xử dụng xe của mình để phạm những tội hình sự đó.
Nếu ông còn thắc mắc, xin gọi điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp.