Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự kiện lịch sử: người dân thành phố tập họp công khai thực hiện biểu tình tại trung tâm Sài Gòn ngày 17/03/2006, Ban Biên tập Tin Nhanh chúng tôi sơ khởi ghi nhận những sự việc như sau:
Vào tháng 11/1993, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tân Bình đã tiến hành giải tỏa 44 hộ dân trên mảnh đất có diện tích 3.478 m 2, nhằm tiến hành dự án xây dựng một chung cư 12 tầng. Khu vực này thuộc phường 12 quận Tân Bình, góc ngã tư đường Trường Chinh và Hoàng Hoa Thám. Dự án do Công ty Kinh doanh phát triển nhà Tân Bình (CT KD nhà TB) làm chủ đầu tư. Sự kiện giải tỏa này hoàn toàn không có trả tiền đền bù mà chỉ phát cho mỗi hộ dân một số tiền gọi là: “hỗ trợ di dời”. Các hộ mặt tiền đường Trường Chinh (vào thời điểm đó là đường Cách mạng tháng 8) có diện tích 70 m2, được nhận 70 triệu đồng; các hộ trong hẻm được nhận 40 triệu đồng.
Song liên tiếp trong 06 năm sau đó, dự án vẫn không thực hiện được. Vì đến năm 1999, Kiến trúc sư trưởng thành phố phát hiện khu đất định xây chung cư 12 tầng là quá hẹp, không bố trí được bãi đậu xe, công viên cây xanh... Do đó, nếu muốn tiếp tục thực hiện dự án xây dựng chung cư thì phải giải toả thêm các khu vực kế cận. Tuy nhiên, việc giải toả tiếp theo trong thực tế lại không thể ngang nhiên tiến hành được. Vào cuối năm 1999, CT KD nhà TB đề nghị điều chỉnh quy hoạch là không xây dựng chung cư mà xây dựng 42 căn nhà phố lầu để kinh doanh. Đến đây, mục đích giải toả không còn như ban đầu: giải toả nhà dân để xây dựng chung cư thay thế; mà đã trở thành hình thức chính quyền giành đất hòng xây nhà bán thu lợi nhuận. Đi xa hơn, trong lúc chưa thực hiện xây dựng, CT KD nhà TB đã phân lô bán nền khu đất này. Được biết, đã có 23 khách hàng đã mua đất tại đây với giá từ 800 – 900 triệu đồng lô mặt tiền, lô bên trong có giá là 600 triệu đồng. Vì bị lừa quá trắng trợn, các cư dân diện giải tỏa đã phản ứng dữ dội, dự án trục lợi đầy nhẫn tâm này đã không thực hiện được. Ở đây cần trình bày rõ thêm rằng, phương án xây dựng nhà phố lầu liên kế trên đã từng được Sở Xây dựng TP cấp phép từ năm 1991 và là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến UBND quận Tân Bình thực hiện giải tỏa khu dân cư phường 12.
Mãi 11 năm sau, ngày 10/12/2003, UBND thành phố ban hành quyết định số 5373/QĐ-UB duyệt dự án đầu tư xây dựng mới trường trung học cơ sở Trường Chinh; do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Quyết định này do ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài ký. Thoạt nghe, xây dựng thêm trường sở cho con em mở mang kiến thức là một việc đáng hoan nghênh. Nhưng phía sau quyết định có vẻ “tốt đẹp” ấy là một số điều cần làm minh bạch:
1/ Mức vốn đầu tư của dự án là 10.500 triệu đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Trong số tiền đầu tư cho dự án này đã tính đến vấn đề giải quyết dứt điểm việc đền bù cho 44 hộ dân cư bị giải tỏa trước đây chưa "
2/ Thay vì phải trình bày rõ dự án được thực hiện trên khu đất trống từ việc giải toả nhà của 44 hộ dân cư chưa được giải quyết thoả đáng - trở thành “Dự án được thực hiện trên khu đất có diện tích 3.561m2 thuộc lô A, chung cư Cách Mạng Tháng Tám”. Vì có lý nào một khu đất thuộc một chung cư được quy hoạch lại bị bỏ hoang đến 11 năm (1992 – 2003) "
3/ Bài học đầu đời cho con trẻ có thể là Lễ, có thể là Tình thương… song chắc chắn muôn đời không thể là thói chà đạp nhân quyền, bóp họng dân đen.
Trong số Tin nhanh sau, chúng tôi sẽ trình bày về nhân vật Nguyễn Phụng Thiều – nguyên Giám đốc CT KD nhà TB và chính quyền phường 12 quận Tân Bình.
(Đảng Dân Chủ Nhân Dân: [email protected] - http://www.freewebs.com/dangdanchunhandan/)