Cuộc sống của Malika từ đó chợt đổi thay khủng khiếp. Rời xa bố mẹ, Malika được đưa vào cung sống với công chúa Lalla Mina. Thoạt đầu cô bé khóc lóc suốt ngày vì buồn nhớ cha mẹ và tiếc nuối cuộc sống phóng túng bên ngoài cung điện. Tuy nhiên dần dần Malika đã được giáo dục để làm quen với cuộc sống xa hoa quý phái trong hoàng cung. Vì yêu quý con gái Lalla, hoàng đế Mohammed đã thương yêu Malika cũng như con gái ruột của mình. Ông đã không hề có sự phân biệt nào khi đối xử với con gái và Malika khiến cho Makila tưởng rằng nàng cũng là một công chúa thực sự.
Quốc vương Mohammed V đã cho xây dựng riêng cả một cung điện cho con gái Lalla và Malika sống với vườn thượng uyển, rạp chiếu bóng riêng vàng son chói lọi. Cùng với sự chăm sóc của hoàng gia, của các gia sư, là sự quan tâm của các giới ngoại giao. Công chúa Lalla và Malika đã được tặng vô số những món quà quý giá, những món đồ chơi hầu như được gửi đến liên hồi kỳ trận khiến Lalla và Malika cứ như sống trong một thế giới thần tiên trên trái đất.
Khi Malika lên tám tuổi thì quốc vương Mohammed V băng hà và thái tử lên ngôi lấy niên hiệu là Hassan II đã cam kết là sẽ săn sóc Lalla và Malika như khi vua cha Mohammed V còn tại vị. Tuy nhiên khi càng lớn lên Malika càng nhận thức rõ vị trí của mình và bắt đầu cảm thấy nàng thực sự là một tù nhân trong nhung lụa. Bất chấp tình bạn không thể chia lìa với Lalla, bất chấp những giàu sang quý phái trong cung điện, Malika nhận thấy nàng đã bị tước đoạt những năm tươi đẹp nhất của nàng nếu được chung sống với gia đình. Trong suốt 16 năm sống trong cung điện, thỉnh thoảng Malika mới được gặp mẹ ruột và cha trong những dịp lễ lạc của hoàng triều. Malika đề đạt nguyện vọng được quay trở lại với gia đình và thật ngạc nhiên, vua Hassan II đã nhận lời.
Thoạt đầu khi mới quay trở lại với cha mẹ ruột, Malika cảm thấy nàng như một người xa lạ. Sau khi nàng vào hoàng cung, cha mẹ nàng đã sinh thêm năm đứa em nữa và nàng chẳng biết mặt đứa nào. Tuy nhiên Malika nhanh chóng hội nhập vào gia đình của mình và bắt đầu hưởng thụ cuộc đời tự do. Trong vòng ba năm tiếp đó Malika dựa vào thế của cha là bộ trưởng nội vụ của vương quốc, đã ăn chơi văng mạng và giao du với toàn những thành phần thượng lưu quốc tế. Từ ngày này qua tháng khác nàng sống ở Rome, ở Paris, New York và từng bừng thâu đêm suốt sáng là những dạ hội tưng bừng và những nụ cười vung tiền qua cửa sổ. Malika cho rằng nàng đã đạt đến đỉnh cao cuộc sống vàng son của nàng.
Ngờ đâu khi lên 19 tuổi thì bất hạnh bắt đầu đổ ụp xuống đời nàng. Ngày 16.12.1972 cha của Malika, một tướng lãnh và là một bộ trưởng luôn luôn có nhiều tham vọng quyền lực đã phản bội hoàng đế Hassan II và âm mưu tổ chức một cuộc đảo chánh lật đổ nhà vua. Khi chiếc máy bay phản lực của Hassan II vừ từ Châu Âu trở về, quân đảo chánh do cha của Malika lãnh đạo đã nổ súng vào nó, với mục đích giết chết hoàng đế Hassan II cho tiện việc. Tuy nhiên cuộc đảo chánh bất thành và cha của nàng chết thảm trong một cuộc chạm súng với quân đội trung thành với nhà vua. Gia đình của Makila liền bị quản thúc tại gia với tám người tất cả bao gồm me nàng là Fatema, các em gái Maria, Mimi, Soukaina, các em trai Raouf và Abdellatif, hai người hầu trung thành, một người anh em họ và một người quản gia.
Sau khi mãn thời gian để tang cha 4 tháng 10 ngày theo phong tục Hồi giáo, gia đình của Malika bị bọn lính áp giải lên một chiếc xe ngay trong ngày lễ giáng sinh và chở vào sa mạc. Cùng đi với gia đình nàng là một toán cảnh sát áp tải và mọi người không ai biết mình sẽ được mang đến nơi nào. Cuối cùng cả nhà được chuyển đến một trại lính trong sa mạc và sẽ là nhà tù đầu tiên trong một loạt các nhà tù mà gia đình của Malika bị giam giữ trong suốt 15 năm. Điều đáng sợ là cả gia đình không hiểu vì sao họ bị giam giữ và đối xử thô bạo như thế, cũng như không ai biết họ sẽ bị giam bao nhiêu lâu và có được mang ra xét xử công bằng hay không.
Thời gian đầu khi mới bị giam giữ, gia đình của Malika còn được giữ lại những tư trang của gia đình mang theo và còn được thăm viếng nhau trong trại, còn được cho phép đi ra ngoài mua sắm chút ít. Tuy nhiên thời gian trôi qua tự do bị hạn chế dần và thức ăn cũng bị cắt giảm nghiêm trọng. Trong thời gian bị cầm tù gia đình của Malika chỉ được cho ăn những thực phẩm rẻ tiền, kém phẩm chất, kém vệ sinh. Tình trạng này khiến mọi người trong gia đình ai cũng ốm đau và sức khỏe mòn mỏi dần. Thuốc men cũng bị hạn chế tối đa và chị em nhà Malika luôn luôn đau đớn vì không có thuốc giảm đau trong những trường hợp như đau đầu, đau răng...Malika đã làm thầy thuốc cho cả gia đình và vị thuốc duy nhất của nàng dùng chữa bá bệnh là dầu ô liu.
Mặc dầu không bị hành hạ, đánh đập, những tên cai tù giam giữ gia đình Malika là những bậc thầy về các biện pháp hành hạ tâm lý. Tất cả hành lý đồ đạc của nhà Malika đều bị tịch thu và cả gia đình phải ngồi chứng kiến toàn bộ những vật dụng thân yêu đó hóa thành đống tro tàn theo ngọn lửa do bọn chúng đốt. Khi đám trẻ con làm quen và gắn bó với những con chim bồ câu sống trong trại, bọn lính liền ra lệnh cứ mỗi ngày đem hai con chim bồ câu giết đi. Khi bọn lính phát hiện cả gia đình dựa vào một số cây ăn quả phía sau trại làm nguồn cung cấp chất tươi,bọn chúng liền chặt hết những cây này hay hái ăn hết trước khi mọi người trong gia đình hái để ăn. Em trai út của nàng là Abdellatif đã tự tử một lần khi 7 tuổi và tự tử một lần nữa khi lên 10 tuổi vì chịu không nổi những hành hạ tâm lý của bọn cai ngục.
Bảy năm sau khi bị giam, gia đình của Malika bị chia thành ba nhóm và biệt giam tại những căn phòng khác nhau không được tiếp xúc. Malika và các em phải tận dụng những kiến thức và sự sáng tạo của mình để dùng những bộ phận của các máy hát cũ, chế tạo thành những máy điện thoại nối với nhau bằng dây điện xuyên qua các lỗ trên tường để liên lạc với nhau. Chín năm sau cả gia đình mới được phép gặp nhau trở lại và họ kinh hoàng vì thấy cả đám đã già cỗi đi đến nổi khó nhận ra nhau. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày đăng quang của hoàng đế Hassan II, Malika được phép gặp mẹ và các em tuy nhiên cả nhà chỉ được phép sống với nhau ban ngày và ban đêm ai nấy phải về phòng giam riêng của mình.
Những sự ngược đãi trên khiến gia đình của Malika buộc phải đấu tranh để sống còn bằng cách biểu tình, tuyệt thực và trích máu của chính mình viết thư phản đối rồi kêu cứu lên hoàng đế Hassan II. Tuy nhiên những cố gắng trong tuyệt vọng của Malika và gia đình càng khiến cho những biện pháp đối với gia đình của nàng càng thêm khắc nghiệt, khiến cuối cùng không ai dám than phiền gì nữa. Sự tuyệt vọng khiến mẹ nàng và các chị em của Malika quyết định tự sát tập thể để giải thoát khỏi sự đau khổ. Mọi người dùng những vật bén có thể có được để cắt mạch máu cổ tay cho nhau để cùng chết. Tuy nhiên cả việc này cũng bất thành và tất cả đều sống nhăn răng để đối diện với số phận nghiệt ngã.
Sau khi tự sát không thành công Malika và cả gia đình liền lấy lại nghị lực và quyết định tìm cách trốn tù. Ngày 27.1.1987 họ bắt đầu đào một đường hầm bằng những dụng cụ đơn giản như nắp đồ hộp, muỗng nĩa dùng để ăn và đào từ 4 giờ sáng đến bình minh mỗi ngày. Công việc đào đường hầm kéo dài trong ba tháng với một nghị lực phi thường và sự may mắn qua mặt được sự kiểm tra của bọn lính canh. Đêm 19.4.1987 Malika, Raouf, Maria và Abdellarif cùng chui xuống đường hầm và bò về phía hàng rào của trại. Soukaina ở lại để bít lối đường hầm còn những người khác trong gia đình thì vì quá yếu không thể trốn thoát được. Cả bốn chị em nói trên đã trốn về được thành phố Tangiers tuy nhiên bà con thân nhân và bạn bè ai cũng sợ liên lụy không dám chứa chấp những con người đang bị hoàng gia cầm tù. Sau năm ngày giả làm du khách người Ý, cả bốn chị em bị cảnh sát hoàng gia tóm cổ sau khi một người bạn hèn nhát tố cáo.
May mắn là trong năm ngày chạy trốn Malika đã tìm cách tiếp xúc được với một đài phát thanh Pháp nhân dịp tổng thống Pháp là Francois Mitterand đến viếng thăm Morocco và gặp vua Hassan. Ông Mitterand đã đưa vấn đề gia đình Malika ra nói chuyện với Hassan II và nhà vua bị bắt buộc phải chấm dứt 15 năm tù đày và ngược đãi gia đình của Malika. Tiếp đó là bốn năm quản thúc toàn bộ gia đình ở vùng Marrackech và sau năm 1991 vua Hassan vẫn tiếp tục làm khó không cho gia đình Malika ra sinh sống tại nước ngoài. Tháng sáu năm 1996 em gái của Malika là Maria dùng thuyền trốn sang Tây ban nha và dư luận quốc tế bắt đầu biết đến cuộc hành trình khổ nạn của gia đình Malika. Áp lực liền được gia tăng đối với chính phủ của vua Hassan II và cuối cùng vương quốc Morocco đành phải chấp thuận cho gia đình Malika ra tỵ nạn tại nước ngoài.
Tháng 7.1999 Malika lúc đó đã 43 tuổi cùng với em trai là Raouf và em gái là Soukaina đến Paris.Một thời gian sau mẹ nàng và hai em gái khác cũng đến Pháp, nhưng Raouf cuối cùng quyết định quay trở lại Morocco nơi em trai út là Abdellatif vẫn còn sống tại đó. Năm 1998 Malika kết hôn với một kiến trúc sư Pháp là Eric Borderuil, tuy nhiên kết quả của những năm tháng cực hình đã khiến cho Malika không thể nào sinh sản được nữa. Hiện nay Malika sống bằng nghề viết văn và đã viết rất thành công nhiều tiểu thuyết bi kịch xã hội.
Năm 1991 Malika có cơ hội được gặp lại công chúa Lalla Mina và giữa hai người lúc đó đã có một khoảng cách không sao thu ngắn được. Lalla vẫn là một công chúa cành vàng lá ngọc, trong khi Milika chỉ là một phụ nữ tầm thường, một tội phạm của hoàng gia và cuộc đảo chánh bất thành năm xưa cùng với cái chết của cha Malika và những năm khổ nạn của nàng đã vô hình chung biến Malika và Lalla trở thành hai kẻ thù.
Tuy nhiên Malika cho rằng sự thù hận không mang lại cho nàng và gia đình những năm tháng hạnh phúc đã mất. Malika đã học được bài học tha thứ và chỉ có tha thứ, quên đi những thù hận của quá khứ,nàng mới có thể tái xây dựng lại cuộc đời tan tác của mình.
Việt Đăng