"Dối trátrở thành một sức mạnh thành lập lịch sử, hung hãn chưa từng có, trong ba mươi năm trở lại đây," Sándor Márai viết vào năm 1972. Điều này đặc biệt đúng đối với những xứ sở thuộc đông và trung Âu Châu; sau cuộc thế chiến thứ nhất, những tình cảm quốc gia tại đây nở rộ. Vương quốc Áo-Hung, một thế lực lớn lao thuộc trung Âu Châu, sụp đổ, và sự tan rã của nó đã sản xuất ra độc dược, những độc dược này làm độc những quốc gia mới mẻ, mọc lên từ nơi vương quốc Áo-Hung đổ xuống. Trong những đại học và trung học của một nước Hungary bị cắt cụt thun lủn, những luật lệ mang tính phân biệt đối xử đã được đem ra sử dụng, và, vào năm 1938, một thứ hiến pháp bài Do Thái hơn, đã có hiệu lực. Vào năm 1944, họ đeo cho tôi một ngôi sao vàng, và theo một nghĩa biểu tượng, nó vẫn còn đó; từ cái ngày ấy, tôi không làm sao gỡ nó ra được nữa.
Chắc có người kinh ngạc, tôi phải thừa nhận điều này, bởi vì đã hơn mười năm, sau sự trừ khử những nhà nước toàn trị cuối cùng tại Âu Châu, hơn mười năm, sau sự ra đời của chế độ dân chủ tại phần đất này của Âu Châu, vậy mà tôi vẫn còn nói như vậy. Những đau nhức như thế của tinh thần, có vẻ như chúng tự động sản xuất ra một thứ bệnh trạng của riêng nó, chúng ta chẳng thể nào hoàn toàn thấu đáo về một chuyện như vậy. Hãy lấy thí dụ, bạn có ý nghĩ là, thế giới chung quanh bạn thì đầy hồn ma, cứ như thể chính bạn cũng trở nên không thực, và cũng chỉ là một hồn ma.
Hay là trường hợp ngược lại, xẩy ra: bạn cảm thấy mình là đồ ngoại, cái mình là mình ấy là ngoại, như thể tất cả những gì bạn làm ra, đều trôi tuột đi, nhập vào môi trường chung quanh bạn, và đây là một môi trường không dính dấp, chẳng quen thuộc, và cũng chẳng tỏ ra thân mật với bạn: một môi trường phóng ngoại. Vợ tôi, là người Mỹ, do đó chẳng có vướng mắc gì với những thứ bệnh hoạn Đông Âu, đã nhận ra điều này: khi chúng tôi đi ra nước ngoài, tôi trải qua một sự thay đổi hoàn toàn nhân cách, con người của tôi. Ở trong những xứ sở ngoại quốc, tôi cảm thấy [như là] ở nhà của mình trong khi, ở nhà, tôi xử sự như một kẻ xa lạ.
Với những người ngoại quốc tôi xoay sở, nói năng, xử sự thoải mái, nhưng, với những đồng bào của mình, tôi cảm thấy chẳng thoải mái một chút nào, như muốn bịnh. Trong chế độ độc tài được gọi là xã hội chủ nghĩa, tình trạng này là tự nhiên, bình thường, và nhiều hay ít, tôi học sống với nó. Làm quen với chủ nghĩa sắc tộc chắc là mất thì giờ nhiều hơn. Nhưng ít nhất, tôi bây giờ ngụp sâu tới tận đáy, của một vấn đề, và không chỉ một mình tôi, tôi tin như vậy.
Trong cuộc sống hàng ngày của tôi, tôi thường xuyên [phải] đáp ứng với những cú chích, giống như bị điện chích lên da, nhẹ thôi, từ thế giới chung quanh. Nói theo kiểu ẩn dụ, tôi hằng hằng cào xước tôi. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với câu châm ngôn nổi tiếng của Montesquieu: "Trước hết, tôi là một con người, và rồi thì, tôi là một người Pháp." Những kẻ phân biệt sắc tộc - bởi vì chủ nghĩa bài Do Thái, kể từ sau Lò Thiêu Auschwitz, chẳng còn chỉ là bài Do Thái - muốn, tôi, trước hết, là một người Do Thái, và rồi thì, không còn là một con người nữa.
(còn tiếp)
Jennifer Tran chuyển ngữ