"Cho dù bất cứ ở đâu, viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nhà văn của Lò Thiêu vẫn chỉ là một cô hồn phiêu bạt, mong tìm nơi nương náu, ở nơi đâu nếu không là trong tiếng nước người..."
Tôi chẳng có ý dây dưa quá nhiều vào chuyện nghiên cứu những chế độ độc tài, chúng biến phân biệt đối xử và diệt chủng thành một nguyên tắc chung, một thứ qui luật của chúng. Ngoài ra, tôi chỉ nhắc tới hai hình thức cực đoan của phân biệt đối xử mang tính tập thể được đem ra thực thi bởi những chế độ độc tài thế kỷ 20, và chỉ đưa ra những thí dụ tại Âu Châu. Chúng ta biết còn có rất nhiều hình thức không phải tại Âu Châu. Ngay cả tại Âu Châu, cũng còn có những hình thức phân biệt đối xử mang tính tập thể, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng khá hiệu quả, mà chúng ta có thể gọi là phân biệt đối xử mang tính dân sự, giữa những người cùng trong một nước. Chính quyền tỏ ra chẳng giúp ích gì được, trong việc chống lại phân biệt đối xử dân sự, chính trị gia tỏ ra khả ái, còn mấy ông chủ trương dân túy thì coi như chẳng có gì là đáng xấu hổ cả, khi lợi dụng nó. Rồi thì còn có, đặc biệt là ở vùng Đông Âu, những xứ sở hậu cộng sản, một kiểu phân biệt đối xử không những đáng tha thứ, bỏ qua, mà lại còn được khuyến khích nữa, tuy bị nhà cầm quyền chính thức phủ nhận một cách quyết liệt. Cách đây không lâu, một nhà văn Ấn Độ, Urwashi Butalia, đã kể lại kinh nghiệm của riêng bà. Chúng ta được biết, qua bà, chuyện gì đã xẩy ra cho dân chúng, khi chính trị chia rẽ hai dân tộc, trong trường hợp ở đây, là dân Ấn và dân Pakistan. Họ nói cùng một thứ tiếng, và chia sẻ cùng một văn hóa, vậy mà chỉ vì chủ nghĩa ái quốc phi lý và cuồng tín tôn giáo đã làm cho hai dân tộc khốn khổ, chúng làm đảo điên tất cả sự suy nghĩ, cuộc sống từng ngày của họ. Chỉ trong vòng một đêm, nghĩa là vừa bừng mắt dậy, dân chúng nhận ra rằng, họ ở trong hai khu trại khác biệt hẳn nhau, và đứng trước thực tế phũ phàng, họ chẳng còn biết sống để làm gì, mình là ai, họ là ai nữa.