Sự báo động của ông Sếp Hối đoái Hà nội có một sự trùng hợp kỳ lạ, nếu không nói là điềm gở. Vì cùng lúc đó có tin ông Tổng Cục trưởng Cục Hối đoái Trung Quốc nhẩy lầu tự tử vì dính líu đến tham nhũng và bị điều tra. Hối đoái là nơi quản trị việc chuyển ngân ra ngoại quốc và cũng là một nơi tham ô nhũng lạm phải đi qua để lén đưa đô-la ra ngoại quốc giấu. Các anh Sếp sòng chuyển ngân lậu này cố nhiên không phải làm ăn một mình, mà làm việc riêng cho các Sếp lớn ngồi cao hơn, đến khi thiếu đô la, chuyện làm ăn bất chính bị tòi ra, chính các anh đó phải lãnh đủ. Nhưng hãy nhìn xem chuyện thiếu đô-la của Hà Nội như thế nào.
Ở Việt Nam cơn khát tiền ngoại đã có từ khi đầu tư ngoại quốc “bỏ nước ra đi”. Từ 4 tỷ đô-la năm 1996 nó đã xuống còn 1.4 tỷ năm ngoái và nó càng xuống dốc mạnh từ đầu năm 2000. Chế độ quýnh quáng lo níu áo các ông ngoại quốc và đô-la trở lại, nhưng mồm nói mở cửa kinh tế, xúc tiến đổi mới để thu hút đầu tư, tay vẫn giữ khư khư cánh cửa, chỉ sợ đầu tư vô làm chết quốc doanh liền khúc ruột. Đến nay chuyện cấp bách quá rồi, các ông Cộng sản chơi một nước cờ mới. Quốc hội gật đầu đóng triện được lệnh họp để “chấp thuận” sửa đổi Luật Đầu tư ngoại quốc vừa mới được ban hành năm 1998. Sở dĩ mới ra phải sửa lại ngay như vậy là vì luật đó bị đô-la nó chê. Lần này cũng không có gì phấn khởi vì các nhà kinh doanh luật gia nghiên cứu bản văn tu chính đã lắc đầu chán nản, rút cuộc vẫn chỉ là chuyện xẩm vào cuội ra.
Nhưng chế độ vẫn hy vọng, trong khi nêu ra miếng mồi bánh vẽ sắp có thay đổi lớn, Hà Nội phái ông Thủ tướng ngậm hạt thị Phan Văn Khải ra nước ngoài với chỉ thị phải ôm hôn thắm thiết đầu tư để đem nó về. Chuyến đi Miến đi Lào thăm hai anh nghèo rớt mùng tơi chẳng qua chỉ để che mắt thiên hạ, cái thắm thiết nhất đặt vào Thái Lan, để lôi nước này từ hàng đầu tư thứ 11 lên đến hàng cao nhất ở Việt Nam. Chỉ khổ nỗi sứ mạng của ông Khải đã thất bại thê thảm, kèm theo một cái nhục khó coi cho một người có địa vị Thủ tướng sang sứ nước người.
Trong một cuộc hội thảo có rất nhiều doanh gia Thái Lan và ngoại quốc tham dự, một giới chức cao cấp của bộ Ngoại giao Thái là ông Kobsak Chutikul, Tổng giám đốc Kinh tế vụ, đã lên tiếng giới thiệu phái đoàn Việt Nam đứng đầu là ông Phan Văn Khải. Sau một vài câu đãi bôi khen ngợi sự tăng trưởng quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước, Kobsak đã đi thẳng vào vấn đề đang làm các doanh nhân ngoại quốc quan tâm. Đó là những trở ngại khi các doanh nhân ngoại quốc đến làm ăn ở Việt Nam. Ông nói giai đoạn chuyển tiếp cho một thế hệ lãnh đạo mới ở Việt Nam trong hai năm qua đã đem lại “một cơ hội quan trọng cho việc đổi mới và tạo sinh khí cho công cuộc cải tổ và phát triển”, nhưng tâm trạng chung của các doanh gia ngày nay là “cơ hội đó đã bị lu mờ vì những thách đố và cản trở” do chính chế độ Hà Nội tự gây ra. Bây giờ ngay trong giới doanh gia, nhất là trong lãnh vực tư doanh, chỉ còn là một sự nghi ngờ liệu cái cơ hội đó có thật hay không.
Ông Kobsak nói nhiều xí nghiệp của Thái Lan làm ăn ở Việt Nam đã than phiền về việc thiếu sót hạ tầng cơ sở thương mại, đề ra chính sách nhưng lại không thi hành và không có một sân chơi đồng đều cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Đây mới thực là điều lo ngại nhất cho những người nước ngoài đem đô-la đến làm ăn buôn bán ở Việt Nam, vì một khi không có sự bình đẳng, các công ty quốc doanh cộng sản lấn áp chèn ép các công ty ngoại quốc, điều đó chỉ có nghĩa là các ông đầu tư ngoại quốc đem đô-la đến cúng vào túi bọn tham nhũng chớ không làm ăn gì được hết. Ông còn nêu ra một số những điều phàn nàn của doanh gia ngoại quốc như phí tổn làm ăn quá cao, các công ty ngoại quốc bị trói buộc chỉ được muớn những nhân viên người Việt được chế độ chỉ định và thủ tục xin phép kinh doanh rờm rà quá dài.
Trong suốt bài diễn văn mở đầu hội thảo của ông Kobsak, Phan Văn Khải và đoàn tùy tùng ngồi chết lặng như bị trời đánh. Khải sang Thái Lan với một ước vọng cao đem ra trình làng 200 dự án đầu tư coi như ngon lành nhất để chào hàng mời các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ đô-la ra mua. Ông Kobsak là một nhà ngoại giao nên nhìn bộ mặt của mấy ông khách, ông vuốt nhẹ xin lỗi đã đưa ra những chuyện khó nghe như vậy, nhưng ông nhấn mạnh Hà Nội phải nhìn nhận những sai lầm đó trước, rồi mới có thể đi vào hội thảo được. Thế nhà du thuyết đô-la họ Phan có nói được một lời nào không" Sau ông Kobsak, một doanh gia Thái Lan có đầu tư ở Việt Nam lên diễn đàn tố cáo thêm...Nhưng Khải đã thấy sôi hỏng bỏng không rồi nên đột ngột đứng lên cáo lui, nói...”đã hết giờ của tôi”.
Khải đích thân khai pháo cho một chiến dich “đô-la vận” rộng lớn bắt đầu từ Thái Lan, khốn thay pháo đã tịt ngòi ngay lúc vừa mồi lửa. Một chuyến đi chiêu dụ chỉ rước lấy bẽ bàng.