Phụ nữ Mỹ đã từng lên tiếng về nhiều vấn đề như giáo dục, y tế, ma túy, cả những chuyện lớn như sắc tộc và phá thai, nhưng chưa bao giờ họ có tiếng nói đông đảo, quyết liệt và dũng mãnh như lần này. Phong trào đã manh nha từ tháng 9-99, khi một phụ nữ ngồi nhà xem TV, thấy hình ảnh các em nhỏ từ một trường mẫu giáo nắm tay nhau để được dẫn ra khỏi một khu có kẻ bắn loạn ở trung tâm Cộng đồng Do Thái tại Granada Hills, California. Đó là bà Dees-Thomases, nội trợ 42 tuổi, mẹ của 2 con nhỏ ở miền Đông, New Jersey. Ngay lúc đó bà đã thấy thương sót và có một ý định: cần phải làm một cái gì... trước khi quá muộn. Chỉ trong một tuần lễ bà đã xin được tổ chức biểu tình ở khu Quốc hội tại thủ đô Washington, nơi có những tòa nhà tưởng niệm những vĩ nhân như Lincoln và Jefferson. Bà đã được phép ngay, mặc dù lúc đó chưa có người nào nhận lời tham dự. Nhưng từ đó phong trào dần dần nẩy nở và phương tiện đắc lực nhất làm nó nở rộ là mạng luới Internet.
Qua lời rao vặt trên báo và tiếp xúc với những nhóm nạn nhân bạo lực súng trên khắp nước, phong trào lớn dần, đồng thời một số tổ chức chống súng đã đứng lên yểm trợ và một vài tổ hợp đã chịu chi đến 2.3 triệu đô-la giúp việc tổ chức biểu tình. Bà Dees-Thomases lúc đầu chỉ xin phép cho 100,000 người diễn hành, nhưng chủ nhật vừa qua ban tổ chức ước lượng có đến 750,000 bà mẹ đã biểu quyết bằng chân ở Washington. Báo chí Mỹ đã nói đến “Cuộc tuần hành hàng triệu”, ngoài thủ đô còn có đến 70 thành phố khác trên khắp nước Mỹ cũng có những cuộc diễn hành. Chí lý thay, tiếng nói của Mẹ là tiếng nói chống súng. Trên đời này ai không có mẹ"
Dư luận Mỹ nói chung vẫn là chống súng, nhưng chống không có nghĩa là đòi loại bỏ hẳn súng trong tay thường dân vì trái Hiến Pháp. Họ đòi kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vật giết người này. Đại đa số phụ nữ chống súng, cho đến nay họ chỉ lên tiếng trong chỗ riêng tư chớ chưa hề họp lại thành một phong trào. Theo các cuộc thăm dò, 73% phụ nữ đòi phải có thên luật lệ xiết chặt kiểm soát súng, trong khi phía nam giới chỉ có 22% đồng ý. “Súng” vẫn là chuyện dài ở Mỹ từ hàng chục năm nay. Trong khoảng thời gian từ 1994 đến 1997 có 4,223 em nhỏ chết vì súng. Nhưng đến các vụ nổ súng ở trường học, trong đó có vụ trường Columbine, Colorado, được giới truyền thông làm nổi bật một cách bi thảm, các bà bắt đầu thấy đau sót và lo sợ. Nhờ áp lực của dư luận, một số luật kiểm soát việc mua bán súng đã được Quốc hội Mỹ ban hành trong hai năm qua sau những vụ tranh cãi gay go. Đặc biệt trong năm nay những người tranh đấu đã có thắng lợi vì một số tiểu bang đã ra lệnh buộc súng bán ra phải có khóa ở cò súng và giới hạn việc bán súng.
Nhưng các bà mẹ thấy như vậy vẫn chưa đủ mà đòi cần phải kiểm soát gắt gao hơn nữa. Các nhóm chủ trương chống súng đã giúp các bà mẹ đưa ra những mục tiêu tranh đấu cụ thể, thay vì chỉ hô hào chống súng. Chương trình hành động của “Triệu bà Mẹ” đòi Quốc hội phải ra luật quy định việc dùng súng như các tiểu bang quy định việc “sử dụng xe hơi”, đăng ký hàng năm cấp giấy phép cho chủ xe cũng như việc bắt buộc phải có bằng lái xe. Nhiều nhân vật Quốc hội của đảng Dân chủ, như hai bà Thượng nghị sĩ Diana Feinstein và Barbara Boxer của California đã ủng hộ hết mình chương trình này. Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton cũng đi biểu tình, ông Clinton vì lý do an ninh phải ở nhà, còn ông Phó Al Gore ở nhà làm babysit giữ cháu, để bà vợ và con gái gia nhập cuộc tuần hành “Triệu bà Mẹ”. Không phải chỉ có các Mẹ trẻ xuống đường mà cả các Mẹ già đầu bạc răng long cũng hăng hái xuất quân. Bằng cớ là các cụ bà 80 tuổi ở một viện dưỡng lão tại Sacramento đã đăng ký đi xe buýt để đến dự một cuộc tuần hành nơi gần nhất.
Tuy nhiên cuộc tranh đấu “chống súng” của các bà Mẹ không phải là không gay go. Vì cũng ngày này các lực luợng “thân súng” đã ra tay. Đó là thế lực của những người làm súng, bán súng. “Chống súng” làm nguy đến công việc làm ăn của họ, nhưng họ nêu ra chủ đề “quyền có súng để tự vệ” Hiến pháp đã cho phép. Họ cũng không thiếu tiếng nói của một số bà, chẳng hạn như “Đoàn Chị em ta Đệ nhị tu chính án” (khoản Hiến pháp cho phép người dân có quyền mang súng tự vệ). Trong số này cũng có những bà thân nhân đã bị chết vì súng bắn loạn. Tiếng nói “thân súng” mạnh mẽ nhất có thể là một bà Dân biểu Nghị viện tiểu bang Texas. Một chục năm trước đây bà này là chủ một nhà hàng ở Killeen Texas, có một kẻ mang súng xông vào bắn chết 21 người, kể cả cha mẹ của bà. Nay bà nói nếu lúc đó bà được quyền mang khẩu súng hợp pháp của bà, bà có thể bắn chết ngay thủ phạm vì hắn đứng cách bà có 5 thước. Đó là chưa kể thế lực xưa nay rất mạnh của hội chơi súng NRA trong hành lang Quốc hội.
Dù sao tiếng nói vang dội bằng chân “Triệu bà Mẹ” trên khắp nước Mỹ trong năm bầu cử này đã nhắn nhủ một lời cho các ông bà làm luật ở Capitol Hill: Coi chừng, hãy mau xiết chặt kiểm soát súng. Nếu không thì sao" Nếu không...sẽ biết tay nhau vào tháng 11 này.