Đã từ lâu tôi muốn viết về hình ảnh các cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng tôi ngần ngại vì không muốn mang tiếng “mẹ hát con khen hay”. Tôi cũng là người con của cộng đồng người Việt, nếu tôi ca ngợi cộng đồng của tôi, chẳng hóa ra tôi tự tâng bốc hay sao. Tôi muốn chờ những tiếng nói trung thực của những người độc lập vô tư. Vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày 30-4, tôi đã thấy nhiều tiếng nói của các học giả, các nhà quan sát ngoại quốc. Tôi đã đọc một bài bình luận của Giáo sư Walter A. McDougall trên tờ New York Times. Bài báo nhằm phân tích ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam đối với Mỹ, trong đó có đoạn viết: Điều đáng xấu hổ nhất cho tất cả người Mỹ là “chúng ta đã nâng đỡ những người Việt Nam chống cộng, nhưng chúng ta đã phản bội họ nhiều lần”.
Tôi đã viết trách nhiệm làm mất miền Nam Việt Nam trước hết vẫn là chính chúng ta. Đạo lý Á Đông là trách mình trước, trách người sau. Nay có người nói giùm, tôi cảm thấy đuợc an ủi rất nhiều. Nhưng có một đoạn làm tôi chú ý hơn. Giáo sư McDougall viết: “Một ảnh hưởng dài hạn và sâu xa nhất (của cuộc chiến) đối với nước Mỹ đã xuất phát từ những sự đóng góp rất phong phú nhưng thường bị nhìn một cách bất công, của những người tị nạn Việt Nam, những người đã thầm lặng bắt tay vào việc phục hồi những xóm cư dân tàn lụi, thiết lập kinh doanh và cho con em họ đến trường học”. Đây là một tiếng nói đơn độc chăng"
Hãy nhìn một bài báo rất xúc tích đăng trên tờ San Jose Mercury News ngày chủ nhật 30-4. Dưới hàng tựa lớn trên trang nhất “Một cuộc sống mới: bị bắt buộc phải chạy khỏi quê hương, những người Mỹ gốc Việt đang hình thành lại nước Mỹ”, bài báo có đoạn viết: “Ngày nay - 25 năm sau khi Saigon thất thủ - các ông họ Đinh, Huỳnh, Đỗ đó và hàng ngàn người tị nạn khác đã làm hơn cả những gì cần làm để sống còn. Họ là những kỹ sư nhu liệu điện toán, những người đầu tư quý giá ở Silicon Valley. Họ là những người đã tạo thành cột sống kinh tế ở Little Saigon, miền Nam California. Họ là những người đã tiến từ những kẻ bắt tôm ở Vịnh Mễ-Tây-Cơ Texas, đến những vị bác sĩ, những nhà khảo cứu ở Houston”.
“Trong có một thế hệ, hơn một triệu người Việt và người Mỹ gốc Việt sống ở Hoa Kỳ đã biến đổi cấu trúc cộng đồng từ Seattle đến Philadelphia, đã xây dựng lại cuộc đời của họ một cách kiên trì và nhẫn nại”. Trước những nhận định như vậy, mọi “phụ đề” của tôi cũng bằng thừa. Tôi cũng không cần liệt kê ra hàng trăm ngàn thí dụ điển hình về những thành công của người Việt hải ngoại. Nhưng tôi vẫn có những suy nghĩ ấp ủ trong lòng từ lâu về các cộng đồng người Việt chúng ta. Tôi muốn nói đến những kinh nghiệm cộng đồng để trả lời một số câu hỏi. Vì lý do nào một cộng đồng có sức mạnh và được người bên ngoài kính nể"
Một cộng đồng mạnh là một cộng đồng sinh động và phát đạt, không có nhiều “gánh nặng xã hội”. Chữ “gánh nặng xã hội” (public charge) có khi bị hiểu một cách lệch lạc như những người không có óc tự lập, chỉ biết đi lãnh “eo-phe” để bám vào đó mà sống rồi chẳng chịu làm ăn gì cả, hoặc chỉ đi làm bậy, gây rối, vi phạm luật pháp. Tôi nghĩ trong các cộng đồng người Việt của chúng ta không có, hoặc có rất ít loại người này. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh trong cộng đồng của chúng ta có những vị cao niên, những người tàn phế, những người đã bị mất khả năng làm việc vì bị hành hạ trong tù cải tạo cả chục năm. Họ không là gánh nặng, trái lại họ là những người được biết ơn và phụng dưỡng, không phải chỉ do con cháu của họ mà còn do sự góp sức của cả cộng đồng năng động qua tiền thuế đóng vào quỹ an sinh xã hội.
Tôi chỉ biết nhìn đến những cái đẹp mà cố tình quên đi những cái xấu của cộng đồng chăng" Tại sao tôi không nói đến những tranh chấp, thù hận, đố kỵ, cãi vã, chia rẽ đến độ làm “nát bấy cộng đồng”" Tôi không quên, mà vì tôi nghĩ những chuyện đó không có gì quan trọng. Đó chỉ là những thử thách của một xã hội dân chủ. Nếu muốn có một chế độ dân chủ ở Việt Nam, chúng ta phải làm quen với những thử thách đó. Nhưng tôi không nghĩ những rạn nứt đó có khả năng làm nát bấy cộng đồng. Ai nát thì cứ nát, chớ cộng đồng của chúng ta chẳng nát chút nào. Nó vẫn mạnh, vẫn năng động và vuơn lên. Tôi không đề cao cộng đồng của chúng ta, vì tôi nghĩ sự thành công của chúng ta cũng chỉ là chuyện thường. Nó có thể được người ngoại quốc coi là chuyện lạ, nhưng đối với dân ta cả trong và ngoài nước, đó chỉ là chuyện thường. Thường của các phó thường dân chớ không phải của các ông lãnh đạo.
Nếu có một lời khen nào về sức năng động của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ lời khen đó nên dành cho những đồng bào của chúng ta ở trong nước. Chúng ta có sẵn một môi trường để tự do phát triển, nhưng đồng bào trong nước bị kẹt dưới một chế độ chính trị tham ô lãng phí, kìm hãm phát triển kinh tế và xã hội để giữ độc quyền, thế mà họ vẫn chống được nghịch cảnh để tìm con đường tự phát triển, tự vươn lên làm người ngoài phải khâm phục. Họ tháo vát, kiên trì và nhẫn nại hơn chúng ta rất nhiều. Vô hình trung, họ đang chuẩn bị môi trường cho một sự thay đổi chế độ ở Việt Nam.