Điều lạ lùng là tình thế bỗng nhiên bốc lửa sau khi một đề nghị hòa bình do Ả Rập Saudi đưa ra bắt đầu được các phe liên hệ chú ý. Ngày 17-2, Hoàng thái tử Abdullah của nước Ả Rập Saudi nêu ra một ý kiến đơn giản về hòa bình: Thế giới Ả Rập sẽ đề nghị bình thường hóa bang giao đầy đủ với Israel để đổi lại việc Israel hoàn toàn rút ra khỏi những vùng đã chiếm đóng sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. "Đổi đất lấy hòa bình" không phải là chuyện lạ, người ta đã nói đến nhiều trong hơn 10 năm qua và đã có những ký kết ngưng chiến trên nguyên tắc đó. Nhưng ký rồi súng vẫn nổ. Nguyên tắc là một chuyện, chi tiết thi hành lại là chuyện khác. Lúc đầu đề nghị của Abdullah chỉ được các phe liên hệ tiếp đón dè dặt hay hoài nghi, nhưng xét ra trước tình thế không lối thoát hiện nay, đó là hy vọng duy nhất để tránh bùng nổ. Trong cuộc họp thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ngày 27 và 28-3 ở Beirut, Abdullah sẽ yêu cầu 22 nước dự hội cùng đưa ra sáng kiến hòa bình mới. Vậy tại sao bây giờ tình thế lại bốc lửa"
Phàm khi có chuyện hòa được đặt ra, các phe liên hệ đều thấy đây là cơ hội chót để chiếm ưu thế trong hòa bình. Nguyên tắc đổi đất lấy hòa bình còn nhiều vấn đề chưa giải quyết dứt khoát. Thứ nhất là vấn đề nguời Ả rập trước đây sống trong lãnh thổ Israel nhưng vì những cuộc xung đột, khoảng 300,000 người phải chạy ra ngoài tị nạn ở một số nước Ả rập lân cận. Phía Palestine đòi phải cho những người tị nạn Ả rập trở về lãnh thổ Israel, chính quyền Israel không chịu. Ngoài ra Palestine còn đòi những người Do Thái định cư trên phần đất của họ cũng phải rút cả về Israel. Việc này Israel cũng không chịu. Theo sự phân chia từ năm 1948, Palestine được hưởng một nửa phía Đông của thành Jerusalem và họ lấy nơi đó làm thủ đô. Năm 1967, phe Ả rập tấn công Israel nhưng thất bại, ngược lại Israel chiếm luôn cả phần phía Đông Jerusalem và di chuyển thủ đô từ Tel Aviv về Jerusalem. Israel ngày nay chấp nhận nguyên tắc đổi đất lấy hòa bình, nhưng chưa chấp nhận một giải pháp nào cho Jerusalem, chỉ bằng lòng sẽ thương lượng sau. Về đề nghị của khối Ả rập, cố nhiên chính quyền Arafat rất hoan nghênh, nhưng các phe tranh đấu Palestine thấy cần phải đánh lớn để đòi cho bằng được những điều Israel chưa chịu. Vì thế hòa bình chưa thấy đâu, chỉ thấy bom tự sát và đánh lớn gia tăng.
Tình thế này tạo một thế khó khăn cho Mỹ, bởi vì thế giới Ả Rập cho rằng sở dĩ Israel cứng rắn không chịu nhượng bộ là vì có Mỹ đứng sau lưng ủng hộ. Tình thế lại càng phức tạp vì chính phủ Bush đang mở mặt trận trên toàn thế giới chống quân khủng bố al-Qaida của bin Laden và cho đến nay Bush vẫn nghiêng hẳn về lập trường của Israel tố cáo các nhóm quá khích Hồi giáo Palestine là khủng bố. Đề nghị Abdullah đưa ra không phải cho Israel, mà thật ra nhằm vào Mỹ. Và cuối tháng này Thượng đỉnh Ả rập chấp nhận đề nghị Abdullah để đòi Mỹ tạo sức ép bắt Israel phải chấp nhận. Abdullah tuyên bố với tạp chí Time: "Nếu Mỹ đóng vai trò hàng đầu trong vụ này, tiến trình sẽ được có thêm tin tưởng và hiệu quả. Nhưng nếu Mỹ không muốn góp phần, hãy để cho những nước khác làm".
Chưa biết dề nghị Abdullah với sự ủng hộ của Thượng đỉnh 22 nước Ả rập sẽ có chi tiết cụ thể như thế nào, nhưng trước hết thế kẹt nằm ở phía Israel. Cho đến nay Israel vẫn nói sẵn sàng nói chuyện hòa bình nhưng đòi chính quyền Arafat phải tiễu trừ các nhóm khủng bố bạo động. Bây giờ nếu các phe cực đoan Palestine ngừng tấn công trong khi Liên đoàn Ả rập đưa ra những chi tiết hòa giải Israel không thể chấp nhận được thì sao" Chỉ riêng việc chấp nhận hòa đàm lại với Arafat cũng là chuyện mất mặt cho Thủ tướng Ariel Sharon, vì ông này đã khẳng định Arafat "thuộc phe khủng bố", nên chính quyền Palestine phải tìm một người khác để thương thuyết. Hơn nữa, nếu Israel chịu lùi một bước nhỏ trong các vấn đề tranh chấp hiện nay, điều đó chỉ có nghĩa là Israel đã bị khuất phục bởi những đòn đánh bom tự sát và tấn công bạo động của người Palestine. Và bước lùi nhỏ sẽ đưa đến những bước lùi lớn; nếu không lùi, các đòn đánh lại tái diễn.
Về phía Mỹ, đây là một thủ thách lớn. Nếu Mỹ ép buộc Israel phải nhượng bộ, điều đó sẽ có nghĩa là Mỹ lùi trước áp lực của các phần tử cực đoan đã bị Mỹ liệt vào loại khủng bố. Lùi như vậy, mặt trận chống khủng bố của Mỹ sẽ hết ý nghĩa. Không một chính phủ Mỹ nào có thể phá vỡ chính sách truyền thống gắn liền với khu vực Trung Đông nhiều dầu lửa. Nhưng nếu không ép buộc Israel từ bỏ chính sách ra tay quyết liệt với chính quyền Arafat của Palestine, Mỹ có thể sẽ mất thế liên minh của các nước Ả rập chống khủng bố và có thể phải chấp nhận cả một cuộc chiến tranh ở Trung Đông với những hậu quả khó lường.