“Hồ Chí Minh Là Ai"” Đó là nhan đề bài viết chính trong phần Điểm Sách của báo Los Angeles Times hôm Chủ Nhật. Người viết bài là Carol Brightman, người sáng lập và là chủ bút “Viet-Report” và trong các năm gần đây đã trở về VN nhiều lần để thu thập lịch sử kể bằng lời (oral histories) về hai cuộc chiến Đông Dương.
Một điều ít người biết đã được nêu ra trong sách - xin lỗi, đoạn này thuộc loại R, giành cho người lớn đọc - đó là câu nói của ông Hồ Chí Minh năm 1946, “Thà là ngửi cứt Tây trong thời gian ngắn, còn hơn là ăn cứt Tàu suốt cả đời.” (It is better to sniff French shit for a while than to eat China’s for the rest of our lives.)
Đó là lúc ông Hồ thương thuyết và mời quân Pháp về lại Hà Nội, nhằm đẩy lui quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa đang chiếm nhiều tỉnh Miền Bắc VN. Cũng là lúc ông Hồ sáng chế ra ngày sinh nhật 19/5 để có cớ bắt dân treo cờ, nhưng giải thích với Pháp là treo cờ đón Pháp vào.
Tác giả cuốn sách dày cộm này là ai" William Duiker là một giáo sư hồi hưu ngành nghiên cứu Đông Á tại Đại Học Penn State, và là tác giả nhiều sách về Trung Quốc và Việt Nam hiện đại. Duiker đã dựa nhiều vào các nguồn tin tình báo, chủ yếu là các sở gián điệp Pháp, Anh, Trung Quốc và Comintern (Cộng Sản Quốc Tế Đệ Tam) - được người ta tin là biết về Đông Dương rõ hơn CIA hay FBI.
Dĩ nhiên là đời tư ông Hồ cũng bị khui ra trong sách. “A, nhưng ông biết, tôi là một ông già, một người rất già... tôi thích giữ những bí mật nho nhỏ của tôi.” Đó là lời ông Hồ nói với phóng viên Pháp Bernard Fall năm 1962, khi Fall tới Hà Nội tìm cách, dĩ nhiên là thất bại, cạy miệng ông Hồ về đời sống tư riêng.
Tác giả Duiker đã khám phá ra một lô bí mật đời tư ông Hồ: một người vợ Trung Hoa, mối tình dan díu với một nữ đồng chí, và những lời đồn về vụ dan díu bi thảm tại Hà Nội năm 1955. Tuy nhiên, nhà điểm sách Brightman đã chỉ trích rằng tác giả Duiker đã bỏ sót một chi tiết quan trọng trong đời hoạt động của ông Hồ: Năm 1945 tại Côn Minh, tổng hành dinh Không Đoàn 14 Hoa Kỳ, ông Hồ được tuyển mộ làm một điệp viên OSS (tiền thân của CIA), với bí danh là Lucius. Theo Brightman, để thưởng những thông tin về quân Nhật tại VN, Sở Tình Báo Hoa Kỳ OSS đã cung cấp quân đội Việt Minh du kích vũ khí nhẹ và huấn luyện.
Còn bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà ông Hồ đọc nữa. Những dòng chữ như “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được hưởng những quyền bất khả tước đoạt...” Ông Hồ chôm ở đâu" Khi điệp viên Mỹ OSS Archimedes Patti đọc bản thảo diễn văn ông Hồ năm 1945, ông mới thắc mắc hỏi là ông Hồ có thực đã vay mượn Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Sau này thì Patti viết lại, “Tôi không biết tại sao tôi thắc mắc vậy, có lẽ là một cảm giác về tác quyền...” Ông Hồ mới ngả lưng trên ghế, các đầu ngón tay chạm vào môi, và hỏi nhẹ nhàng, “Có phải tôi không nên dùng nó"”
Trong sách, tác giả phân biệt ra một Nguyễn Ái Quốc và một Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn cầm quyền, ông Hồ đã bị chính guồng máy nhà nước do ông tạo ra áp lực và đã dẫn tới sớm sủa những màn đấu tố cải cách ruộng đất đẫm máu - trong đó nhiều “địa chủ ngoan cố” với nhiều người là Công Giáo đôi khi bị tra tấn và giết chết. Chính ông Hồ lúc đó đã dùng lời vuốt ve dân, nhưng đã quá trễ để ngăn chận cuộc di tản về Nam của gần 600,000 người Công Giáo (còn lại Miền Bắc là 900,000 tín đồ) “khi tin lời các linh mục là tìm theo Đức Mẹ ở phương Nam” và được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đón nồng nhiệt.
Duiker viết, “Hồ Chí Minh đã trở thành tù nhân của chính những gì ông tạo nên... không có thể [trong tình trạng ảnh hưởng suy giảm] thoát khỏi một guồng máy hy sinh số phận của những cá nhân cho cái đạo đức cao hơn của một kế hoạch chính yếu.” Theo Duiker, khi ảnh hưởng ông Hồ suy yếu, thì hình ảnh “Bác Hồ” được truyền thông đánh bóng hơn. Những người kế nhiệm nắm quyền chính, lại không phải là Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng (những người thân tín của ông Hồ) mà lại là Lê Duẫn và Lê Đức Thọ.
Có một điều chắc chắn, ông Hồ không phải mẫu người đơn giản kiểu như các chuyện cổ phù thủy bị âm binh vật ngã. Nhưng ông Hồ là ai" Câu hỏi này chỉ giành cho người hải ngoại, bởi vì người quốc nội vẫn còn bị cấm suy nghĩ về các vấn đề tương tự.