Nếu bạn chưa đi bầu, xin hãy đi bầu; nếu bạn đủ điều kiện mà chưa thấy giấy tờ gì gửi về nhà, xin cứ ra thẳng phòng phiếu gần nhà nhất, xin bầu bằng phiếu tạm (provisional ballot) rồi quận sẽ xác minh cho bạn sau. Có khi chậm trễ giấy tờ chỉ vì bưu điện.
Đây là cuộc bầu cử dự kiến sẽ thu hút đông đảo cử tri nhất trong nhiều thập niên. Cũng là cuộc bầu cử tốn kém nhất, và động viên nhiều nhân lực và năng lực nhất.
Bạn đã thấy những người trẻ trong các buổi cuối tuần đã đi trên phố Little Saigon ở Nam California, hay ở Lion Plaza ở Bắc California, với biểu ngữ, với bích chương, mời gọi ghi danh bầu cử, mời gọi ủng hộ ứng viên này, hay kêu gọi chống đối ứng viên kia. Tuổi trẻ Việt trong các chiến dịch này cũng chỉ là một phần của cả một biển người tuổi trẻ đã, đang được động viên cho cuộc bầù cử lịch sử lần này.
Hãy vinh danh tuổi trẻ. Họ xuống đường với trọn lòng hy sinh, vì tin vào hướng đi của Hoa Kỳ mà họ đang góp phần đẩy tới. Và cả hai ban vận động của Bush, Kerry đều nương tựa rất nhiều vào biển người tuổi trẻ đó.
Điều đặc biệt nữa của cuộc tuyển cử 2004 là, hai người giữ chức trưởng ban vận động cho Bush và Kerry đều là 2 người trẻ, còn độc thân, đã dồn hết năng lực ngày giờ suốt hơn năm qua để dàn dựng cho cuộc bầu cử 2-11 này, ngày mà họ sẽ hồi hộp nhất trên đời. Chắc chắn thế. Bởi vì họ đã sống tới gần nửa đời, và đây là trận đánh lớn nhất trước giờ của họ, và cả thế giới đang nhìn vào họ.
Hai vị tư lệnh vận động này rất trẻ so với công việc. Và họ đều tính sẵn sàng, hễ thua trận này, là sẽ về sống với ba mẹ một thời gian, không chỉ vì thất nghiệp mà còn vì họ đã không hoàn tất nổi sứ mệnh lớn lao mà toàn đảng Cộng Hòa và Dân Chủ giao phó. Một nửa đất nước Hoa Kỳ sẽ rơi vào buồn thảm, dù bất kỳ Bush hay Kerry thắng cử.
Trưởng Ban Vận Động của Bush là anh Ken Mehlman, 38 tuổi. Anh sẽ về, nếu Bush thua, ngụ ở nhà ba mẹ ở Naples, Fla. Mẹ anh là Judy, nói, “Chúng tôi sẽ gần gũi để coi nó có muốn nói gì không. Chúng tôi sẽ an ủi nó. Sẽ dẫn nó đi bộ. Chúng tôi sẽ phân tích cho nó thấy là nó đã làm mọi thứ rất hoàn hảo.”
Trưởng Ban Vận Động của Kerry là cô Sarah Bianchi, 31 tuổi, sẽ được đón ở nhà ba mẹ ở Atlanta, “như một thủy thủ từ biển về nhà sau chuyến đi dài cả năm ở biển,” theo lời ba cô là Paul. Trong nhiều tháng, cô bận tới nổi chỉ trả lời email của ba mẹ bằng 1 chữ “k”. Đây là viết tắt của chữ “OK,” có nghĩa mọi chuyện tốt đẹp. Nếu Kerry thua, ba mẹ sẽ dọn những bữa ăn nóng và nói chuỵện dài hơn là “email một mẫu tự” của cô.
Tương tự như anh Mehlam và cô Bianchi, nhiều ngàn “quan quân bộ chiến” trong ban vận động của Bush và Kerry đều còn trẻ và độc thân. Cho nên, ba mẹ của họ là nguồn quan trọng cho các lời khuyên, lời cố vấn và an ủi. Tất cả các bậc ba mẹ này trong tuần này đều chuẩn bị cho kịch bản, rằng sau ngày 2-11 họ sẽ phải an ủi những đứa con thất nghiệp, buồn bã của họ.
Từ nhiều tháng, họ cũng tham chiến cùng với con trong mặt trận bầu cử này. Họ thường xuyên gửi email cho con, hiến kế, đưa ra các góp ý về chiến lược kiếm phiếu, và bình phẩm về các chương trình, bản tin bầu cử TV.
Mới tuần trước, giám đốc về truyền thông của Kerry là Tom Eisenhauer nhận từ mẹ 1 khẩu hiệu mà bà nghĩ là có thể thuyết phục các cử tri do dự phải bỏ rơi Bush, “Nếu quý vị cứ làm những gì quý vị đang làm, quý vị sẽ nhận những gì quý vị đang nhận.”
Chàng trai Eisenhauer, 33 tuổi, phải nói với mẹ -- bà cụ đang ở Corpus Christi, Texas, rằng chàng thích câu khẩu hiệu gọn gàng do mẹ đưa ra lắm, nhưng không thể hứa rằng TNS Kerry sẽ nói lên câu khẩu hiệu này.
Tất nhiên, hầu hết các bậc ba mẹ đều một lòng với công việc của con mình. Như ba mẹ của Ken Mehlman, là ông cụ Arthur, 62 tuổi, và bà cụ Judy, 59 tuổi, đã từng chụp hình lưu niệm với TT Bush và họ trân trọng với lời mà Bush ghi trên ảnh, “Hai ông bà đã nuôi lớn một người đàn ông vĩ đại.” Ai dám bảo ông Bush không khéo lời...
Còn ông cụ Paul Bianchi, 59 tuổi, thì kể rằng Kerry đã nói với ông rằng cô con gái của ông thì “tuyệt vời và thông minh dị thường.” Cần nhắc hồi năm 2000, cô Bianchi đã làm việc cho PTT Al Gore, người đã công khai mô tả cô là “thông minh dễ sợ.” Thế là ba của cô, hiệu trưởng 1 trường tư, mới giỡn với con gái, “Sarah, con tất nhiên là dễ sợ. Còn ba mẹ sẽ đưa lại cho con phần thông minh...”
Các bậc ba mẹ còn cố vấn con mình nhiều chuyện khác nữa. Linh tinh nữa. Phần lớn bởi vì các cô, các cậu vẫn còn độc thân, chưa có bạn đời nào níu theo mà cố vấn. Nhất là khi các bậc bố mẹ này thấy con được phỏng vấn trên TV.
Như bà cụ Helen Cahill, 73 tuổi, kể rằng bà bảo con gái bà là Mary Beth, người hiện là quản đốc vận động của Kerry, hãy mỉm cười khi được phỏng vấn bởi vì “con có quá nhiều điều để hạnh phúc mà...”
Còn bà cụ Mehlman nói con trai hãy mặc áo sơ-mi màu sáng, bởi vì chúng sẽ làm cho anh chàng trông thoải mái hơn. Đâu phải đi bên cạnh Tổng Thống Bush là phải mặc áo màu sậm....
Còn cụ Micahel Dowd, 70 tuổi, cha của chiến lược gia chính trị Matthew Dowd của Bush thì khuyên con trai ngưng hẳn việc trả loời bằng chưa “obviously” quá nhiều. Chữ “obviously” có nghĩa là “hiển nhiên là thế , hẳn nhiên là thế...”
Bà cụ Terry DeShong, 59 tuổi, thì ra tiệm mua liền các bộ trang phục và gửi liền 5 bộ cho cô con gái 33 tuổi của bà, cô Debra, 1 phát ngôn nhân của Kerry.
Cũng có chuyện ngang trái. Đó là trường hợp cô Nancy Meakem, 27 tuổi, đồng sáng lập “Concerts for Change” (Hòa Nhạc Để Thay Đổi), một nhóm hoạt động để giúp Kerry. Cô làm việc ngày đêm, và tới giờ đã tổ chức được 101 cuộc hòa nhạc để gây quỹ giúp Kerry.
Nhưng ba mẹ cô lại là Cộng Hòa nòi, hiện đang sống ở Greenwich, Conn., đang hết lòng ủng hộ TT Bush. Ba cô là Jack, 68 tuổi, nói rằng, nếu Kerry thất cử, thì “chúng tôi thấy rất thương cho Nancy bởi vì nó làm hết lòng hết sức, nhưng chúng tôi lại vui mừng vì thế sẽ tốt cho cả nước Hoa Kỳ.”
Dù vậy, cô Meakem nói đây là chuyện tế nhị -- rằng ba mẹ cô tuần này bỏ phiếu ngược chiều với cô -- nhưng cô vẫn cảm thấy được yêu thương. Cô nói, “Ba mẹ tôi đang hy vọng tôi thua cuộc bầu cử này, và rồi sẽ viết 1 cuốn sách thành công về kỹ thuật tổ chức [vận động bộ chiến].”
Tất nhiên, tất nhiên. Nhiều vị ba mẹ còn mong đợi nhiều điều khác nữa. Dù thắng dù thua, những đứa con trở về nhà tuần này, có thể rồi sẽ lấy chồng, lấy vợ, tìm 1 việc làm an ổn, và rồi có những đứa con. Rồi đời con họ sẽ lại tiếp tục làm việc hăng say -- cho một nền dân chủ tốt đẹp nhất trên địa cầu này.
Bao giờ thì Việt Nam mình sẽ dân chủ như thế" Ai nỡ kềm kẹp đồng bào mình hết năm này qua năm kia như thế"