Thùng bảo vật chứa các hạt bụi không gian nằm trong bụng của phi thuyền mẹ. Thùng này hình tròn nặng khoảng 50 ký, có vỏ bọc rất kiên cố. Sáng chủ nhật vừa qua, thùng này được thả vào bầu khí quyển để nó có dù đáp xuống đất an toàn. Người ta gọi đây là bảo vật bởi vì những hạt bụi đó khi được khảo sát sẽ cho biết một chuyện vô cùng quan trọng: đó là căn nguyên sự hình thành quả Địa Cầu chúng ta đang sống. Theo Khoa học Không gian và Vũ trụ, Mặt trời của chúng ta thành hình khoảng 4.5 tỷ năm trước đây, Trái đất cũng như các hành tinh khác trong Thái dương hệ thành hình khoảng mấy chục triệu năm sau đó. Nhờ những viễn vọng kính tối tân, các nhà thiên văn trong mấy năm qua, nhất là trong năm 2005, đã nhận thấy rõ tiến trình sự hình thành các vì sao và các Thái dương hệ khác trong vũ trụ. Thoạt đầu chỉ là một khối khổng lồ những hạt vật chất nhỏ ly ty xoay tròn nên dẹt như một cái đĩa. Vì lực hấp dẫn, trung tâm đĩa ngày càng đông đặc nên đến một thời điểm nào đó, sự cọ sát tạo thành một phản ứng nhiệt hạch nên bùng nổ và ánh sáng phát ra thành ngôi sao như chúng ta thấy ngày nay.
Sau khi trung tâm đĩa thành Mặt trời, cái đĩa vẫn còn vật chất dư thừa quay xung quanh vì sao mới, chúng dần dần họp lại thành những hành tinh không phát ánh sáng giống như Địa Cầu của chúng ta. Những hình ảnh tương tự chúng ta đã nhận thấy trong Vũ trụ xa thẳm. Nay những hạt bui không gian mới thu được sẽ là những bằng chứng cụ thể có "thể sờ mó được" ở ngay trong Thái dương hệ của chúng ta chớ không phải ở đâu xa, nhờ đó các nhà khoa học có thể xác định dứt khoát một lần chót căn nguyên sự thành hình Trái đất. Kết quả này có thể khác với đức tin Thiên chúa giáo, theo đó ánh sáng và Trái đất do Chúa tạo ra, nhưng chúng tôi nghĩ sự khác biệt đó không có gì đáng quan tâm. Người Thiên chúa giáo vẫn có thể giữ vững niềm tin, còn các nhà khoa vẫn có thể tiếp tục tìm hiểu thêm tiến trình cụ thể của sự sáng tạo đó như thế nào. Coi sự sáng tạo đó vẫn là ý Trời cũng không sao và cũng không có gì trở ngại cho sự khám phá khoa học.
Riêng tôi, tôi còn nghĩ đến một đề tài quan trọng hơn nữa. Đó là căn nguyên sự sống trên Trái đất này. Cho đến nay, các nhà khoa học đã nắm được bằng chứng sự sống xuất phát từ ngay ở Địa Cầu. Nhưng cũng có những thuyết cho rằng mầm mống của sự sống có thể từ ngoài không gian vũ trụ đem đến góp phần nẩy nở. Về điểm này, Khoa học và tôn giáo có những quan điểm bất đồng. Khoa học nói sự sống bắt đầu từ những vật đơn tế bào nảy nở ở biển rồi hóa thành sinh vật leo lên đất liền và trong hàng trăm triệu năm đã tiến hóa thành những loài khác nhau, trong đó có loài người. Sách Sáng thế của Thánh Kinh ghi rằng chính Thiên chúa đã tạo ra thủy tổ loài người là ông Adam và bà Eva. Chúng tôi đã nhắc đến những quan điểm tương phản này, nhưng ở đây chúng tôi muốn phân tích một khía cạnh đặc biệt của sự sống. Những hạt bụi do phi thuyền Stardust đem về rất có thể sẽ rọi thêm một tia sáng vào nguồn gốc sự sống.
Sự sống thường được định nghĩa một cách đơn giản là những vật gì sinh ra, biết hấp thụ năng lượng để lớn mạnh và phát triển, biết sinh con đẻ cái để nối dõi giống nòi và đến già phải chết để các thế hệ kế tiếp thay thế. Như vậy, hòn đá không phải là sự sống, nhưng con sâu cái kiến, kể cả cây cỏ là sự sống. Loài người chúng ta là một dạng cao nhất của sự sống. Không ai có thể bác bỏ sự định nghĩa đó. Người ta đã bàn về sự sống hơi nhiều và nhìn nhận đã có sự sống là phải có phát triển, nhưng không mấy ai chịu nghĩ đến một câu hỏi then chốt: đặc tính của sự phát triển đó là cái gì" Chúng tôi thiết nghĩ mọi sự sống đều bị thôi thúc bởi một định luật thiên nhiên là nhu cầu sống còn. Không có nhu cầu đó, mọi sự sống chỉ sớm nở tối tàn. Chính nhu cầu đó đưa đến sự phát triển và muốn có phát triển, mọi sự sống phải biết tự đào luyện khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Đó là nguyên lý "sống còn cho kẻ thích ứng nhất".
Xuất phát từ Phi châu loài người tiền sử đã di tản ra khắp thế giới và đã thích ứng với hoàn cảnh sống ở mỗi nơi, do đó đã có những mầu da khác nhau. Trước Công nguyên loài người hiện đại chỉ có khoảng 250 triệu người, nay trên toàn thế giới đã có 6.5 tỷ người, sức phát triển thật mau, sự thích ứng cũng thật giỏi. Nhưng hãy nhìn đến sự phát triển của một dạng sống khác, ghê rợn hơn đối với loài người. Đó là sự sống của các loại vi khuẩn tạo ra những chứng bệnh nan y khủng khiếp. Chúng ta đã biết dùng thuốc trụ sinh để trị chúng, nhưng chúng vì nhu cầu sống còn lại có tài thích ứng mau lẹ hơn loài người nên chúng chống lại được thuốc trụ sinh. Mới đây có tin các loại vi khuẩn cúm ở Mỹ đã biết chống lại thuốc tamiflu. Nguy hiểm hơn hết là loại vi khuẩn "cúm chim", xuất phát từ đất Tầu truyền qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, nay đã lan tới Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta sợ loại vi khuẩn này có thể đã bắt đầu biết thích ứng để truyền từ người qua người, thay vì phải qua loài gia cầm hay chim muông như trước. Nếu việc này có thật, nó sẽ gây một đại họa chưa từng có. Vì với các phuơng tiện giao thông hiện đại như ngày nay, vi khuẩn "cúm chim" sẽ lan ra toàn cầu để giết người nhiều hơn các loại vũ khí giết người hàng loạt.