Hôm nay,  

Trở Lại Bidong – Galang: Mẩu Chuyện Dọc Đường...

15/10/200500:00:00(Xem: 7042)
* Những người đàn bà còn ở lại
Sau hơn nửa ngày đường qua những rừng cọ bạt ngàn và phố thị sầm uất của Mã Lai, vào ngày thứ tư của chuyến đi (thứ Năm 1.9) chúng tôi tiếp tục viếng thăm các khu nghĩa trang VBP ở tiểu bang Terengganu.
Tôi đã đến những nơi này trong chuyến đi trước nên đã làm "tài khôn" hướng dẫn các anh chị em trong đoàn vào các phần mộ thuyền nhân VN ở Rantau Abang, Dangun, Panjun...
Làm sao kể hết ra đây những đôi mắt ràn rụa xót thương của những người trong đoàn cho những thân phận hẩm hiu quạnh quẽ trong các khu mộ địa ở đây. Những đồng bào nằm đó - từ Cà Mau, Phú Quốc, Trà Vinh, Cần Thơ, Sài Gòn, Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang... - khi ra đi có hẹn đâu một nơi gửi thây cùng chỗ nơi này. Một ít bia mộ nguyên lành còn được nhận ra tên tuổi người xấu số nhưng hầu hết là những nấm mồ tập thể chỉ vỏn vẹn vài dòng lưu dấu: 53 VBP - ghe MH-3012 - chôn cất ngày 30.04.79; 137 VBP - không có tên ghe - chôn cất ngày 23.11.78; 15 VBP - xác vớt ngoài biển - chôn cất ngày 15.01.90; 40+ VBP - chết đuối xác trôi vào Dangun - chôn cất ngày 30.04.79 v.v..
Còn hàng chục, hàng trăm ngôi mộ tập thể hoặc cá nhân như thế nữa khắp các bờ biển của Mã Lai, không kể ở ngoài các hải đảo và các nước trong vùng. Và không kể cả hàng trăm, hàng ngàn chiếc ghe với bao nhiêu sinh mạng thủy táng dưới lòng biển cả trên đường đi không đến.
Năm tháng trước, tôi cùng 150 đồng hương từ nhiều nước trên thế giới đã đến đây, đã chia chung nỗi đau buồn này, đã xót xa khóc vùi trên vai, trong vòng tay ôm của những bạn đồng hành dưới bầu trời viễn xứ... Tôi tưởng lòng mình đã nguôi ngoai nỗi bi ai nhưng bây giờ nhìn lại những mộ bia đổ nát, những đụn đất lè tè, những cây thánh giá chơ vơ, những bình hương lạnh lẽo, và đây đó, cả vài lóng xương ló mình trên những ngôi mộ cạn... xúc cảm lại trào dâng.
Làn khói nhang, giọt nước mát, bó hoa tươi, tiếng kinh cầu... của đoàn đã xua tan phần nào không khí tĩnh mịch u hoài của khu nghĩa trang. Quanh quẩn bên chúng tôi vẫn có sự hiện diện - vừa ân cần gần gũi để phụ giúp trong lễ tưởng niệm nhưng cũng vừa giữ đủ khoảng cách để tôn trọng những phút giây riêng tư thiêng liêng - của cô Anne Oh, ông Wong Yahao, ông Acoh Kwong... Vẫn biết một lời cám ơn là không đủ để đáp lại tình nghĩa của quý vị trong nhiều năm qua đối với những đồng bào bất hạnh của chúng tôi nhưng xin một lần nữa ghi nhận sự tri ân sâu xa từ tấm lòng chân thành của những người may mắn sống sót qua cơn bão dữ này.
Buổi tối, cuộc tiếp tân State Dinner do nhiều vị chức sắc cao cấp trong Chính phủ Tiểu bang khoản đãi tại một nhà hàng sang trọng bên hải cảng Terengganu sáng trưng tấp nập dường như vẫn chưa đủ xua đuổi hết không khí thê lương của các khu nghĩa trang. Nơi đây, theo lời ông Kwong kể lại, một chiếc ghe chết máy vật vờ trôi tấp vào cảng vào đúng giữa trưa 21.11.78, trên đó có 137 xác thuyền nhân Việt Nam đã thối rữa từ nhiều ngày qua. Chẳng ai màng đến chuyện tìm hiểu nguyên nhân hoặc thiết lập danh sách những người xấu số. Những thuyền nhân trên chiếc ghe không bảng số này được chôn vùi vội vàng như những kẻ vô thừa nhận. Có thể, vào thời gian cao điểm của làn sóng vượt biển lúc đó, người ta đã quá quen thuộc với những hình ảnh thương tâm như thế rồi chăng" Hay tình thương đã mỏi mệt trước bi kịch được coi như một biến cố lớn gây chấn động lương tâm con người của thế kỷ 20" Nhưng có ai oán trách gì những người chỉ làm công việc cuối cùng của một nguyên nhân đầu tiên không do họ gây ra... Buổi tiệc linh đình bỗng chát đắng trong miệng. Giọt nước mắt nuốt ngược lại vào lòng, ly rượu cúng vong rót xuống biển, điếu thuốc chiêu hồn mồi lên... Lạy Phật, lạy Chúa, xin thương xót và giải oan cho những linh hồn vất vưởng!
Cũng ở Terengganu, chúng tôi lần đầu tiên gặp gỡ "những người đàn bà còn ở lại" và được nghe câu chuyện đời trớ trêu của họ. Họ không phải là những người đàn bà mang số phận đau khổ vì sự hy sinh cho chồng con trong hoàn cảnh ly tan của đất nước sau năm 1975 (như trong một quyển tiểu thuyết cảm động cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn) nhưng cùng chia xẻ một định mệnh không kém phần nghiệt ngã. Đó là những cô gái đơn côi (không thân nhân đi cùng) trong những chuyến vượt biên khoảng 15 năm trước, đến đảo lúc các trại tỵ nạn vừa đóng cửa vào cuối thập niên 1980 và bị cưỡng bức hồi hương theo chính sách "Hành động toàn diện" của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt làn sóng tỵ nạn. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, họ - những cô gái lúc ấy mới 16-18 tuổi - đã chọn phương cách riêng của mình: kết hôn với người bản xứ để được định cư tại chỗ. Bao nhiêu áng mây đã trôi qua trên đầu từ ngày lìa xa mẹ cha, làm dâu xứ lạ. Bao nhiêu đêm dài quay quắt nhớ thương về khung trời tuổi nhỏ ở quê nhà và cả những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhìn núm ruột của mình sinh ra lớn lên trên quê chồng.
Chúng tôi gặp hai trong số những phụ nữ đó nhân dịp ghé đến Viện Bảo tàng Terengganu lớn nhất Đông Nam Á để xem các di tích thuyền nhân Việt Nam và thảo luận cùng Ban Giám đốc về dự án trùng tu đảo Bidong. Hai người đàn bà ấy, tuy mỗi người một cảnh nhưng cùng may mắn kết hôn với hai nhân viên từng làm việc cho Cao ủy Tỵ nạn LHQ ở Bidong và đang có đời sống hạnh phúc. Họ tự động tìm đến với chúng tôi khi nghe tin về một phái đoàn người Việt hải ngoại trở lại thăm đảo.
Trước khi trở lại Galang - Bidong lần này, tôi đã tìm đọc một ít về văn hóa và tôn giáo ở hai nước Nam Dương và Mã Lai để kiếm chút vốn "dằn túi đi đường". Tôi những tưởng mớ kiến thức học được theo kiểu "mì ăn liền" đó cũng tạm đủ cho hai tuần lễ hành hương nhưng khi đụng thực tế mới thấy... trớt qướt. Sự hiện diện của hai phụ nữ Việt Nam trùm khăn kín đầu trong bộ y phục Hồi giáo nghiêm trang ngồi giữa đám lố nhố chúng tôi trong buổi đón tiếp tại Bảo tàng viện Terengganu có một sức hút kỳ lạ, vừa nao nao vừa mừng rỡ, trào lên trong lòng mọi người. Tôi chưa hề lần nào cảm nhận rõ hơn cái tình đồng bào và nỗi nhớ quê dạt dào như lúc ấy...

Tôi nhẹ bước đến cạnh hai người chồng đứng ở cuối phòng cùng các đứa con và xin phép được bắt tay với những người vợ của họ. Đấy, sách vở dạy cho tôi phải hành xử đúng theo phong tục Hồi giáo như vậy. Nụ cười thân thiện của hai người đàn ông đã xóa tan sự e ngại của tôi và tuyệt vời thay, họ buông một câu trả lời bằng tiếng Việt khá rõ: "Không có chi, tự nhiên mà... Nói chuyện cho vui." Hàng rào ngôn ngữ và phong tục tức khắc đổ ập xuống cho nhịp cầu con người và quê hương nở bừng lên.
Tôi quay lại chỗ ngồi, chưa kịp chìa bàn tay ra thì đã suýt ngộp thở vì vòng ôm nồng nàn xiết chặt trong mắt lệ đầm đìa của hai cô. Họ cũng không nén được sự thôi thúc của tình cảm mãnh liệt đó và, bất kể các quan chức đang thuyết trình, đã đứng dậy từ hồi nào: "Các anh, các chị ơi, tụi em nhớ quá, tụi em mừng quá! Thây kệ, phụ nữ ở đây sống khép kín và gò bó lắm nhưng mình khác, người mình với nhau mà!"
"Người mình với nhau mà!" Chỉ một câu giản dị thế thôi mà hai cô đã chờ đợi đến 15 năm mới nói thành lời. Chỉ một câu giản dị thế thôi mà tiếng nấc rung vai, nước mắt đẫm áo. Và chỉ một câu giản dị thế thôi mà bức tường mênh mông vô hình của không gian và thời gian bỗng vỡ toang cho những tấm lòng tha hương tụ hội chan hòa như chưa từng xa cách.
Buổi tiếp đón kết thúc sớm hơn vì cuộc đoàn viên cảm động bất ngờ này nhưng mọi người đều hân hoan, tíu tít thăm hỏi hai đồng hương mới gặp. Không khí trang trọng trong phòng họp chợt biến đổi thành khung cảnh xum họp của một gia đình có người thân từ xa mới về, ai cũng muốn han hỏi một câu, cũng muốn nắm lấy tay một lần... Cô Sài Gòn - cứ gọi thế cho thân tình - tương đối còn dằn được xúc cảm vì đã vài lần có dịp về thăm cha mẹ và làm ăn khá giả ở quê chồng, nhưng cô Trà Vinh không kềm giữ được giòng lệ mừng tủi tuôn trào. Do cuộc sống chật vật, từ ngày làm dâu xứ người đến giờ cô chưa một lần gặp lại gia đình. Tuy vậy, họ có lẽ may mắn hơn một số bạn đồng cảnh khác là được sống gần nhau nên "tha hồ đóng cửa nói tiếng Việt với nhau" cho vơi nỗi cô đơn.
Từ buổi ấy, hai cô cứ quyến luyến với chúng tôi suốt mấy ngày. Họ (cùng với chồng con) dù là dân địa phương nhưng đây là lần đầu tiên mới có dịp trở lại thăm đảo Bidong sau hơn 15 năm "vào đất liền". Đêm trước khi giã từ, một nhóm chúng tôi ngồi đến khuya với họ bên bờ biển Merang, ghi lại địa chỉ liên lạc, trao gửi quà kỷ niệm và nói đủ chuyện trên trời dưới đất như để trút cạn những chất chứa trong lòng từ bao năm qua. Hai ông chồng suốt buổi vẫn lặng lẽ trông con bên cạnh, san sẻ phút giây tâm tình quý hiếm của vợ và thỉnh thoảng chen vào những mẩu chuyện hoặc vài câu tiếng Việt còn nhớ được từ thời làm việc trên đảo. Dù biết khó gặp lại trên những nẻo đời xuôi ngược nhưng ai cũng thầm hẹn - và thực sự mong đợi - quả đất xoay tròn. (Mà quả nhiên, chỉ hai ngày sau, chúng tôi lại gặp gia đình của hai cô "lội theo" lên thủ đô Kuala Lumpur vì "nhớ quá không chịu nổi").
* Bidong, những bước chân trở lại
Cuối cùng, nơi nhiều người trong đoàn mong ước được đến đã đến: trại tỵ nạn Bidong, chỉ cách bờ khoảng hơn nửa giờ tàu khách.
Bãi biển Merang trong trí nhớ của hàng trăm ngàn người tỵ nạn Việt Nam bây giờ đã thay hình đổi dạng không nhận ra được. Mà có gì lạ đâu! Thưở ấy, những làng chài cát trắng dừa xanh hiền hòa đón bước chân bỡ ngỡ của thuyền nhân - lúc cập bờ cũng như khi rời đảo - chỉ lác đác vài chục túp lều của dân địa phương. Hơn phần tư thế kỷ rồi chứ ít sao. Bây giờ, những khu resort du lịch sang trọng mọc lên dọc theo con đường liên tiểu bang ven biển ấy như những nét chấm phá mạnh mẽ trên bức tranh thời gian vẫn còn sót lại nét hoang dã của nhiều năm dài thưa dấu chân người. Cái mới và cái cũ hòa quyện vào nhau, nét văn hóa truyền thống song bước bên cạnh cuộc sống hiện đại, những mái nhà cao nhọn theo kiểu kiến trúc Ấn Mã xen lẫn các ngôi cao ốc mang đậm ảnh hưởng Tây phương, những chiếc khăn trùm kín đầu của người phụ nữ Hồi giáo Mã Lai thấp thoáng trong các chiếc xe hơi Petron nội địa màu sắc tươi vui...
Chúng tôi rời thành phố Terengganu trở về khu Merang Resort vào buổi tối, nắng đã tắt hẳn nhưng vẫn còn nhìn thấy dáng đảo Bidong mờ mờ ngoài biển. Dù đã trải qua mấy ngày đường "bầm dập" trên xe nhưng đám "quậy" trong đoàn vẫn nhất định không bỏ lỡ cơ hội để... tắm biển đêm. "Dễ gì được ngâm mình trong làn nước mát dưới ánh trăng như thế này, ông anh ơi. Biển ở Úc lạnh thấy mồ!" Nhóm trung niên "thủ cẳng" hơn, chỉ tụ tập trong căn chòi bên hồ bơi quanh ấm trà kể lại những câu chuyện vượt biên thời xưa của họ. Một số khác đi ngủ sớm để chuẩn bị cho chuyến "hành trình Biển Đông" ngày mai sau khi bị ông trưởng đoàn "hù" về chặng đường gay go sắp tới: "Ai cũng có bảo hiểm hết rồi phải không" Nhớ mang giày thể thao và cẩn thận khi vào các căn nhà longhouse đó nghen!" Tôi và anh bạn làm báo Ngụy Vũ (đài truyền hình SBTN) nổi máu nghề nghiệp đánh gục mấy lon bia để lấy "khí thế" vào trận nhưng chưa đến hiệp nhì mắt đã ríu lại. Ngoài kia, Bidong vẫn im lìm chờ đợi những bước chân trở về.
Hai chiếc tàu khách êm ả lướt sóng đưa chúng tôi ra đảo vào buổi sáng nắng đẹp. Giữa mênh mông trời biển, hai hòn đảo nhô lên (đảo Bidong lớn hơn, bên cạnh là hòn đảo nhỏ mà không biết vì đâu thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đặt tên là Đảo Cá Mập dù người dân địa phương quả quyết rằng trong vùng biển này chẳng có con nào cả) như hai chiếc nón úp. Cầu jetty hiện dần ra, những chiếc máy ảnh bấm tí tách lẫn trong tiếng sóng vỗ và lời reo mừng tái ngộ của một số người trong đoàn: "Kìa, tượng Ông Già Bidong, kìa đài Cánh buồm Tự do! Đó, đó... khu Cao ủy và Trường học..." Cũng có người thẫn thờ đứng lặng. Dĩ vãng xa lắc hiện về như mới hôm qua dù mái tóc đã đổi màu, hình ảnh hòn đảo một thời cưu mang họ sau chặng đường sinh tử nhòe nhoẹt trong màn sương...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
Vào sáng ngày Thứ Năm 14 tháng 3 2024, chùa Hương Sen (thành phố Perris, Quận Hạt Riverside) đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày Thánh Tổ Ni Giới, Đức Phật Mẫu Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di.
Điểm nổi bật nhất của chương trình là cho mượn lên tới 20% cho khoản trả trước khi mua nhà, nhưng không vượt quá 150,000 USD
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi, Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh, có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
Trước tiên, là xin nói lên niềm vui. Anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc là học trò của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, một vị thầy từ nhiều thập niên lưu trú như một Thiền khách ở Tu Viện Lộc Uyển thuộc Làng Mai. Vì Thầy Phước Tịnh không có chùa riêng, nên bạn Tâm Nhuận Phúc có nhiều hoạt động khắp nơi, cũng không trụ nơi nào. Có khi bạn hợp tác với Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ từ Sacramento tới để tổ chức các buổi Thiền Chánh Niệm với các giáo viên, học sinh hay đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Có khi bạn hoạt động cùng Giới Trẻ Mây Từ trong các Phật sự, mời quý Tăng Ni mở các buổi thuyết pháp hay Thiền tập ở Quận Cam. Khi thấy cần hỗ trợ Thầy Phước Tịnh giảng dạy về Thiền Tập Thập Mục Ngưu Đồ, bạn trẻ này phổ nhạc liền 10 bài ca chăn trâu cho các buổi thuyết giảng dễ nhớ. Có khi, bạn Tâm Nhuận Phúc tham gia cuộc thi viết về các đề tài Phật giáo trong Giải Hương Sen do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương tổ chức. Và có khi Tâm Nhuận Phúc cầm đàn guitar tới giúp vui cho bất kỳ nơi nào các Phật tử cần tới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.