Ngày tàn xuân thuở xưa ấy, cách nay đã 50 năm. Một cuộc đổi mới dẫn đến loạn lạc xã hội, ly tán gia đình. Máu tiếp tục đổ sau chiến tranh. Lệ nóng trào tuôn, hòa thêm vị mặn trên đại dương thống khổ. Hàng trăm nghìn gia đình bị đẩy lên những vùng ma thiêng nước độc để canh tác mưu sinh lập đời mới. Hàng trăm nghìn sĩ quan, công chức chế độ cũ bị biệt giam hoặc bị cưỡng bức lao động khổ sai trong những trại tù biên địa. Và, từng đoàn người già trẻ dắt díu nhau băng rừng vượt biên, xuống thuyền vượt biển, tìm đến những vùng trời tự do. Lên rừng, xuống biển, có vẻ như lặp lại huyền sử mấy ngàn năm của tộc Việt (1). Nhưng cuộc chia tay trong lịch sử cận đại không chỉ có năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển, mà là cả triệu con dân, hớt hãi tìm đường sống, âm thầm trong đêm, mẹ cha câm nín, con trẻ nén khóc, rón rén những bước chân hồi hộp, run sợ. Nỗi đau thương thống hận ngập tràn của ngần ấy con người, ngần ấy gia đình, không hề được ghi vào sử sách giáo khoa, mà chỉ được ngậm ngùi khơi dậy trong tâm khảm những người tị nạn năm xưa, đã là những cổ nhân hữu danh vô danh, hay đang là những người lão niên lặng lẽ đời mình ở những vùng trời phương ngoại.
Nghiệm lại chuyện xưa không phải để than trách hay khơi dậy oán hận. Cuộc sống của cá nhân, hay một cộng đồng nhỏ, cộng đồng lớn, đều diễn ra trong những điều kiện nhân duyên, thuận và nghịch. Thuận, có khi đưa ta đi lên rồi lại đi xuống; nghịch, có khi đưa ta đi xuống rồi lại đi lên.
Trong số hàng triệu người Việt rời nước ra đi từ thuở ấy, có những thầy Tăng áo vải nâu sồng tháp tùng trên những thuyền nan ọp ẹp; quán sinh tử vô thường trên chập chùng sóng cả, ban vô úy cho những người đồng hành yếu đuối; vượt trùng dương bão tố đến bờ an vui; hòa vào cuộc sống mới, cặm cụi “vá áo chép kinh đất khách” (2); mười năm, hai mươi năm, rồi năm mươi năm, dựng nên hàng trăm ngôi chùa Việt khắp bốn châu. Việc dựng xây cơ sở vật chất không phải là kỳ tích gì đáng kể, nhưng giữ được tín tâm cho bốn chúng đệ tử, duy trì được mạng mạch của Phật Pháp nơi xứ người suốt nửa thế kỷ qua không phải là điều đơn giản. Trong suốt cuộc hành trình năm mươi năm đó, đã nhiều thầy Tăng bỏ mình trong rừng già hay trên biển lớn, nhiều thầy Tăng hoàn tục chọn đời sống tại gia, và nhiều thầy Tăng nằm xuống sau những đóng góp kiên trì, bền bĩ cho sự vinh quang của đạo pháp.
Giờ này ngồi ôn lại con đường đã kinh qua của cộng đồng ly hương, những bi lụy một thời đã tàn phai theo năm tháng, chỉ còn một nỗi niềm tồn đọng, đó là niềm tin về sự chánh thiện.
Chỉ có sự chánh thiện mới mang lại an vui thực sự cho cuộc sống.
Chỉ có sự chánh thiện mới duy trì và phát triển được đạo mầu trên thế gian này.
50 năm là quãng thời gian khá dài, nhưng cũng chỉ là một chớp mắt trong chuỗi dài sinh tử, tử sinh bao kiếp luân hồi. Trong chớp mắt ấy, hãy sống như một người con Phật chánh thiện, hiền trí.
___________
(1) Mượn ý của Thầy Tuệ Sỹ trong bài “Thuyền Ngược Bến Không” giới thiệu thi tập “Thủy Mộ Quan,” của nhà thơ Viên Linh (1938 – 2024): “Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển...”
(2) Câu đối của Thầy Tuệ Sỹ viết tặng Tu viện Quảng Đức, Úc Đại Lợi (cả chữ Hán lẫn chữ Việt): “Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn. | Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu.”
Dịch nghĩa: “Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách | Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.”
“Vá áo chép kinh” ở đây có thể được hiểu là việc trì giới và hoằng pháp.
CHÁNH PHÁP Số 161, tháng 04.2025
NỘI DUNG SỐ NÀY:
· THƯ TÒA SOẠN, trang 2
· TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
· THỜI GIAN, TÁNH THAM, THIỀN TỌA (thơ HT Thích Thắng Hoan), trang 6
· NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC CHO NỀN PHẬT GIÁO ÂU-MỸ, t.t. (HT. Thích Trí Chơn), trang 7
· NGƯỜI GÕ CỬA HƯ VÔ (thơ Thụy Sơn), trang 8
· PHẬT THUYẾT KINH CÔNG ĐỨC XUẤT GIA (Thích Tâm Nhãn), trang 9
· THĂM LẠI NÚI RỪNG XƯA (thơ Phổ Đồng), trang 10
· KHI MA QUỶ LỘNG HÀNH (Quảng Tánh), trang 11
· NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦY THỬ THÁCH [1975 – 2025] (Nguyên Siêu), trang 12
· ĐÚNG VÀ SAI (thơ TM Ngô Tằng Giao), trang 18
· THÔNG BÁO AN CƯ KIẾT HẠ VÀ ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN 2025 (TK Thích Nguyên Siêu), trang 19
· “TỨ NHƯ Ý TÚC” TRONG 37 PHẨM TRỢ ĐẠO (TN Hằng Như), trang 20
· TÂM CẢNH TƯƠNG GIAO, ĐỌC CHÂN KINH... (thơ Trúc Nguyên), trang 21
· THÔNG BÁO SỐ 2 VỀ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2569 (TK Thích Chúc Đại), trang 22
· THÔNG BÁO SỐ 2: KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN 12 (HT. Thích Nguyên Siêu), trang 24
· ĐỨC PHẬT NÓI VỀ CHIẾN TRANH VÀ THẮNG TRẬN (Nguyên Giác), trang 26
· THÁNG TƯ LÊN ĐỒI (thơ Thy An), trang 28
· THE STORY OF THERI MAHAPAJAPATI GOTAMI (Daw Tin), trang 29
· TRÍ TUỆ GIẢI THOÁT (Nhóm Áo Lam) trang 30
· THƯ CUNG THỈNH VÀ THƯ MỜI LỄ HIỆP KỴ LỊCH ĐẠI TỔ SƯ – NGÀY VỀ NGUỒN LẦN 14 (HT. Thích Thông Hải), trang 31
· NHỮNG KỲ QUAN THU NHỎ VÀ CUỘC DIỄU HÀNH THẦM LẶNG (Hoàng Long), trang 32
· NƯƠNG THIỀN, TU HỌC, XUÂN NGỜI (thơ Minh Đạo), trang 34
· NĂM MƯƠI NĂM PHÁT TRIỂN PGVN TẠI CALIFORNIA (Thích Từ Lực và TH Huỳnh Kim Quang), trang 39
· CƠN GIÔNG (Huệ Trân), trang 46
· TỨ CÚ LỤC BÁT “SINH TỬ - TỬ SINH” (thơ Vĩnh Hữu Tâm Không), trang 48
· TRUYỆN CỰC NGẮN (Steven N), trang 49
· CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC HAY ẢO GIÁC? (Tâm Thường Định), trang 51
· CÁT BỤI VÔ THƯỜNG (thơ Nhật Quang), trang 53
· TIẾNG GÕ NHẸ TRÊN TƯỜNG RÊU... (Uyên Nguyên), trang 55
· ĐOẢN KHÚC THÁNG TƯ (thơ Kiều Mộng Hà), trang 56
· HỒN XUÂN (Tiểu Lục Thần Phong), trang 57
· HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH ẤN ĐỘ VÀ NEPAL – THAM DỰ KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ 12 (Thích Hạnh Tuệ), trang 58
· PHẬT PHÁP TỒN TẠI, HẠT SƯƠNG NGÀN, BÌNH YÊN... (thơ Diệu Viên), trang 60
· CỞI TRÓI tập 2 – chương 15 (truyện dài Vĩnh Hảo), tr. 61
· KHOÁNG CHẤT TRONG CƠ THỂ (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 66
· CHUYỆN BẢY LỌ VÀNG (Truyện cổ Phật giáo), trang 68
https://chanhphap.us/CHANH%20PHAP%20BO%20MOI/Muc%20luc%202025/CP%20so%20161%20(04.25).htm