Hôm nay,  

Đài Voa Và Tôi

29/03/202511:35:00(Xem: 1420)
voaQuảng cáo tuyển dụng cũ của VOA.

 

Ngày thứ bảy 15/3/2025 vừa qua, các nhân viên làm việc cho các đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và đài Á châu Tự Do RFA khi tới sở đã nhận được lệnh nghỉ hành chánh, phải ra về và nộp lại thẻ báo chí. Báo chí cho biết đây là khởi đầu cho tiến trình phẹc mê bu tích các đài phát thanh này. Giám đốc đài VOA Michael Abramowitz lập tức ra tuyên bố: “Tôi vô cùng đau lòng khi lần đầu tiên sau 83 năm, đài VOA lừng lẫy không được phép lên tiếng. Sáng nay tôi mới hay tin gần như toàn bộ nhân viên VOA, hơn 1.300 nhà báo, nhà sản xuất và nhân viên bị cho nghỉ hành chánh. Tôi cũng không phải ngoại lệ”. Ngoài đài VOA, đài Á Châu Tự Do RFA cũng cùng chung một số phận.

Đài Á châu Tự Do là một đài phát thanh tư nhân phi lợi nhuận, được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nhằm cung cấp thông tin, tin tức và bình luận trực tuyến cho thính giả tại Á châu. Đài hoạt động bằng 9 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Đài bắt đầu hoạt động từ ngày 12/3/1996 với mục đích thúc đẩy và nâng đỡ tự do và dân chủ tới những người dân ở các quốc gia châu Á, những nơi mà thông tin bị bưng bít.

Trên website của đài VOA có phần tự giới thiệu như sau: “VOA là cơ quan truyền thông đa phương tiện lớn nhất Hoa Kỳ, phổ biến thông tin qua hơn 45 ngôn ngữ đến độc giả những nơi không có tự do báo chí hoặc tự do báo chí bị giới hạn. Các chương trình truyền hình của VOA Tiếng Việt gồm: 5 chương trình tin tức VOA Express hằng tuần vào sáng thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy giờ Việt Nam, cập nhật thông tin trung thực, đa chiều về tình hình Việt Nam, Hoa Kỳ, quốc tế”. Đải VOA đã hoạt động từ ngày 1/2/1942.

Trước năm 1975, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đều chăm chú nghe hai đài VOA và BBC để biết được những thông tin xác thực về tình hình Việt Nam và thế giới. Ngày đó dân Việt nghe hai đài phát thanh này thoải mái. Sự thoải mái này không còn sau khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản. Các đài “địch” này bị cấm nghe nhưng cấm thì cấm, người dân chúng tôi vẫn ghé tai vào máy thu thanh vặn nhỏ hàng ngày. Ngay trong thời bị tù cải tạo, chúng tôi vẫn có cách nghe lén đài VOA để lên dây cót sống qua những ngày tù đầy nhọc nhằn. Dân ta quen hơi đài VOA như nuốt từng nhịp thở của tình nhân. Ngày đó chưa có đài RFA.

Với đài RFA, tôi chỉ có chút thân tình khi ông bạn Nguyễn Minh Diễm có thời làm Giám đốc ban tiếng Việt của đài này. Dính dấp của tôi với đài VOA coi bộ nhộn nhịp hơn.

Năm 1967, tôi qua Mỹ dự hội thảo chuyên ngành trong ba tháng. Cưỡi máy bay PanAm từ Sài Gòn, ghé nghỉ ở Hawaii, tới San Francisco, tôi được ngụ tại khách sạn Hilton một tối để hôm sau bay qua thủ đô Washington D.C. Chân ướt chân ráo tới thủ đô vào khoảng 9 giờ tối, tôi đói bụng đi tìm nhà hàng kiếm cái chi ăn. Chẳng nhà hàng nào còn mở cửa. Thấy có cái tiệm tiện ích còn mở, tôi ghé vào mua hộp sandwich lạnh và một chai nước cam ăn cho qua cơn đói. Đang ngồi cố nuốt cho nhanh thì cánh cửa tiệm mở, bước vào là một người Á châu. Tôi nhìn ra và sững người. Ông kia cũng ngạc nhiên, vội tới vỗ vai tôi hỏi: “Sao lại ở đây?”. Đó là ông bạn học cùng lớp ở Chu văn An ngày trước có tên Lê Lai mà chúng tôi thường chọc là “Lê Lai Cứu Chúa”. Nhìn chiếc bánh sandwich tôi đang gặm dở, nói tiếp: “Ăn chi mà khô khan vậy?” Tôi cho biết tôi vừa từ Việt Nam tới D.C. không kiếm được tiệm nên ăn tạm chống đói. Ông lệnh cho tôi: “Bỏ đó! Đi với tớ!”. Hai người ra chiếc xe Mustang đi ăn rồi ông bonus cho tôi một cuốc xe đi ngắm phố phường thủ đô nước Mỹ. Ông Lê Lai lúc đó chưa là ông Lê Văn, trưởng ban Việt ngữ đài VOA sau này.

Nơi tôi dự phần đầu hội thảo tại Washington D.C. nằm trong một building rộng lớn. Trụ sở ban Việt Ngữ đài VOA cũng nằm trong tòa nhà này. Buổi trưa đầu tiên, tôi xuống ăn ở cantin trong giờ nghỉ. Mấy bộ mặt Á châu nhìn tôi chăm chú. Chắc thấy mặt lạ chưa nhả hết cái nắng Sài Gòn. Một bà đứng tuổi tới hỏi dò: “Việt Nam hả?”. Tôi vui mừng nhận đồng hương. Đó là bà T. làm cho đài VOA. Chuyện trò một hồi, bà gạ tôi cho bà phỏng vấn cho đài VOA. Chúng tôi thân nhau ngay. Mỗi cuối tuần, bà chở tôi về nhà đi dạo phố phường, đi shopping, đi ăn uống. Bà sống với bà chị ruột, chị C. và đứa cháu trai con bà này. Khi đó là giữa tháng 12, khắp nơi vang lừng nhạc thánh ca. Các cửa hàng bán đồ chưng Noel nườm nượp khách hàng. Bà nói với tôi chỉ thèm một cái hang đá kiểu Việt Nam. Tôi cho bà biết làm hang đá là nghề của chàng từ hồi còn làm chú bé giúp lễ trong nhà thờ. Bà xin tôi làm cho bà một hang đá…quê hương. Tôi cùng bà đi mua giấy, tre, màu và đèn. Chỉ trong vài tiếng tôi đã hoàn thành…tác phẩm quê hương nơi hải ngoại. Bà T. vui mừng. Mới cách đây hai năm, tôi xin được số điện thoại của bà qua một anh bạn làm ở đài VOA, gọi cầu âu. Bà đã ở nhà già, tai nghe đã khó khăn, nhưng vẫn nhớ cái hang đá rất Việt Nam ngày đó.

Năm 1985, sau đúng chục năm sống khắc khoải với cộng sản, tôi định cư tại Montreal. Tất bật chuyện áo cơm tôi chìm trong im lặng. Khoảng gần một năm sau, tôi liên lạc được với anh bạn cùng lớp ở Chu văn An xưa, anh Dzương Ngọc H.. Anh đang làm ở đài VOA. Đúng lúc đó, đài VOA đang tuyển người, anh rủ tôi thi tuyển để “chúng mình lại ngày ngày gặp nhau như thời còn học Chu văn An và Văn Khoa”. Đang lông bông trong công việc tạm bợ nuôi gia đình, tôi hào hứng OK liền. Anh gửi qua cho tôi đơn xin thi nói tôi điền gấp gửi qua anh nộp ngay trước ngày hết hạn. Anh mách trước cho tôi biết thể thức thi cử, nhấn mạnh sẽ phải đánh máy khi dự thi. Chuyện này tôi khá lọng cọng. Khi làm công chức bên Việt Nam, tôi có bao giờ sờ tới chiếc máy đánh chữ. Chỉ viết tay và đưa cho thư ký đánh máy. Tôi nhất quyết phải tập. Khổ nỗi kiếm đâu ra máy đánh chữ để tập bây giờ. Dọ hỏi mãi mấy người bạn Việt Nam ở Montreal, tôi mới mượn được chiếc máy chữ xách tay cũ để đêm đêm, sau khi đi làm về, ngồi mổ từng chữ cho quen.

Cuộc thi kỳ này sẽ tuyển ba người nhưng số người dự thi trên toàn thế giới lên đến hơn 160 người. Mỗi tòa Đại sứ hay Lãnh sự Mỹ tại các địa phương sẽ tổ chức thi. Nghe đã thấy gay go. Nhưng cứ thử sức. Sau năm 1975, đi tù về, bị hành lên hành xuống. Nếu không có công ăn việc làm vững chắc tại Sài Gòn thì gia đình sẽ phải đi kinh tế mới. Hồi đó nghe tới kinh tế mới đã rùng mình. Nhiều người bị ép buộc rời Sài Gòn đi kinh tế mới đã phải chạy về sống vất vưởng đầu đường xó chợ khi không chịu được cảnh đem con bỏ chợ tại những vùng khỉ ho cò gáy tuyệt đường sinh sống. Tới đường cùng, để chống kinh tế mới, tôi phải chui vào hội Trí Thức Yêu Nước để được giới thiệu đi dậy học. Tôi được phân công dậy Anh văn cấp 3, thời trước gọi là Trung Học Đệ nhị cấp, căn cứ vào bằng cấp Đại học Văn Khoa của tôi. Như vậy vẫn sống thường xuyên với tiếng Anh nhưng làm đài phát thanh dính dáng tới tiếng Anh thì coi như tôi đã bù trất, không còn thường xuyên như khi làm báo tại Sài Gòn trước đây. Mười năm không được làm báo, không dùng tới tay viết, coi như nghề đã lụt. Khi biết tiến trình cuộc thi, tôi chán nản coi như đi thi cho có. Chẳng lẽ giơ cờ trắng khi chưa xung trận? Vậy là một ngày xin nghỉ làm, tôi leo lên xe buýt, ôm hai cuốn từ điển Anh – Việt và Việt – Anh cũ nát mang từ Sài Gòn qua, tôi lên đường trực chỉ tòa Lãnh sự Mỹ tại Montreal, nằm trong khu phức hợp Complexe Desjardin nằm tại trung tâm thành phố ứng thí.
Cuộc thi gồm nhiều phần, hệt như một ngày làm việc tại đài. Trước hết là thi dịch tin tức. Họ ném cho một đống bản tin tiếng Anh vừa cũ vừa mới, dịch càng nhiều càng tốt trong một tiếng đồng hồ. Không nháp nhiếc chi, mà cũng thời giờ đâu mà làm nháp. Cứ nhìn bản tiếng Anh, gõ máy đánh chữ ra tiếng Việt. Sở dĩ họ trộn lẫn các tin mới và cũ để thí sinh không đoán mò được mà phải hiểu tường tận bản tin. Tôi đánh máy như điên, chỉ thỉnh thoảng phải tra từ điển những từ mới. Khổ nỗi, từ điển thì cũ đâu có những chữ mới nên nhiều khi bù trất. Tôi còn nhớ đã khựng lại khi gặp những từ viết tắt của chỉ số chứng khoán. Đành đoán mò, ra sao thì ra! Bài thi này để đo tốc độ dịch nhanh của thí sinh.

Xong bài dịch tin tức, tới bài nghị luận. Họ đưa cho một bài bình luận của đài bằng tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt. Tưởng là dễ vì không phải chọn lựa chi, chỉ việc dịch, nhưng nhiều danh từ “nghiêm nghị” phải tra từ điển như điên. Bài thi này chú trọng tới cách dùng từ ngữ.

Bài cuối cùng  gọi là “features”. Tôi nhận được một đống tài liệu tiếng Anh về một vấn đề. Phải đọc nhanh rồi viết thành một bài. Chuyện này tôi làm hà rầm khi viết cho tờ bán nguyệt san Thời Nay tại Sài Gòn nên không bỡ ngỡ lắm.

Xong ba bài thi viết, tới phần thi đọc để họ chấm giọng đọc. Tôi được đưa vào phòng vi âm. Giọng tôi khá trầm và ăn micro nên cũng vững tâm. Họ trả lại ba bài viết để đọc. Khi đọc tin tức phải có giọng rõ ràng, đọc bình luận phải có giọng chững chạc, nhấn đâu ra đó. Nhưng khi đọc bài feather thì khác, phải đọc giọng vui tươi, thanh thoát. Đọc xong, trả lại ba bài viết cho họ và ra về. Như trút được một gánh nặng.

Chẳng hy vọng chi nhưng cũng khoan khoái vì được làm bạn lại với cây viết. Tôi coi như chuyện đã xong, chẳng chờ, chẳng mong. Ngày 18/2/1987, VOA gửi cho tôi một cái “Notice of Rating” trong đó thông báo tôi đậu. Họ viết nguyên văn như sau: “This is not an offer of employment. It is a record of your rating. It is important that you retain this for your records. If rated eligible, your name will remain active in our inventory for an initial period of one year”. Phía dưới được đánh dấu X vào chữ Eligible. Grade Level Score là GS-9. Tôi chẳng hiểu GS-9 là cái quái gì nhưng biết là mình đã đậu. Đã điếu chi đâu! Vậy là mình sắp gia nhập vào gia đình VOA. Tiếng nói của mình sẽ hàng ngày vọng về cố hương. Ông bà thân sinh và các chị em còn kẹt lại sẽ ngày ngày được nghe giọng nói của đứa con xa xứ. Nhưng như các cụ dạy: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, trời không đứng về phía tôi.

Ba người được tuyển sẽ tăng cường cho lực lượng biên tập và xướng ngôn viên đài VOA. Nhưng đúng lúc đó, đài VOA cắt buổi phát thanh trưa. Thường thì đài phát về Việt Nam ngày ba lần: sáng, trưa và tối. Bây giờ cắt bớt phần phát thanh buổi trưa, số người tăng cường không cần nữa. Họ cho tôi biết là tên tôi nằm trong danh sách chờ. Chờ có người về hưu thì thế vào. Chẳng hiểu sao các ông bà thợ nói hăng say nói thế. Chờ hết một năm chẳng thấy ông bà nào o-rơ-lui. Tôi nhận được lá thư...an ủi. Nếu được nhận vào làm bây giờ, tôi sẽ vào loại GS này GS kia. Tôi thờ ơ. Cuộc sống tại Montreal đã có phần ổn định. Các con tôi đã quen trường quen lớp. Đi cũng được mà ở cũng xa-va. Hết một năm nữa, lại nhận được giấy an ủi. Hết ba năm chờ mong, VOA gửi thư báo cho tôi biết là hạn chờ  của tôi đã hết, muốn tiếp tục thì thi lại. Cha mẹ ơi, đời tôi đã qua nhiều lần thi cử, lần nào cũng đau tim muốn chết. Thi chi nữa. Tôi dẹp chuyện voa viếc cho thanh thản tấm thân đã toan về già.

Nhưng duyên nợ với VOA chưa hết. Khi VOA mở mục blog, ông bạn Nguyễn Xuân Hoàng nhận một mục tên “Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu”. Mỗi tuần phải có một bài. Ông ấy kham không nổi bèn cầu cứu bạn bè. Vài tuần tôi lại nhận được mail của ông: “Mày cứu bồ cho tao một bài gấp!”. Vậy là tôi lại dính lằng nhằng với VOA.

Nay, trong lúc VOA đang hấp hối, tuy chỉ dính với VOA vòng ngoài, tôi cũng cảm thấy nhoi nhói trong tim. Như một lần chia tay người tình lỡ!

 

                                                                                                    03/2025

                                                                                  Website: www.songthao.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bạn tôi, nhà thơ Triều Hoa Đại ấn hành tác phẩm Lên Rừng Đếm Lá. Nhân dịp nầy, người bạn vong niên từ thời ở Đà Nẵng - Lê Bảo Hoàng (nhà thơ Luân Hoán) - hai nhà thơ thực hiện cuộc trò chuyện với nhau. Theo Triều Hoa Đại thì khi rời bỏ đất nước ra đi, hình như một số anh, chị em trong đó có tôi đã bỏ “của” mà chạy lấy người nên đã không đem theo được một tác phẩm nào…
Chiếc British Airways khởi hành lúc 10 giờ đêm từ phi trường Trudeau, Montreal Canada, bay hai tiếng rưỡi đến Heathrow, London (LHR), nằm ở phía Tây London, cách trung tâm thành phố 23km, là một sân bay bận rộn nhất Châu Âu với hàng triệu lượt khách mỗi năm; chúng tôi chờ ở đây hai tiếng rưỡi, rồi bay tiếp thêm 7 tiếng rưỡi nữa để đến Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha (Spain). Madrid đi trước Montreal 6 tiếng vào mùa đông và 5 tiếng vào mùa hè bắt đầu vào cuối tháng 3 đến cuối tháng 10.
Phải thanh minh thanh nga ngay cho các cụ, đây không phải chuyện trâu già gặm cỏ non mà là chuyện ngày xưa các cụ tán gái khi còn thanh xuân. Chuyện trâu già gặm cỏ non cũng có, khi cụ Nguyễn Trãi làm thơ tán cô bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, nhưng tuy đây là một cuộc tán gái nổi tiếng nhưng không thuộc vào category này nên không nhắc tới tại đây.
Sáng sớm hôm nay, khi mở hộp thư, nhận được tin, tôi liền điện thoại cho anh Phạm Văn Nhàn, người bạn thân với anh chị Thương – Quy. Hỏi, “Anh Nhàn ơi, anh hay tin gì chưa? Anh Lê Ký Thương đã ra đi lúc 9 giờ 50 phút sáng hôm nay 14/2/2025. Cả hai anh em đều buồn. Im lặng một lúc, anh kể mới gọi thăm anh LKT cách nay mấy tuần. Chị Quy nói chuyện rồi đưa phone qua cho anh Thương, nhưng khi đó miệng anh Thương đã cứng, không nói được gì...
Hồi trẻ tôi đi lính xa nhà có lần về phép được Mạ tôi nấu cho một bữa cơm ngon ngất ngư. Ăn lạ miệng tôi hỏi cơm chi Mạ nói cơm Âm Phủ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món cơm mang cái tên thật kỳ dị của xứ Huế, quê Mạ tôi. Khi tôi trở ra đơn vị ở Cheo Reo, Mạ không quên bới cơm Âm Phủ cho tôi mang theo. Biết đâu nhờ miếng "cơm ma" này mà tôi sống sót cho tới ngày tàn cuộc chiến.Ngày nay Mạ tôi đã gần trăm tuổi, tôi cũng chẳng còn trẻ trung chi. Hai mẹ con cùng tóc bạc da mồi, cùng lụm cụm ngồi ôn lại chuyện xa xưa ở quê nhà. Khi tôi nhắc tới cơm Âm Phủ thì Mạ tôi cười thật hiền, nụ cười "hăng rết hết răng" thiệt là dễ thương.
Mỗi năm, tôi đều nhận được điện thư hoặc thiệp chúc Tết từ một số bạn, trong đó có nó. Nó không gởi thư Merry Christmas, Happy New Year, chỉ duy nhất dịp Tết Âm lịch. Nó là dân miền Tây cần cù, hiếu hoc, là bạn thân của tôi...
Con người đến với nhau nhờ duyên và yêu nhau vì nợ. Ông cha ta đã nói là có duyên thì nghìn trùng xa cách cũng gặp mà khi không có duyên, nôm na gọi là vô duyên, thì có ngồi đối mặt cũng "bất tương phùng“ coi như người đối diện không có mặt, không hiện hữu: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên đối diện bất tương phùng. Nên hữu duyên hay vô duyên có thể nói là do ông trời xếp đặt, vợ chồng không phải ngẫu nhiên mà đến với nhau được, đều do nhân duyên mà ra, mọi vật đều do nhiều yếu tố kết hợp mà thành. Mà đã do nhân duyên rồi, thì tránh trời cũng không khỏi nắng, coi như định mệnh đã an bài.
Thành ngữ ta có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người” nhưng cái tóc thường ám chỉ với nữ giới vì “người đẹp nhờ tóc”. Về nhân tướng học, có nhiều khuôn mặt thích ứng cùng với mắt, mũi, miệng… và kèm theo đó với răng và tóc. Trong Hồi Ức Một Đời Người của Nguyễn Ngọc Chính có chương đề cập đến mái tóc, và tùy theo nhãn quan của mỗi người với phái nữ về tóc ngắn, tóc dài.
Tôn Ngộ Không (Sun Wukong) là một chú khỉ có những khả năng phi thường và trí tuệ giống như con người. Với cây gậy như ý và những phép thuật siêu phàm, Tôn Ngộ Không, hay còn gọi là Hầu Vương, là một nhân vật huyền thoại trong tiểu thuyết Tây Du Ký (Journey to the West) – một trong Tứ Đại Kỳ Thư (hay Tứ Đại Tài Tử Thư) của nền văn học cổ đại Trung Hoa – và vẫn luôn được nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới ưa thích.
Giáo Hoàng là người lãnh đạo tinh thần của dân Chúa trên khắp hoàn vũ phải là người luôn oai nghiêm và… buồn. Nhưng thực tế không phải vậy. Các Giáo hoàng cũng vui ra phết. Vui nhất là đương kim Giáo hoàng Francis, tên Việt hóa là Phanxicô. Ngày 14/6/2024, vừa qua Ngài mở đại hội vui bằng cách mời 107 danh hài không phân biệt tôn giáo từ 15 nước tới Vatican dự đại hội. Các cây hài Mỹ phó hội gồm Whoopi Goldberg, Julia Louis-Dreyfus, Jimmy Fallon, Chris Rock, Stephen Colbert, Conan O’Brien, Tig Notaro, Jim Gaffigan. Chỉ có hai ông Colberg và Gaffigan là người Công giáo. Còn hai ông Fallon và O’Brien hồi nhỏ có theo học tại các trường công giáo. Khi được mời, các cây hài này hành nghề liền. Cây hài Stephen Colberg nói: “Giáo hoàng Francis sắp gặp tôi tại Vatican! Tôi hồi hộp chứ. Không biết Giáo hoàng có phải là người Công giáo không?”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.