Hôm nay,  

Bây Giờ Mình Đi Đâu?

28/03/202500:00:00(Xem: 2660)

Picture1
Immigrants deported from the U.S. arrived in Panama City.
Photo by Matias Delacroix - Associated Press (For The New York Times)
 
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
 
Cả ba người đều đeo khẩu trang màu trắng. Hai người đi phía ngoài cột tóc sau gáy, thành một túm nhỏ. Chắc là nữ. Một người mặc quần cụt, một người mặc quần dài ống rộng. Người bên ngoài còn co cánh tay, nâng một cái túi trước bụng, trong túi có vật gì đó ló ra ngoài trông như chai nước. Vậy là họ cũng biết lo cho mạng sống của họ. Nước là thứ quan trọng. Người ta nhịn đói lâu được nhưng nhịn khát thì khó. Người đi phía trong tóc ngắn, hẳn là nam. Cũng có thể là nữ. Vì tóc xuôi vai thả sau lưng khó nhận ra. Người này bị hai người kia che khuất nên chỉ thấy anh (hay chị) ta mặc thứ quần bó ống. Người đi phía trong này đeo cái ba lô to, đầy ắp, cao gần tới đầu. Hai người kia đeo ba lô nhỏ hơn tụt thấp xuống phía sau lưng. Nặng nên xệ xuống, hay nhẹ nhưng quá mệt, không còn sức xốc lên. Hình chụp lúc họ đang rảo bước, chân trước chân sau. Không có gì cho thấy là họ đang trò chuyện. Cũng có thể là họ đang trao đổi những câu đối đáp nhấm nhẳng.
 
Chị ơi, họ đưa mình đi đâu đây. Ai mà biết. Sao họ không cho mình ở lại. Mình đâu xin xỏ gì nhiều. Chỉ cần một chỗ, nhỏ bé, chật hẹp gì cũng được, nhét cả nhà vào một xó cũng xong mà. Mình có dám đòi hỏi gì nhiều đâu. Thôi im đi. Nói lảm nhảm hoài.
 
Bên phải, phía trước họ là bức vách có giấy dán tường đầy hình những tòa dinh thự, mỗi tòa nhà có ba ngọn tháp, bên trên mỗi đỉnh tháp có một lá cờ, cả ba lá cờ đều có màu trắng và đều xuôi theo hướng gió chĩa về phía họ. Hai bóng điện trên trần phía bên phải họ, hắt bóng họ ra ngoài, phía người nhiếp ảnh viên cầm máy ảnh chĩa về phía họ để chụp tấm hình này.
 
Một cơn ho thắt họng. Tiếng thở hì hạch như sắp đứt hơi. Họ đang nghĩ gì? Họ có nghĩ gì không?
 
Đừng ho nữa có được không? Chúng nó thấy ho, chúng nó nhốt riêng một chỗ bây giờ. Em đói quá. Sao họ không cho mình ăn cái gì. Lát nữa người ta có cho mình ăn không. Im đi. Nói thì có bớt đói chút nào không?
 
Dáng đi của họ - nhìn như thể - đang lao về phía trước. Như những kẻ tuyệt vọng, không còn gì để bám víu, đành nhắm vực sâu mà lao tới. Những ánh mắt lạc thần, xoáy về phía trước đã nhòe nhoẹt những mong đợi, đã tàn mạt những ước mơ. Họ phải lao về phía trước vì túi hành lý nặng trĩu sau lưng kéo ghì họ lại hay vì họ đang nhắm mắt đưa chân. Họ đang buông thả.  Nhưng có gì trong mấy cái ba lô mà nặng trĩu hai vai như thế?
 
Mày nhét cái gì vào ba lô mà nặng muốn gẫy lưng? Vài bộ quần áo nhà thờ giúi vào tay hôm nào. Em mừng quá, chưa kịp nói cảm ơn người ta thì đã phải chạy tán loạn. May mà trốn kịp. Trốn có được bao lâu đâu! Ít ra cũng được vài hôm. Được vài hôm êm ấm mà không thích à! Im đi. Lảm nhảm hoài.
 
Những cái ba lô to xù. Gia tài có bao nhiêu dồn cả vào đấy. Vải vụn thôi mà sao trĩu nặng. Bước đi lảo đảo chúi về phía trước. Dáng đi của những sinh vật bị mũi súng thúc vào lưng. Phải chúi về phía trước. Mặc, đến đâu thì đến. Họ đã kiệt sức sau bao nhiêu ngày tháng chồng chất lo âu. Trốn tránh. Sợ hãi bóng đêm. Sợ tiếng máy xe đang chạy bỗng nghe như chậm lại ngoài đường phố. Sợ những bóng người. Sợ những người lạ. Sợ những người quen. Sợ người vẫn thuê mình cắt cỏ khoảnh sân trước nhà họ. Sợ người vẫn đưa mình ra đồng nhặt sâu trên lá. Sợ tiếng chó sủa. Sợ tất cả mọi thứ. Ở thiên đàng nhưng vẫn sợ, bởi thiên đàng không còn là nơi thiên thần dạo bước, thiên đàng không còn là nơi chốn bình yên. Thiên đàng bây giờ là nơi loài quỷ dữ ngự trị.
 
Mình cũng giỏi chứ. Cái gì cũng sợ mà mình vẫn sống, vẫn thở. Bây giờ thì hết sợ rồi. Tụi bay đừng nói nhảm nữa được không. Bây giờ mình không còn phải trốn tránh nữa. Bây giờ mình được tự do. Làm ơn im đi mà.
 
Thì ra họ đã có một thời lén lút ở thiên đàng, bấp bênh miền đất hứa. Hạnh phúc như thế được bao lâu rồi? và bây giờ họ sẽ về đâu? Họ có quê nhà để về không?
 
Họ vẫn lầm lũi đi. Họ có còn gì để nói với nhau không? Chắc là có. Nhưng mà họ sẽ nói với nhau những gì?
 
Từ từ xem nào, đi đâu mà vội thế. Đi mau không lỡ chuyến xe bây giờ. Chuyến xe nào? Im lặng. Một lát lại cái giọng giục giã, Đi gì mà chậm như rùa thế. Nó bỏ lại đây thì chết cả đám. Mệt muốn đứt hơi đây này. Chân đang đau muốn chết. Làm gì mà đau? Bữa hôm chạy trốn, em trượt chân ngã, chị quên rồi à? Cũng phải cố mà đi cho mau. Nó bỏ lại bây giờ. Nó bỏ lại đây làm gì. Đến trước hay đến sau gì thì cũng đến thôi, việc gì phải cuống lên.
 
Một khoảnh khắc lặng im để thở. Rồi lại giọng cằn nhằn, Ban nãy có quên cái gì không? Mình có gì đâu mà quên. Toàn nói nhảm không à!
 
Im lặng. Chợt tiếng một người, Chết rồi, bỏ quên đồ rồi. Quên cái gì? Giọng hoảng hốt ngắt lời. Quên cuốn sách. Cuốn sách gì? Cuốn sách học Anh văn. Tìm ở đâu ra mà có sách Anh văn. Bữa hôm xe lấy rác đầu khu phố, em bới đống recycle - phải đọc là recycle không? - tìm được cuốn sách, trong cái thùng màu xanh bỏ bên lề đường. Mày nói tiếng Mỹ nghe tức cười quá. Người ta đuổi là phải rồi, mà ai bỏ sách cho mày nhặt vậy? Cuốn sách bị ướt hết nhưng vẫn còn đọc được chữ. Sách học tiếng Anh. Mày cất ở đâu mà quên? Im lặng. Người ta tống cổ mình đi còn học hành làm gì nữa. Lại im lặng. Tiếng thở dồn dập. Tiếng ho khan. Sao mà ho hoài thế. Mấy viên thuốc cảm bà Smith - phải tên cái bà Mỹ hiền lành tóc bạc là Smith không - thuốc bà Smith cho có mang theo không? Không. Sao không mang theo? Bây giờ đau ốm thì làm sao? Mang làm sao được mà mang. Người ta khám xét từng món đồ trước khi quăng cái ba lô lại cho mình. Có vài viên thuốc cảm cũng bị tịch thu.  
 
Im lặng. Tiếng chân kéo lẹt xẹt trên nền xi măng. Một lát. Người ta đưa mình đi đâu vậy nhỉ? Ai mà biết. Đi mau lên, ở đó mà lải nhải mãi. Đi đâu cũng vậy thôi. Thắc mắc làm gì. Một khoảng lặng, rồi có tiếng thở dài và, Đưa đi đâu thì cũng vậy thôi. Mình như đã chết rồi. Người chết thì có sợ gì ba cái thứ cảm cúm vớ vẩn.
 
Trước mặt họ là cả một vùng tối ám. Nhìn không rõ hết cái hình người đi trước họ. Chỉ thấy một cẳng chân, một cái ba lô to xù, và một cái đầu trùm khăn. Hai bàn chân đi dép Nhật. Một bọc đồ kéo lê trên nền xi măng.
 
Chị ơi, bây giờ mình đi đâu? Chị không biết đâu. Đừng hỏi chị nữa, nhé.
 
Tôi đang kể câu chuyện của họ. Tôi thấy họ trên một tấm hình đã gần hai tuần lễ rồi. Tấm hình được ghi chú là “Di dân trục xuất từ nước Mỹ, đến Panama City.” Tấm hình làm tôi buồn. Mỗi lần nhìn nó tôi lại ứa nước mắt. Tôi cứ hình dung tôi là họ, thiên đường sau lưng vừa đóng sập cánh cửa, mũi súng lạnh băng dí sau gáy, bóng tối trước mặt như loài yêu quái đang sắp sửa nuốt sống tôi. Tôi lạnh người. Tôi rùng mình, hoảng kinh với cảm giác ấy. Cảm giác ấy cứ cắn xé tôi. Tôi nghĩ tôi sắp chết. Rồi khi tôi lôi tôi ra được khỏi vùng tăm tối ấy, tôi thấy xấu hổ vì tôi không làm gì để giúp họ. Bởi ngày xưa tôi cũng là thứ vô tổ quốc, một thứ stateless trên giấy tờ và ngoài đời sống, một thứ bị chèn ép đến phải bỏ xứ mà đi như họ. Tôi tù đày, đói khát, tôi trốn chui trốn nhủi, tôi lao ra biển, đâm nhào vào cõi chết để tìm ra đường sống. Nhưng tôi may mắn hơn họ. Tôi lao đao, và tôi ngã chúi vào những vòng tay nhân ái.
 
Còn họ thì không.
 
Những con người bị xua đuổi như những kẻ ăn mày mạt hạng. Những con người bị săn đuổi như những con thú không thể giết lấy thịt làm món ăn, không thể vặt lông đem đi dệt áo, những con-thú-người vô tích sự. Từ hôm báo New York Times đăng tấm hình này đến nay đã gần hai tuần rồi. Bây giờ họ ở đâu?
 
250322

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.