
(LONDON, ngày 2 tháng 3, Reuters) – Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết các nhà lãnh đạo Âu Châu đã đồng thuận xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Ukraine để gửi đến Hoa Kỳ, một bước đi quan trọng nhằm thuyết phục Washington đưa ra những cam kết an ninh giúp răn đe Nga.
Trong hội nghị ở London, các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đồng thời cam kết tăng cường hỗ trợ để giúp Kyiv bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự đe dọa từ Moscow. Hội nghị này diễn ra chỉ hai ngày sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khiến Zelenskiy rút ngắn chuyến thăm Washington.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu thống nhất rằng họ phải gia tăng chi tiêu quốc phòng để chứng minh với Trump rằng lục địa này có thể tự bảo vệ mình. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu (EC), cũng đề nghị rằng EU có thể nới lỏng các quy định về mức nợ công cao nhất nhằm tạo điều kiện để các nước tăng đầu tư vào lĩnh vực quân sự.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer, người đã chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bằng một cái ôm nồng nhiệt vào thứ Bảy, tuyên bố rằng Anh, Ukraine, Pháp cùng một số quốc gia khác sẽ thành lập một “liên minh thiện chí” để soạn thảo kế hoạch hòa bình và đưa lên bàn đàm phán với Trump. Dù không tiết lộ danh sách đầy đủ các nước tham gia, ông khẳng định rằng ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia.
Starmer nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử. Đây không phải là lúc để bàn luận suông. Đã đến lúc hành động, đến lúc chúng ta phải đứng lên, lãnh đạo và đoàn kết để xây dựng một kế hoạch mới nhằm đạt được nền hòa bình công bằng và bền vững.”
Sau hội nghị, Zelenskiy cũng bày tỏ sự lạc quan về mức độ đoàn kết giữa các quốc gia Âu Châu. Ông nhấn mạnh rằng sự thống nhất giữa các nước đồng minh “đang ở mức cực kỳ cao, một điều hiếm thấy trong suốt thời gian qua.”
“Tất cả chúng ta tại Âu Châu đang phối hợp chặt chẽ để tìm ra một cơ sở hợp tác với Hoa Kỳ, với mục tiêu đạt được một nền hòa bình thực sự và bảo đảm an ninh lâu dài,” Zelenskiy đăng trên Telegram.
Sau cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Trump và Zelenskiy tại Phòng Bầu Dục, Âu Châu đang gấp rút hành động để bảo đảm Ukraine không bị gạt ra ngoài lề trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Nhiều người lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine, đồng thời ép họ chấp nhận kế hoạch hòa bình được đàm phán với Nga.
Một số lãnh đạo Âu Châu nhận thấy cần phải tăng cường chi tiêu quốc phòng, vì không chỉ giúp củng cố an ninh cho khu vực mà còn có thể tạo thêm cơ sở để thuyết phục Trump tiếp tục bảo đảm an ninh cho Âu Châu.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “Sau một thời gian dài thiếu đầu tư vào quốc phòng, giờ đây là lúc các quốc gia EU cần tăng cường ngân sách quân sự trong tương lai dài hạn để bảo vệ an ninh khu vực.”
Bà cũng cho rằng Âu Châu cần biến Ukraine thành “một con nhím thép, khiến mọi kẻ xâm lược tiềm tàng phải chùn bước.”
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng lên tiếng ủng hộ, khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu cần phải “gánh vác trách nhiệm lớn hơn, chủ động đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc phòng trong NATO,” đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Dù không có kho vũ khí và nguồn dự trữ đạn dược phong phú như Hoa Kỳ, EU vẫn đang nỗ lực thuyết phục Trump rằng họ có thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng hiểu rằng vẫn cần có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ để buộc Nga tuân thủ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Các cuộc đàm phán với Washington tập trung vào việc Hoa Kỳ đóng vai trò như một lưới chắn (backstop) cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Âu Châu, bao gồm việc yểm trợ không quân, hỗ trợ tình báo và giám sát, cũng như răn đe mạnh tay hơn nếu Putin tiếp tục tìm cách mở rộng lãnh thổ.
Một yếu tố then chốt để có được sự đồng thuận từ Trump là các quốc gia EU phải tăng ngân sách quốc phòng và cam kết tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, ngay cả Starmer cũng phải thừa nhận rằng đạt được sự đồng thuận về vấn đề này không hề dễ dàng.
Trước chuyến thăm Washington vào tuần trước, Starmer đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Anh. Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết một số lãnh đạo Âu Châu đã vạch ra kế hoạch tăng cường chi tiêu quốc phòng, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Hình ảnh khó chấp nhận
Kể từ khi trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng năm nay, Trump đã làm đảo lộn chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến ở Ukraine. Ông đặt dấu hỏi về sự hỗ trợ quân sự và chính trị của Hoa Kỳ dành cho Ukraine và Âu Châu, đồng thời chấm dứt chính sách cô lập Moscow.
Trump đã khiến Âu Châu “bật ngửa” khi gọi điện cho Putin mà không báo trước, cũng như cử một phái đoàn đến Ả Rập Xê Út để đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine hoặc EU. Ông còn nói (sai) rằng chính Kyiv đã khơi mào chiến tranh, đồng thời chỉ trích Zelenskiy vì “không tỏ ra biết ơn” khi được Hoa Kỳ giúp đỡ.
Căng thẳng giữa Zelenskiy và Trump lên đến đỉnh điểm vào thứ Sáu (28/2), kết thúc một tuần mà EU từng hy vọng sẽ có thêm cơ hội thuyết phục Trump tiếp tục hỗ trợ Ukraine, đặc biệt sau những chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Washington.
Là người chứng kiến trực tiếp cuộc tranh luận tại Phòng Bầu Dục, Starmer đã mô tả khoảnh khắc đó là một cảnh tượng “khó chấp nhận” (uncomfortable viewing). Tuy nhiên, ông khẳng định Anh sẵn sàng đóng vai trò trung gian giữa Âu Châu và Hoa Kỳ để thúc đẩy giải pháp hòa bình.
Vào Chủ nhật, Zelenskiy đã đến gặp King Charles tại tư dinh riêng ở miền đông nước Anh.
Trong khi đó, chính quyền Trump tiếp tục chỉ trích Zelenskiy. Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần một nhà lãnh đạo Ukraine sẵn sàng hướng đến thỏa thuận hòa bình lâu dài với Nga, nhưng không rõ liệu Zelenskiy có sẵn sàng đi theo hướng đó hay không.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov ca ngợi cách xử sự của Trump là “thực tế và có lý trí,” và lên án EU đang cố tình kéo dài xung đột, lợi dụng cái mác “gìn giữ hòa bình” làm vỏ bọc để che giấu việc nhúng tay can thiệp quân sự vào Ukraine.