Hôm nay,  

Từ Mao đến Trump và lời cảnh cáo của Sakharov

15/11/202400:00:00(Xem: 1602)

iStock-1447238577
Sức mạnh của Trump là sức mạnh của đám đông gắn kết bằng niềm tin mê muội về y như một nhà chính trị đầy viễn kiến, một lãnh tụ có tài kinh bang tế thế và là nạn nhân của đủ thứ âm mưu, trong đó có âm mưu phá hoại nền dân chủ Mỹ. Ảnh: istockphoto.com
 
Donald Trump đã trở lại và ít ai nghiệm ra rằng đây là hệ quả từ mối nguy mà Andrei Dmitrievich Sakharov đã cảnh cáo từ hơn ba phần tư thế kỷ trước: sự mê hoặc của loại “ma túy” mang tên “văn hóa quần chúng” (mass culture) và sự lan truyền của những “mê thoại đại chúng” (mass myth) nhằm tạo dựng quyền lực cho những tên mỵ dân “tàn bạo và giảo quyệt”. [1]
 
Sakharov (1921-1989), Nobel Hòa Bình 1975, là cha đẻ của bom khinh khí Nga nhưng quay sang chống vũ khí này và, hơn thế nữa, còn là một nhân cách trí thức vĩ đại, một nhà đấu tranh nhân quyền dũng cảm, bị lưu đày trên quê hương mình dưới sự đàn áp của chính quyền cộng sản, từ năm 1968 đến năm 1986, khi Mikhail Gorbachev tiến hành cải tổ.
 
Trong tiểu luận “Thoughts on Peace, Progress and Intellectual Freedom” (Trầm tư về hòa bình, tiến bộ và tự do trí tuệ) -- phố biến chui tại Nga từ tháng Năm năm 1968 dưới hình thức samizdat, được bí mật chuyển ra ngoài rồi, hai tháng sau, được phát trên đài BBC và đăng trên tờ The New York Times -- Sakharov đã ưu tư về những mối nguy đối với nhân loại và nền văn minh đang đối mặt. Theo ông, nếu nhân loại đối mặt với nguy cơ hủy diệt vì sự chia rẽ thì văn minh đang bị đe dọa bởi nhiều thứ, trong đó có “văn hóa đại chúng” và sự lan truyền những huyền thoại mê muội về bọn mỵ dân gian ác. [2]
 
Nếu mass culture, như chúng ta hằng chứng kiến trên các phương tiện truyền thông -- những soap opera lê thê, những game show lòe loẹt hay những reality show nhiều khi nhảm nhí đến mức cực kỳ – có mê hoặc giới trẻ như một thứ ma túy thì chúng, bất quá, chỉ là những sản phẩm giải trí mang tính thương mại chứ không… độc hại đến như vậy. Nhưng, cần nhớ rằng, khi Sakharov bộc lộ những ưu tư trên thì “Đại cách mạng văn hóa vô sản” đang “long trời lở đất” ở Trung Quốc và đây chính là sự nguy hiểm của “văn hóa quần chúng”. Đó là thứ “văn hóa” chống lại con người, cổ xúy những niềm tin mù quáng và hướng đám đông sự chia rẽ, hận thù, thứ văn hóa đám đông ở nước Nga Stalinist mà Sakharov đang sống, ở nước Đức Quốc-xã trước đó với những hậu quả kinh người.
 
Có nguy hiểm, “văn hóa quần chúng” nguy hiểm như một công cụ chính trị và đó cũng là yếu tố làm nên sức mạnh của Trump trong những năm qua. Chính trị của Trump là chính trị chia rẽ và hận thù. Sức mạnh của Trump là sức mạnh của đám đông gắn kết bằng niềm tin mê muội về y như một nhà chính trị đầy viễn kiến, một lãnh tụ có tài kinh bang tế thế và là nạn nhân của đủ thứ âm mưu, trong đó có âm mưu phá hoại nền dân chủ Mỹ.
 
Hãy so sánh cuộc vận động MAGA -- Make America Great Again, “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” -- của Trump và “Đại cách mạng văn hóa vô sản” của Mao Trạch Đông. Mao có Hồng vệ binh, Trump có “MAGA quân”, tạm gọi vậy. Hồng vệ binh dương cờ, dương hình Mao thì “MAGA quân” thua gì, cũng hình, cũng cờ. Hồng vệ binh có Mao tuyển, sổ tay in lời Mao, “MAGA quân” có MAGA hay Trump mugshot T-shirt. Mao tung ra những “mê thoại” về bọn “phản cách mạng” và những Hồng vệ binh hung hăng xông lên, tấn công cả những nhân vật đầu não của chính quyền, đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ. Trump bắn ra những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử, dẫu mình đang nắm trọn quyền hành pháp, lớp lớp “MAGA quân” hung hãn xông lên tấn công vào Quốc Hội Mỹ, như một bọn vô chính phủ.
 
 
Từ thời Mao đến thời Trump là một bước tiến cực xa trong việc thông tin. Thời Mao chỉ có truyền đơn, loa phóng thanh và “đại tự bích báo”, thời của Trump là thời của Internet, của mạng xã hội, nhưng, dẫu gì, cái chính vẫn là con người mà mẫu số chung là sự mê muội, chấp nhận vô điều kiện những lời sách động của bọn mỵ dân “tàn bạo và giảo quyệt”. Có nhiều lý do khiến họ nhẹ dạ như vậy và sẽ vượt quá giới hạn của bài viết này nếu bàn bạc ra môn ra khoai nên, ở đây, qua một kinh nghiệm riêng, tôi chỉ nói đến não trạng “Không cần biết!”
 
Hơn mười năm trước, trong dịp tụ tập bạn bè văn nghệ tại Sydney, tiếp xúc với một anh bạn là dân viết lách ở Việt Nam mà, chỉ qua một chi tiết nhỏ, từ một câu chuyện nhỏ, tôi đã mơ hồ nhận ra điều gì đó không phải, sai sai.
 
Trước đó anh bạn từng sang Mỹ tham gia chương trình nghiên cứu của William Joiner Center, thuộc Viện Đại học Massachusetts và, theo lời kể, tại đó, đã tranh luận đến cùng với một nhà khoa bảng thiên tả, du học vào thập niên 1970 rồi trở thành công dân Mỹ, làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Như những thành phần thiên tả khác, nhà khoa bảng này chỉ trích chính phủ Mỹ không áy náy, từ A đến Z và, để phản bác, anh bạn chỉ đơn giản “Không cần biết”: “Không cần biết” chính phủ Mỹ tốt xấu thế nào, chỉ biết họ lo được cho dân là anh phục, anh ngưỡng mộ. Thực tình thì, trong câu chuyện nghe kể, tôi không có gì bất đồng với anh bạn lắm, mà tôi cũng không đồng ý với nhà khoa bảng kia lắm, vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó sai sai với cung cách “không cần biết” của anh.
 
Tôi cảm thấy sai sai là bởi, thỉnh thoảng, cũng từng va chạm với giới “không cần biết” này và, mỗi lần như thề là một lần nản đến độ bỏ cuộc, không buồn bàn thêm, dù chỉ một lời. Trên khía cạnh phương pháp luận thì, đầu tiên, chúng ta phải học cách nghi ngờ bằng chứng, thông tin và, với những thông tin đáng mặt là… thông tin, càng phải thu thập càng nhiều càng tốt, từ các nguồn càng đối chọi nhau càng tốt, từ đó mới có thể so sánh, đối chiếu và… sử dụng. Như vậy thì “không cần biết” không chỉ là sự thiếu cầu thị mà xa hơn, về mặt logic, là nhận thức một chiều, theo thành kiến, cảm tính hay thời thượng và, về mặt chính trị, là sự mù quáng, mê muội, như là con mồi của bọn mỵ dân. Nếu những nhà độc tài ráo riết kiểm duyệt để cấm người dân về những điều “không nên biết” thì họ, giới “không cần biết”, chẳng phải đã tự kiểm duyệt, tự bịt mắt mình là gì?
 
Quả nhiên, từ khi Trump xuất hiện, anh bạn đã mau mắn bịt mắt bịt tai của mình. Anh xông xáo như một “MAGA quân” chính hiệu, hăng hái, nhiệt thành và, nhiều khi, trong chữ nghĩa, khá là đao to búa lớn. Anh say mê truyền bá những tin đồn thất thiệt của MAGA đến độ, dẫu được một người bạn ở Úc, là một chuyên viên IT tiếng tăm, nhã nhặn nhắn tin riêng trong mối quan hệ thân tình, đưa ra bằng chứng đó là tin giả, anh vẫn phớt tỉnh, không buồn trả lời theo phép lịch sự tối thiểu. Anh bạn, như thế, đã “không cần biết”. Và anh “không cần biết” chỉ để yên tâm với cái công việc mà Sakharov từng cảnh cáo là “lan truyền của những mê thoại đại chúng nhằm tạo dựng quyền lực cho những tên mỵ dân tàn bạo và giảo quyệt”.  Anh, như thế, không còn là một nghệ sĩ tinh tế với chữ nghĩa, nhạy bén với những chi tiết cực nhỏ của đời sống để tái tạo như những hình tượng văn chương trong tác phẩm của mình, theo phong cách của riêng mình. Anh đã bị “quần chúng hóa”. Anh đã là một đơn vị không tên trong đám đông MAGA hay, nói cách khác, là một “MAGA quân” điển hình.
 
“Triết lý” đầu tiên của bất cứ “MAGA quân” nào, như cái tên của nó, là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngụy tín xây dựng trên nền tảng “không cần biết”. “Không cần biết” là nước Mỹ phải quay trở lại với thời kỳ cụ thể nào, đời tổng thống nào, bởi như sử gia Robert Kagan từng nhấn mạnh, nước Mỹ chưa bao giờ có một thời “hoàng kim” như thế để mà hoài cổ hay phục hưng. [3] Chỉ biết Trump đã đưa ra một khẩu hiệu như thế, tất phải hò reo theo như thế.
 
Vân vân, có cả núi chuyện để “không cần biết”, với hàng ngũ “MAGA quân”. “Không cần biết” Trump đóng thuế cho nước Mỹ ít hơn là đóng thuế cho Trung Quốc, “không cần biết” Trump đưa Kinh Thánh sang Trung Quốc in để giảm chi phí. Chỉ cần biết là Trump đã tuyên chiến với Trung Quốc, về mặt thương mại.
 
“Không cần biết” Trump đã thừa hưởng gia tài từ cha, “không cần biết” là Trump đã khai phá sản mấy lần và bị tòa kết án là một gian thương. “Không cần biết” là những kinh tế gia -- trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel Kinh Tế -- nói đến tình trạng đại lạm phát nếu kế hoạch kinh tế của Trump được thực thi. “Không cần biết” Trump, trong cuộc tranh luận với Hillary Clinton, đã tự hào là “khôn ngoan” vì đã đóng thuế rất ít. Cũng “không cần biết” là, nếu toàn bộ những nhà kinh doanh Mỹ, ai cũng “khôn” như Trump, nước Mỹ có lâm vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp đã từng hay không. Chỉ cần biết, rất đơn giản, rằng Trump là một tỷ phú, tỷ phú có nghĩa rất nhiều tiền, làm kinh tế có nghĩa là làm ra tiền.
 
“Không cần biết” là Trump muốn chính phủ Mỹ phải tàn bạo. “Không cần biết” là năm 1990, gần một năm sau vụ đàn áp tại Thiên An Môn, trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí khiêu dâm Playboy, Trump đã huỵch toẹt: “Đúng là họ tàn nhẫn, hung bạo, nhưng họ đã dập tắt cuộc biểu tình bằng sức mạnh. Điều này cho thấy giá trị của sức mạnh. Đất nước chúng ta hiện đang bị xem là yếu”. “Không cần biết” là, tháng 7 năm 2016, khi vận động tranh cử, Trump đã công khai ca ngợi Saddam Hussein là người “rất giỏi” trong việc tiêu diệt khủng bố. [4] Chỉ cần biết là những di dân Haiti rất ác, ác đến độ ăn thịt mèo, dẫu chưa có chủ mèo nào lên tiếng, chỉ có lời sách động của Trump!
 
Có bao nhiều điều để tự kiểm duyệt, để bịt mắt họ như thế? “Không cần biết” Trump là một tội phạm, kinh tế và tình dục. “Không cần biết” Trump là tên nói láo triền miên. “Không cần biết” Trump thích sỉ nhục người khác, cả khi tuyên bố chiến thắng cũng không quên sỉ nhục đối thủ.
 
Những Hồng vệ binh ngày xưa cũng “không cần biết” thế, kém gì? “Không cần biết” là Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã đóng góp cho cách mạng như thế nào, chỉ biết hắn, theo lời Mao Chủ tịch dạy, là một tên phản cách mạng, tất phải hạ nhục hắn, phải đày đọa, cho hắn sống không bằng chết. Và những “MAGA quân”, về bản chất, đâu hề thua sút khi, theo sự xúi giục của Trump, hung hăng mang giá treo cổ đến tận thủ đô để đòi hành hình nguyên Phó Tổng thống Mike Pence?
 
Bọn này, nói ngược với của cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, là không cần nhìn những gì Trump làm, chỉ cần nghe những gì Trump sách động. Và đất nước chúng ta có như ngày hôm nay, một phần, cũng là do cái não trạng “không cần biết”, từ hạng vô học đến hàng khoa bảng.
 
“Không cần biết” kẻ thù của giai cấp tội tình gì, chỉ cần biết là mình oai phong và quan trọng hẳn lên với “sứ mạng lịch sử” mà giai cấp đã giao phó nên, với thanh mã tấu được dí vào tay, những thành phần vô học sẵn sàng phang thẳng vào cổ bất cứ ai có tên trong danh sách kẻ thù. Nếu đó là hạng mê muội, không biết gì thì giới khoa bảng, những kẻ có thừa điều kiện để biết, để không mê muội, cũng “không cần biết”. “Không cần biết” đó là một ý thức hệ chống lại con người. Không cần biết đó là một chủ nghĩa xây dựng trên nền tảng của sự chia rẽ, hận thù và những mê thoại. Chỉ biết những khẩu hiệu ăn liền, mỵ dân. Và họ trở thành đồng phạm trong tội ác phá hủy đất nước, phá hủy năng lực sinh tồn của dân tộc. Mà ngày nay, có bênh vực cho cái thể chế thối nát hiện tại, đội ngũ dư luận viên -- hay “Ngũ mao quân” theo xuất xứ Trung Quốc của nó -- cũng thản nhiên “không cần biết”. “Không cần biết” cái gì khác cả, chỉ biết đảng đã có công đánh đuổi ngoại xâm. “Không cần biết” những lân bang xưa từng thua sút chúng ta mà nay đã qua mặt rất xa, chỉ cần biết là đất nước khá hơn xưa, là được.
 
Và, bây giờ, với sự trở lại của Trump, nhìn những bộ mặt Việt hả hê, hãnh tiến trong hàng ngũ “MAGA quân”, vô học hay khoa bảng, ở Mỹ hay ở Việt Nam, tôi cứ băn khoăn tự hỏi mình là họ, phải chăng, hoàn toàn “không cần biết” họ là ai? “Không cần biết” mình là ai, trong con mắt của một kẻ kỳ thị như Trump? “Không cần biết” mình mang màu da gì, trong con mắt của những “MAGA quân” cốt cán, những White Supremacist? Và, thậm chí, cũng “không cần biết” mình là ai trong tầm nhìn của thứ hạng mạt rệp nhất của đội ngũ “MAGA quân” bản xứ, những kẻ mà Trump hay đám tài phiệt theo đuôi vẫn gọi là White Trash?
 
Chẳng chóng thì chày, cuối cùng thì tất cả sẽ biết, khi Thúy Kiều trong mơ tưởng lộ nguyên hình là Thị Nở, như đã từng lộ mặt thế sau tháng Tư năm 1975. [5] Nhưng khi bàng hoàng nhận ra sự thật thì bao nhiêu thời gian đã mất, bao nhiêu tài nguyên đã bị phung phí, bao nhiêu cơ hội đã bị bỏ lỡ và, trách nhiệm, do đó, phải đặt lên đôi vai của giới tinh hoa, những nhà khoa bảng hay nghệ sĩ. Với sự sắc bén của lý trí hay sự tinh nhạy của cảm xúc, họ phải ít nhiều nhận ra phần chìm của tảng băng, ít nhiều nhìn ra rừng chứ không thể thấy cây mà dẫn dắt công chúng chứ? Đằng này họ, với một tỷ lệ rất cao, lại trở thành những đơn vị, những thành viên cốt cán của cái “văn hóa quần chúng” mà Sakharov đã cảnh cáo từ năm 1968, say mê truyền bá những mê thoại mà mục đích duy nhất là nuôi sống quyền lực cho một tên mỵ dân tàn ác, giảo quyệt và tham lam.
 
Nhiệm kỳ bốn năm của một Tổng thống Mỹ rồi sẽ trôi qua, cái vù, và nước Mỹ sẽ trở lại bình thường, như đã từng thế sau bao nhiêu thăng trầm. Điều đáng lo hơn là đất nước chúng ta khi, từ hạng ít học đến học nhiều, thậm chí học rất nhiều, nhưng lại hăng say hò hét trong đội ngũ của những kẻ mê muội mà Sakharov đã cảnh cáo từ tận năm 1968.
 
Tương lai đất nước, xem ra, vẫn là cái gì đó bất định, chông chênh, và mờ mịt!
 
Tài liệu tham khảo:
 
  1. “The division of mankind threatens it with destruction. Civilization is imperiled by: a universal thermonuclear war, catastrophic hunger for most of mankind, stupefaction from the narcotic of "mass culture," and bureaucratized dogmatism, a spreading of mass myths that put entire peoples and continents under the power of cruel and treacherous demagogues, and destruction or degeneration from the unforeseeable consequences of swift changes in the conditions of life on our planet.”
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn đã dịch “mass myth” sang tiếng Việt là “mê thoại đại chúng”.
 
Ở xa thì tưởng Thúy Kiều
Đến gần mới biết người yêu Chí Phèo
 
Câu ca dao này là lời gan ruột của những thành phần khoa bảng ở miền Nam sau tháng Tư năm 1975. Sau  sau bao nhiêu năm mơ về miền Bắc với sự ngưỡng mộ, lúc này mới cay đắng nhận ra rằng nàng Thúy Kiều mình ngày đêm mơ tưởng chỉ là một Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn.

Ý kiến bạn đọc
18/11/202418:39:48
Khách
Đọc một bài viết thiên tả như thế này thật buồn cười cho " học giả" Nguyễn Hoàng Văn. Hãy chờ xem 4 năm nữa khi Trump kết thúc nhiệm kỳ để đem bài viết này so sánh mới công tâm. Đúng ông ta ( Nguyễn Hoàng Văn) nói đúng " Trông xa thì tưởng Thuý Kiều- Lại gần thì hoá người yêu Chí Phèo". Chúng ta chưa lại gần những kết quả mà Trump có được hay những thất bại của Trump thì mới cho kết quả được đúng không ông Văn và quý độc giả của Việt Báo? Vì 4 năm nữa mới được lại gần dung nhan Thị Nỡ.
16/11/202422:26:36
Khách
ngày xưa CS đã mê hoặc quần chúng có tri thức ít ỏi nhưng lại là số đông Giờ đây chủ nghĩa dân túy hay Trumpism cũng y chang. Đám MAGA đông lại tri thức bầy đàn kém hiểu biết nên đồng loạt nghe lời dụ dỗ của Trump không chút đắn đo. Giờ thì Trứng Đã Trao Cho Ác, MAGA có tỉnh mộng cũng đã lỡ làng. Chỉ tiếc cho Hoa Kỳ đến hồi suy thoái và vị trí lãnh đạo thế giới có thể đang chấm dứt.
15/11/202423:08:38
Khách
Cám ơn ông Nguyễn Hoàng Văn.
Bài viết rõ ràng, Đúng là thời thế nó là như thế, cho dù sự thật có vạch ra những điều nguy hiểm đó thì họ sẽ " không cần biết". Mong rằng sẽ có nhiều người được đọc bài viết này của ông Nguyễn Hoàng Văn. Và cám ơn VIỆT BÁO.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang. Trong nhiều tháng, tình hình chiến sự diễn ra theo chiều hướng không mấy thuận lợi cho Ukraine. Khoảng cuối tháng 11/2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống phi đạn chiến thuật tầm xa Atacms do Hoa Kỳ cung cấp. Đây là lần đầu tiên Kyiv được phép sử dụng loại phi đạn này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo mục đích ban đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, các tổng thống chỉ đóng vai trò là người thi hành pháp luật chứ không phải là hoàng đế có thể tự ý ra quyết định trong mọi việc. Nhưng theo thời gian, Quốc hội dần trao quyền lực cho nhánh hành pháp (tức là cho Tổng thống) nhiều hơn; và các tòa án, với tư cách là nhánh quyền lực thứ ba của chính phủ, cũng chấp nhận điều đó. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Về địa danh ở Việt Nam, thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe thiên hạ than phiền. Nhà báo Nguyễn Thông càm ràm: “Khi người Pháp vào xứ này, họ đem theo nền văn minh phương tây ‘khai hóa” bản địa, trong đó có văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ. Điều không thể phủ nhận là họ đã tổ chức cực tốt bộ máy hành chính, quản lý rất rành mạch, hợp lý các vùng miền, tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Việc phân chia một cách có hệ thống khoa học các đơn vị hành chính, tên gọi các cấp độ từng đơn vị là ví dụ rõ nhất.
Trung Quốc, Mexico và Việt Nam hiện dẫn đầu thâm thủng mậu dịch với Hoa Kỳ với con số ấn tượng của mỗi nước vào năm 2023 là $279, $152, và $105 tỷ USD. Mexico và Việt Nam là hai nước hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc đầu tư sản xuất hay dán nhãn rồi xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh thuế Trump 1.0.
Nếu một năm trước, ai đó nói với tôi rằng Trump sẽ thoát tất cả tội trạng kể cả đại hình, tôi sẽ cười và nghĩ “ở Mỹ, không ai đứng trên luật pháp.” Rất nhiều người tôn trọng hiến pháp Hoa Kỳ cũng có niềm tin ấy. Nhưng giờ đây, kể cả khi Jack Smith có làm “Câu Tiễn” hay muốn “lùi một bước, tiến ba bước” thì hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ đã chết dưới thời Trump 2.0.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, chính giới phương Tây và các chuyên gia an ninh tranh luận sôi nổi về vấn đề liệu Nga có đe dọa khối NATO và khởi chiến chống châu Âu không. Cho dù đến nay, một cuộc tấn công như vậy chưa xảy ra, nhưng dựa theo tinh thần hiếu chiến và khả năng tiến hành chiến tranh của Nga tại Ukraine, chính giới và công luận cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thử thách sức mạnh quân sự của phương Tây bằng cách tấn công vào một trong các quốc gia ở sườn phía đông của khối NATO. Theo các kịch bản được suy diễn thì diễn biến có thể sẽ hình thành trong 5 đến 8 năm tới.
Nếu bạn để dành một ngày nghỉ hoặc ít nhất, nửa buổi không làm gì, chỉ để suy nghĩ về bản thân. Hãy tự hỏi, sống trong xã hội, trong đất nước, trong nhân loại, bạn thuộc về thiểu số hay đa số? Quan niệm của bạn tương tựa quan niệm chung của đám đông hay bạn có quan niệm sống khác, thường xuyên không đồng điệu hoặc bất mãn với quan niệm tiêu chuẩn mà đám đông tin tưởng?
Cuộc bầu cử năm 2024 đánh dấu một thất bại nặng nề cho Đảng Dân chủ, với việc mất gần bảy triệu cử tri so với năm 2020. Ngay cả ở những thành trì mạnh như California và New York, Kamala Harris cũng mất hàng trăm nghìn cử tri ở các thành phố lớn nhất. Chiến dịch tranh cử của Harris có thể được coi là một thất bại, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như vậy? Cuộc tranh luận về nguyên nhân hiện đang diễn ra gay gắt.
Nhà báo Thái Hạo xem chừng rất buồn lòng vì một câu nói của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (“cái nước mình nó thế”) nên lớn tiếng than phiền: “Sự trì trệ, hỏng hóc ... của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, tất thảy đều có nguyên nhân của nó. Vấn đề là phải tìm ra, chỉ ra, phân tích ra, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm mà sửa chữa hoặc làm lại, chứ không phải buông một câu ‘cái nước mình nó thế’ rồi xong
Chênh lệch vẫn còn khít khao, nhưng chiều hướng có lợi cho Derek Trần vì sau mỗi ngày kiểm phiếu, Derek Trần lại bỏ xa Michelle Steel thêm vài chục phiếu từ ngày 16/11/2024 đến nay. Còn lại khoảng hơn 6,000 phiếu chưa kiểm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.