Mùa Thu Florence, Italy Nov 2024. Ảnh Dung Phương.
Nhịp lá rơi đang xô chèo dòng thu cập bến. Những con thuyền năm tháng sẽ tiếp tục dong buồm. Nơi chốn nào gọi là đáy đĩa mùa đi ơi Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh? Có phải là nơi Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi của thi nhân 80 năm trước?
Hay trong cơn khát của mùa thu của Trang Thanh?
Hay nơi dấu chân emlối vàng xưa của Lê Hoàng Anh?
Hay nơi mùa trăng hóa quỳ vàng của Lê Vĩnh Tài?
Hay nơi mặt đất dâng lên nuốt ánh mặt trời của Duyên?
Hay nơi tiếng chạm của những viên đá tím của Nguyễn Thị Khánh Minh?
Hay nơi rực rỡ hoàng hôn rực rỡ Đêm tháng 11 cuối cùng của Lê Chiều Giang?
Dường như, một nơi khả dĩ nhất để nói về đáy đĩa mùa đi ấy là Khoảng Trống của Nguyên Yên. Vì thời gian nào có điểm xuất phát và đáo bỉ ngạn? Cái khoảng trống mà Nguyên Yên phân vân liệu nó phi hạn hay giới hạn?
Mời bạn đọc những bài thơ sau đây của các tác giả trên, rồi bạn sẽ biết rằng mỗi nhà thơ đã lấp đầy Khoảng Trống ấy như thế nào.
TRANG THANH
trong cơn khát của mùa thu
chúng ta nằm bên nhau lặng lẽ tựa mặt sông
gió đi vắng, mây im, căn phòng không một chiếc gương
tơ lụa mùa thu, những đám cỏ li ti, tiếng thảng thốt ngoài kia
có thể biệt ly lại sắp về đâu đó…
chúng ta nói với nhau về nỗi nhớ đất đai
điều tưởng chừng xưa cũ
nhưng đã từ lâu cứ ít dần đi nhung nhớ
về nơi chúng ta đã chôn giấu bao yêu thương bằn bặt những kiếp người…
chúng ta nói với nhau về nỗi nhớ những dòng sông
nơi chúng ta đã gửi xuống những khát khao và buồn tủi đời mình
chúng ta nhớ những đỉnh núi hoang vắng
nơi chúng ta từng ngước lên vời vợi ước mơ và nhìn xuống run rẩy, rụng rời
lòng chúng ta bỗng sừng sững trơ trọi
chúng ta tìm lấy tay nhau trong nỗi tái tê đau buốt phận người
quá khứ nặng cùm gông
chúng ra nhắc về những kỷ niệm ngọt ngào giờ trở nên củi mục
hai gương mặt chúng ta cách nhau đến một kiếp đau thương
căn phòng không gió không gương
chúng ta nhìn thấy cơn khát của mùa thu trong từng cọng lá rời khô
chúng ta xiết chặt tay nhau hơn, soi trong mắt nhau nỗi ly biệt của mùa đông âu lo và sợ hãi
hai gương mặt chúng ta chỉ còn cách nhau một tấc u buồn
em ơi đừng day dứt nữa
chúng ta sẽ mang theo
trước mặt chúng ta còn bí ẩn những khu vườn…
LÊ HOÀNG ANH
Lối Vàng Xưa
Lối xưa vẫn thế
Lá vàng rơi xoáy vòng ngập ngừng không thể có một mùa ...
Nghe vòm lá thì thào: - Vâng, có một mùa thu...
Nào ai biết anh như lối vắng
Vàng một mùa như xa lắm trong em...
Lối vàng xưa bất ngờ em trở lại
Những đốm xanh trong veo qua kẽ lá
Tĩnh lặng nắng lá - buồn lên vàng rực
Như một tiếng thở dài ...
Những lá vàng tinh khiết như ban mai
Dòng xao xuyến hồi ức tìm ta lại
Có những dấu chân vừa in trên lối cũ
Trùng với dấu chân em...
Những dấu chân tinh khiết như ban mai
Những lá vàng tinh khiết như không thể.
LÊ VĨNH TÀI
Va Mãi Vào Sóng Nước
dưới mái chèo vỡ một giấc mơ
con sông trôi theo mắt
đang yêu trôi trí nhớ em đôi tay dài
ròng ròng cùng tháng năm
bờ sông mở cửa
nhìn nhau lá ướt chiêm bao. Có lẽ. Mãi mãi
thơ đi qua bờ sông đi qua tháng ba
qua bất an qua hơi thở bình nguyên em ngược gió
mùa trăng hóa quỳ vàng(*) trong suốt
dã quỳ vàng say khướt. Đợi môi
đợi mùi trăng mùi cỏ mùi rừng
mùi chim Phí mùi lá mục mùi mưa đợi nắng
quê hương đợi màu da
vòng eo đợi phì nhiêu cánh đồng đợi con sông
chảy vào sinh nở
hay con sông rồi không chờ đợi
tràn bờ trí nhớ qua giấc mơ sương mù cũ kỹ
một đời sông nước già nua
...
bơi hay chỉ là ngắt nhịp hơi thở
ngắt nhịp giấc mơ / ngắt nhịp câu thơ
làm ướt con chữ
và đám mây đang bơi như cá
bơi không biết trời hay sóng nước xanh
dòng sông hay ngà ngà trôi màu trắng
hy vọng màu xa vời con sông màu mất ngủ
lìa xa màu giấc mơ
nát tan màu nhẹ gánh mỉm cười
một chấm đỏ màu mong manh ngoảnh lại
nhói đau màu câu thơ
câu chữ màu da non
xước da tiếng kêu màu trí nhớ
màu xanh khoảng trống không ngờ
giấy trắng màu không biết sợ
ngòi bút màu không nỡ…
thanh thiên
-------------
(*): một sắc vàng giá lạnh hoang sơ của loài hoa thường ngủ quên ven bụi bờ/thường thức dậy bất ngờ thắp nắng. hoa như em/như mùa thu phố núi lơ mơ/ này cúc dại có bao giờ em nghĩ/ một loài hoa gió bụi rồi buồn… Lê Vĩnh Tài
DUYÊN
chiều thu
tháng mười
thu về…
ngơ ngác quá
lá thờ ơ. buồn
mầu vàng. biếc
đất. trời. cho
hàng cây hai bên đường
thắp sáng
nến. mùa thu.
lữ khách
trong rừng thu
ngước mắt nhìn
vàng rơi. thu mênh mông*
nắng nhè nhẹ
gió chuyển mình
mưa lất phất
bay…
không gian lành lạnh
dễ yêu
cho tay tìm nhau
mắt ngập tràn mầu lá
phớt mầu xanh
trong
hy vọng…
biển trời.
hoàng hôn đang về
nhẹ nhàng. rơi
mặt đất dâng lên
nuốt ánh mặt trời
hai bên đường
hàng nến lụn…
tia sáng chìm dần…
đất. trời
tìm nhau
mất hút…
đêm.
10.24.2020
*thơ Bích Khê.
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Nhịp Một Mùi Hương Thức Giấc
Gió đang thổi vào ngày Như những ngón tay anh lùa trong tóc Chiều ở lại Lười lĩnh nhịp võng đưa một dòng sông Mầu hoa tím lắc lư giấc ngủ Hợp âm. Cùng những hạt tím em đeo trên cổ Lấp lánh mùa thu
Phố dưới ấy đang trôi Trái đang chín trên cây Tổ chim đang lục sục bữa ngủ Trên gặp gỡ chiều và tối Không bồn chồn không hối hả Hai đường biên dịu dàng. Rồi duy nhất Chúng ta cùng rất thích âm thanh và mầu sắc Bản giao hưởng ấy của ngày
Mơ hồ trong tiếng chạm của những viên đá tím Nhịp của viền mi khép Nhịp một cánh sao xanh mới mọc Nhịp một mùi hương thức giấc
LÊ CHIỀU GIANG
Tháng 11 Cuối Cùng
Chẳng nợ nần ai mà
Ta trả
Một triệu lần hơn
điều ta có
Đến khi
Nhang khói mịt mù bay
Là lúc tim ta đầy hãi sợ
Tiếng chuông vọng xa vời trong gió
Thấp thoáng hồn ai
Khắp bốn phương
Nhà xưa
Ta đốt bừng bừng cháy
Tàn tro lấp kín cả nhân gian
Ta ôm hết
cả than, và lửa
Rực rỡ hoàng hôn
rực rỡ
Đêm.
Vung vãi chút nồng nàn trong mắt
Ta chết.
Trong vòng tay …
rất quen
NGUYÊN YÊN
Khoảng Trống
người ta không thể nhìn thấy nó không biết gì về hình dáng, thể chất của nó cũng không có khái niệm về độ sâu hay chiều cỡ của nó liệu nó phi hạn hay giới hạn
người ta chỉ biết mình có nhu cầu, chắc nịch như niềm tin tôn giáo như người đàn bà trong cơn lên đồng khăng khăng đòi lấp đầy thiếu vắng bằng tình yêu căng phồng.
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
Em nhan sắc đồi câm / Tôi ù lì bến chải / Máu những giọt rất thầm / Tới khấc tình bãi nại / Cứu rỗi một nhành cây / Buồn lên thập tự giá / Hồn ma xưa hiện ngày / Xuống vũng đêm đày đọa
hương môi thơm tuyệt cú mèo/ ngất ngây hồn vía bay theo mây trời/ bồng bềnh nào phải chơi vơi/ quen từ chướng nghiệp gẫm cười ngất ngư / cài khuy áo ngực hình như / với em tùng tiệm thặng dư ngôn tình / ô hay, nữ tính lặng thinh/ kiêu sa đi chứ để hình dung ta!
Tôi đã xưa. cơn gió ngàn lau lách. dưới mỗi gốc cây, xương máu con người đổ xuống. tình yêu và hận thù đều xanh màu lá. / Dưới bàn chân tôi, đá sỏi mỏi mòn.
Đôi khi tôi muốn nằm xuống dưới chân em. đôi khi tôi muốn chết. / Sự bất động của thân tâm là chân như của hạnh phúc. nhưng sự im lặng của em là âm ti địa ngục. /Dưới bầu trời này, màu xanh lừa đảo.
Mắt tháng Tư không còn hạt lệ. Mắt tháng Tư chiêu niệm màu cờ. Mắt tháng Tư chập chờn bia mộ hồn tử sĩ từ cổ kim thao thức. / Mắt tháng Tư rưng màu huyết phượng. Mắt tháng Tư ngào cơn huyết biển. Thân giạt cỏ bồng hồn khua nước bao lâu rồi thủy mộ. / Trái tim người đi rơi dần từng mảnh, buồng ngực khô nhớ gió phương nam máu đỗ quyên khắc khoải quê nhà. / Mắt tháng Tư nở bông hoa trên cành hy vọng mỗi đóa hoa như một giọt nước mắt hồng rơi xuống trái tim tôi. / Mắt tháng Tư dẫu ngàn năm vô tự, mảnh lao đao lịch sử. Lật từng chương… / Giấy mực đời chép ra, ví thiếu. / Lấy da này viết để tạ nhau…
tháng tư đưa tay nhặt / vỡ nát của ngày xưa / còn đây, chồng sách cũ / những quả chín trái mùa / còn đây, chiều gió nổi / những ngôi mộ rạp mình / bia gỗ nào run rẩy / hồn linh nào tủi thân / chiến trường lâu đã nguội / hơi sắt và hơi đồng / mấy chục mùa hoa rụng / hư không tìm hư không
Cõi thơ Viên Linh là cõi nhân sinh đầy hệ lụy của định mệnh. Định mệnh của một dân tộc điêu linh, lưu lạc. Định mệnh của con người bé nhỏ và yếu ớt trong dòng chảy cuồng lưu của kiếp sống. Định mệnh của tình yêu mệt mỏi, chán chường và bất trắc. Thơ Viên Linh là một biểu hiệu cho Con Người như là một hữu-thể-tại-thế với tất cả những khổ đau và hoan lạc. Ông vừa tạ thế hôm cuối tháng Ba vừa rồi, Việt Báo trân trọng đăng lại một số ít thơ của ông như một nén tâm hương gửi đến người Thi Sĩ quá cố.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Ta về một cõi tâm không / Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn / Còn yêu một thuở đi hoang / Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya / Ta đi dẫm nắng bên đèo / Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều / Nguyên sơ là dáng yêu kiều / Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ / Còn đây góc núi trơ vơ / Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.