Quận Cam (VB)- Một nước Mỹ thực dụng, chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt đã đưa ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Một loạt những thay đổi lớn, đảo ngược hoàn toàn những chính sách mà người tiền nhiệm Joe Biden đã cam kết sẽ được thực hiện, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Ngay sau khi tuyên bố thắng cử, ông Trump cho biết sẽ cho khai thác mạnh mẽ ngành dầu khí trở lại, đồng thời sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Ước Chống Biến Đổi Khí Hậu. Những đe dọa lớn nhất đối với địa cầu đang trở lại nước Mỹ.
Trong cuộc họp báo trên mạng do Ethnic Media Services (EMS) vào ngày 1 tháng 11, nhiều diễn giả nhận xét rằng sở dĩ ông Trump mạnh dạn làm điều này là bởi vì vấn đề biến đổi khí hậu không được cử tri Mỹ quan tâm đáng kể trong mùa bầu cử 2024. Thay vào đó, lạm phát, suy thoái thoái kinh tế, vấn đề nhập cư mới là những vấn đề cấp bách.
Diễn giả Bill McKibben, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, cho biết trong vòng 18 tháng qua, trái đất không gia tăng nhiệt độ tăng đều đặn như trong nhiều thập kỷ, mà là sự gia tăng đột biến rất mạnh, cả nhiệt độ đất liền và các đại dương. Điều này là tín hiệu rất xấu cho những gì sẽ xảy ra trong vài năm tới, khi các băng ở vùng cực tan chảy, mực nước biển dâng cao. Theo ông, biến đổi khí hậu là thảm họa lớn nhất mà con người từng gây ra cho đến nay. Nếu nhân loại không sớm kiểm soát được tình hình, các nhà sinh vật học cho biết sẽ diễn ra cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu trong lịch sử hành tinh này.
Thế giới tương lai, thế hệ con cháu sẽ oán trách thế hệ hiện tại, vì chúng ta đã không thể tự mình làm những gì cần phải làm, mặc dù có đủ những công cụ cần thiết. Đó sẽ là một lời điếu văn khủng khiếp để viết về thời đại hiện nay. Ông McKibben cho rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 có thể sẽ còn ảnh hưởng đến địa cầu trong 1 triệu năm tới!
Theo một cuộc thăm dò của viện Gallup được công bố vào ngày 9 tháng 10 2024, đa số cử tri không xem biến đổi khí hậu như là một ưu tiên hàng đầu. 52% số người được hỏi xếp hạng vấn đề kinh tế là "cực kỳ quan trọng" khi họ lựa chọn ứng cử viên tổng thống. Dân chủ, khủng bố và an ninh quốc gia, người nhập cư cũng được xếp hạng cao trong mối quan tâm của cử tri. Ngược lại, biến đổi khí hậu chỉ được quan tâm áp chót, với chỉ 21% cử tri cho biết vấn đề này là quan trọng.
Tại cuộc họp báo, ba nhà hoạt động đã trình bày những kinh nghiệm trực tiếp của mình về biến đổi khí hậu, và những nỗ lực của họ trong việc kêu gọi cộng đồng để tạo ra sự thay đổi đáng kể.
Erik Bendix là cư dân Asheville, North Carolina đã trực tiếp chứng kiến sự tàn phá của biến đổi khí hậu, khi những cơn lốc xoáy của cơn bão Helene quét qua vào cuối tháng 9. Sáu tuần sau, cộng đồng cư dân Asheville vẫn đang phải giải quyết hậu quả của sự tàn phá chưa từng có. Phải mất 19 ngày, cộng đồng mới có điện trở lại. Những khu rừng nguyên sinh, với những cây có niên đại 200 năm, đã bị tàn phá. Vườn bách thảo North Carolina, một trong những điểm thu hút khách du lịch chính của Asheville, đã mất hơn 20,000 cây. "Nơi đây giống như cảnh quan trên mặt trăng", Bendix cho biết tại cuộc họp báo.
Bão Helene đã cướp đi sinh mạng của 227 người, gây ra thiệt hại ước tính 95 tỷ đô la về tài sản và nông nghiệp. Điều đáng nói là các cộng đồng thu nhập thấp có xu hướng bị ảnh hưởng nặng hơn do biến đổi khí hậu. Đạo Luật Giảm Lạm Phát của Tổng Thống Joe Biden cố gắng khắc phục sự mất cân bằng đó, với khoản tài trợ 152 triệu đô la cho Chương Trình Tài Trợ Thay Đổi Cộng Đồng, là khoản đầu tư lớn nhất cho công lý về môi trường và khí hậu trong lịch sử Hoa Kỳ.
Diễn giả Sharon Lavigne, một giáo viên nghỉ hưu, và là người được trao Giải Thưởng Môi Trường Goldman năm 2021. Bà cũng là người sáng lập tổ chức Rise St. James, bắt đầu cuộc chiến kéo dài nhiều năm để buộc một nhà máy hóa dầu mới phải đặt xa khu vực cư dân cộng đồng vốn đã bị ô nhiễm nặng nề. Với khoản tài trợ có được từ sự tài trợ của chính phủ Biden, tổ chức này sẽ làm những gì cần thiết để làm sạch khu vực cư dân được gọi là "Cancer Alley" của Louisiana. Cancer Alley là một khu vực cư dân kéo dài khoảng 85 dặm dọc theo bờ sông Mississippi, giữa New Orleans và Baton Rouge. Người dân sống chung với khoảng 200 nhà máy khai thác dầu mỏ và kỹ nghệ hóa dầu, và phải đối mặt với nguy cơ ung thư, hen suyễn. Tỉ lệ tử vong ở các bà mẹ cùng vô số các bệnh về đường hô hấp rất cao.
Rise St. James hiện đang đấu tranh chống lại Formosa Plastics, công ty dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy trị giá hàng tỷ đô la trên khu vực mà bà Lavigne cùng cộng đồng đang sinh sống. Bà cho biết cộng đồng đang thực sự chết dần chết mòn. Bà và cư dân lên tiếng tại nhiều cuộc họp với chính quyền, nhưng không có hành động nào được thực hiện. Những chính trị gia và những ông chủ ngành công nghiệp có quyền lực cao hơn người dân. Thống đốc Louisiana Jeff Landry đứng về phía Formosa Plastics. Ông đã đệ đơn kiện của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) vào tháng 12 năm ngoái, cố gắng ngăn chặn sự can thiệp vào việc xây dựng nhà máy Formosa Plastics.
Nếu nhà máy này được xây dựng, cộng đồng cư dân sẽ không thể sống được. Bà Lavigne dự định tổ chức một cuộc biểu tình lớn, dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 11 để đối đầu với Thống Đốc Landry. Cư dân muốn nói chuyện với thống đốc và yêu cầu ông ấy ngừng tạo điều kiện cho những kẻ gây ô nhiễm, vì người dân muốn sống. Nhưng cho đến ngày 5 tháng 11, văn phòng thống đốc vẫn chưa trả lời các yêu cầu bình luận của EMS về vấn đề này.
Diễn giả Sissy Trinh là giám đốc điều hành của Southeast Asian Community Alliance, có trụ sở tại China Town Los Angeles. Bà cho rằng những thông điệp về biến đổi khí hậu cần phải thay đổi sao cho tác động thực sự đối với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Cộng đồng của Sissy Trinh là những người có thu nhập thấp. Nhiều cư dân thường xuyên phải cắt giảm bữa ăn để trả tiền thuê nhà. Nhiều người lớn tuổi làm việc trong các xưởng may hoặc nhà hàng với mức lương thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu. Vì vậy, khi nói về biến đổi khí hậu, họ sẽ cảm thấy rất xa vời. Họ có nhiều nhu cầu cấp thiết hơn, thí dụ đang phải đối mặt với mối đe dọa trở thành người vô gia cư. Họ sống trong khu phố nằm dọc theo bờ sông Los Angeles, phải đối mặt với mối đe dọa của sự đô thị hóa. Các kế hoạch làm sạch dòng sông và phủ xanh khu vực này đang thu hút các nhà phát triển bất động sản, khiến cư dân hiện phải đối mặt với mối đe dọa bị mất nhà. Theo bà Trinh, vấn đề là làm thế nào để có các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ của nhà đầu tư phát triển đô thị. Kế tiếp là tăng đầu tư trực tiếp để hỗ trợ cư dân có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ, để đưa mọi người thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Giải quyết vấn đề môi trường nên đi theo định hướng này.
Bốn năm tới, những nhà đấu tranh cho môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền lợi môi trường cho những cộng đồng nghèo sẽ có nhiều việc phải làm…
(Nguồn ảnh: EMS)
Gửi ý kiến của bạn