Trong vài tháng qua, báo chính chính thống của Mỹ đã dành cho Donald Trump khá nhiều đất diễn. Nhất cử nhất động của Trump, dù đáng hay không đáng, dù thiếu một nửa để trở thành một ổ bánh mì, vẫn được những tờ báo lớn có lịch sử hơn trăm năm dẫn lại. Với Trump, đó là một chiến thắng. Với báo chí, đó là kinh doanh, là “rating.”
Khi chỉ còn khoảng một tuần lễ nữa sẽ có kết quả bầu cử 2024, Donald Trump lại có thêm “một món quà lớn” từ vài cơ quan báo chí của Mỹ. LA Times tờ báo ở quê nhà của Phó Tổng Thống Kamala Harris, là tờ báo đầu tiên lên tiếng quyết định trong những phút giây cuối cùng: “Không ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào năm nay!”
Ngày hôm sau, ký giả Mariel Garza, một trong các chủ biên của LA Times, phụ trách chuyên mục “Quan Điểm” gửi thư từ nhiệm. Ngày kế tiếp, là Robert Greene và Karin Klein, hai chủ biên khác của LA Times.
Hai ngày sau, chủ sở hữu tờ LA Times – là tờ báo 146 năm tuổi với câu slogan nổi tiếng “Democracy Dies In Darkness” Washington Post (WP) nối bước quyết định của Patrick Soon-Shiong – Kết quả là ba thành viên trong nhóm chủ biên của WP từ chức: Robert Kagan, Molly Roberts và chủ nhân của giải Pulitzer năm nay cho loạt bài viết về "công nghệ mới và chiến thuật mà chế độ độc tài sử dụng để đàn áp bất đồng chính kiến trong thời đại kỹ thuật số" – ký giả David Hoffman. Hoffman gia nhập tờ Post vào năm 1982.
Ngay sau quyết định của Jeff Bozos, chủ nhân của WP và Patrick Soon-Shiong của LA Times, làn sóng độc giả hủy bỏ ghi danh đọc hai tờ báo này mỗi ngày một tăng cao. Đến hôm nay, khi tờ WP kết thúc truyền thống 50 năm ủng hộ tổng thống trong mỗi cuộc bầu cử thì WP cũng mất hơn 200,000 người đọc, chưa kể giảm khoảng 2,5 triệu ấn phẩm. Trong khi đó, tờ LA Times đã mất hơn 18.000 lượt ghi danh đọc báo ngay trong tuần sau quyết định của tờ báo chọn vị thế “trung lập.”
Nếu những con số biết nói, thì nó đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên báo chí từng mệnh danh là ngọn nến soi rọi nền dân chủ trong kỷ nguyên đen tối của Trump. Độc giả đã châm biếm câu slogan để đời “Democracy Dies In Darkness” của WP nay đúng với “sứ mệnh” của chính nó: “Chúng tôi không thể nhìn thấy gì, vì nó quá đen tối.”
Những lá thư từ chức – là cuộc biểu tình của những ký giả lựa chọn sự chính trực của báo chí lên trên nỗi sợ hãi. Lựa chọn của họ là lựa chọn của chính những người từng theo đuổi chủ đề “TRUMP” trong suốt 9 năm nay. Thời gian đó đủ để những ký giả kỳ cựu này hiểu và nhìn thấu hết sự nguy hiểm cận kề về một người sẵn sàng làm tất cả để có được quyền lợi và tham vọng cá nhân. Bức tranh của nước Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump hoàn toàn đen tối.
Bà Mariel Garza, người đầu tiên đứng lên trong làn sóng “biểu tình” đã gửi lá thư từ chức vì “vào những lúc nguy hiểm, người trung thực phải lên tiếng. Đây là cách tôi lên tiếng.”
Trong một email trả lời của bà sau đó vài ngày, bà cho biết mình đã “sững sờ, thất vọng. Chúng ta đang ở trong một thời điểm vô cùng khó khăn.”
“Trong suốt 9 năm, chúng tôi đã ghi lại những mối nguy hiểm mà chỉ có Donald Trump gây ra cho quốc gia, viết trong các bài xã luận thường kỳ, mô tả ông ta theo nhiều cách khác nhau như một kẻ tự luyến, một kẻ kích động, một mối đe dọa đối với nền dân chủ, một tên tội phạm, một kẻ nói dối, một kẻ nổi loạn và không đủ tư cách để giữ chức vụ theo quá nhiều cách không thể đếm xuể. Chúng tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình là những ký giả bình luận – những người có sứ mệnh bao gồm ‘bảo vệ các quyền và tự do theo hiến pháp và nhân quyền’ và ‘pháp quyền’ một cách không khoan nhượng – rằng chúng tôi phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn ông ta trở lại Tòa Bạch Ốc vào năm 2024.”
Ban biên tập của LA Times là những người soạn thảo thư ủng hộ trong những cuộc tranh cử tổng thống từ năm 2008. Theo lời của bà Garza, tờ báo LA Times chưa bao giờ có chính sách “không ủng hộ ứng viên tranh cử” kể cả khi Patrick Soon-Shiong, một tỷ phú công nghệ sinh học đã mua tờ báo vào năm 2018.
“Chúng tôi đã chờ đợi nhiều tuần để nhận được câu trả lời từ chủ sở hữu để đăng lá thư ủng hộ mà ban biên tập đã soạn thảo. Trong những lý do chúng tôi đưa ra, có những mối đe dọa rất thực tế đối với các thể chế dân chủ, quyền sinh sản và quyền tự do báo chí nếu bà Harris không thắng cử. Thật không thể tin được, vào ngày 11 tháng 10, biên tập viên điều hành đã nói với tôi rằng ông Soon-Shiong từ chối lá thư phác thảo đó. Vào thời điểm đó, điều đáng lẽ nên làm là sự chứng thực như mong đợi từ những năm đã qua thì đã biến thành một câu chuyện quốc gia làm suy yếu uy tín của công việc và làm hoen ố danh tiếng của toàn tờ báo.”
Điều làm cho bà Garza lo sợ, không phải là kết quả lá phiếu ở California, mà là “Điều làm tôi mất ngủ là điều này (báo chí không ủng hộ) sẽ bị hiểu sai lệch ở nhiều nơi khác. Những cử tri ở tiểu bang khác sẽ có kết luận sai lầm rằng tờ báo ở quê hương của bà Harris không có niềm tin về bà, sau nhiều năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về Trump.”
Ngược lại với sự lo lắng của bà Mariel Garza và có thể cũng của những người đã từ chức khỏi LA Times và WP, lời giải thích Jeff Bezos đưa ra về quyết định đi ngược với truyền thống ủng hộ ứng cử viên tổng thống của tờ WP, không thể xoa dịu độc giả. Tỷ phú Amazon cho rằng lý do ông CHẶN kế hoạch ủng hộ bà Harris của WP vì “Người Mỹ không tin vào truyền thông.”
“Nghề của chúng tôi hiện là nghề ít được tin cậy nhất. Có điều gì đó mà chúng tôi đang làm rõ ràng là không hiệu quả,” theo lá thư của Jeff Bezos đăng trên WP.
“Sự ủng hộ tổng thống không làm thay đổi cán cân của một cuộc bầu cử. Không có cử tri nào còn do dự ở Pennsylvania sẽ nói rằng, ‘Tôi sẽ ủng hộ sự ủng hộ của Báo A.’ Không có. Những gì thể hiện ủng hộ chỉ là tạo ra nhận thức về sự thiên vị. Nhận thức về sự không trung lập. Chấm dứt (ủng hộ) là một quyết định có nguyên tắc và đó là quyết định đúng đắn. Bản thân việc từ chối ủng hộ các ứng cử viên tổng thống không đủ để đưa chúng ta lên cao hơn nữa trong nấc thang đo lòng tin, nhưng đó là một bước đi có ý nghĩa theo đúng hướng. Tôi ước chúng ta đã thực hiện thay đổi sớm hơn, vào thời điểm trước cuộc bầu cử xa hơn và cả những cảm xúc xung quanh nó.”
Về quan điểm này, ký giả Mariel Garza nói bà “không thể bình luận gì về lá thư của Jeff Bezos” nhưng có thể hiểu được, một cách chủ quan, bà và những ký giả quyết định “đứng lên vì sự trung thực” không thể có đồng quan điểm.
Trong một thời đại độc tài, hoặc có mầm đe dọa của những nhân vật độc tài nắm quyền lãnh đạo, báo chí trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng các tổ chức báo chí không thể dựa vào những nhà tỷ phú, bởi vì, đó là những người “dễ bị tổn thương quyền lợi.” Jeff Bezos, Patrick Soon-Shiong là những tài phiệt kinh doanh trên báo chí. Sứ mệnh của những ông chủ truyền thông này là nâng cao lợi nhuận trong bất cứ thể chế nào, độc tài hay dân chủ.
Sứ mệnh của những ký giả đã bước ra khỏi “Democracy In The Darkness” là thắp sáng những ngọn nến, soi rọi sự thật, chống lại chủ nghĩa độc tài. Họ không chấp nhận đứng dưới những ngọn nến tàn trong kỷ nguyên dân chủ. Ngược lại, hành động, trách nhiệm công dân hàng ngày, như đọc báo hay bỏ phiếu, cũng có tầm quan trọng to lớn không kém và đòi hỏi sự cam kết, chủ ý và lòng dũng cảm.
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn