HONG KONG – Hôm thứ Ba (24/9), chính phủ TQ đang thực hiện cải cách tuổi nghỉ hưu để giảm thâm hụt quỹ lương hưu và củng cố nguồn nhân lực đang giảm dần. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu dân số (demographers) cảnh báo rằng với tình hình nền kinh tế đang chậm lại, sẽ càng có nhiều khó khăn hơn, khiến cho nhu cầu cải cách càng căng thẳng hơn, theo Reuters.
Nạn lão hóa là vấn đề chung của toàn thế giới, nhưng ở TQ, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng do ảnh hưởng từ chính sách “một con,” đã được áp dụng suốt ba thập niên.
Năm ngoái, số trẻ em sinh ra ở TQ chỉ còn 9 triệu. Liên Hiệp Quốc dự báo rằng nếu tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp như hiện tại, nguồn nhân lực của TQ sẽ giảm gần 40% vào năm 2050 so với năm 2010.
Người đi làm, dù già hay trẻ, đều lo lắng trước những thay đổi khi chính phủ đang nỗ lực giải quyết sự khác biệt rất lớn giữa mức lương hưu nông thôn và thành thị, bảo đảm ổn định xã hội, và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.
Alicia Garcia Herrero, trưởng kinh tế gia của Natixis khu vực Á Châu - Thái Bình Dương, nhận xét: “Họ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề lương hưu ngay, vì nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng, chính phủ vẫn có thể dựa vào đó để choàng qua phần thâm hụt quỹ lương hưu.”
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ đã giảm từ khoảng 8% trong những năm 2000 xuống còn khoảng 5% hiện nay, và có thể giảm chỉ còn 1% sau năm 2035.
Lo ngại công chúng sẽ phản đối, các nhà lập pháp đã nhanh chóng thông qua chính sách nâng độ tuổi nghỉ hưu vào tháng 9 mà không lấy ý kiến từ người dân. Độ tuổi nghỉ hưu ở TQ đã được thiết lập từ những năm 1950. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình ở TQ đã tăng lên 78 tuổi vào năm 2021 (so với 44 tuổi vào năm 1960), và dự kiến sẽ vượt qua 80 tuổi vào năm 2050.
Thủ tướng Lý Cường cho biết cải cách này là “một bước quan trọng” nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội của TQ, giúp “bảo vệ và nâng cao đời sống người dân,” theo thông tin từ Tân Hoa Xã.
Dù vậy, hệ thống lương hưu cơ bản đang đối mặt với áp lực tài chính rất lớn. Khoảng một phần ba các tỉnh thành của TQ đang bị thâm hụt quỹ lương hưu. Viện Khoa học Xã hội TQ ước tính hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2035 nếu không cải cách.
Mức lương hưu ở các thành phố hiện dao động từ khoảng 3,000 nhân dân tệ (khoảng 425 MK) ở các tỉnh kém phát triển, đến khoảng 6,000 nhân dân tệ (khoảng 850 MK) ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong khi đó, lương hưu ở khu vực nông thôn, mặc dù đã được khai triển toàn quốc từ năm 2009, vẫn còn rất thấp.
Tự nguyện nâng độ tuổi nghỉ hưu
Dự báo đến năm 2035, số người trên 60 tuổi ở TQ sẽ tăng ít nhất 40%, đạt hơn 400 triệu người, tương đương tổng dân số của Anh và Hoa Kỳ cộng lại. Dân nhập cư thường có lương hưu rất thấp, vẫn phải tiếp tục làm việc ngay cả khi đã cao niên, còn viên chức nhà nước thì có lương hưu tương đối cao nên không có nhiều động lực để nâng tuổi nghỉ hưu.
Bắt đầu từ năm 2030, thời gian đóng thuế đủ để được hưởng lương hưu sẽ tăng từ 15 năm lên 20 năm. Giáo sư Stuart Gietel-Basten tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho rằng việc tăng thời gian đóng thuế, “đặc biệt trong tình hình hiện nay rất nhiều người đi làm thường ký hợp đồng ngắn hạn và hoặc không có hợp đồng, có thể khiến họ khó mà đủ điều kiện để được hưởng lương hưu.”
Ernan Cui, chuyên gia phân tích về tiêu dùng tại Gavekal Dragonomics, cho biết mặc dù tuổi nghỉ hưu được nâng lên, nhưng tác động tài chính ban đầu sẽ không quá lớn vì sự thay đổi này chủ yếu mang tính tự nguyện.
John Wang, chuyên gia phân tích tại Moody’s Ratings, cho rằng luật mới có thể gây hại cho xã hội do những thách thức về vấn đề dân số và khoảng cách giàu nghèo ở TQ. Quá trình cải cách tuổi nghỉ hưu có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào cách chính phủ giải quyết những thách thức này, chẳng hạn như đào tạo kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho người cao niên, giúp họ thích nghi với các công nghệ hiện đại và đổi mới.