Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Chiếc áo dài vẽ

24/08/202420:52:00(Xem: 1327)
Truyện

DTChinh_2
Tranh Đinh Trường Chinh.


Cuộc điện thoại đã dứt mà Tử Linh vẫn còn đứng tần ngần một lúc rồi mới quay trở ra hiên, ngồi xuống cái ghế gỗ mà khi nãy cô đang ngồi, vừa đọc sách, vừa nhâm nhi tách trà nóng và những chiếc bánh madeleine thơm mùi vanilla trước khi tiếng chuông điện thoại từ trong phòng khách buộc cô phải chạy vào. Tử Linh cầm tách trà lên nhấp vài ngụm, trà đã nguội ngắt nhưng cô không để ý, đầu óc cô đang quay trở lại với cuộc điện thoại. Giọng nói buồn rầu, van vỉ, mỏng như không có chút sức nặng nào của người phụ nữ đứng tuổi lại vang lên bên tai cô.
    Tuần trước Tử Linh đã nghe từ Hoàng Anh, chủ bút tờ Hương Việt tại Little Saigon, California, đề cập đến câu chuyện này, nên chỉ sau vài phút ngạc nhiên ban đầu, cô đã hiểu mục đích của cuộc điện thoại.
    Người phụ nữ xưng tên là Mai, kể rằng mình có một con trai duy nhất chết từ lâu và gần đây đã nhận được kết quả xét nghiệm cho biết mình đang bị ung thư máu. Bà quyết định phải làm một việc canh cánh trong lòng bao nhiêu năm, đó là “nói chuyện” với linh hồn người con đã chết. Dò hỏi nhiều người, người này dẫn đến người kia, cuối cùng dẫn đến bà Hoàng Anh ở Mỹ, qua đó bà Mai được biết Tử Linh có khả năng đặc biệt có thể “giao tiếp, liên lạc” với người chết, và bây giờ gọi đến, năn nỉ cô giúp.
    Tử Linh nhã nhặn từ chối, giống như đã từ chối bà chủ bút Hoàng Anh. Vài năm nay rồi Tử Linh không còn muốn đề cập đến hay thể hiện “khả năng đặc biệt” của mình vì quá nhiều người nhờ cậy, quá mệt mỏi, cuộc sống không còn được bình yên. Cô cũng buồn bực vì nhiều người đã kỳ vọng ở cô quá nhiều, trong khi cô không thể giải đáp mọi thứ.
    Bà Mai vẫn tiếp tục nói về hoàn cảnh của mình, vì phát hiện bệnh trễ nên tình trạng bệnh xấu đi khá nhanh, đồng thời do khao khát muốn “liên lạc” với con quá nên bà còn bị mấy nhà ngoại cảm giả lừa cho.
    Sau khi Tử Linh vẫn tiếp tục từ chối, người phụ nữ ngập ngừng, ngắc ngứ một chút rồi thú nhận mình là vú Mai, từng giúp việc cho ba mẹ Tử Linh khi cô còn rất nhỏ cho tới lúc ba mẹ cô chia tay và ba cô trở về Hongkong, còn bà lúc đó cũng phải trở về quê chăm sóc gia đình. Bà nói đúng tên mẹ Tử Linh là Hà Khanh, mô tả bà chủ hồi đó rất đẹp, rất rộng rãi hào phóng với người làm trong nhà. Bà còn nói rất tiếc đã làm mất tấm hình bà chủ chụp bà đang bế bé Tử Linh lúc đó mới có 3, 4 tuổi trước khi về quê, chụp dưới gốc cây ngọc lan trước nhà. Dù không sao nhớ ra được chị vú Mai, nhưng với những chi tiết đó – nhất là không có mấy người biết được ba Tử Linh là một người Hoa, Tử Linh biết bà Mai nói thật. Và cuối cùng cô đành phải nhận lời.
    Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, người ta tìm đến Tử Linh với những câu chuyện thương tâm, với những lời khẩn khoản khác nhau. Người thì muốn “liên lạc”, kết nối, trò chuyện với người thân đã mất, người muốn tìm xem người thân đang bị mất tích của mình còn sống hay đã chết và nếu chết thì xác ở đâu, người khác lại muốn tìm mộ người nhà thất lạc bao nhiêu năm…Trong phần lớn trường hợp Tử Linh đã giúp được họ. Nhưng rồi người ta tìm đến nhiều quá, cô thấy mệt mỏi, phiền hà, đến mức phải bỏ California, bỏ xứ Mỹ sang Anh sống mấy năm nay, đổi số điện thoại, cắt liên lạc, chỉ còn giữ lại một số người vì những lý do không thể cắt được, vậy mà vẫn không yên thân.
    Người ta bảo cái khả năng đặc biệt đó là món quà tặng của Thượng Đế. Cho đến bây giờ Tử Linh cũng không hiểu tại sao bỗng nhiên cô lại có khả năng đó. Cô chỉ tình cờ phát hiện ra nó, một thời gian sau cái tai nạn mà cô phải hôn mê, chết lâm sàng 48 giờ rồi sống lại… Cái tai nạn đã cướp đi William của cô và để lại trong lòng cô, trong cuộc sống của cô, một khoảng trống rỗng, không ai và không bao giờ có thể lấp đầy…Như thể cuộc đời cô và chính cô nữa đã bị xé ra làm hai – nửa trước và nửa sau cái ngày tai nạn, hai nửa không bao giờ có thể ghép lại như cũ.
    Tại sao bây giờ cô lại nhận lời giúp bà Mai? Một chút liên quan đến thời thơ ấu không đủ là lý do. Cô từng từ chối nhiều người có những mối quan hệ gần gũi hơn, khó xử hơn nhiều và đã phải chấp nhận mất đi nhiều bạn bè, họ hàng gần xa. Cũng không hẳn vì câu chuyện của bà Mai. Ai tìm đến cô cũng có những câu chuyện thương tâm, bi đát. Hay tại vì giọng nói của bà Mai? Trực giác của một người có khả năng ngoại cảm vả kiến thức, kinh nghiệm của một người từng học và làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học cho cô nhận ra ngay đó là giọng nói của một người cả đời quen chịu đựng, cả đời bị bắt nạt. Và cô thường mủi lòng trước những người như vậy. Có lẽ rất nhiều điều bà đã không hoặc chưa muốn nói ra với Tử Linh ngay trong lần gặp đầu tiên.
    Thôi thì đã nhận lời, đành phải giúp người ta vậy. Tử Linh thở dài, đặt tách trà xuống bàn, đứng lên. Đã đến giờ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Sống một mình, bữa trưa cô thường chỉ làm dĩa salad các loại, hoặc soup, nhưng bữa cơm chiều thì không thể qua quít quá, chẳng thà lười không muốn nấu thì đi ăn ngoài, hoặc đặt thức ăn mang đến nhà.
 
***
 
Mất gần 5 giờ đồng hồ để Tử Linh lái xe từ London đến khu ngoại ô nơi bà Mai đang sống bên ngoài Manchester. Nhờ có GPS, Tử Linh tìm ra ngôi nhà của bà Mai không có gì khó khăn. Đó là một căn nhà nhỏ, một tầng lầu, nằm giữa một dãy nhà giống hệt nhau, xây bằng gạch màu nâu, kiến trúc tầm thường, phía trước mỗi nhà có một khoảnh sân hẹp và bức tường thấp lè tè bao quanh, ngăn cách nhà này với nhà kia. Tử Linh cho xe đậu sát lề đường. Khi cô vừa bước xuống thì cánh cửa gỗ màu xám đậm bật mở, một người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò bước ra đi về phía cô. Phía dưới cái mũ len đội trùm kín đầu, khuôn mặt khắc khổ với nước da tai tái như bớt u uất nhờ nụ cười mừng rỡ mở ra trên đôi môi nhợt nhạt:
    – Cô Tử Linh?
    Tử Linh gật nhẹ, chưa kịp hỏi lại thì bà nói tiếp:
    – Tôi ngồi chờ, nghe tiếng xe đoán là cô tới. Mời cô vào nhà.
    Không biết nên chào hỏi ra sao, Tử Linh đành lẳng lặng đi theo bà. Cô đi qua khoảnh sân nhỏ nhưng cũng đủ để trổng dăm bụi hồng, hoa diên vỹ, và hoa tú cầu nở từng chùm to màu xanh lơ, màu tím nhạt– loại hoa khá phổ biến ở đây.
 
***
 
Căn phòng khách nhỏ, đồ đạc cũ kỹ, buồn bã như chủ nhân của ngôi nhà. Mọi thứ đều có màu tối, như cái ghế sofa cũ mầu nâu sẫm mà Tử Linh đang ngồi. Bà Mai đặt trước mặt Tử Linh một ly nước lọc theo lời yêu cầu của cô. Bà ngồi xuống cái ghế đối diện, lúng túng mở đầu câu chuyện:
    – Thưa…bà chủ có khỏe không cô? Bà chắc cũng đã rời Việt Nam?
    – Cảm ơn…bà. Mẹ tôi sức khỏe bình thường, bà hiện đang sống ở San Jose với người chồng sau. Ông là người Mỹ.
    Bà Mai đang không biết tiếp tục cuộc đối thoại ra sao thì Tử Linh nói luôn:
    – Có lẽ chúng ta bắt đầu luôn để tôi còn kịp thời gian quay về London.
    Bà Mai gật đầu. Vì đã được dặn trước qua cú điện thoại thứ hai nên bà Mai liền đi kéo các tấm màn cửa – căn phòng chìm trong bóng tối lờ mờ, sau đó bà đem đến hai ngọn nến trắng đặt trên bàn. Bà định đi lấy cuốn album hình của người con trai thì Tử Linh ngăn lại:
    – Tôi muốn bà kể thêm cho tôi nghe về con trai của bà trước, càng nhiều chi tiết càng tốt.
Bà Mai lại ngồi xuống ghế, hai bàn tay gầy, khô, chỉ còn xương và da, chắp vào nhau, đặt trong lòng. Đôi mắt u uất nhìn vào ngọn nến đang cháy, bà thở ra một hơi dài và bắt đầu kể.
 
***
 
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở tuốt Cà Mau. Cha mẹ đi làm thuê làm mướn cho người ta, ai thuê gì làm nấy, nuôi 7 đứa con lau nhau có đến 6 đứa là con gái mà tôi là con gái đầu. Vì nghèo quá nên không có đứa nào được ăn học nhiều, chỉ tới hết bậc tiểu học là nghỉ, riệng thằng em út, đứa con trai độc nhứt trong nhà là được học tới hết phổ thông, nhưng rồi sau này nó cũng chỉ đi lao động xuất khẩu, tiền thì có nhưng cũng nhọc nhằn, chứ không có nghề nghiệp gì. Còn tôi thì từ năm 15 tuổi đã đi ở mướn, làm thuê cho người ta.
    Nhờ người quen với bà chủ Hà Khanh giới thiệu mà tôi được làm giúp việc và vú nuôi cho cô Tử Linh. Lúc tôi bắt đầu công việc thì cô Tử Linh còn trong bụng mẹ. Trong nhà còn có chị bếp, anh lái xe, nên công việc của tôi cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu là chăm sóc cô chủ nhỏ, lương hậu, bà chủ lại hào phóng tử tế nên cuộc sống cũng thảnh thơi. Nhưng chỉ được hơn 4 năm thì tôi được tin cha tôi bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ, mẹ lại đau ốm dằng dai nên tôi phải xin bà chủ cho về quê, đi làm ruộng gần nhà, để chăm sóc cha mẹ, các em.
    Tôi cứ sống như vậy cho đến khi cha tôi mất, rồi mẹ tôi mất, rồi các em dần dần lớn khôn, đi làm thuê làm mướn, còn tôi thì tuổi xuân đã trôi qua lúc nào không hay. Đến khi giật mình nhìn lại thì mình đã ngoài 30 tuổi mà không một mảnh tình vắt vai. Không phải tôi không có người ưng, trái lại là khác, thời con gái tôi cũng xinh xắn, dễ nhìn, nhưng gánh nặng gia đình khiến tôi không dám nhận lời ai hết.
    Thời gian đó các em đã lớn, tôi không làm ruộng thuê nữa mà lên Sài Gòn đi làm phụ bếp cho một nhà hàng người Hoa và thuê nhà ở chung với một đứa em gái, cũng đi phụ bán quán cà phê chỗ khác. Và đó là lúc tôi gặp ông chồng tương lai, ông Lâm Hào, một Việt kiều gốc Hoa Chợ Lớn, em trai bà chủ nhà hàng nơi tôi làm việc.
    Ông Hào lớn hơn tôi cả chục tuổi, vượt biển tới Anh từ năm 1978, cùng với người vợ đầu. Gia đình họ kinh doanh làm ăn khá phát đạt, người vợ chỉ sinh được một con gái rồi qua đời vì tai nạn giao thông. Năm 1989 ông về Việt Nam, thăm gia đình họ hàng rồi gặp tôi. Không biết tại sao ông lại chọn tôi mà không chọn một phụ nữ người Hoa. Còn tôi chấp nhận lấy ông để thoát khỏi cuộc sống hiện tại chứ thật lòng cũng chưa cảm thấy thương yêu gì.
    Rồi ông Hào làm giấy tờ kết hôn và bảo lãnh tôi qua Anh. Tôi đến Anh năm 1992. Vì ít học, không biết ngoại ngữ, nên tôi không xin được công việc gì, cũng không làm nails được vì không khéo tay. Tôi chỉ làm việc trong siêu thị của chồng. Tôi biết ông Hào đi bước nữa là muốn kiếm cho được đứa con trai. Điều may mắn là sau mấy lần xẩy thai, tôi sinh được một đứa con trai là Jason Lâm năm 1994. Nhưng điều không may là lần sinh nở đó tôi bị tai biến sản khoa phải cắt bỏ tử cung, không còn có thể mang thai được nữa.
    Khỏi nói ông Hào quý đứa con trai hiếm muộn như vàng. Thằng Jason muốn cái gì cũng được. Nhất là ông Hào không tiếc tiền đầu tư cho thằng nhỏ học hành, nào học võ, học bơi, học đàn piano, học tiếng Hoa, tiếng Đức, rồi lại gia sư tới kèm thêm tại nhà, ăn uống thì tẩm bổ đủ thứ, áo quần, đồ dùng học tập toàn loại đắt tiền. Nhưng mặt khác, ông hết sức khe khắt, ông kiểm soát giờ giấc, ép học hành, không cho xem TV nhiều, không cho chơi games, không cho xài điện thoại, không bạn không bè gì hết.
    Ngay từ khi mới về làm vợ ông Hào một thời gian ngắn, tôi đã nhận ra ông là một người tính tình gia trưởng, cực kỳ bảo thủ, thích kiểm soát, khống chế vợ con, cái gì ông cho phép mới được làm. Tôi là vợ nhưng mọi việc lớn nhỏ trong nhà cho tới chuyện kinh doanh, một mình ông quyết, tôi không có quyền hành gì. Ngay tiền lương của tôi hàng tháng ông cũng chuyển thẳng vào một tài khoản chung, cần mua gì xài gì cũng phải nói với ông. Cuộc sống ngột ngạt nhưng tôi tự an ủi dù sao cũng sướng hơn thời thơ ấu hoặc những năm tháng đi làm thuê làm mướn quần quật mà còn bị chủ rầy la, nhiếc móc. Hơn nữa, tôi tự biết mình học vấn thấp, tiếng Anh lõm bõm vài chữ, không có khả năng gì, nếu rời khỏi ngôi nhà này tôi biết đi đâu, sống ra sao trên đất nước xa lạ này?
    Nên mỗi khi thấy thằng Jason rơm rớm nước mắt vì bị la mắng khi điểm kém, hoặc bị thúc học quá sức, thương con thắt ruột nhưng tôi chỉ dám vỗ về con, rằng cha chỉ muốn điều tốt cho con, cha muốn con thành ông bác sĩ, kỹ sư, luật sư…chứ không phải chỉ buôn bán,
    Mọi chuyện cũng ổn nếu như không có chuyện thằng Jason càng lớn càng không giống con trai nhà người ta, nhất là không giống với mong muốn có một đứa con trai cứng rắn, mạnh mẽ, cương quyết, thành đạt của ông Hào. Nó không thích chơi với đám bạn trai mà lại hay la cà với các bạn gái, không thích đi học võ, học thể thao, mà chỉ thích vào bếp phụ mẹ nấu nướng, thích học may, học vẽ…Tính tình thì dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng như con gái. Khi nhận ra điều đó ông Hào nổi giận, ông ép Jason phải từ bỏ con người yếu đuối, nữ tính để trở lại “đúng tính chất con trai”.
    Cho đến một hôm, thằng Jason khóc nói với tôi:
    –  Má, con chỉ muốn là con gái.
    Khi tôi còn đang chết điếng không biết nói sao thì ông Hảo đứng bên ngoài cửa nghe được câu nói đó, ông xô cửa bước vào. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ điên cuồng như vậy. Ông đánh thằng Jason một trận thừa sống thiếu chết. Ông giam thằng nhỏ vào trong nhà kho tối tăm lạnh lẽo, không cho ra ngoài,
    Tôi gần như quỳ xuống năn nỉ ông Hào, xin ông nhớ rằng ông chỉ có một đứa con trai duy nhất mà thôi. Ông Hào gầm lên:
    – Tôi sẽ đánh chết nó. Chẳng thà tôi không có con trai còn hơn có một đứa ẻo lả, một đứa “lại cái”. Ông xỉa vào mặt tôi:
    –  Chính là tại cái gen xấu của bà, tôi sẽ tống cổ cả hai mẹ con bà ra đường, Làm sao bà dám nói là tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất? Tôi sẽ lấy người khác, có những đứa con trai khác. Tôi muốn là tôi làm được, bà hiểu chưa.
    Hết đánh đập, gào thét, chửi rủa lại xuống giọng năn nỉ, dỗ ngọt, ông Hào cho là thằng Jason bị bệnh, bị ma ám, ông nói riết rồi tôi cũng mê muội tin theo.
    Ông Hảo tìm được một ông thầy cúng người Hoa mà theo nhiều người giới thiệu là rất cao tay ấn, có thể trục con ma nữ ám vào người thằng Jason.
    Ông Hào và tôi đưa Jason đến nhà ông thầy cúng.
    Thằng Jason ở lại đó ba ngày ba đêm.
    Khi chúng tôi đến đón, đã thấy thằng Jason ngồi chờ sẵn trên bậc thềm trước cửa, đầu cúi gằm, hai tay vòng ôm lấy hai đầu gối nhọn hoắc cao quá tai. Tôi chạy đến, gọi con, nhưng thằng bé vẫn ngồi im. Đến khi tôi ôm chầm lấy hai vai con mà lắc, thì Jason mới ngẩng đầu lên nhưng không nhìn tôi mà nhìn ra xa xa phía sau tôi, khuôn mặt không biểu lộ gì nhưng đôi mắt trống rỗng vô hồn của thằng bé khiến tôi hoảng hốt. Đúng lúc đó, cánh cửa bật mở và ông thầy cúng to mập bước ra với nụ cười luôn mở rộng trên môi. Đưa mắt nhìn rất nhanh hai mẹ con tôi, ông ta ngọt ngào nói:
    – Tâm trạng cháu sẽ ủ dột, khép kín như vậy một thời gian ngắn nữa, ông bà cứ mặc cháu. Rồi cháu sẽ ổn.
    Nói xong ông ta quay sang ông Hào:
    – Bây giờ ông đã có một cậu con trai hoàn toàn khỏe mạnh, ngon lành rồi.
    Tất nhiên là ông Hào hết sức mừng rỡ còn ông thầy cúng thì được một món tiền không nhỏ.
    Khi về đến nhà, thằng Jason vào phòng đóng chặt cửa lại không nói không rằng mặc cho ông Hào và tôi thi nhau đập cửa gọi, ông Hào thì giận dữ quát tháo còn tôi xuống giọng năn nỉ, van lơn, nhưng thằng bé không hé miệng nửa lời.
    Thấy ông Hào giận quá đòi đạp cửa xông vào, tôi van lơn, nhắc lại lời nói của ông thầy cúng là thằng Jason sẽ có tâm trạng khác thường như vậy một thời gian, chi bằng cứ để cho nó yên. Ông Hào xuôi tai, bỏ đi.
    Tôi xuống bếp làm cho thằng Jason món mì xào thập cẩm mà nó thích, lại bỏ thêm mấy cái bánh su kem rồi mang lên đặt trước cửa phòng nó, hy vọng tối khuya đói nó sẽ ăn.
    Sáng hôm sau khi tôi lên lầu, mấy dĩa thức ăn vẫn còn nguyên trên chiếc ghế đặt ngoài cửa phòng. Tôi gõ cửa không nghe tiếng gì, sốt ruột tôi xoay cái nắm cửa thì cửa mở ra, nhưng thằng Jason không có trong phòng.
    Ba ngày kinh hoàng, ba ngày cả nhà chạy khắp nơi tìm kiếm, báo với cảnh sát, tìm đến mọi nơi chúng tôi nghĩ là Jason có thể tới, cho đến ngày thứ ba thì cảnh sát tìm đến nhà chúng tôi. Một người dân địa phương ở tận Scarborough đã tìm được đôi dép, cái ba-lô và cả điện thoại của thằng Jason để trên bờ, và từ cái điện thoại đó cảnh sát tìm được chúng tôi. Hóa ra thằng Jason bé bỏng của tôi, một đứa từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ được phép có ngày nghỉ, có mùa hè, chưa bao giờ được phép đi chơi xa bất cứ đâu, đã đi tới tận thành phố biển Scarborough, nơi mà nó chỉ được nghe mấy đứa anh em họ nhắc tới. Có cái gì lôi cuốn nó tới đó? Có lẽ là vì biển. Thằng bé chưa bao giờ được thấy biển. Và cả nhà biết rằng Jason không biết bơi. Ông Hào quá quý con nên khi Jason mới sinh ra được một tuổi đã nhờ người đoán lá số tử vi và người ta nói rằng mệnh thằng bé kỵ nước, đừng cho nó đi sông đi biển, chính vì vậy ông Hào cũng không cho nó học bơi.
    Tôi ngất đi giữa lúc hai người cảnh sát vẫn đang hỏi chúng tôi về Jason.
    Và suốt cả tháng trời sau đó tôi cứ nửa tỉnh nửa mê như vậy, tôi chỉ biết lơ mơ rằng những cuộc lùng sục tìm kiếm của cảnh sát đã không đem lại kết quả gì. Không biết xác thằng bé trôi đi đâu, vướng vào chỗ nào.
    Tôi như người quẫn trí. Đến khi có thể ngồi dậy được, tôi đòi đi làm cho bằng được nhưng ở siêu thị, đầu óc tôi cứ nhớ nhớ quên quên, chốc chốc lại khóc, ông Hào bảo tôi nghỉ ở nhà.
    Vốn là người nhu nhược, nhẫn nhịn, chịu đựng tính khí độc đoán của chồng từ nhiều năm nay nhưng sau cái chết của con, tôi như trở thành người khác. Tôi oán trách ông Hào đã gây ra tất cả mọi chuyện và cương quyết ly dị. Lạ một điều là ông Hào cũng không phản ứng lại và đồng ý. Ông còn tử tế để lại cho tôi cái nhà, không biết có phải vì có chút hối hận nào trong ông?
    Ly dị chưa được bao lâu, ông Hào lấy vợ khác ngay, trẻ hơn ông ta nhiều và có một đứa con trai khác. Ngay từ lúc ly dị ông ta đã nói với tôi điều đó, rằng trời đã lấy mất của ông ta thằng Jason, ông ta phải có đứa con trai khác.
    Còn tôi, tôi tưởng như mình không sao gượng dậy nổi sau cái chết của con. Cả ngày tôi cứ vật vờ, đi ra đi vào như cái bóng.
    Nhưng rồi 2 năm sau, một may mắn từ trên trời rơi xuống, người chú út độc thân sống một mình ở tận Texas, không lấy gì làm thân thiết, bỗng đột ngột qua đời, để lại cho tôi và hai người anh chị họ mỗi người một số tiền, tôi dùng số tiền đó chung với người khác mở một cơ sở sản xuất nước mắm. Tôi lao vào công việc để quên đi nỗi đau mất con và những bất hạnh của cuộc đời riêng. Lúc đầu cơ ngơi của chúng tôi rất nhỏ, sau nhiều năm làm đã phát triển khá khá, nhưng lúc này thì tôi lại phát hiện mình bị ung thư và không còn sống được bao lâu nữa.
    Dằn vặt trong nhiều năm, đến bây giờ sắp chết vì ung thư, tôi chỉ nghĩ đến thằng Jason, trong lòng hết sức hối hận và chỉ muốn một lần được “nói chuyện” với con.
 
***
 
Bà Mai dừng lại. Không khóc nhưng cả người bà rũ xuống như tàu lá héo. Có lẽ bao nhiêu năm qua bà đã khóc đến cạn khô nước mắt.
    Tử Linh nhẹ nhàng nắm lấy cổ tay bà. Cô nhắm mắt lại, tập trung lắng nghe nhưng cô không bắt được tín hiệu gì cả. Thử một lúc không được, cô yêu cầu được vào quan sát căn phòng và vật dụng người con trai bỏ lại. Bà Mai vẫn để y nguyên mọi thứ như hồi Jason còn ở nhà. Đứng trước cửa căn phòng bừa bộn như thể Jason chỉ mới vừa đi ra ngoài, bà Mai buồn rầu nói thêm con trai mình rất thích vẽ – cậu từng lén lút tìm đến một họa sĩ người Anh gốc Nhật có tiếng để học vẽ và người này cho là cậu rất có năng khiếu hội họa, trong khi người cha rất ghét và xé, đốt tan tành những bức tranh, những cái áo dài của con trai vẽ cho mẹ.
    Sau khi quan sát mọi thứ Tử Linh thấy mình hình dung được khá rõ ràng con người của Jason Lâm. Một cậu bé cả đời bị bắt nạt, y như mẹ. Một tâm hồn bị vỡ nát.
    Không khám phá được gì thêm, Tử Linh lại tập trung đầu óc và chợt quay sang hỏi bà Mai nhà này hình như có một tầng hầm? Bà Mai dẫn cô tới tầng hầm, nơi đã nhiều năm rồi bà không xuống và để cô một mình ở đó. Lục lọi một lúc, Tử Linh tìm thấy một ngăn bí mật của một cái tủ kê sát tường, bên trong có nhiều bức tranh phác họa dở dang, nét vẽ nguệch ngoạc, những khuôn mặt người méo mó, phẫn nộ, đau đớn, thậm chí có một bức chỉ là những mảng màu đỏ như máu loang lổ với những dòng chữ gạch xóa chồng lên nhau, như những tiếng thét câm lặng: Tôi căm thù bản thân tôi. Trời ơi. Đồ khốn nạn, bẩn thỉu. Tôi đã bị vấy bẩn...
    Những bức tranh được ký tên Monika. Cuối cùng Tử Linh cầm lên một cái áo dài bị xé nhưng đã được vá lại khéo léo và vẽ những cánh bướm đủ màu chấp chới bay che đi những đường may. Tử Linh mân mê chiếc áo, vẻ mặt trầm ngâm.
    Cuối cùng Tử Linh chọn một bức tranh, bỏ vào túi xách của mình. Cô định lấy cả cái áo nhưng ngần ngại một chút lại thôi.
    Khi Tử Linh gợi ý xa gần với người mẹ về ngăn tủ bí mật, cái tên Monika, bà Mai có vẻ không biết gì về chuyện đó. Cô không muốn đào sâu thêm câu chuyện với người mẹ bệnh tật đau khổ. Cô quyết định giữ im lặng bí mật của nhân vật Monika.
    Nhìn thấy sự khát khao đau đớn trong đôi mắt của bà Mai, Tử Linh đành nói có thể hôm nay chưa được, hôm khác cô sẽ lại đến. Khuôn mặt như trái táo héo khô của bà Mai lại bừng lên hy vọng, đến nỗi Tử Linh phải quay nhìn đi hướng khác, để giấu đi sự bứt rứt vì đã gieo hy vọng cho bà.
 
***
 
Buổi tối Tử Linh xem đi xem lại bức tranh, cô cũng thử “liên lạc” với Jason Lâm nhưng vẫn không được. Những bức ảnh và những dòng chữ ám ảnh cô, và dù sao bà Mai cũng là người vú nuôi từ thuở xa xưa, cô không đành lòng bỏ qua chuyện này. Suy nghĩ một lúc, cô nhấc điện thoại gọi nhà báo Vũ Bình, người bạn quen bao nhiêu năm mà bất cứ khi nào cô nhờ anh việc gì, anh cũng hết lòng và làm được việc. Cô biết Vũ Bình thầm yêu cô từ lâu nhưng cô chỉ coi anh như bạn, từ khi William ra đi dường như cô không còn có khả năng yêu được ai nữa.
 
***
 
Hara Kyoto không khác bao nhiêu so với hình dung trong đầu của Tử Linh về bà. Dáng dấp nhỏ nhắn, mái tóc cắt ngắn vẫn còn đen nhánh và khuôn mặt trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi trên dưới 60, Hara Kyoto vẫn còn giữ nguyên vẹn phong cách của một người phụ nữ đến từ xứ sở hoa anh đào cho dù bà đã sống ở Anh nhiều năm.
    – Jason Lâm? Nhớ chứ, tôi vẫn nhớ cậu ấy – Hara Kyoto nhìn Vũ Bình và Tử Linh, chậm rãi nói, ngưng một chút, và lập lại – Tôi vẫn nhớ cậu ấy, rất rõ.
    Một thoáng day dứt hiện lên trong mắt Hara Kyoto, như một lớp bụi mờ rất mỏng rồi tan đi trên khuôn mặt tròn hiếm khi để lộ cảm xúc. Bà quay đầu nhìn ra khung cửa sổ. Và ở đó trong ánh nắng chiều xuyện qua những châu phong lan treo lơ lửng ngoài balcony, chiếu vào phòng, bà nhìn thấy hình ảnh Jason Lâm 15, 16 năm trước, cậu học trò thông minh, tài năng nhưng cũng hết sức nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Có một cái gì đó ở cậu khiến Hara Kyoto tự nhiên cảm thấy muốn quan tâm đến cậu nhiều hơn những người học trò đủ lứa tuổi, đủ màu da, quốc tịch, từng đến bà học vẽ. Nhưng cậu chẳng bao giờ nói gì nhiều, chỉ vài ba câu ngắn ngủi, ngược lại cậu có thể ngồi hàng giờ nghe Hara Kyoto nói về hội họa một cách say sưa.   Hara Kyoto còn nhớ những lần sau cùng khi Jason Lâm đến lớp, Hara Kyoto phát hiện cậu bé luôn luôn có những vết bầm trên tay, trên cổ, nhưng khi Hara vặn hỏi thì Jason Lâm không muốn nói.
    Khi Jason Lâm không đi học, Hara Kyoto lái xe tới tận nhà tìm và bị ông Hào chửi mắng, ông Hào nói cấm con trai đi học những thứ vớ vẩn như vậy. Đó cũng là lần đầu tiên Hara tiếp xúc với người cha của Jason. Thật trái ngược – cậu con trai thì nhẹ nhàng, mong manh, còn người cha thì nóng nảy, thô bạo. Và người mẹ thì có khuôn mặt như một cái áo nhàu nát.
Lần sau cùng Jason Lâm liên lạc với Hara Kyoto là cú điện thoại lúc nửa đêm, câu gọi nhưng im lặng, chỉ nghe những tiếng nấc nghẹn. Rồi tắt máy. Hara Kyoto gọi lại không được. Mấy ngày sau đó Hara liên tục gọi cho Jason Lâm nhưng vẫn không liên lạc được. Khi cuối cùng Hara có thể gọi được cho bà Mai thì bà Mai òa khóc cho hay Jason Lâm có lẽ đã đi ra biển tự tử chết rồi.
    Nhiều năm rồi nhưng Hara Kytoto vẫn bị ám ảnh về cậu học trò ấy.
 
***
 
Buổi ra mắt cuốn truyện tranh của nữ họa sĩ Monika Nguyễn. Monika Nguyễn cảm ơn nhà xuất bản, cảm ơn sự hỗ trợ của bạn bè, người quen, nhất là của Peter, người mà cô đang chung sống từ nhiều năm nay. Vóc dáng cao lớn, bờ vai rộng, trông vụng về như một con gấu, Peter mỉm cười hiền lành khi Monika cảm ơn mình.
    Đứng lẫn trong đám bạn bè, biên tập viên, nhà xuất bản người Anh, người Mỹ, là một người phụ nữ Á Châu – Tử Linh. Tử Linh kín đáo quan sát Monika Nguyễn. Dù đường nét trên khuôn mặt, vầng trán, cái cằm, đôi môi…vẫn thế, dường như không có gì giống nhau giữa người phụ nữ tươi tắn, khỏe mạnh, năng động, tự tin này với hình ảnh về cậu thiếu niên Jason Lâm gầy gầy, rụt rè, thường xuyên bị bắt nạt trong những bức hình mà Tử Linh đã được xem và trong những lời kể của người này người kia về cậu.
    Tử Linh cũng cầm cuốn truyện tranh vừa mua của Monika Nguyễn, xếp hàng theo mọi người đến trước cái bàn Monika đang ngồi, vui vẻ ký tặng cho độc giả. Khi Monika vừa ký vào cuốn sách, Tử Linh chuồi vào tay cô một mẩu giấy và quay đi, nhường chỗ cho người khác. Cô ngoái nhìn lại thấy Monika có vẻ hơi ngạc nhiên, mở tờ giấy ra đọc và như bị điện giật. Tử Linh đã viết vào tờ giấy số điện thoại của mình và dòng chữ “Xin chúc mừng thành công của họa sĩ Monika. Mẹ cô, bà Mai, là vú nuôi của tôi hồi còn nhỏ, lúc ở Việt Nam. Tên tôi là Tử Linh. Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô. Tử Linh.”
    Monika ngẩng lên nhìn về hướng Tử Linh nhưng cô đã đi ra ngoài. Nơi tổ chức cuộc ra mắt sách nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà. Tử Linh xuống lầu, ngồi chờ ở quán cà phê tầng dưới.
 
***
 
Tử Linh nhẹ nhàng:
    – Mẹ cô, bà ấy bị ung thư giai đoạn cuối, bà ấy đã đau khổ nhiều, dằn vặt nhiều với ý nghĩ là cô đã chết mà trong đó có một phần lỗi của bà ấy, bây giờ bà ấy chỉ có một khao khát cuối cùng là được biết cô còn sống, bình yên, hạnh phúc, và được gặp cô một lần trước khi chết, chỉ có vậy thôi…
    Monika Nguyễn im lặng. Rất lâu. Đến mức Tử Linh tưởng chừng như không khí giữa hai người đặc quánh lại. Rồi Monika chậm rãi nói:
    – Tôi đã từng giận mẹ tôi, bây giờ thì tôi không còn giận bà nữa. Nhưng tốt hơn hãy để mẹ tôi nghĩ là tôi đã chết, mà thật ra thì Jason Lâm đã chết rồi 15 năm trước, bây giờ tôi là Monika Nguyễn. Tôi không giận mẹ nhưng tôi không muốn gặp mẹ, tôi không muốn nhớ tới quá khứ, tới cuộc đời cũ, tôi đã mất rất nhiều năm, đã vật lộn với những cơn trầm cảm để vượt qua những ám ảnh đau đớn cũ.
    Tử Linh mở miệng định nói tiếp nhưng Monika chặn lại:
    – Chị đừng nói nữa, xin chị đấy.
    Chừng như nhận thấy nỗi thất vọng của Tử Linh, Monika nói thêm:
    – Chị cũng thấy là tôi lấy lại họ Nguyễn của mẹ tôi thay vì họ Lâm của… ông ấy, cũng là vì không muốn dính dáng chút gì đến con người Jason Lâm nữa.
    Lại một khoảnh khắc im lặng rồi Monika đột ngột hỏi:
    – Làm sao chị đoán được Jason Lâm không chết và tìm ra tôi?
    Tử Linh:
    – Thứ nhất là tôi không thể “liên lạc” được với cô.
    Monika nhìn Tử Linh, không có vẻ gì là khiêu khích, có thể nói là tò mò thì đúng hơn:
    – Chị chưa bao giờ thất bại trong việc à, ờ… “liên lạc” với người chết sao, có thể là Jason Lâm đã chết và chị thất bại chứ?
    Tử Linh điềm tĩnh:
    – Cho tới giờ thì chưa. Còn tương lai thì có thể chứ, có thể một ngày nào đó tôi không còn khả năng đó nữa, đó là một…nói thế nào nhỉ, tôi không muốn gọi đó là một món quà hay ơn huệ của Thượng đế như người ta thường nói, trái lại là khác, nhưng những khả năng như vậy hoàn toàn có thể tự nhiên có rồi tự nhiên biến mất.
Monika:
    – Còn điều thứ hai?
    Tử Linh nhìn thẳng vào mắt Monika:
    – Thứ hai, tôi không nghĩ một người chịu khó, tỉ mẩn ngồi vá và thêu lại cho đẹp chiếc áo dài đã bị xé lại có ý muốn tự tử. Còn chuyện đoán ra Jason sẽ trở thành Monika thì không có gì khó. Với những mối quan hệ và internet, tôi và một người bạn cuối cùng đã tìm ra…họa sĩ Monika.
    Monika nhìn xuống tách cà phê đang xoay xoay trong tay:
    – Thật ra tôi đã nghĩ tới chuyện tự tử, không chỉ một lần mà nhiều lần, nhưng rồi tôi nghĩ, cái chết của tôi chẳng có ích gì cho ai, mà còn làm cho những kẻ từng bắt nạt tôi, từng hành hạ tôi, làm nhục tôi, nhẹ nhõm sung sướng thêm. Và tôi đã bỏ đi, đã giải phẫu, để được sống đúng với con người mình.
    Monika ngẩng lên nhắc lại, mạnh mẽ, có phần thách thức:
    – Jason Lâm đã chết, bây giờ tôi là Monika Nguyễn.
    – Tôi biết – Tử Linh nói.
 
***
 
Dù đã nhắm chặt mắt, lại lấy cái gối đè lên hai mắt, cố không nghĩ ngợi, không nhớ lại, nhưng những hình ảnh đau buồn cũ vẫn cứ hiện về trong đầu Monika. Những năm tháng tuổi thơ đi học luôn bị bắt nạt vì yếu ớt và lại hay thích chơi với con gái, hình ảnh người cha và những trận đòn dữ dội thừa sống thiếu chết, những câu nói đầy khinh miệt của ông Hào: “Nhà này không có mả “lại cái”, mày không phải là con trai tao, tao không có loại con trai ẻo lả vô dụng như mày”…Và tay thầy cúng kinh tởm ấy.
    Giọng nói ngọt ngào, nụ cười mở rộng trên khuôn mặt béo tròn với làn da trắng bóng như mỡ heo:
    – Bây giờ thầy trói hai tay con lại. Con cởi quần áo ra nằm xuống đây thầy trục “con ma” trong người con ra, đây là con ma nữ mười mấy kiếp trước con du dỗ nó rồi lại bỏ rơi cho nên bây giờ oan hồn nó đi theo ám vào con, làm cho con mới thành ra nửa nam nửa nữ như vậy. Nào con nằm xuống đây, cởi quần áo ra con…
    Cơn đau khủng khiếp, điếng người, từ hậu môn xuyên thẳng lên óc. Jason muốn gào lên, muốn vùng thoát nhưng hai tay bị cột chặt vào thành giường và bàn tay béo mũm mĩm của lão thầy cúng đã bịt lấy miệng Jason, trong lúc lão tiếp tục thúc mạnh vào sâu bên trong người cậu, kéo dài nỗi đau đớn kinh hoàng của cậu. Thỉnh thoảng bàn tay kia của lão lại vỗ đen đét vào mông cậu và lão thở như một con heo. Ba ngày ba đêm như địa ngục trần gian. Lão liên tục làm cái trò đó, mỗi lần lại sáng tạo thêm nhiều thứ, khi thì dùng roi da quất vào lưng vào mông, khi thì trói cả hai tay hai chân Jason giạng ra, và nhiều kiểu hành hạ khác. Jason run rẩy van xin lão, nhưng không ăn thua gì. Lão lập đi lập lại rằng con ma nữ này cao tay ấn lắm, không dễ mà trục nó ra…
    Lần cuối cùng sau khi thỏa mãn xong lão chỉ cho Jason thấy cái máy camera gắn vào tường và rút cuộn băng ra cho Jason xem lại một đoạn băng cậu bị cưỡng hiếp, lão hăm nếu cậu mà hở môi nói với bất cứ ai cái phương pháp trục ma của lão, lão sẽ tung hê cuộn băng này lên mạng ngay. Lão đã khôn ngoan đặt góc máy không thấy mặt lão nhưng lại thấy mặt Jason rất rõ.
    Nói xong lão bỏ đi. Jason gục xuống, nhục nhã, đau đớn, lúc đó thật tình cậu chỉ muốn chết đi…
    Ký ức đau đớn hiện về khiến Monika run rẩy toàn thân. Sợ đánh thức Peter, cô nhẹ nhàng ngồi dậy, vào buồng tắm khóc, nhưng rồi những tiếng khóc nghẹn của cô cũng khiến Peter thức giấc. Anh bước vào, không nói một lời, nhẹ nhàng ôm chặt lấy Monika cho đến khi những cơn kích động dữ dội của cô từ từ lắng xuống.
 
***
 
Chiếc điện thoại rung lên khi Monika đang miệt mài vẽ. Tin nhắn của Tử Linh: Bà Mai đã được đưa vào Bệnh viện…, số phòng … mấy ngày nay. Tình trạng xấu. Chỉ muốn nhắn để cô biết. Tử Linh.
    Monika buông cọ, ngồi thừ ra.
 
***
 
Bên ngoài phòng bệnh của bà Mai. Bà đã trở bệnh nặng. Bà nằm một mình không có ai chăm sóc, ngoài y tá của bệnh viện.
    Monika đến, đứng bên ngoài lẳng lặng nhìn mẹ. Nhiều năm không gặp mẹ, cô sửng sốt khi thấy bà trông nhỏ bé hẳn lại như một thiếu niên, thân hình mỏng dính, nằm dán xuống đệm, khuôn mặt hốc hác, hai gò má lõm sâu, mắt nhắm nghiền, hơi thở khò khè. Một ống thở được cắm vào mũi, một cánh tay thì được truyền dịch, dây dợ lòng thòng.
    Chợt đôi môi nhợt nhạt, khô khốc của bà Mai mở ra, bà thì thào gọi tên con:
    –  Jason, Jason…
    Không đành lòng, Monika liền bước vào đến bên giường mẹ, cầm tay bà gọi mẹ. Bà Mai cố mở mắt ra. Trong cơn hấp hối, bà Mai tưởng như hồn ma của Jason hiện về và tha thiết hỏi con có tha thứ cho mình không. Monika Nguyễn:
    – Jason Lâm nói con tha thứ cho mẹ và quỳ xuống bên giường, gục mặt vào bàn tay của mẹ, khóc nức nở. Bà Mai cố nắm lấy tay con rồi nhắm mắt lại, mỉm cười, và lại chìm trong hôn mê. Và cứ như vậy, bà ra đi trong hạnh phúc.
 
***
 
Từ khi còn trẻ, bà Mai đã từng nhiều lần nói bà không muốn chôn cất, đám tang rình rang gì cả, cứ hỏa táng và đem tro của bà rải xuống biển là được. Monika làm theo lời mẹ. Cô mời Tử Linh đi với mình và Peter. Cả ba lái xe tới Scarborough. Từ thành phố này mười lăm năm trước Jason Lâm đã quyết định đoạn tuyệt với con người cũ.
    Thành phố nằm sát bờ biển, vào mùa hè rất đông vui nhộn nhịp, đến mức hình ảnh hội chợ ở Scarborough đã đi vào bài hát Scarborough Fair quen thuộc qua giọng hát của hai nghệ sĩ Simon và Garfunkel:
    Are you going to Scarborough Fair?
    Parsley, sage, rosemary, and thyme
    Remember me to one who lives there
    She once was a true love of mine…
    Nhưng bây giờ là đầu mùa đông, Scarborough cũng khá vắng vẻ và lạnh lẽo. Chỉ có tiếng ồn của những đàn chim biển vỗ cánh bay ngang qua mặt biển kêu lên quang quác.
    Monika thuê một chiếc tàu nhỏ chở ba người chạy vòng quanh biển trong một giờ đồng hồ. Monika ôm khư khư cái lọ đựng tro của mẹ trong tay, khi tàu chạy khá cách xa bờ, cô mở lọ, bốc từng nắm tro của mẹ thả xuống biển, cả Peter, cả Tử Linh cũng làm như vậy. Những vốc tro xám bay trong gió rồi rơi xuống mặt nước biển. Có lúc tro bay ngược cả vào mặt Monika, Tử Linh. Tử Linh ngậm ngùi nghĩ thân xác của một con người và cả một cuộc đời với bao nhiêu buồn vui, đau khổ, bao nhiêu gánh nặng rồi cũng chỉ là những bụi tro bay vèo trong gió mà thôi.
    Chợt Tử Linh rùng mình, chụp lấy cổ tay Monika và ngồi sụp xuống cái ghế bên thành tàu, nhắm nghiền mắt lại. Cô có vẻ như đang lắng nghe điều gì đó. Monika nhìn cô vẫn không hiểu gì. Chậm chậm Tử Linh nói:
    – Mẹ cô nói cô rất đẹp trong hình hài mới này. Bà nói bà chưa bao giờ nhìn thấy cô hạnh phúc như vậy, và bà muốn cô biết rằng bà rất hạnh phúc, rất yên lòng…
    Im lặng một lúc, Tử Linh nói tiếp:
    –  Mẹ cô nói trong cái tủ ở đầu giường trong phòng bà có những thứ mà bà muốn cô giữ lấy…một cái vòng à không một cái lắc trừ tà bà mua cho cô khi mới đầy tháng, và một cái lược bằng gì…bằng sừng, mà bà ngoại cô tặng cho mẹ cô. Bà muốn cô giữ lấy. Chúng không đáng gì nhưng bà đã giữ chúng bao lâu nay. Bà nói… một lần nữa bà nói là bà hạnh phúc. Chỉ có vậy thôi.
    Khi Tử Linh mở mắt ra cô nhìn thấy khuôn mặt đẫm nước mắt của Monika. Peter vòng tay ôm lấy Monika. Monika gục đầu vào ngực Peter, khóc nức nở. Dường như đến tận bây giờ nỗi đau mất mẹ mới thực sự thấm vào tim Monika.
 
***
 
Monika tìm đến Tử Linh, tặng cho cô một chiếc áo dài do chính tay cô vẽ. Áo lụa màu tím dâu, vẽ những cánh bướm – lại bướm, bay chờn vờn trên những cành alliums mầu tím thẫm. Bây giờ Tử Linh mới chợt nhớ ra tại sao hôm trước Monika lại hỏi cô thích màu gì, loại hoa gì.
    Tử Linh ngắm chiếc áo dài và thốt lên:
    – Đẹp quá. Lâu lắm rồi tôi mới lại có một chiếc áo dài, và đẹp như vậy. Cảm ơn cô.
    Rồi Tử Linh nhìn Monika:
    – Cô cũng là một loài bướm đã lột xác từ kiếp nhộng xấu xí để trở thành một con bướm rực rỡ.
    Monika mỉm cười.
    Tử Linh mời Monika đến một tiệm phở ngon có tiếng ở London. Sau đó cả hai đi uống cà phê.
    Khi họ đang nói chuyện thì trên màn hình chiếc TV lớn treo giữa quán hiện lên Breaking News:
    Thảm kịch kinh hoàng ở Manchester: Một người đàn ông lớn tuổi được cho là đã chuốc thuốc ngủ cho hai đứa con trai 13 và 9 tuổi, sau đó lần lượt chém chết hai đứa con đang ngủ trước mắt người vợ bị khống chế trước khi chém luôn cả bà này. Cảnh sát được gọi tới căn nhà số…đường…vào lúc…giờ ngày hôm nay. Cũng chính người đàn ông này đã gọi cho cảnh sát và nói: Chính tôi đã giết cô ta. Cô ta đã lừa dối tôi cả cuộc đời. Cô ta xứng đáng bị như vậy.
    Người đàn ông đã bị bắt. Bước đầu điều tra có vẻ như không có ai khác liên quan đến vụ việc.
    Tử Linh giựt mình. Khuôn mặt trong bức hình trên TV chính là ông Hào. Dù có già hơn nhưng cũng vẫn là khuôn mặt mà Tử Linh đã nhìn thấy từ những bức hình trong cuốn album của bà Mai, không thể nào lầm lẫn được.
    Tử Linh liếc nhanh sang Monika. Nhưng Monika chỉ hơi sững lại vài giây rồi lại nối tiếp câu chuyện về ý tưởng của cuốn truyện tranh mới sắp ra, giọng hoàn toàn bình thường.
 

– Song Chi

Tháng 8.2024.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.