Hôm nay,  

Xóm Đạo

23/12/202309:50:00(Xem: 1454)
Tùy bút Giáng Sinh

blank



Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập… Nhắc đến Xóm Đạo theo tôi, là nhắc đến sự bình yên gần như tuyệt đối của một thời chưa nghe tiếng bom rơi đạn nổ. Giờ đây. Sau gần một phần tư của thế kỷ thứ 21, nhắc lại hai chữ “Xóm Đạo”, tôi nghe hình như mình đang nhắc chuyện cổ tích.  
   Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh (1926-1956) viết vào năm 1950:
 
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh…
 
Đọc vài câu đầu của bài thơ dài ngót 100 câu của Vũ Anh Khanh đã thấy cái buồn len lỏi vào trong tâm can người tôi (không dám nói là tâm can người đọc). Khung cảnh của “Xóm Đạo” Tha La quả là bình yên tới mức u tịch. Khách lãng tử Vũ Anh Khanh về thăm “Xóm Đạo” chỉ thấy cảnh chứ không thấy người có lẽ vào một buổi chiều mùa thu vắng ngắt nên nắng chỉ thấy “nắng vàng hanh” phả xuống những “rừng xanh rừng xanh…Ngõ vắng không bóng người, chỉ thấy “bụi đùn quanh”. Đưa tầm mắt lên cao lại thấy “khói đùn quanh nóc tranh” rồi nhìn lên cao nữa “gió đùn quanh mấy trắng…”. 
    Đọc suốt bài thơ dài thấy hầu như tác giả chỉ đối thoại “ảo” với “Tha La”. Tha La hỏi. Tha La trả lời. Lữ khách lắng nghe. Lữ khách buồn. Duy chỉ có một người mà lữ khách gặp trên con đường bụi vắng. Đó là một cụ già:
 
Nắng lổ đổ rụng trên đầu lữ khách
Khi bước nhẹ trên con đường đỏ hoạch
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng
Đang đón mây xa khách bỗng lại gần
Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng
Nhẹ bảo chàng: em không biết gì sao?
 
Chiến tranh bom đạn đạn đã dày xéo lên “Xóm Đạo” đã có từ bao đời. Xóm Đao bị khổ nạn. Văng bóng người. Vắng tiếng chuông. Vắng tiếng cầu kinh. Vắng lời khấn nguyện…
    “Tha La Xóm Đạo” là bài thơ viết từ thời cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy bài thơ không nói rõ nhưng ai cũng biết là “Xóm Đạo” quạnh hiu điêu tàn vì giặc. Tác giả Vũ Anh Khanh là người hoạt động cho Việt Minh bị bắt, sau trốn vào bưng và tập kết ra miền Bắc với thiên đàng “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Chỉ hai năm sau Vũ Anh Khanh đã được “sáng mắt! sáng cả lòng!” nên tìm được quay về Nam. Tác giả làm giấy tờ giả để đi lần vào phương Nam, vượt qua sông Bến Hải ở vĩ tuyến thứ 17. Không thoát được! Tác giả bị chính những đồng chí của mình ở phía bắc vĩ tuyến dùng tên có tẫm thuốc độc bắn chết ở giữa dòng sông chia cắt. Hình như Vũ Anh Khanh là người đầu tiên vượt tuyến “từ Bắc vô Nam” thì phải?
    Có một bài thơ khác cũng có hai chữ “Xóm Đạo” ở câu đầu tiên mà thưở học trò tôi rất thích. Đó là bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” của tác giả Kiên Giang:
 
Lâu quá không về thăm Xóm Đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người yêu, nóc giáo đường
 
Đọc trên nhiều trang mạng nói về bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím”, có nhiều ý cho rằng tác giả Kiên Giang đã “đọc và thấm” bài “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh nên mới viết ra bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím”. Nhưng “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Aó Tím” không nói về cảnh u tịch, vắng buồn, xơ xác của một “Xóm Đạo” vì chiến tranh tàn phá mà nói về mối tình “hụt” của tác giả với một cô nàng học sinh áo tím thời mười sáu tuổi:
 
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh
 
Cho đến khi:
 
Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông Xóm Đạo
Khi nàng áo tím bước vu quy…

Theo tôi, “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” chỉ là một bài thơ thuộc vào loại “thất tình” thì với những ai yêu thơ đang ở vào lứa tuổi “biết yêu biết mơ" như tôi khi đọc lên sẽ rất thích. Bài thơ có một chút buồn vì chia ly ngăn cách  cũng  khiến cho người đọc như tôi cảm nhận được và đôi khi cũng buồn theo ray rức. Nhưng như trên đã đề cập “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” là “Tha La Xóm Đạo” thứ hai khi tác giả viết thêm:
 
Từ lúc giặc cuồng vô Xóm Đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường
 
Theo trình tự bài thơ mô tả, sau khi “người em áo tím” bước lên xe hoa để về nhà chồng thì chàng (thi sĩ) “làm chiến sĩ giữ quê hương” và về Xóm Đạo để giữ “màu áo tím” cho có vẻ bi tráng…Đoạn cuối bài thơ lại thấy có “áo quan”, có “hoa trắng”…Tang thương đến thế!...
 
Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi viết vòng hoa tang
Anh kết màu hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ…
 
Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh (1928-2014) còn có bút hiệu là Hà Huy Hà khi soạn các tuồng cải lương. Theo trang Wikipedia thì năm 1943 Kiên Giang lên Sài Gòn học tại trường Lê Bá Cang, năm 1948 về học tại Cần Thơ và yêu cô nàng “áo tím” học cùng lớp. Đến năm 1948 theo việt minh. Năm 1955 về Sài Gòn làm ký giả, soạn tuồng cải lương. Sau 1975 được vinh danh là người của “cách mạng”. 
    Hai bài thơ “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh và “Áo Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” của Kiên Giang, một bài viết từ năm 1950, bài kia viết năm 1957 (năm 1958 mới phổ biến) đều có chung là khung cảnh chung là Xóm Đạo. Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh là một Xóm Đạo điêu tàn, hoang vắng, dân chúng đã ra đi mười phương tám hướng sau mùa chinh chiến…còn Xóm Đạo của Kiên Giang là Xóm Đạo của một thuở thành bình, có trường học, có giáo đường mỗi chiều chuông đổ, có cả người yêu e ấp trên đường về, có cả tình yêu “one way”, có cả người yêu lên xe hoa về nhà chồng, có cả chàng trai ôm súng giữ nóc giáo đường và giữ luôn màu tím. Có cả xe tang chở người mình yêu thuở nào trở về cố quận, có vòng hoa tang cài hoa trắng…
Theo tôi nếu “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” viết thành một kịch bản theo tuồng tích cải lương để diễn trên sân khấu thì có lẽ số lượng người xem tuồng sẽ nườm nượp, rạp thiếu chỗ chứa thay vì phỏng theo đó để viết thành bài hát của hai nhạc sĩ Huỳnh Anh và Anh Bằng.
 
blank
 
Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh – người Phan Thiết và Kiên Giang – người Kiên Giang là hình ảnh qua hai bài thơ nổi tiếng mà giới trẻ thời 50-60 của thế kỷ trước hầu như đều biết và yêu thích. Tôi là một trong số đó. Nay tôi đã là một cụ ông đang ngồi bên lề tám bó, cái nhìn và cảm nghĩ của tôi về hai Xóm Đạo có vài điều hơi khác xưa do nhận thức giữa “cái thực” và “cái ảo” có phần thay đổi. Hồi xưa có những lúc đọc một bài thơ mình đã bị “lụy” mà không biết lý do. Bây giờ đọc một bài thơ thì còn phải “soi mói” xem trong đó gói ghém những gì, cả ý và ngôn từ. Đọc lại bài “Hoa Trắng Thôi Cái Trên Áo Tím” của Kiên Giang, cảm nhận của tôi không còn giống như ngày xưa nữa vì thấy có nhiều “nhà bình luận dăng học” đã thêm xì dầu và đường vào thơ của tác giả nhiều quá. 
    Tôi nhớ. Từ bé tôi đã sống gần một Xóm Đạo. Chữ Xóm theo tôi được hiểu theo tổ chức hành chánh ngày xưa. Xóm nằm trong Làng nên ông bà ta thường gọi là Xóm Làng. Như vậy Xóm là đơn vị nhỏ nhất về phương diện địa lý hành chánh. Ngày xưa dân cư trong Xóm thường là những người cùng giòng tộc bà con và cả những người khác tộc đã cùng sống chung lâu đời với nhau, có những sinh hoạt, tập tục, nghi lễ…giống nhau. Nếu một Xóm mà tất cả mọi người hoặc đa phần cư dân đều là những tín đồ Ki Tô giáo thì Xóm đó có thể được gọi là Xóm Đạo.Trong Xóm có một nhà thờ là nơi thờ phượng, nơi các tín hữu Ki Tô  đến để dự lễ, cầu nguyện hoăc tổ chức các hội tôn giáo. Thường các Xóm Đạo ở xa các thành phố, thị trấn nên cuộc sống nơi đây quanh năm bình yên. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Xóm được đổi thành Ấp là đơn vị nhỏ nhất trong hành chánh. Trong những Ấp có Xóm Đạo người ta vẫn gọi là Xóm Đạo chứ không ai gọi là Ấp Đạo.
    Năm tôi 10 tuổi thì hiệp định Genève được ký kết để chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến thứ 17. Trên vĩ tuyến 17 thuộc cộng sản bắc việt. Dưới vĩ tuyến 17 thuộc Quốc Gia Việt Nam Công Hòa. Từ mùa thu 1954 cho đến cả năm sau đã có hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để tìm cuộc sống Tư Do. Nhà tôi ở cách trung tâm thành phố chừng năm cây số, dân cư thưa thớt, đất đai con bỏ hoang rất nhiều, đặc biệt là cùng đồi núi chập chùng với những rừng thông xanh quanh năm và thỉnh thoảng có nghe những người lớn bảo có cọp mò về bắt bò, cũng có khi vồ cả người…
    Năm 11 tuổi tôi còn nhớ vào một buổi sáng, thấy một đoàn xe GMC chừng hai mươi chiếc, chở đầy người và đồ đạc chạy vào con đường đất cách hông  nhà tôi chừng hơn trăm mét. Đoàn xe chạy vào khoảng năm trăm mét rồi dừng lại. Người và đồ đạc được đổ xuống dọc một sưòn đồi, phía sau là cả một rừng thông bạt ngàn. Những người lớn tuổi trong xóm tôi nói chuyện với nhau cho biết đó là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và được đưa đến định cư nơi đây. Những tấm bạt lớn kiểu nhà binh được dựng lên san sát để làm nơi tạm trú cho đồng bào tị nạn. 
 
blank    blank
blank
 
Chỉ trong vòng sáu tháng, những chiếc bạt nhà binh đã biến mất, thay vào đó là những căn nhà bằng gỗ. Ngôi nhà thờ cũng bằng gỗ được giáo dân dựng lên để làm nơi thờ phượng và xem lễ. Đời sống của những người rời bỏ quê hương để đi tìm Tự Do dần dần ổn định. Tiếng chuông nhà thờ đổ vang vào lễ sáng lễ chiều. Những vườn rau cải, hoa trái đã vây kín cả khu định cư. Đời sống của những người ngày nào “chân ướt chân ráo” đến vùng đất lạnh lẽo cao nguyên nay đã nhập hòa vào đời sống chung với những người đã lâu đời ở nơi đây. Rồi chỉ vài năm sau, đa phần những căn nhà gỗ thô sơ đã biến thành những ngôi nhà khang trang bằng gạch. Ngôi nhà thờ kiểu Gothic được xây lên trên một ngọn đồi đối diện vơi khu dân cư nằm thấp bên dưới với các thửa vườn liền nhau thành một tấm thảm màu xanh có điểm những khoảng màu sắc của những anh đào, thược dược, hồng, mimosa…
    Khu định cư được mô tả trên là Ấp Thánh Mẫu mà tôi vẫn gọi là “Xóm Đạo Thánh Mẫu”. Xem ra đã lâu lắm rồi, lúc tôi còn bé là như thế. Rồi cũng Từ ngày binh lửa cháy quên hương (KG) tôi thỉnh thoảng có về thăm quê. Mỗi lần về tôi không quên thả bộ đi vào “Xóm Đạo”để ngắm những dãy nhà bên sườn đồi và xa hơn là ngôi nhà thờ trên đồi lộng gió… Và bây giờ ra sao?
 
blankblank
 

Phong Châu 

Tháng 12 - 2023

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.