Thơ sẽ chữa lành thế giới

01/12/202300:00:00(Xem: 2265)

Tranh-Ann-Phong
Tranh Ann Phong 
 
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới, https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-se-chua-lnh-the-gioi/)
  
Và Pablo Neruda nói rằng: “Tôi bắt đầu cuộc sống trần trụi hơn Adam nhưng với tâm trí cương quyết duy trì sự liêm chính của thơ ca. Quan điểm không gì lung lay được này không chỉ hợp với tôi mà còn ngăn lũ ngốc cười nhạo. Và sau đó, nếu những kẻ ngốc này có trái tim và lương tâm thì họ chấp nhận, như những người tốt, những thứ cốt lõi được thơ ca tôi khuấy động lên, còn nếu chúng là kẻ ác tâm, chúng dần dần trở nên sợ tôi”. (Thái Hạo, Trích Pablo Neruda, “Thơ ca là một nghề”, dẫn từ ZZZ. Vanviet.info)
   
Có phải, nếu cảm xúc bật ra từ nhịp đập cùa trái tim nhân ái thì sẽ duy trì được “sự liêm chính của thơ ca?” Và như nữ thi sĩ giải Nobel Thơ 1996 Wislawa Szymboska đã nói như tuyên ngôn rằng, Viết là Quyền lực để trường tồn.
   
Xin mời bạn đọc cảm nhận những điều ấy qua các bài thơ của các tác giả: Hàn Mặc Tử, Robert Duncan, Wislawa Szymboska, Tuệ Mai, Mark Strand, Nguyễn Xuân Hoàng, Đỗ Tư Nghĩa, Phạm Phú Hải, Nguyễn Lương Vỵ, Phan Tấn Hải, Lưu Mêlan, Inrasara, Trần Hoàng Phố, Lưu Diệu Vân, Hoàng Lê, Trương Đình Phượng, Lê Vĩnh Tài, Phương Uy, Linh Văn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trần Mộng Tú. – NTKM.
 
***
 
HÀN MẶC TỬ (1912-1940)
 
Mùa thương
(Trích đoạn 1)
 
Thơ chưa ra khỏi bút
Giọt mực đã rụng rồi
Lòng tôi chưa kịp nói
Giấy đã toát mồ hôi.
 
*
 
ROBERT DUNCAN (1919-1988)
 
Thơ, một điều tự nhiên
 
Cả thói xấu lẫn đức hạnh đều không
giúp thơ thành công. “Chúng xuất hiện
và chết như chúng hành xử mỗi năm
trên đá.”
 
Bài thơ
nuôi dưỡng từ ý tưởng từ cảm xúc từ xung lực
để tự sản sinh,
một thúc bách tinh thần lúc vội vượt những thang tăm tối.
 
Cái đẹp này là sự kiên-trì-bên-trong
hướng nguồn
gắng cự (bên trong) sự cuộn chảy của sông,
một tiếng gọi chúng ta nghe và đáp
trong sự trì chậm của thế giới
những tiếng gầm ban sơ
từ đó có thể trồi lên thế giới non trẻ nhất,
 
cá hồi không ở trong giếng nơi trái phỉ rơi,
cá hồi ở thác vùng quẫy ấp úng
mù quáng tạo nó.
 
Đây, bức hình duy nhất thích hợp cho tâm hồn.
Một thứ phù trợ: một con nai trong tranh Stubbs[1]
nơi những cái gạc kềnh càng năm trước
nằm trên đất.
Bài thơ diện-mạo-nai tuyệt vọng mang
những búp gạc mới,
cùng một thứ.
“nặng nề một chút, trù tính một chút”,
cái đẹp đáng kể nhất của hắn
toàn nai.
 
(Cù An Hưng dịch từ "Poetry, A Natural Thing". Trong Robert Duncan, “Selected Poems”, New Directions Publishing Corporation, 1997.)
 
[1]  George Stubbs (1724-1806): một hoạ sĩ Anh, vẽ thú vật.
 
*
 
WISLAWA SZYMBORSKA (1923-2012)
 
The Joy of Writing
(Trích đoạn)
 
Tại sao con nai do tôi viết ra chạy qua khu rừng do tôi sáng tác?
Để uống một ngụm nước từ dòng suối do tôi viết ra
dòng nước trong veo sẽ in hình chiếc mõm nhỏ xinh của nó?
 
Không có chuyện gì xảy ra trừ phi tôi ra lịnh,
Không có lời chúc lành của tôi, không một ngọn lá nào rơi
Không một ngọn cỏ nào được rạp mình dưới bàn chân của một dấu chấm.
 
Niềm vui trong sáng tác.
Quyền lực để trường tồn.
Sự trả thù của bàn tay con người.
 
(Cao Thu Cúc dịch)
 
*
 
TUỆ MAI (1928-1983)
 
Tôi thơ mãi cho thơ tôi góp
thành số không ở cõi chon von
khi xếp cánh nghỉ dài vô hạn
tôi yêu tôi con số khoanh tròn…
 
*
 
MARK STRAND (1934-2014)
 
Những bài thơ không khí
 
Những bài thơ không khí đang dần chết;
chúng quá nhẹ cho trang viết, quá mờ nhạt, quá xa xôi,
những bài thơ mà chúng ta đã từng gọi là Trăng, là Sao, là Mặt Trời,
chìm xuống biển hay khuất sau những rặng cây lạnh lẽo
ở rìa cánh đồng này. Nấm mồ ánh sáng khắp mọi nơi.
 
Một ngày mùa hè hay một đêm mùa đông nào đó những bài thơ sẽ ngừng lại.
Không ai khóc, không ai ngước nhìn trời.
Một màn sương dày sẽ phủ đầy thung lũng,
một bóng tối không thể gột rửa sẽ giăng mưa trên những ngọn đồi,
và không có gì, không một bóng chim nào, đến hót.
 
(Linh Văn dịch từ “Poems of Air” – Tập thơ “The Late Hour”, 1978).
 
*
 
NGUYỄN XUÂN HOÀNG (1940-2014)
 
Gánh chữ

Kiếp tằm in hình hài chiếc lá 
mỏng manh chơi vơi 
gánh chữ vọng phu 
chẳng mặc cả cuộc đời 
chẳng đan màu thánh thiện 

giấc ngủ lên men 
cơn say bùa yêu hiền triết 
trang sách hiện hình tương lai
hiện hình những cánh tay phù đổng vươn vai 
nét vẽ đồng hồ 
giấc mơ tượng đá

những lời răn phật tử
trang sách hiện hình 
trái đất 
vòng quay ngược. 
*
 
ĐỖ TƯ NGHĨA (1947-2021)
 
Có khi viết xong một bài thơ
(Trích đoạn)
 
Có khi viết xong một bài thơ
hồn tôi như thân cây trụi lá
đứng chơ vơ
lạnh
dưới sương chiều.
 
Có khi viết xong một bài thơ
tôi như người say
như người chết đuối
như bóng ma
trở lại dương trần.
 
Có khi viết xong một bài thơ
tôi muốn đến ngồi im bên sóng biển
đọc thơ tôi
cho lũ dã tràng nghe
 
Biển sâu ơi
ai là người tri kỷ của ngươi
nếu chẳng phải
là bầu trời cao thăm thẳm?
 
*
 
PHẠM PHÚ HẢI (1950-2009)
 
Thi sĩ
 
Có bàn chân dài hơn con đường
Nên chân trời là những đốt xương
Của ai bỏ lại ngàn năm trước
Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường
 
Ngủ cũng có đôi khi mơ mắt
Chiêm bao thấy được vạn màu xanh
Giận quá giận đất trời vô loại
Nhẫn tâm xô chết những bình minh 
 
Đi một mình đứng lại một mình
Dài hai bên thạch đỉnh chênh vênh
Thử buông tay thả người lơ lửng
Ở giữa thinh không lại ngủ quên
 
Trăng cho thi sĩ màu du tử
Đứng lại để nhìn vũ trụ đi
Cất bước mà xem khôn kìên chật
Bỏ bước về thanh trí tương tri
 
Nhạn gọi én xa mùa bước biệt
Có mấy già lụm cụm đi theo
Du tử cuối đường về góc núi
Bỏ lại trên sông một tiếng chèo
 
*
 
NGUYỄN LƯƠNG VỴ (1952-2021)
 
Thơ về thơ I
 
Một câu thơ đã chết
Một câu thơ hoài thai
Một câu thơ sắp chết
Gió huýt sáo dặm dài
 
Gió lưng ong cài lược
Chải sợi lông thời gian
Mềm dư vang sau trước
Chữ ứa một cung đàn
 
Chữ ứa một dung nhan
Nằm xếp hàng như mộ
Ta yêu em kiên khổ
Dẫu phí hết ngàn đời
 
Một câu thơ đi chơi
Một câu thơ bật khóc
Một câu thơ lăn lóc
Gió trong tờ lá non…
 
*
 
PHAN TẤN HẢI
 
Tay anh gõ chữ
(Trích đoạn)
Này này trang này là thơ, trang này là báo
Này này ôm từng đống giấy, ra ngồi giữa chợ,
lắp bắp bán rao, trang sách khi đầy lúc vơi, khi buồn lúc vui
Này này nước mắt, này em có thấy đây là nước mắt,
loang khắp từng trang, xin lật dịu dàng,
kẻo lời anh rơi, xin cầm thật khéo, kẻo chữ kêu đau…
… Xin dịu dàng, trang sách này còn xanh bóng đêm,
còn thoảng hơi rượu, còn vài nốt nhạc vọng về…
Một thời, một thời, một thời
Bây giờ anh gõ chữ, trang sách đầy tóc trắng, hư vô lạnh từng trang.
Bây giờ anh gõ chữ, tìm chữ bình an cho em, cho con, cho đời.

Từng trang sách một, anh
dịu dàng, thật dịu
dàng, không
để giấy kêu đau.
 
*
 
LƯU MÊLAN
 
1. Làm thơ
(Trích đoạn)
 
tôi phải làm một bài thơ mà dung lượng nó đầy lên
còn tôi:
rác.
 
Những lá thư
chúng đến
chậm chạp
như một tình nhân
ta bỏ quên đâu đó trong giấc mơ ta làm tình
chỉ để lại ký ức nhiều hơn gương mặt
 
và ta bấu víu vào trang giấy như một minh chứng của trở về hiện thực.
 
sự tỉnh táo của giấc mơ
làm tôi không nhận ra mình đang ở trong hiện thực
hay quá khứ
mọi thứ buồn cười
nhưng chẳng bao giờ ta cười được
sự nguy hiểm luôn bất ngờ
 
ta có thể chết
khi mơ.
Nhà thơ
… Bước vào, đi qua, bước chân chúng ta dù mạnh mẽ
Vẫn chỉ là những đường lằn trên óc.
 
2. Tên tác giả
 
Họ đi qua bạn, hai mươi bước
Có lẽ hơn, rồi quay lại nhìn bạn, đi tiếp, như bạn là một biển chỉ đường
Với vài chữ, tên bạn, những dấu (nếu có)
 
*
 
INRASARA
 
Thơ ca
 
Sẽ bật lên
tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng
hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực
sẽ bật lên
hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất
sau trận mưa tháng năm
rì rào cho đời khúc hát xanh.
 
*
 
TRẦN HOÀNG PHỐ
 
Cái chết của bài thơ
 
Bài thơ bị cán chết hôm qua
Trên con đường đi đến giấc mơ
Với tiếng khóc của chữ
Và tiếng trời xanh rơi nức nở trong chiếc lá
vàng
tiếng khóc của âm thanh dịu dàng
đau đớn tiếng chim buổi sáng thu trong
 
Bài thơ bị xử bắn hôm qua
Chữ chết lặng lẽ trong giấc mơ đêm
Giấc mơ
có những vì sao rơi trong mắt giếng đêm
Chữ khóc
lặng lẽ với vầng trăng hạ tuần đang đi qua bầu trời đầy
nước mắt huyền ảo xanh
Máu
của vần điệu và hình ảnh chảy vào giấc mơ đêm trái tim tình yêu bơ vơ
Trong tiếng khóc chữ cô đơn
 
Bài thơ bị chôn
trong nghĩa địa trăng đêm qua
Nó lặng lẽ khóc
Chữ nằm bơ vơ
trong quan tài giấc mơ
Với hình hài của gió và ánh sao đêm
và con mắt giấc mộng
 
*
 
LƯU DIỆU VÂN
 
Bằng cấp chuyên gia thơ
 
ấy này là thời đại của các chuyên gia
huấn luyện khóa ngắn hạn
chỉ cần chiều cao và giọng vênh quả quyết
mua nhà cần chuyên viên địa ốc
giảm cân cần chuyên gia dinh dưỡng
nghệ sĩ tìm cố vấn hình tượng
thơ cũng đua đòi giám định thẩm mỹ đương đại
 
ngôn ngữ chuyên gia phải đầy phán quyết
lấp liếm thiển cận
có hoặc không
hay hoặc dở
chắc chắn không là có-thể, tùy theo
thái độ lưỡng lự
phản ánh
điều không đáng tin
thiếu tầm đổi mới
thơ ngập ngừng là thơ sắp lỗi thời
chuyên gia rởm thường lộ nước đôi
 
nhận định sai lệch không bao giờ nằm ở cổ chai
xấn xổ
biếng nhác
thâu hẹp
ảo tưởng quá đà
của ta
của người
hay của thơ người ý ta suy diễn ra
hay thơ ta tùy tiện áp đặt người
 
khi đối diện sức ảnh hưởng tương lai
thơ phản ánh thời đại
hay đại loại những thế lực ngược lại
các nhà tư vấn chữ nghĩa nghiệp dư
các chuyên viên thẩm định thơ tự xưng
chen lấn vào khung bình luận
công cộng cao tiếng dõng dạc
nguyên âm hóa hội chứng tự kỷ
lẽ ra
mắt nên liếc trái những bài thơ
cầu viện
 
*
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
Phút mong manh giữa những từ
(Trích đoạn)
 
1.
Tình cờ thôi, trong một chớp giao cảm
Thơ đặt vào lời tôi
ánh sáng một đôi cánh
Nó làm tất cả để cho tôi sống
Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ ...
 
Lời tôi viết
Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc,
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả - như người ta câu cá -
 
2.
Khó mà thoát khỏi sự cám dỗ
Tôi mải miết
Điều gì sau khi đặt dấu chấm hết một bài thơ?
 
Sau vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng
 
Giống như tôi đã tắm, đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
Và dẫu tôi không mang về một hạt nước nào của nó
Nhưng làn da tôi thì mãi còn dư âm cái trườn mình
của dòng chảy
 
Bài thơ hoàn tất, dù là một điểm hẹn quyến rũ,
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Lại là lúc đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương.
Tôi có gì đâu phải vội.
 
*
 
TRẦN MỘNG TÚ
 
Thế giới đã nát tan để lại vết nứt trên mình thi sĩ
(The world is broken, and a crack is left in the poet’s body – Heinrich Hein 1797-1856.)
 
Chiếc bình thân thể tôi
Sáng nay có một đường nứt
Trên vết nứt đó
Tôi nhặt ra được một câu Thơ
 
Cứ thế
Thi thoảng vết nứt
Lại cho tôi một câu Thơ
 
Tôi xếp những câu Thơ
Vào một cái hộp
Cái hộp có hình con Cá
Con Cá nuốt chửng câu Thơ
Không rơi ra ngoài một chữ
 
Vết nứt trên thân thể tôi
mỗi ngày một lớn
mỗi ngày tôi nhặt ra một câu Thơ
 
Tôi lấy kim chỉ khâu lại
như Bác Sĩ khâu những vết thương
nhưng tôi vụng về
tôi cựa quậy
đau đớn
 
Vết thương không bao giờ lành
Một vết nứt dài trên mình Thi Sĩ.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy tạm để những chuyện buồn nằm im dưới mâm cỗ ngày Tết, để ta chỉ được thấy màu xanh lá bánh chưng, màu đỏ ối ruột dưa hấu, màu vàng đỏ tung xòe trong những bao lì xì nhỏ, màu nắng chín nhấp nháy trên những trái quất… bây nhiêu đó có đủ để bạn đón hơi thở mới của đất trời? Hy vọng vậy để chúng ta được mọc lên như cỏ non trên khung rêu ngày tháng cũ. Bài thơ của Nguyễn Hồng Kiên tôi đọc được từ trang của trường Mầm Non Cự Khối, bài thơ được dạy cho các em lứa 4 tuổi, như một lời chúc tết hồn nhiên.
Cho nhân dân tôi, thức dậy trong bóng tối, những người hát bài ca im lặng, những người than thở trong im lặng, những người nổi giận trong im lặng, những người yêu nhau trong im lặng, lời cầu Nguyện cho nhân dân tôi, những người đi trên đường, chạy tất bật từ sáng đến tối, cho bữa ăn của người nghèo đói, hít thở khói và bụi, những người già trước tuổi, những người không bao giờ biết hát, những người không bao giờ biết cười, những người không bao giờ biết nói dối
Houston mùa hè nóng có thể nướng thịt trên mui xe hơi./ Họa sĩ bò dưới đất vẽ chân dung kiếm tiền đổi rượu./Nàng mẫu ngồi khép hở y phục lả lơi./ Đường nét sắc màu bỗng dưng tơi bời khung bố, trời đất sẽ vô cùng phẫn nộ, nếu đàn ông không thích đàn bà, nếu bàn tay cứ chăm chú vẽ./ Tao không kể hết chuyện để người đọc tự đoán. Xe cứu thương chuẩn bị hụ còi. Bác sĩ xuất hiện. Mày ôm bức tranh nằm thoi thóp . /Tao thấy hết từ đầu qua khe cửa phía sau.
Những bài thơ xuất sắc của Giáng Vân nằm ở biên giới giữa điều có thể nói và điều không thể nói ra. Thơ chị có nhiều đề tài, tình yêu, suy tư lịch sử, những xúc động mới về thế giới hiện nay. Đó là một loại thơ sâu kín, cắm rễ trong vùng tối đen của tiềm thức, nhưng hướng về phía ánh sáng. Giáng Vân không ngần ngại nói về sự bế tắc, sự cùng đường của xã hội, cái chết và sự diệt vong của con người. Trong tập thơ gồm 36 bài, những mảng tối được thấy rõ, sự buồn rầu, lo lắng, cảm giác phẫn nộ, nhưng chị nói nhiều hơn đến sự vượt qua. Chị tin vào tâm hồn. Thơ chị có hai nguồn mạch: những câu chuyện riêng tư và những nỗi lo âu của thời đại mình. Chị có những bài thơ đi tới chỗ tận cùng, nơi giao điểm của hai niềm cảm hứng, đó là một kiểu thơ trữ tình thời sự hiếm gặp hôm nay.
Nhà thơ Vũ Trọng Quang bảo mũi tên ấy bay hoài bay không tới. Làm sao bay kịp thời gian. Hoặc giả như vầy. Nơi tôi ngồi cố định, và. thời gian đi qua đi qua. Khi lời thơ vừa thốt lên là lúc tôi rơi mất thời gian. Không gian nào giữ những lời đi. Ở những bài thơ sau đây bạn có thể thấy được nơi thời gian và không gian gặp nhau trong nhịp lẫy tình cờ. đã ra đi là muôn đời ở lại…Bây giờ là bao giờ??? Bao giờ là bây giờ!!!, chiếc kim đồng hồ lẩn thẩn/ như con kiến già bò trên miệng chén… …Bạn cùng tôi như ai kia thập tự vác mình qua đông gió, cứu chuộc nỗi tàn phai của Màu thân thể ngó chừng cũng cũ cùng sự lãng quên muôn đời, để có thể trong thế giới siêu hình yên tĩnh của ta được an ủi Mưa trầm trầm dương thế/ Ngấm sâu miền âm gian… , dù mưa không dội sạch được những linh hồn run rẩy, và dẫu Đó là cánh cửa bí mật/ từng khép cửa linh hồn…
Nhịp lá rơi đang xô chèo dòng thu cập bến. Những con thuyền năm tháng sẽ tiếp tục dong buồm. Nơi chốn nào gọi là đáy đĩa mùa đi ơi Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh? Có phải là nơi Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi của thi nhân 80 năm trước? Hay trong cơn khát của mùa thu của Trang Thanh? Hay nơi dấu chân em lối vàng xưa của Lê Hoàng Anh? Hay nơi mùa trăng hóa quỳ vàng của Lê Vĩnh Tài? Hay nơi mặt đất dâng lên nuốt ánh mặt trời của Duyên? Hay nơi tiếng chạm của những viên đá tím của Nguyễn Thị Khánh Minh? Hay nơi rực rỡ hoàng hôn rực rỡ Đêm tháng 11 cuối cùng của Lê Chiều Giang?
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
Em nhan sắc đồi câm / Tôi ù lì bến chải / Máu những giọt rất thầm / Tới khấc tình bãi nại / Cứu rỗi một nhành cây / Buồn lên thập tự giá / Hồn ma xưa hiện ngày / Xuống vũng đêm đày đọa
hương môi thơm tuyệt cú mèo/ ngất ngây hồn vía bay theo mây trời/ bồng bềnh nào phải chơi vơi/ quen từ chướng nghiệp gẫm cười ngất ngư / cài khuy áo ngực hình như / với em tùng tiệm thặng dư ngôn tình / ô hay, nữ tính lặng thinh/ kiêu sa đi chứ để hình dung ta!
Tôi đã xưa. cơn gió ngàn lau lách. dưới mỗi gốc cây, xương máu con người đổ xuống. tình yêu và hận thù đều xanh màu lá. / Dưới bàn chân tôi, đá sỏi mỏi mòn. Đôi khi tôi muốn nằm xuống dưới chân em. đôi khi tôi muốn chết. / Sự bất động của thân tâm là chân như của hạnh phúc. nhưng sự im lặng của em là âm ti địa ngục. /Dưới bầu trời này, màu xanh lừa đảo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.