Hôm trước tôi có gợi nhớ kỷ niệm đã một lần diện kiến bác sĩ/thi sĩ Thái Can và sự ngạc nhiên của tôi khi liên tưởng tác giả với thi phẩm do ông khai sinh. Đó là hai thái cực, tương phản đến kinh ngạc nếu quen với nếp nghĩ, thi sĩ là chủng loại: … ru với gió / mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây… (Xuân Diệu)
Tôi quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ, đủ thứ hạng: vang danh năm châu bốn biển, khiêm nhường quận lỵ làng xã, làng nhàng phường khóm, tổ dân phố. Đa phần không như tôi tưởng hồi còn trẻ, họ chả phải là những á thánh mà chỉ là những con người với đầy đủ cung bật tốt xấu. Có anh đóng rất tròn vai trò người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, có chú chân chỉ hạt bột, cơm nhà quà vợ và … sòng phẳng đến độ, trong mắt nhìn bạn bè, là những gã keo kiệt, xem cắc bạc như bánh xe bò, tính toán chi li từng tách cà phê, từng điếu thuốc.
Trong số những thi sĩ tôi có cơ hội quen biết, một người luôn làm tôi ngỡ ngàng. Đọc thơ anh tôi bắt gặp không thiếu các món ăn chơi, dọc ngang trời biển, gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo. Thế nhưng trong đời thường anh lại là một công bộc mẫn cán ở sở làm, một gia chủ cực kỳ xét nét, để ý từng đồng vợ chi tiêu, không rượu chè hút sách, không gái gú nhăng nhít, với bè bạn anh sòng phẳng đến khó tin, chưa bao giờ tôi thấy anh đãi ai một tách cà phê! Ngược lại cũng chưa bao giờ anh buộc ai trả tiền, dù chỉ một cái croissant. Có thuở tôi thường dông dài với bè bạn mỗi sáng ở các hàng quán, anh cũng có mặt, cũng hào hứng tán chuyện trên trời dưới đất, chuyện chính trị, thời sự, chuyện văn chương, nghệ thuật…, nhưng tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc, chỉ ngồi tán phét, không ăn, không uống, dù một ly trà, lý do: chúng nó đãi mình, lần khác mình không đãi lại, kỳ (đó là quan điểm của anh qua lời vợ).
Một nhà văn thuộc hạng có tên tuổi tôi cũng quen, ngoài tài múa chữ, “đức” ăn và tham của anh ta ít ai theo kịp. Thường, anh ta vào casino một tuần tệ lắm hai lần, không phải để sát phạt mà là để… ăn! Chả là anh ta có cô em vợ sở hữu tấm nhan sắc như tài tử điện ảnh, có cuộc sống phóng túng, trên 30 vẫn không chịu lấy chồng, cặp bồ với một đại gia trùm địa địa ốc. Chàng này, như nàng, cũng mê đỏ đen, thường đánh lớn, vì thế có thẻ goldcard, ăn uống ngủ nghỉ đều free. Chúng ta đều biết các con bạc khi vừa bước vào cửa casino là sà ngay vào những bàn sát phạt, ẩm thực không màn, ông anh rể dùng thẻ goldcard của của cô em hoặc chàng đại gia mặc sức ăn uống toàn món ngon, rượu xịn: steak, heo sữa, vịt Bắc kinh, cua, tôm hùm, sò huyết…, rượu La Baume Saint Paul Chardonnay, Chateau Figeac Premier Grand Cru Classe… Nhìn mặt bàn ngổn ngang vỏ càng tôm cua, xương xẩu, chai lọ, ly đĩa tôi thầm ngạc nhiên tự hỏi, bụng dạ nào chứa hết lượng thức ăn đồ uống bề bộn thế kia!?
Có lần tôi cùng anh ta lên Los Angeles thăm một người bạn có vườn cây kiểng nổi tiếng khắp miền Nam Cali. Nhìn khu vườn bao la vô số cây ăn quả, mãng cầu, táo, nhãn, vải, bòn bon… sai trái, anh ta vội vàng vào nhà lấy một thùng giấy lớn rồi ra vườn chọn, hái mọi loại quả chất đầy thùng, tự nhiên như vườn nhà. Trông nét mặt chủ nhân tôi biết anh ta không vui. Đã đành chả đáng là bao, nhưng đánh chó phải nể chủ nhà, đâu thể mặc sức thu hoạch, xem chủ vườn như con số không! Vả, lương kỹ sư vi tính một năm gần 200.000 đô, thèm, bảo vợ tới chợ, bỏ ra vài chục đô, mặc sứa khuân về. Tôi lại băn khoăn tự hỏi, với bản chất phàm phu thế, làm sao anh ta sản sinh được những trang chữ óng ả, sâu sắc như đã?
Đọc tiểu sử các danh nhân trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi bắt gặp không ít các thiên tài xem tiền bạc của cải nặng như đá tảng và có nhiều tật xấu: bài bạc, hút sách, ăn uống thô bỉ, tham lam, ích kỷ, tôn thờ vật chất không thua tín đồ sùng đạo. Điển hình như ông họa sĩ có bộ ria mép tựa ghi đông xe đạp đua trông lập dị và nghệ sĩ hết biết (Sanvador Dali) là một tay sùng bái tiền bạc đến mức bệnh hoạn; Văn hào Dostoieveski, một trong những cây cổ thụ của văn học Nga, ghiền cờ bạc và luôn nợ nần, ông viết ngày viết đêm cốt để lấy tiền trả nợ; một nhà lý luận phê bình An Nam, đường kim giảng viên của Đại học cộng đồng trong thành phố tôi đang ngụ cư, ngoài tiếng tăm do nhiều bài viết và tác phẩm in thành sách uyên bác, ông còn nổi tiếng bần tiện. Một cô học trò của ông mét với tôi, em chưa thấy ai như thầy X, liên hoan cuối năm, thầy mua hai hộp napkin, một thùng nước ngọt, bắt các trò chia nhau trả tiền lại.
Còn vô số những thiên tài khác của cả ta lẫn người, mà thói tật của họ người bình thường không thể không lắc đầu ngao ngán!
Nói chung, đó là những nhân cách bất toàn, nếu nhìn bằng cái nhìn khắc khe thường tình.
Từ đó tôi nhận ra, không thể đồng hóa tài năng của một nghệ sĩ với con người thật ngoài đời. Khi đến với một bức tranh, một bài thơ, một truyện ngắn, một truyện dài, một ca khúc, một biên khảo…, chúng ta chỉ nên thẩm định giá trị của tác phẩm qua những trang chữ. Không nên để đời tư tác giả chen vào, sẽ ít nhiều lệch lạc. Nghệ sĩ cũng chỉ là con người như chúng ta, tốt, xấu, sang, hèn, tiểu nhân, bần tiện, hào sảng, trượng phu có đủ, chuyện “thường ngày ở huyện” thôi, không vì thế mà chúng ta không trân trọng những đóng góp của họ cho cuộc đời. Nhờ họ, cõi người sẽ thi vị hơn, phong phú hơn, đáng sống hơn.
Kết luận khách quan: đừng bao giờ đánh đồng tác phẩm với người sáng tạo ra nó.
Khánh Trường
Gửi ý kiến của bạn