Truyện
Ngày gia đình tôi dọn về xóm bãi lau này, cả xóm có đâu chừng dăm nhà, quấn túm vào nhau mà sống, gắn quện như thân lau, rách nát như thân lau mà cũng dai dẳng như thân lau, bố tôi ví von như vậy. Để lên đến bờ đường, cả mấy nhà phải rúc qua một rừng lau rậm, giẫm chân trên những ngọn lau, và tạo thành con đường mòn, đi xuyên qua những thân lau, mỗi khi qua đó không ai nhìn thấy ai, nếu như không chạm mặt, bởi thân lau quá cao che khuất cả bóng người.
Ngày gia đình tôi dọn về xóm bãi lau này, cả xóm có đâu chừng dăm nhà, quấn túm vào nhau mà sống, gắn quện như thân lau, rách nát như thân lau mà cũng dai dẳng như thân lau, bố tôi ví von như vậy. Để lên đến bờ đường, cả mấy nhà phải rúc qua một rừng lau rậm, giẫm chân trên những ngọn lau, và tạo thành con đường mòn, đi xuyên qua những thân lau, mỗi khi qua đó không ai nhìn thấy ai, nếu như không chạm mặt, bởi thân lau quá cao che khuất cả bóng người.
Nhà tôi gần nhà chị, mỗi đêm tôi ngồi chong đèn học bài, ngọn đèn dầu le lói, xuyên qua vách của căn chòi lợp bằng lá lau, xuyên một thứ ánh sáng nhỏ giọt ra ngoài hiên vắng, hắt những thứ mờ ảo của đốm sáng ra ngoài bờ sông, lúc ấy chao ôi thấy buồn, một nỗi buồn không cất lên lời, nó xâm nhập lòng người cái nỗi thê lương và ảo não lắm, tôi lại nghe thấy tiếng hát từ căn chòi cách nhà tôi một bãi lau chừng hơn trăm mét:
Lòng người hỏi được như sông
Sông bao nhiêu nước mà chồng em xa…
Là chị, tiếng hát của chị cất lên vào mỗi đêm. Phải khi tất cả tiếng người đã im ắng, tiếng lách cách của bát đũa mỗi nhà không còn, tiếng chách chách của con chó gày nơi bãi hoang cũng không buồn sủa, chỉ còn tiếng nước sông chảy qua đoạn xiết rì rì, và tiếng côn trùng ếch nhái mở hội thao thiết, lúc đó chị mới cất lên tiếng hát tha thiết và não nề, bài nào cũng buồn, bài nào cũng cô đơn, bài nào cũng gợi sự xa vắng và chia ly thê thiết lạ. Có lần bố tôi trầm ngâm, cái con mẹ, tiếng hát giết cả cuộc đời.
Sao bố nói vậy, tôi hỏi bằng sự ngô nghê của thằng trai mười ba, bố bảo, thì hát hay quá. Hát hay vướng gì vào sự chết chóc. Thì buồn đến chết mất thôi, mày chưa đủ lớn để thấy buồn. Khi tôi đã đủ lớn, ngày quần quật theo mẹ đi làm, đêm quần quật cùng bố đơm đó, đơm cá, bẫy chim, có khi xuyên sáng, tôi mới hiểu hết nỗi cô đơn của con người, nghiệm lại lời bố, tôi thấy tiếng hát quả có thể buồn chết được.
Mà sao chị chỉ chọn bài buồn để hát, để hoà nhịp với giun dế, với ếch nhái, với tiếng chảy từ bờ sông hay tiếng rì rào của lau sậy, mỗi lần có con gió cô đơn thổi qua. Nhưng nó đã thổi vào hồn tôi một cơn dài xao xiết lạ.
Thương gì một cõi nhân gian
Người đi chưa đến kẻ mê man chờ
Ai ơi cứ thể hững hờ
Vô thường trôi mãi bến bờ mà xa…
Tôi không biết những lời hát ai sáng tác hay chị nghĩ ra cho phù hợp với nỗi niềm của chị. Tiếng hát trong và tròn, lời ca sáng và rõ, vành vạnh như vầng trăng thu, soi đến cả lớp li ti của từng chiếc lông trên mắt lá lau vào những độ rằm. Tiếng hát miên man, miên man từng đêm.
Con mẹ đó cũng tủi cũng buồn, có một đứa con, chẳng biết đâu là cha, là chồng, cũng tội.
Mẹ ngừng lại trong lúc băm rau cho cá, bà thủng thẳng mỗi khi tôi đốt đèn ngồi học đêm khuya, bà đập tay vào bắp vế than mỏi và khó ngủ, rồi ngồi dậy lấy rau ra băm, tiếng dao va trên thớt từng nhịp nhúc nhắc, nhúc nhắc, hoà vào điệu buồn cũng túc tắc trong lời hát của chị.
Tôi không hiểu sao chị không có chồng. Thằng bé lũn tũn vẫn đi theo chị ra bờ sông, ra những đầm tôm, lũn cũn bên chị, tạo nên hai cái bóng, một dài một ngắn, song song với nhau, đổ dài trên bờ ruộng, vào mỗi sáng khi ánh mặt trời vừa lên, chị cắp thúng, thằng bé cắp rổ, tiếng nói ê a của nó cũng đủ làm rộn lên con đường lau không nhìn thấy bóng người.
À ơi ca khúc du miên
Thương nhau chẳng đặng còn hoài tìm nhau…
Tôi cứ sống với lời ca của chị hằng đêm, cứ lớn lên qua lời ca của chị hằng đêm, tiếng hát có khi tròn vành rõ chữ, có khi cô lại như một lớp đường, cũng có khi nó đục khàn như tiếng của người qua cơn ho dữ dội, ngực đau thắt của những tháng ngày ốm đau quặt quẹo trong nỗi cô đơn. Nhưng tôi biết, nếu không có tiếng hát của chị, tôi không thể nào vui và lớn lên được.
Đêm nào không nghe chị hát tôi lại thấy nao nao. Hình như bố biết được điều đó, bố chỉ bảo, lo mà học hành thoát được kiếp lau sậy, lớn lên mới thành người tử tế, lời ca cũng hay những chẳng ai sống mãi bằng kiếp xướng ca vô loài đâu con ạ.
Chị ấy ngày xưa hình như cũng theo nghề ca hát?
Thì ca hát chứ sao, bao người mê tiếng ca ấy chứ, thời trẻ cũng đẹp người, số đào hoa đâu tránh được ý trời, về già thành như thế. Có chồng cũng như không.
Qua câu chuyện bập bõm, muốn kể mà như không muốn kể, bố không muốn tôi đi sâu vào đời tư của chị, hay không muốn tôi bị chi phối bởi lời ca không mấy khi vui, như đeo đá nặng vào kia, mà sầu thêm cho tâm hồn vốn đa cảm của thằng trai lớn lên quanh năm với bùn, sậy, với cua cá, mà bố muốn đánh tan cái cảm giác tiêu cực đó ở tôi, nên không mấy khi ông kể về cuộc đời chị, người đàn bà chuyển đến xóm chưa lâu, mà cũng không phải mau, nhưng không mấy khi tôi đi xuyên qua hơn trăm mét của cánh đồng lau sang thăm chị, nếu như không thiếu mắm, thiếu tương và gạo, nhưng nhà tôi lại chẳng mấy khi thiếu mắm tương và gạo, bởi mắm, mẹ đã muối hàng mấy chum phải mang ra chợ bán, tương bà tự ủ, còn gạo, thiếu thì ăn mì rong một bữa chứ sao, bà không muốn phiền ai, ông cũng vậy. Là ông bà không muốn cho tôi tiếp xúc với chị; hay bà sợ ông bị mê hoặc cái tiếng hát vốn làm say lòng cả bà, và vẻ đặm đặm của gái một con một thời xinh đẹp, giờ về bên đầm bên bãi vẫn không tránh khỏi sự mặn mòi dù đã có tuổi?
Nhưng tôi không lấy sự khám phá căn chòi đó làm điều háo hức, tôi thích hơn, cái cảm giác, khi ánh đèn vàng bên cửa lá nhà mình được thắp lên vào mỗi lúc đêm khuya, ánh đêm đen dày đặc mới góp phần phát tán thứ ánh sáng vàng đi xa hơn, nó xuyên qua của sổ, đến tận bờ sông, và có lẽ bên nhà chị cũng nhìn thấy nếu như chọn chỗ cao nhất của khoảng sân để nhìn sang, thậm chí thấy tôi ngồi học bài mê mải bên ngọn đèn đến tận hai, ba giờ sáng. Lúc đó, chị lại cất tiếng ca, giọng đẹp, sáng, trong và buồn mênh mang, tiếng ca tan loãng vào không gian, vào tiếng gió, vào bờ sông, cùng tiếng ếch nhái, giun dế, tạo thành một bản hợp ca, đẹp miên man lòng người, mà tôi tin không một nhạc sĩ của đồng quê nào có bản hợp xướng tự nhiên mà trữ tình đến thế.
Tôi thích cái không khí ấy hơn, và thích sự bí ẩn về câu chuyện cuộc đời người đàn bà đầy hoang dại đam mê dữ dội mà không kém phần bất hạnh cả liêu trai hơn là cảm giác được chạy băng qua cánh đồng lau sang bên đó, tôi sợ sự tỏ tường quá của bất cứ điều gì cũng giết chết đi vẻ đẹp, tôi sợ cái thứ huyễn hồ mà tôi vẫn nắm bắt một ngày tan loãng đi.
À ơi, con ngủ giấc tròn
Mẹ còn xuống bể lên non đội trời
Đời ta cay đắng chơi vơi
Làm sao đổi được con người thế gian…
Ngày xưa cũng ca sĩ này nọ, má phấn, môi hồng đẹp nhất làng, người ta kể vậy. Mẹ lại thủng thẳng câu chuyện của bà, không đầu không cuối vào mỗi đêm khuya, bà không ngủ, ra ngồi băm rau thả cho cá ăn. Thì tôi vẫn tin, tiếng hát của chị vẫn là điểm thu hút đối với tất cả những người trong gia đình tôi, cả bố, dù chẳng ai nói ra. Ai cũng muốn nó hiện hữu, nhưng chẳng ai muốn công nhận nó tồn tại, và không muốn nó tồn tại. Vì nó như một thứ ma quái, làm con người ta thấy thích thú muốn khám phá, lại làm người ta sờ sợ.
Vì sao chị bỏ ca sĩ?
Nghề đó bạc bẽo chứ sao.
Thế còn đứa con?
Tôi muốn gợi sâu hơn nữa vào đời tư của chị, mà tôi biết mẹ chẳng bao giờ tự nhiên nói ra, nếu như không chộp lấy cơ hội.
Có với người chồng cũ.
Vì sao lại bỏ?
Thì đẹp và hát hay, có chồng rồi nhưng tiếng hát không ngừng được, sống giữa làng quê mà bao giờ cũng cất lên tiếng hát, trai làng dòm ngó, cả làng khó ngủ vì tiếng hát thì ít vì vẻ đẹp thì nhiều, nên nó cấm.
Cấm gì?
Cấm hát.
Bị cấm hát, vì sao phải bỏ chồng?
Có thứ cấm được, có thứ không, như mày và bố mày cấm nghe tiếng hát có chịu được không?
Tôi lặng im không nói gì nữa, đàn bà bao giờ họ cũng có lý, bất kể điều gì, trái tim họ nhiều nhạy cảm và dự cảm, cả những linh cảm xa xôi, nên họ luôn luôn đúng.
Chị ra đây để được hát ư?
Cũng là thế, nhưng còn để cho nhiều người khỏi dòm ngó, đàn bà cũng cần chốn yên ổn.
Chị đã yên ổn, còn tôi và bố thì không.
Đêm đêm ông vẫn nằm đập muỗi trong cái màn đã ố vàng, khi các ngọn đèn đã tắt, chỉ còn ánh sáng từ căn buồng của tôi. Ông đập muỗi bằng bàn tay không chủ đích, bằng cặp mắt u tối, không còn thấy ánh sáng; ông đập bằng cảm giác; tiếng muối vo vo ông cứ thế định lượng mà bộp; tôi thấy những tiếng bộp vang lên nhiều và vô hồn lắm; không biết một đêm ông đập được bao nhiêu con, chỉ biết mẹ đã băm rau xong, vào một căn buồng khác nằm thở trằn trọc, tiếng đập muỗi của ông vẫn vang lên, kể cả khi tiếng hát kia ngừng không còn chảy nữa, dòng sông cũng chảy về lưng trời, tiếng rì rì của nó như ở một cõi xa xăm nào đó, chỉ còn tôi vẫn ngồi bên bàn học, chăm chú vào từng con chữ, nó cũng nhảy nhót khỏi đầu tôi, vẽ lên hình thằng cu tí, với dáng đi lũn tũn, vượt qua con đường lau sậy ngập lút đầu người lon ton theo mẹ nó.
Một buổi chiều, thằng cu tí không chỉ về cùng mẹ. Tôi nhìn thấy một người đàn ông da rám đen, quần áo cáu cạnh, bắp tay anh ta to và thô, cặp chân cũng thô, hai mắt híp, chiếc mũi to và lưỡng quyền cao, mẹ nó đi sau cùng, thằng bé đi giữa và anh ta phăm phăm đi đầu tiên. Tôi thấy chị cười, một nụ cười tươi tắn vào buổi chiều, khi những tia nắng xiên khoai đỏ ối kéo qua bờ sông chiếu vào từng đám lau sậy làm hắt lên một màu đỏ ánh, nhuộm làn tóc chị, khuôn mặt chị, khiến nó ngời lên một vẻ đẹp lạ thường, bất giác tôi nghĩ đến cú lia ngược sáng của một nhiếp ảnh gia, anh ta bắt đúng khoảnh khắc thần kỳ của ánh sáng và quét một đường máy để chớp đúng thời cơ ngàn năm có một đó, cho ra một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời, đôi khi nó đạt đến đỉnh cao, là nhờ sự may mắn hiếm hỏi hơn là sự lao động nghiêm túc cầu thị.
Ánh mắt chị ngời lên, tôi biết chị hạnh phúc. Thằng bé ton ton đôi chân nhanh hơn mọi ngày, dù nó về vào buổi chiều, trên tay nó một gói kẹo xanh đỏ, và nó đang đưa tay lên mút lấy mút để bàn tay dính đầy vị ngọt, với vẻ cũng mãn nguyện vô cùng như mẹ nó. Chỉ có người đàn ông là không bộc lộ cảm xúc. Anh ta cúi đầu đi như tránh lau sậy; anh ta hơi nhíu mày như khó chịu khi một cành lau vô tình quệt ngang mắt; anh ta tránh ánh mắt lé sang từ những của sổ của ngôi nhà cỏ lau khác; anh ta lặng lẽ đi, không hề bộc lộ cảm xúc.
Bố ngẩng mắt nhìn lên, hơi chững người, rồi cúi xuống với mấy mét lưới đang đan dở chuẩn bị cho mẻ cá mới đêm nay.
Ai thế nhỉ, không biết chừng…
Mẹ ngừng tay với nắm rau băm dở. Bà nói rồi để nửa chừng, không nói thêm nữa, mà lặng lẽ nhìn bố rồi đi vào buồng lấy gạo, chuẩn bị cho bữa tối, trước khi bố con tôi ra sông vào đêm nay.
Đêm đó, tôi không nghe thấy chị hát. Đêm đó, khúc sông này gió như to hơn, giun dế cũng không còn mở hội và tiếng nước chảy nghe chừng dữ dội.
Đêm đó, ánh đèn vàng nhà tôi như hắt tia không xa, không thể xuyên qua được cánh đồng lau sậy đến sân nhà chị. Đêm đó, cả xóm lau chìm trong màu đen tĩnh mịch. Chỉ có tiếng bố con tôi thì thụp, chỉ có tiếng lách cách của những móc lưới va vào nhau trên đoạn sông vắng, khi bố con tôi cố gắng một mẻ cuối cùng trước khi tôi về, để kịp đi học vào sớm mai.
Đêm đó, chị và thằng cu tí chắc ngủ ngon.
Những đêm sau tôi cũng không nghe thấy chị hát nữa, dù có đêm, vì tò mò, tôi ra chỗ đất cao nhất nhà mình, nhìn qua đám lau sậy, nhòm sang bên ấy, để xem còn ánh đèn không, hay một sự sinh hoạt bình thường nào đó, để thấy sự tồn tại của họ, những con người xung quanh ta mà ẩn hiện, mà rời rạc, không liên kết, để ta sống giữa đời sống mà vẫn thèm, thèm hơi hướng của con người. Nhưng tuyệt nhiên không thấy. Gió ngoài bờ sông vẫn thổi, cánh cửa nhà chị khép chặt như chưa bao giờ được mở ra, và chưa bao giờ ở nơi đó lại có ánh đèn vàng vào những đêm khuya khoắt như để tương thích với ánh đèn vàng nhà tôi, và từ nơi đèn vàng đó cất lên tiếng hát đầy say sưa và quyến rũ, tựa như nghìn đời nay con người mới được tự do ca hát, như hát ca vốn là bản năng thiên bẩm của loài hoạ mi, như ca hát đã ngấm vào tâm hồn chị và chị đến giữa bãi bờ, sống giữa bạt ngàn lau sậy là để được hát ca vậy.
Tiếng hát giờ đây đã bị trói lại. Không hiểu sao tôi hình dung thấy con chim hoạ mi mỏ vàng lông mượt nhảy nhót trên cành, cất lên tiếng hót để dụ dỗ những chị chim cái lẳng lơ, bỗng nhiên bị buộc chân và buộc mỏ một cách tàn nhẫn, nó cố vươn người để chu cao tiếng hót, nó cố vươn mỏ dài để kêu cứu giải thoát sự đau thương.
Nhiều ngày sau, nhà đó vẫn đóng cửa thường xuyên. Hơn mười ngày sau, nhà đấy vẫn im ỉm không một ánh đèn.
Và bố không còn đập muỗi hằng đêm trong lơ đãng, mà ông thở dài. Tôi vẫn ngồi học bài trong căn buồng nhỏ, nhưng ánh đèn vàng không vẽ lên hình thằng bé lũn cũn vào mỗi sớm mai, mà vẽ những khuôn mặt người nham nhở các hình thù kỳ quái của những tam giác, tứ giác, đa cạnh, nguệch ngoạc mà không hề vô tổ chức. Bức tranh lập thể được vẽ lên đầy những mặt người gớm ghiếc, những chiếc răng nanh thò dài nhe ra, miệng đỏ lòm nhỏ ra những giọt máu tươi, những chân răng bị gẫy lỗ chỗ những vết đen sâu hoắm. Bức tranh được vẽ hãi hùng, làm tôi hét lên. Mẹ lật đật chạy ra, đập liên tiếp vào người, vào đầu tôi, rồi lấy chăn trùm lên gáy, bởi dầu đèn loang khắp mặt mũi, lửa đã bén đến chiếc áo tôi đang mặc trên người.
Một cơn mơ hãi hùng và lửa thật…
Nhưng đêm sau nữa, bất ngờ tôi lại nghe tiếng hát. Con chim hoạ mi bị cầm toả giờ lại trở về vùng trời của nó ư, bất giác tôi nghĩ, và lòng không khỏi chộn lên niềm vui, tôi lại đợi những điệu buồn mênh mang, giọng hoà vào sông nước, như một phần âm thanh của tự nhiên, của gió trời, của mưa bão. Giọng chị thật đặc biệt, và dường như không phải đang mô phỏng tiếng của gió trời, mà thiên nhiên phải mô phỏng âm thanh của tiếng hát con người. Giọng cao và trong vút lại cất lên, mênh mang một vùng rộng lớn, len lỏi vào từng cọng lau, len vào từng cọng tóc, làm da đầu tôi dựng đứng lên.
Người ơi hoá kiếp phong trần
Làm thân con én có lần gặp nhau…
Bài hát quen thuộc, tôi vẫn nghe chị hát từ dạo trước. Bài hát mỗi lần chị hát lên, mẹ thường thở dài bỏ vào căn buồng, dù tiếng băm dở của con dao chưa chạy đến được thân rau đi nữa, tôi biết, là mẹ nghĩ đến một đời dằng dặc của mình, là mẹ nghĩ đến bãi lau sậy cùng mênh mang đầm phá, là mẹ nghĩ đến con sông mùa nào cũng có cá để bố con tôi phải vắt trần đan lưới và đi giăng; là mẹ muốn hết lau, muốn hết những đêm trăng, muốn hết những bãi bồi, hết tiếng bìm bịp kêu đêm, hết những khúc chảy rì rì như báo hiệu còn nước, để bố con tôi không phải đốt đèn vàng, không đập muỗi, không còn phải trăn trở đêm nay mấy giờ thì ra gỡ lưới, không thở dài đưa tay đập vào không trung cùng gió đồng mà chẳng bao giờ gặp một con vật hút máu nào.
Nhưng lần này, tôi nghe thấy giọng người đàn ông vang lên ngay sau đó. Người là thằng nào. Cô còn tơ tưởng đến nó à, khôn hồn thì khai ra. Giọng ca im bặt, và không một động tĩnh gì từ nhà bên đó nữa, cửa nhà họ lại tiếp tục đóng im ỉm, họ đã chìm vào đêm tối, nhắc nhở tôi cũng nên chìm vào bóng đêm.
Rồi đêm nữa, giọng buồn xa vắng lại cất lên, giữa tiếng lách cách nhà ai kéo lưới ngoài sông xa, trăng sáng lắm, vằng vặc soi trên cao, dát một màu bạc đổ tràn xuống đồng lau sậy.
Chim trời cá nước bay đâu
Để em buồn nhớ, ôm sầu anh ơi…
Bốp, bốp. Tiếng to hơn tiếng bố vỗ muỗi hàng đêm trong màn mỗi đận. Cùng đó là tiếng gầm: Ai là cá, ai là chim, khai mau. Mày có chồng rồi còn tơ tưởng thằng nào, mày không dám công khai, phải hát lên để nhắn nhủ nó à, thằng nào ở bờ sông, ở bãi lau đang đợi mày?
Tôi thấy chị khóc, tiếng khóc nấc lên thổn thức, như đau đớn; nỗi đau của thân xác chẳng thấm chi với nỗi đau của lòng người. Người đàn bà ngoài ba mươi thổn thức trong niềm đau bị cầm toả, bị cắt ngưng tiếng hót, tiếng khóc mới đau đớn làm sao.
Bố thở dài thườn thượt. Mẹ đế theo, hát hay đúng là kiếp hoạ, đời người có khi nào có những kiếp hoạ dở hơi?
Và từ đó tiếng hát chị cũng ngưng.
Tôi học xa về, mẹ áo não bảo, đi rồi, đúng là hồng nhan, tài hoa thì bạc mệnh.
Đi đâu?
Đi xa lắm, chẳng ai rõ, chắc lại tìm đến bờ sông, bến bãi nào đó để được tự do hát ca. Tao không biết hát cũng khổ mà giờ thấy biết hát càng khổ hơn, phận đời người ai ơi, chắc biết thế nào?
Đi xa lắm, chẳng ai rõ, chắc lại tìm đến bờ sông, bến bãi nào đó để được tự do hát ca. Tao không biết hát cũng khổ mà giờ thấy biết hát càng khổ hơn, phận đời người ai ơi, chắc biết thế nào?
Đi với ai?
Đi một mình chứ với ai.
Thế còn gã đàn ông dạo nọ?
Bỏ nhau rồi, ai chịu được con người như thế, mà không chuyển đi nó cũng về quấy nhiễu, cái thằng trời đánh, ai đánh nó mà nó đánh người ta, ai cấm nó, mà nó cấm người ta?
Đi đâu? Tôi hỏi dồn dập, hỏi như thể sợ mẹ sẽ trả lời không biết, hỏi như thể sợ mẹ quên mất tôi đang cần biết, hỏi như là sự truy lùng cật vấn, như sợ mẹ chợt nghĩ ra điều gì sâu xa từ ánh đèn vàng nơi cửa sổ bằng lau nhà tôi mỗi khi tôi ngồi học bài, hay tiếng muỗi bay vo ve thì ít mà tiếng thở dài ngao ngán của bố tôi thì nhiều, bà sẽ im bặt lại không nói gì nữa…
Đi đâu?
Thì đi đâu có bờ lau, bãi sậy, có khúc sông, cánh đồng, có không gian rộng lớn, có thiên nhiên, cỏ cây vô tri mà hát chứ sao, hát giữa kiếp cây thì dễ, hát giữa kiếp người mới khó chứ sao?
Chị đi đâu, chị lại đi đâu, đi tìm tiếng hát của mình ư? Nó đã bị đánh rơi và đánh cắp, hay đi tìm chính thân thể chị, để trả về với đúng nỗi đam mê của người đàn bà biết hát và chỉ hát ấy, còn gì vui hơn là cất cao tiếng lòng?
Bao đêm, tôi lại ngồi vào chỗ đó, để nghe ánh đèn giọi vào đêm vắng mà biết chắc, phía bên kia đồng lau sậy, không còn ai thức cùng tôi để cất lên tiếng hát, con đường mòn dẫn sang đó, cỏ lau đã che hết lối, thằng bé lũn cũn về đâu? Âm thanh tiếng hát về đâu?
***
Cánh đồng lau mỗi trận gió về lại rạp mình theo hướng gió. Mùa hái bông, tôi bị lút vào một vùng rộng lớn, mênh mông, mẹ phải hú lên gọi ở đâu, để bà vạch đường, lôi tôi từ đám cây rậm rạp.
Chọn những chỗ bông tốt, mới cho ra được cái chổi bền và đẹp.
Làm sao biết được chỗ nào có bông tốt mẹ ơi?
Chỉ tay về hướng những bông trắng li ti cuộn tròn, chốc chốc lại xoay tít trên cao, bà bảo, Nếu thấy bông bay về phía mình thì cứ lần ngược theo hướng gió mà đi.
Tháng mười, sậy đã chín nhiều vô kể. Tôi vẫn lần ngược theo hướng gió tìm lau…
—Bảo Thương
Gửi ý kiến của bạn