Hôm nay,  

Làm Thế Nào Để Có Đủ Vitamin D?

06/10/202300:00:00(Xem: 2567)
vitamin
Vitamin D là loại thuốc bổ phổ biến nhất trên thị trường. Nhưng tại sao chúng ta cần vitamin D? Và tại sao những lời khuyên về cách bổ sung vitamin D lại trái ngược nhau đến vậy? (Nguồn: pixabay.com)
  
Vitamin D là chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Nó giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ chức năng cơ bắp và miễn dịch. Nhưng hầu hết mọi người trên thế giới đều bị thiếu vitamin D, khiến cho nó trở thành loại supplement phổ biến nhất trên thị trường.
 
Tất cả những gì cơ thể chúng ta thực sự cần để tạo ra vitamin D là ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 25% người dân Hoa Kỳ và khoảng 40% người Châu Âu bị thiếu vitamin D. Vấn đề này cũng rất phổ biến ở các khu vực vốn có nắng dư dả như các nước Trung Đông, Châu Á và Australia.
 
Vitamin D đã trở thành tâm điểm của một nghịch lý về sức khỏe trong thập niên qua. Các nhà nghiên cứu chưa thể thống nhất về lượng vitamin D cần thiết tốt nhất cho sức khỏe, mức độ nào thì được coi là thiếu hụt hoặc những lợi ích nào – nếu có – mà các sản phẩm supplements mang lại, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi và những người khỏe mạnh.
 
Lời khuyên về cách bổ sung vitamin D cũng có nhiều mâu thuẫn. Ánh nắng mặt trời là nguồn tốt nhất, nhưng chúng ta lại được khuyên nên che chắn để tránh ung thư da. Rồi người ta lại khuyên nên có một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin D, trong khi hầu hết các loại thực phẩm không chứa đủ lượng vitamin D cần thiết.
 
Dưới đây là những điều cần biết về vitamin D và về những lời khuyên mâu thuẫn.
 
Vitamin D có ảnh hưởng gì và không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
 
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thức ăn, giúp cho xương chắc khỏe và ngăn ngừa chứng loãng xương, một căn bệnh khiến xương trở nên mong manh hơn và mật độ xương loãng hơn. Vitamin D cũng bảo vệ chúng ta khỏi những tình trạng nghiêm trọng hơn như mềm xương (osteomalacia hay bone softening), và bảo vệ trẻ em khỏi bệnh còi xương (rickets), một căn bệnh khiến xương yếu, chân cong và các chứng biến dạng xương khác ảnh hưởng nhiều đến trẻ em gốc da đen.
 
Theo National Institutes of Health’s Office of Dietary Supplements, vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển động của cơ, liên lạc giữa các dây thần kinh cũng như khả năng phòng vệ miễn dịch chống lại các loại vi khuẩn và vi rút.
 
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều trị với vitamin D có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tiểu đường type 2, rối loạn nhận thức và bệnh tim mạch, cùng các bệnh mãn tính, tự miễn dịch và truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều được đánh giá là hầu hết những lợi ích đó đều không thuyết phục hoặc không đáng kể.
 
Trong cả năm 2014 và 2021, U.S. Preventive Services Task Force đã khuyến nghị không nên sàng lọc dân số chung về tình trạng thiếu vitamin D, với lý do là không đủ bằng chứng hỗ trợ.
 
Ai có nguy cơ bị thiếu vitamin D? Các dấu hiệu là gì?
 
Bất cứ ai cũng có thể bị thiếu vitamin D, nhưng một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ của quý vị.
 
Khi quý vị càng lớn tuổi, da của quý vị càng mỏng đi và sẽ càng khó sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Sản lượng sẽ giảm khoảng 13% sau mỗi thập niên.
 
Henry Lim, bác sĩ da liễu của Henry Ford Health, cho biết những người có làn da sẫm màu thì hơn có nhiều sắc tố melanin hấp thụ các tia UV cần thiết cho quá trình sản xuất vitamin D (nhiều hơn một chút thôi), vậy nên theo lẽ tự nhiên thì da họ tạo ra ít vitamin D hơn. Một số ước tính cho thấy làn da sẫm màu có hiệu quả tạo ra vitamin D kém hơn khoảng 90% so với làn da sáng màu hơn.
 
Vì vitamin D được lưu trữ trong chất béo nên một số loại bệnh hạn chế sự hấp thụ chất béo, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) và bệnh celiac, cũng như các thủ thuật để giảm cân như phẫu thuật nối tắt dạ dày (gastric bypass), có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D.
 
Tương tự, những người mắc bệnh béo phì cần lượng vitamin D nhiều hơn từ 2 đến 3 lần so với người bình thường, vì cơ thể họ dự trữ nhiều vitamin D hơn trong các tế bào mỡ, khiến cho lượng vitamin D lưu thông trong máu thấp hơn. Vậy nên, khi tỷ lệ béo phì gia tăng trên toàn thế giới, tình trạng thiếu hụt vitamin D cũng sẽ tăng theo.
 
Những trường hợp khác có nguy cơ thiếu vitamin D là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, những người sống ở các vĩ độ phía bắc nơi có ít ánh nắng mặt trời hơn, và những người dùng một số loại thuốc để điều trị các bệnh như AIDS và động kinh. Cơ thể biến vitamin D thành dạng hoạt động thông qua một quy trình hai bước, bắt đầu ở gan và kết thúc ở thận; vì vậy, bất kỳ ai mắc các bệnh ở một trong hai cơ quan này cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn.
 
Tình trạng thiếu vitamin D được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, và thường không gây ra triệu chứng. Nhưng một số người bị thiếu vitamin D nặng có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức xương và yếu cơ.
 
Làm thế nào để lấy vitamin D từ ánh nắng mặt trời?
 
Hai loại tia cực tím chiếu tới bề mặt Trái Đất và xuyên qua da của chúng ta là UVA và UVB. UVA chủ yếu gây sạm da và lão hóa da, trong khi UVB có liên quan đến cháy nắng và sản xuất vitamin D. Cả hai đều có thể gây ung thư da.
 
Bác sĩ Lim cho biết, đối với những người có làn da sáng màu hơn, phơi nắng ba lần một tuần, mỗi lần từ 10 đến 20 phút, được coi là đủ để cơ thể bổ sung lượng vitamin D cần thiết. Những người có làn da sẫm màu thì cần thời gian tiếp xúc lâu hơn khoảng ba đến năm lần để có thể tạo ra cùng một lượng vitamin D.
 
Nhưng những khuyến nghị chung này phụ thuộc rất nhiều vào mùa, thời gian trong ngày và khu vực.
 
Các nghiên cứu cho thấy quá trình sản xuất vitamin D chủ yếu diễn ra trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi mặt trời ở trên cao nhất. Vào buổi sáng sớm, chiều muộn và mùa đông, góc của mặt trời tăng lên khiến tia UVB phải đi một quãng đường xa hơn qua tầng ozone, khiến chúng bị hấp thụ bớt khá nhiều.
 
Mây, cửa sổ và các chất trong không khí như ozone và nitơ dioxide cũng hấp thụ tia UVB, làm giảm lượng tia UVB chiếu vào da và làm giảm sản lượng vitamin D.
 
Kem chống nắng từ lâu đã được cho là có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất vitamin D của da. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới hơn đã phát hiện ra không phải ai cũng như vậy.
 
Và nhiều người không bị thiếu hụt vitamin D bởi những lời cảnh báo về ung thư da ngày càng nhiều, khiến mọi người phải tránh ra ngoài nắng.
 
Trên thực tế, American Academy of Dermatology cho biết người trưởng thành không nên bổ sung vitamin D bằng cách ra ngoài phơi nắng hoặc tắm nắng indoor tanning, mà thay vào đó mọi người nên sử dụng các loại thực phẩm “giàu vitamin D tự nhiên” hoặc được tăng cường vitamin D. Vấn đề ở đây là không có nhiều loại thực phẩm như vậy tồn tại.
 
Tại sao chúng ta không thể bổ sung đủ vitamin D từ thực phẩm?
 
Monique Richard, chuyên gia dinh dưỡng và là phát ngôn nhân của Academy of Nutrition and Dietetics, cho biết thực phẩm nghèo nhất là vitamin D.
 
Nguồn vitamin D tự nhiên tốt nhất là các loại cá béo như cá trout, cá ngừ, cá hồi và cá thu, cũng như dầu cá và các loại nấm đã tiếp xúc với tia UV. Tiếp theo là lòng đỏ trứng, phô mai và gan bò.
 
Bởi vì hầu hết mọi người không ăn đủ những thực phẩm này mỗi ngày, nên một số sản phẩm như sữa, ngũ cốc, nước cam và sữa chua cũng như các sản phẩm thay thế từ thực vật như đậu nành, hạnh nhân và sữa yến mạch, được bổ sung thêm vitamin D ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Anh và Phần Lan.
 
Nhưng vậy vẫn chưa đủ. Thí dụ, mỗi ly sữa được bổ sung khoảng 120 IU vitamin D, tương đương 3 microgam. Người dưới 70 tuổi sẽ phải uống khoảng 5 ly sữa mỗi ngày – hoặc ít nhất phải ăn các thực phẩm khác như một chén ngũ cốc và cá hồi vào bữa tối – thì mới đáp ứng được lượng bổ sung tối thiểu hàng ngày được khuyến nghị là 600 IU (15 mcg) để ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin D, theo Endocrine Society. (Người cao niên trên 70 tuổi nên bổ sung ít nhất 800 IU, hoặc 20 mcg vitamin D mỗi ngày.)
 
Vậy… làm sao để bổ sung đủ vitamin D?
 
Vitamin D dễ tiếp cận hơn mọi người vẫn nghĩ.
 
Muốn bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết, ta cần sự cân bằng giữa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hợp lý, chế độ ăn giàu vitamin D và supplements phù hợp. (Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý tức là ở dưới bóng râm, mặc quần dài áo khoác, và bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.)
 
Nếu chọn các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung vitamin D, hãy đảm bảo quý vị không lạm dụng chúng. Dư thừa vitamin D quá mức có thể gây buồn nôn, yếu cơ, lú lẫn, nôn mửa và mất nước. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây sỏi thận và suy thận, rối loạn nhịp tim và tử vong.
 
Tình trạng nhiễm độc vitamin D sẽ không xảy ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì làn da của quý vị tự hạn chế lượng vitamin D nó tạo ra.
 
Quan tâm nhiều hơn đến vitamin D chẳng có hại gì, nhưng nếu quý vị hiện đang không bị thiếu hụt vitamin D, thì cố bổ sung thêm cũng chẳng có tác dụng gì mấy. Đủ là tốt, và dư thừa không phải lúc nào cũng tốt hơn.
 
Cung Đô sưu tầm
Nguồn: “You probably aren't getting enough vitamin D—here's what the experts say” của Katie Camero, được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thử tưởng tượng rằng chỉ cần uống một viên thuốc là quý vị sẽ tràn trề năng lượng, da dẻ mịn màng, và tim mạch khỏe re? Các viễn cảnh hấp dẫn này vẫy gọi mãnh liệt mỗi khi chúng ta dạo quanh qua các quầy hàng bán các loại thực dược phẩm bổ dưỡng trong hiệu thuốc, từ các loại viên uống dầu cá (fish oil), bột collagen (collagen powder), kẹo bổ sung ma-giê và muôn hình vạn trạng các loại vitamin.
Hơn một thập niên từ sau cái chết bất ngờ của mẹ, Sehrish Sayani mắc chứng rối loạn tâm thần hậu chấn (PTSD). Suốt những năm đó, những cơn hoảng loạn dữ dội nhất đã giảm dần, nhưng các triệu chứng như nghi ngại thái quá (hypervigilance), trở nên đặc biệt nhạy cảm với một số yếu tố và những giấc ngủ chập chờn đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của cô.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.