Tôn giáo
Một lần đó, bà Khanh đi họp họp đồng hương để tổ chức tết sắp đến. Bà về tới nhà, ông liền hỏi bà:
Một lần đó, bà Khanh đi họp họp đồng hương để tổ chức tết sắp đến. Bà về tới nhà, ông liền hỏi bà:
– Thế nào, họp hành có vui không? Có ăn uống không? Có gì mới không? Này có những ai tới vậy?
– Đông lắm, vui lắm, ồn ào như cái chợ vỡ… tôi cũng không nhớ gì cả.
– Ô hay, thế bà đi họp làm gì? Gặp những ai?
– Có bà Lan, bà Thanh, ông Toàn, ông Cát… nói lung tung con cà con kê.
– Bà không hiểu họ nói gì ư? Họ nói tiếng Việt đấy chớ?
– Không nói tiếng Việt thì nói tiếng gì, tôi không chú ý mấy.
– Rõ là bà không trân trọng bạn bè, và không trân trọng sự hiện diện của người bên cạnh.
– Còn hơn ông không đi.
– À tôi không đi họp là một lẽ khác. Nhưng thôi bà mệt vì ồn ào, bà đi uống ly nước, rồi nghỉ mệt, rồi ra đây tôi kể cho bà nghe một câu chuyện, câu chuyện này có lẽ bà sẽ thấy hay và vui và đáng chú ý. Tôi đoan chắc là nghe xong chuyện, bà sẽ không nói là bà chẳng nghe thấy con cà con kê gì cả.
***
Truyện như vầy: khi xửa khi xưa có một nhà hiền triết như một ẩn sĩ, ngài có năm, mười, gì đó, người đệ tử, xin cùng tu học đạo. Họ, tất cả họ sống quanh quẩn trong rừng, theo một triền núi thoáng đãng, rộng mênh mang, đói thì ăn rau rừng, hoa trái cây, khát thì vào khe suối trong kiếm nước uống. Họ tập thiền định cùng nhau bên nhau và xem trọng sự có mặt của nhau bên nhau mỗi ngày. Số lượng học trò tu của vị hiền triết tăng dần lần theo ngày tháng, lên hàng 100, rồi hàng 1000 người.
Một hôm kia, có một nhà quý tộc trong vùng đến gặp họ, đảnh lễ và mời họ về gia trang rộng lớn của ông mà tu tập, ông muốn kết duyên lành với những người tu học và cũng muốn tránh cho họ khỏi cảnh mưa gió, bão, rắn rít, muỗi mòng. Thầy trò họ về gia trang sang trọng tu tập và được đối đãi rất tử tế, bội hậu. Nhưng rồi một ngày kia, có một người học trò thưa với vị hiền triết là họ muốn về với cảnh núi rừng như trước. Mấy hôm sau nữa, lại có thêm học trò thưa trình muốn về và quyết chí về về với rừng, núi thiên nhiên. Vị hiền triết còn ở lại vì cảm cái ơn thọ nhận to như núi tu di của người hảo tâm, mặc dù học trò của ngài đã về rừng và vẫn ở chốn đó chờ thầy.
Rồi một ngày kia, thầy thiếu học trò, mỏi mệt và ngả bệnh. Người phú hộ có ý đi tìm một thầy thuốc giỏi về trị bệnh cho ông. Nhưng vị hiền triết xua tay cám ơn lý rằng bệnh của ông không phải bệnh thời khí, mà là tâm bệnh, thì khỏi mất công đi tìm Hoa Đà Biển Thước, chỉ có một cách là ông trở về với núi rừng, với đệ tử của ông. Ông thiếu vắng thiên nhiên phong quang tịch mịch và nhất là ông thiếu vắng sự hiện diện của những học trò đang chờ đợi ông.
Người phú hộ phải để ông ra đi và sau đó ông tự nhiên mà khỏi bệnh, ông cám ơn người quý tộc và xin thưa thực sự là vật thực thọ dụng hằng ngày nhiều, ít không quan trọng, quan trọng là đám học trò đệ tử đang chờ ông ở ngoài xa kia.
Thưa rằng, truyện kể ấy chính là Như Lai kể, và Như Lai đã kết luận rằng: Khi xưa trong một tiền kiếp, và trong những kiếp sống về sau, Như Lai và các đệ tử đã kết duyên lành gặp gỡ và hội ngộ. Như Lai xác quyết rằng: « Sự có mặt của các đệ tử là niềm hạnh phúc của Như Lai và Như Lai cũng là hạnh phúc của các trưởng lão đệ tử của ngài. »
Rồi sau một mùa an cư kiết hạ, các đệ tử tìm về gặp Như Lai. Như Lai đã về trước, ngồi yên tĩnh, dưới cội cây bồ đề, đợi các thầy về thưa trình truyện tu tập tinh tấn trong mùa an cư ra sao. Các thầy tỳ kheo về từ từ, 10 người, 100 người rồi nhiều nhiều hơn nữa, yên bình vui vẻ ngồi quây quần vòng quanh Như Lai.
Thầy trò yên bình ngồi bên nhau từ buổi chiều ngày hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau, thầy có mặt cho trò, các trò có mặt cho thầy, đến một lúc, ngài A Nan mới trình rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn, các vị tỳ kheo đã về đông đủ từ chiều hôm qua, đang đợi ngài, Thế Tôn nói gì đi.
– Này A Nan, A Nan muốn Thế Tôn nói điều gì?
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nói gì về trí tuệ, đạo đức… Thế Tôn cứ nói gì đi.
Ngài nhìn A Nan:
– Này A Nan,Thế Tôn ngồi đây, các đệ tử cũng ngồi ở đây, chúng ta đầy đủ có nhau, hiện diện cho nhau, vậy đã quá hạnh phúc, quá viên mãn rồi. Cần gì phải nói nữa.
A Nan vô cùng xúc động vì cảm nghĩ được thầy trò đã có mặt cho nhau, có mặt trong tâm linh, gặp gỡ nhau trong tâm linh giác ngộ, đó là hạnh phúc vô ưu. Cần gì phải nói! Chư Phật dậy rằng ngồi bên nhau, quanh nhau, và cảm nhận được sự hiện diện của đạo hữu mình là đầy đủ sung sướng, cần gì phải nói, nhất là nói nhiều. Nói nhiều điếc tai, đau tai, khi nói nhiều có khi sẽ quên mình vừa nói gì.
***
Thầy Thích Minh Thiền đã giảng quá rõ điều này trong buổi nói chuyện: “Ta còn đó cho nhau”. Cuộc sống luôn xô đẩy về phía trước, người mà ta gặp hôm nay, chưa chắc ta sẽ gặp họ ngày mai. Có thể tuần lễ sau, hay 5, 10 năm sau mới gặp lại, có thể không bao giờ, nếu có duyên gặp lại, cũng trong một hoàn cảnh khác, môi trường khác, vậy gặp ai đó thân, sơ, bằng hữu, đạo hữu thầy khuyên là phải chú ý và trân trọng sự có mặt bên nhau.
Thường ngày, cuộc sống phức tạp và xô bồ, làm ta vô tâm, bạn ta đó, đến tìm ta, ở cạnh ta muốn tâm sự một điều gì, nhưng ta vừa nghe bạn nói vừa bấm điện thoại riêng, xem như không công nhận sự hiện hữu của nhau. Vô ý tứ, đáng bị phạt, vì ta chỉ có ở đó có cái xác thôi, hồn vía đi đâu xa thật xa!
Ta thờ ơ với bằng hữu, với huynh đê, với cha mẹ ư?
Chuyện đó xẩy ra thường, cha mẹ chờ mong con mà con còn mải mê tìm kiếm, hẹn lần hồi. Có lúc con trở về thì hoặc cha hoặc mẹ đã ra đi mãi mãi. Rồi đi kiếm bông hồng cài áo ư? Thầy Nhất Hạnh từ chối đấy! Thầy buồn. Huynh đệ, bạn hữu cũng vậy. Cuộc đời không báo trước một điều gì cả, cũng không ai ở đó mà đợi chúng ta mãi mãi đâu!
Thầy khuyên có lúc nào được ở bên nhau hãy trân quý và cho nhau hoàn toàn một lúc ngắn ngủi đó. Một triết gia từng nói: Không ai tắm hai lần ở cùng một dòng sông. Quá đúng, nước sẽ trôi đi và bờ hai bên, bên lở bên bồi nhiều thay đổi lắm. Được tắm ở đó lúc nào ta đẫm mình mà tận hưởng dòng nước mát vì chỉ mát có một lần. Thầy dậy và xin thưa là tôi đang lặp lại mà thôi.
Thói thường, ít người ít nói, nhiều người lắm lời lắm điều lắm. Buổi tối, cứ ngồi coi TV. Người thông tin, chỉ thấy họ nói và nói không ngưng. Họ tranh nhau nói, nhứt là khi có một vấn đề gì cần bàn cãi hay điều hợp. Hình như họ muốn cãi lộn và nói ngang bướng, có lúc bất cần lý lẽ và sự có mặt của đối phương, nhưng kệ đi, đó là nghề kiếm ăn của họ. Còn chúng ta, những người thân thuộc, chủng tộc thân thuộc hay bồ đề thân thuộc, chúng ta sống cùng nhau, thầy, tổ dậy chúng ta: Nên công nhận sự có mặt bên nhau vì chúng ta đứng cùng nhau trên một dòng sông sinh mệnh.
Không thờ ơ xem thường người đối diện và người xung quanh.
Khi ở bên nhau, hãy có mặt trọn vẹn với nhau. Vì sao ư? Vì ngày mai tôi lại gặp người mới. Người cũ, tôi sẽ không chắc gặp lại, người mới, rồi sẽ thành người cũ, và không ai ở mãi đó chờ tôi đâu. Người sẽ đi qua, ngày sẽ đi qua, những năng lực sống tích cực sẽ đi qua, đi qua không trở lại. Tất cả sẽ qua đi vì ta thờ ơ với sự sống, với người bên cạnh, vậy ta rải tâm tư vào đâu và cho ai, ai cho ta?
Như Lai và ngài A Nan luôn luôn dậy dỗ chúng ta từ nhiều tiền kiếp xa xưa rằng: Nên trân quý giây phút bên nhau và hiện hữu bên nhau thì tâm từ bi sẽ rải đều như năng lượng sống tích cực, như mưa sa xuống trần thế, như nước cam lồ tưới đều từng ngõ ngách cuộc nhân sinh.
A Di Đà Phật.
Xin thành tâm tri ân thầy Thích Minh Thiền.
– Chúc Thanh
(Paris, mùa Vu Lan 2023)
Gửi ý kiến của bạn