LTS: Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang.
Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến.
Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
***
Chủ Nhật 13/8 vừa qua, thành phố Montreal chúng tôi nhộn nhịp sắc cầu vồng. Đó là cuộc diễn hành hàng năm lần thứ 17 của cộng đồng đồng tính. Có cả thảy 15.500 người tham gia, không kể hàng ngàn khán giả bên đường. Bà Thị Trưởng Valerie Plante cùng tất cả đại diện các đảng phái đều hiện diện đầy đủ. Không có mặt có mà mất phiếu bầu! Ông (bà?) Simon Gamache, chủ tịch tổ chức đồng tính Montreal Pride tuyên bố: “Tại sao chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay?
Trước hết, vì chúng tôi tự hào chúng tôi là ai, và chúng tôi muốn chứng tỏ với mọi người chúng tôi là ai. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn đánh dấu cuộc đấu tranh và chiến thắng của chúng tôi trước đây, nhưng đặc biệt vì vẫn còn nhiều bất công đối với cộng đồng LGBT chúng tôi, ở đây cũng như ở những nơi khác”. Một dân đồng tính, ông/bà Rhuys Forgie cũng phát biểu: “Một khi tôi chấp nhận tôi là ai, cả thế giới rộng mở trước tôi. Và nói thiệt, tôi cảm thấy vui sướng hơn bao giò hết. Chúng tôi phải cho thế giới biết chúng tôi có mặt, chúng tôi tự hào và chúng tôi hạnh phúc”.
Không hiểu sao họ có mặt đông đảo như vậy. Trước đây có thấy mặt mũi ông bà nào đâu. Họ chỉmới ra công khai vào năm 1973 khi Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ (American Psychological Association) không còn coi đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần nữa. Tiếp đó, Hiệp Hội Tâm Lý Học Mỹ cũng kết luận tương tự vào năm 1975. Ngày 17/5/1990, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO cũng đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Bốn năm sau, năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh. WHO xác định đó là một xu hướng tính dục, theo đó một người có cảm xúc yêu đương và ham muốn với người cùng giới tính. Tại Việt Nam, mãi tới năm 2022, Bộ Y tế mới có công văn số 4132/BYT-PC gửi các cơ sở y tế xác định không coi đồng tính là bệnh. Như cái đầu đề đánh đố của bài này, LGBT là bốn loại được coi là đồng tính. Lesbien (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (lưỡng tính) và Transgender (chuyển giới).
Dân số LGBT ngày càng đông đảo. Nhiều người ngoại cuộc tự hỏi sao cái dân số này lại phình ra một cách nhanh chóng như vậy. Tôi cũng ngơ ngác. Nhưng tới khi có giới trẻ trong họ hàng của tôi ra công khai đồng tính, tôi mới hiểu. Cha mẹ của chúng phải chấp nhận. Biết sao được, khi ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng phải gật đầu. Năm 2013, trả lời một cuộc phỏng vấn, Giáo Hoàng Francis I đã nói: “Có người đã từng hỏi theo cách kích động rằng phải chăng tôi chấp nhận đồng tính luyến ái. Tôi trả lời bằng một câu hỏi: ‘Hãy nói tôi nghe, khi Chúa nhìn vào một người đồng tính thì Chúa chấp nhận sự tồn tại của người đó bằng tình thương hay chối bỏ và buộc tội người đó’”. Sau đó Ngài xác nhận: “Nếu có người nào là đồng tính và tìm đến với Thượng Đế thì tôi là ai mà có quyền phán xét?” Ngài nhắc nhở các bậc cha mẹ không bao giờ đuổi ra khỏi nhà những đứa con đồng tính. Ngài nói: “Kết án một người như thế là một tội lỗi. Việc hình sự hóa những người có xu hướng đồng tính luyến ái là một sự bất công. Họ cũng là con của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương họ. Thiên Chúa đồng hành với họ”. Mới đây, Đức Giáo Hoàng đã tới dự Đại Hội Giới Trẻ tại Lisbon, Portugal, được tổ chức từ ngày 1 đến 6 tháng 8 năm 2023. Trên máy bay từ Portugal về lại Vatican sau Đại Hội, phóng viên của Reuter tháp tùng cho biết Ngài đã xác nhận: Giáo hội Công Giáo mở rộng cửa cho tất cả mọi người, kể cả cộng đồng LGBT. Ngài nhấn mạnh Giáo hội có nhiệm vụ đồng hành trên con đường tâm linh với từng cá nhân trong cộng đồng LGBT nhưng mọi việc cần thực hiện trong khuôn khổ giáo luật. Ngài muốn nói giáo luật chưa cho phép cử hành bí tích hôn nhân cho giới đồng tính.
Các cặp đồng tính chưa được phép nói “I do” trong nhà thờ Công giáo La Mã nhưng tại nhà thờ của một giáo phái Do Thái giáo họ đã được chịu phép hôn phối. Một nhóm thuộc Anh giáo cũng đã nhận một mục sư đồng tính.
Giới âm nhạc đã mở rộng vòng tay với giới đồng tính. Những ca nhạc sĩ như Cher, Madonna, Lady Gaga, Christina Aguilera, Cyndi Lauper đã đưa chủ đề đồng tính vào những sáng tác do họ trình diễn để bày tỏ sự ủng hộ.
Giải bóng đá World Cup nữ đang diễn ra tại Úc và New Zealand được nhiều người dán mắt vào màn hình mỗi khi các cặp giò bay nhảy trên sân cỏ. Mấy ông bạn Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, Quan Dương thức đêm thức hôm coi, không biết coi banh hay coi giò. Có phụ nữ là có thi hoa hậu. Các nàng còn mải chơi với banh nên chẳng có thời giờ dự thi. Mặc kệ, không thi các ông nhà báo vẫn cứ bầu. Các ký giả của các báo thể thao đã chấm được chục nàng nhan sắc mặn mòi nhất. Đoạt vương miện là trung phong Lina Hurtig, 27 tuổi, của đội Thụy Điển. Các ông này tinh mắt gớm. Nhìn hình là thấy mê liền. Nhưng mê chỉ để đấy, nàng không thích mấy anh, chỉ thích mấy chị. Nhân tiện cũng kê thêm vài nàng lesbian trong giải: Megan Rapinoe của đội Mỹ, Sam Kerr của đội Úc, Alba Redondo của Tây Ban Nha. Đó là những cặp giò có tên tuổi. Theo báo mạng Outsports thì trong số 730 cầu thủ tranh tài tại World Cup nữ năm nay có tới 96 nàng đồng tính hoặc lưỡng tính. Kỳ tranh tài trước vào năm 2019 chỉ có 41 nàng. Trận chung kết giữa hai đội Anh và Tây Ban Nha năm nay, trên sân sẽ có 8 nàng không thích các anh giai kể cả nàng thủ quân Ivana Andrés của Tây Ban Nha. Cô nàng này mới lấy vợ năm ngoái.
Tại sao những người đồng tính luyến ái lại rẽ ngang, không theo con đường thông thường của phần lớn nhân loại đã theo từ trước tới nay? Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân chính xác. Họ đưa ra giả thuyết đó là sự tác động phức tạp của các nhân tố di truyền, nội tiết tố và ảnh hưởng từ sự giáo dục của gia đình, môi trường văn hóa và xã hội chung quanh. Chúng ta thường nghĩ đồng tính luyến ái là do bẩm sinh. Chúng được định hình từ trong bụng mẹ. Năm 2019, trên tạp chí khoa học Science đã công bố một nghiên cứu phân tích gene của 480 ngàn người, theo đó yếu tố di truyền bẩm sinh có tỷ lệ khá nhỏ, từ 8% tới 25%. Hai nhà nghiên cứu Peter Bearman và Hannah Bruckner của Đại học Columbia và Yale đã nghiên cứu các dữ liệu của Trung Tâm Y Tế Quốc gia Vị Thành Niên của Mỹ. Họ cho biết xác xuất cả hai trẻ trong cặp song sinh đều là đồng tính chỉ là 6,7% với nam và 5,3% với nữ. Họ kết luận gene chỉ là một yếu tố nhỏ của nguồn gốc đồng tính luyến ái. Các yếu tố phi di truyền như môi trường, giáo dục, tính cách, sự nuôi dưỡng tác động nhiều tới sự lựa chọn người tình của người đồng tính.
Các trẻ em sống ở các đô thị lớn, nơi mà các chuẩn mực đạo đức lỏng lẻo, lối sống cá nhân tự do hơn, có nhiều tác động văn hóa xã hội khó kiểm soát, dễ có khuynh hướng đồng tính hơn. Những xã hội có khuynh hướng chấp nhận đồng tính sẽ có nhiều người có khuynh hướng đồng tính hơn. Nhà nghiên cứu Toni Meyer của Hội Đồng Chính Sách Gia Đình tiểu bang New Jersey cho biết kể từ năm 1994, khi phong trào ủng hộ đồng tính lên cao, số đồng tính nam ở Mỹ đã tăng 18%, và đồng tính nữ đã tăng tới 157%.
Yếu tố gia đình cũng góp phần không nhỏ vào sự hình thành đồng tính. Các trẻ em nam quá gắn bó với người mẹ, các trẻ nữ mồ côi mẹ ở tuổi vị thành niên hoặc là con út hoặc là con gái duy nhất trong gia đình khiến tăng khả năng đồng tính. Các trẻ có cha mẹ ly dị hoặc mất sớm có xu hướng đồng tính cao hơn những em có cha mẹ hạnh phúc.
Theo nhiều ước tính, tại các nước phương Tây hiện nay có khoảng từ 1% đến 5% là đồng tính và có từ 2% đến 10% đã trải qua vài dạng hành vi tính dục đồng tính trong cuộc đời. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2006 tại Úc cho biết có 20% người trả lời từng có cảm giác về tính dục đồng giới nhưng chỉ có 2% tự nhận là đồng tính. Tại Canada một cuộc khảo sát trên 121.300 người trên 18 tuổi cho biết có 1,43% tự nhận là đồng tính hoặc lưỡng tính.
Số người đồng tính tại châu Á thấp hơn châu Âu. Lý do là giáo dục gia đình, đời sống văn hóa và xã hội chặt chẽ hơn, ít có điều kiện cho việc hình thành xu hướng đồng tính. Tại Trung Quốc ước tính có khoảng 2 triệu 250 ngàn đồng tính, chiếm từ 0,06% đến 1,5% dân số. Tại Indonesia, Bộ Sức Khỏe ước tính có khoảng 55 ngàn đồng tính nam, chiếm 0,025% dân số. Tại Việt Nam, một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ CARE thực hiện ước tính có khoảng từ 50 ngàn tới 125 ngàn đồng tính, chiếm khoảng 0,06% đến 0,15% dân số.
Xã hội càng đô thị hóa số người đồng tính càng tăng, vậy đồng tính có phải là một sản phẩm của thời đại mới không? Câu trả lời có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Các nhà khảo cổ về thời đại Ai Cập đã tìm thấy ngôi mộ của Khnumhotep và Niankhkhnum và cho đó là cặp đồng tính đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 2400 trước công nguyên. Đó là hai người phục vụ trong hoàng cung dưới triều vua Nyuserre Ini trị vì vào nửa cuối thế kỷ thứ 25 trước công nguyên. Tên của họ được viết bên nhau bằng chữ tượng hình trên ngôi mộ chung được tìm thấy vào năm 1964 tại Saqqara. Hai học giả Thomas Dowson và Greg Reader tin rằng hai người là cặp đồng tính đầu tiên được biết đến trong cổ sử. Họ suy đoán như vậy vì bức phù điêu vẽ hai người đứng chạm mũi và ôm nhau. Nhưng Niankhkhnum là người đã có vợ. Trên một phù điêu khác vẽ quang cảnh một bữa tiệc, hình vợ của Niankhkhnum bị xóa đi. Trên một bức khác nữa, vị trí của người vợ được Khnumhotep trám vào.
Từ thuở rất xa xưa, đồng tính đã hiện diện và không hề mai một xuyên suốt lịch sử loài người. Nó có trong mọi nền văn hóa từ những bộ lạc nguyên thủy cho tới các xã hội có tổ chức. Trong một số bộ lạc còn tồn tại trên thế giới cho tới ngày nay, đồng tính là hành động không bị cấm đoán. Một nghiên cứu tại 76 bộ lạc nguyên thủy đã cho thấy có tới 49 bộ lạc coi đồng tính luyến ái là hành vi bình thường. Khi thì đồng tính luyến ái được coi là một tập tục xã hội, khi thì là một nghi lễ, khi thì là mối tương quan trao đổi. Từ buổi hoang sơ tới nay đồng tính luôn có mặt, khi trồi khi sụt. Cho tới khi các định chế pháp lý ở nhiều nước công nhận, đồng tính đã nở rộ như ngọn lửa bùng lên sau thời gian dài bị ém nhẹm.
Đồng tính không bất biến. Nó có thể thay đổi trong mỗi con người. Bạn của con tôi, một thanh niên bình thường, lấy vợ, có hai con, Bỗng một ngày đẹp trời anh đổi tính, yêu một thanh niên đồng tính. Anh ly dị vợ và cưới anh thanh niên. Anh đã từ dị tính chuyển sang đồng tính nam. Anh bạn của con tôi không là trường hợp đặc biệt. Rất nhiều người thay đổi như vậy. Thiên hướng tình dục có thể thay đổi theo chiều dài cuộc sống. Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ khẳng định: “Một số người tin rằng thiên hướng tình dục là bẩm sinh và cố định, tuy nhiên trên thực tế khuynh hướng tình dục luôn phát triển trong suốt cả đời người. Nhiều người nhận ra họ đã thay đổi, khi là dị tính, đồng tính nam hoặc đồng tính nữ, khi lại là lưỡng tính.”
Áp lực xã hội và tôn giáo là hai phạm trù thông thường nhất khiến một số người có thể tự phủ định khuynh hướng đồng tính. Chủ Tịch của Hiệp Hội Tâm Lý Học Mỹ Judith Glassgold đã nghiên cứu nhiều trường hợp bị áp chế này và kết luận những áp chế này không có hại chi.
Trên thực tế khuynh hướng tình dục có thể xàng xê từ trạng thái này qua trạng thái khác, nhất là trong độ tuổi dậy thì. Một nghiên cứu ở New Zealand đã chứng tỏ nhận xét này. Trong độ tuổi từ 21 tới 26, có 1,9% nam giới chuyển từ đồng tính thành dị tính trong khi 1% từ dị tính trở thành đồng tính. Cùng độ tuổi, nữ giới có 9,5% từ đồng tính trở lại bình thường và 1,3% từ dị tính trở thành đồng tính.
Những nghiên cứu khoa học đứng đắn cho thấy phần lớn xu hướng tình dục không phải là bẩm sinh mà biến đổi tùy thuộc vào yếu tố cá nhân, văn hóa, xã hội, tôn giáo, gia đình, bạn bè và báo chí phim ảnh. Bẩm sinh chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm nhường trong việc định hình khuynh hướng tình dục của con người. Chính môi trường sống mới ảnh hưởng nhiều tới đời sống tình dục của cá nhân.
Vậy thì chúng ta đã quá bất công với con tạo. Nhân vật thần bí này chưa bao giờ xuất hiện đểchúng ta coi mặt mũi ra sao nhưng với kết luận trên của các nghiên cứu khoa học, chắc chắn vị chúa tể này sẽ xoa tay mỉm c ười. Trẫm vô can nhé, các ngươi!
Song Thao