Thứ bảy này là một năm, kể từ khi cái chết của Mahsa Jina Amini gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Iran. Ba ngày trước đó, Amini đã bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ với cáo buộc đội khăn trùm đầu không đúng cách. Sau đó, chính quyền tuyên bố cô bị chết bởi cơn đau tim. Nhưng gia đình và những người đã có mặt tại hiện trường cho rằng Amini đã bị đánh đến chết.
Ngay sau khi công bố cái chết của cô, những cuộc biểu tình đầu tiên đã nổ ra, với khẩu hiệu "phụ nữ, sự sống, tự do".
Vào ngày giỗ đầu của cô, chính quyền Iran lo ngại rằng các cuộc biểu tình mới sẽ bùng lên, và chuẩn bị bằng mọi cách để ngăn cản điều đó xảy ra. Chú của Amini, Saef Aeli, đã bị bắt để ngăn cản ông tụ tập những người biểu tình vào ngày giỗ đầu của cháu mình.
Đồng thời, sinh viên tại các trường đại học của Iran đã bị buộc phải cam kết rằng họ sẽ không biểu tình phản đối chế độ, theo một báo cáo mới từ Tổ chức Ân xá Quốc tế. Ngoài ra, các vụ bắt giữ hàng loạt, mà trong năm qua ước tính lên tới hàng chục nghìn người, đã bắt đầu trở lại.
”Chúng tôi có thể chứng minh rằng đã có một số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong năm qua, cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với các quyền cơ bản của con người”. Anna Johansson, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Thụy Điển cho biết.
Để làm cơ sở cho bản tường trình, Tổ chức Ân xá đã theo dõi 33 gia đình, tất cả đều có người thân đã chết trong các cuộc biểu tình. 30 người trong số họ đã bị lực lượng an ninh giết chết trong các cuộc biểu tình, hai người bị chế độ Iran hành quyết vì những tội ác mà họ được cho là đã phạm phải liên quan đến cuộc nổi dậy. Người thứ 33 bị tra tấn nặng nề và tự sát sau khi được thả ra khỏi nơi giam giữ của cảnh sát.
Điểm chung của các gia đình này là họ bị đe dọa và phải đối mặt với tội ác trắng trợn từ chính quyền trong những tháng gần đây. Một số người trong số họ đã bị bắt vì tố cáo và gửi đơn khiếu nại chính thức lực lượng an ninh đã sát hại người thân của họ. Trong một số trường hợp, các thành viên trong gia đình đã phải chịu bạo lực, một số khác bị kết án tù và chịu hình phạt đánh bằng roi.
Chính quyền cũng hạn chế việc tiếp cận mộ của các nạn nhân.
”Thành viên của các gia đình tụ tập bên mộ người đã chết để tổ chức sinh nhật hoặc ngày giỗ đều thấy có lực lượng an ninh tại mộ, một phần để quay phim và chụp ảnh những người đến thăm mộ, nhưng một phần để lăng nhục hay đánh đập họ”. Anna Johansson cho biết
Một số ngôi mộ đã bị chính quyền Iran đập phá. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tổng hợp các hình ảnh từ 20 ngôi mộ ở 17 thành phố khác nhau đã bị xâm phạm theo nhiều cách khác nhau. Những cụm từ mô tả người chết là "liệt sĩ" hoặc thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc nổi dậy theo bất kỳ cách nào đã bị loại bỏ.
Trong bản tường trình, Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng tình hình đối với phụ nữ Iran vẫn không được cải thiện, bất chấp các cuộc biểu tình.
”Iran từ lâu đã nói sẽ bãi bỏ cảnh sát đạo đức, nay đã được khôi phục. Ngoài ra, một loạt các biện pháp hướng tới phụ nữ và trẻ em gái đã được đưa ra. Ví dụ, phụ nữ không được phép làm việc hoặc học tập, và cũng đã tiến hành truy tố những phụ nữ không đeo mạng che mặt ở nơi công cộng”. Anna Johansson cho biết