Hôm nay,  

Nền Dân Chủ Mỹ Đứng Trước Bờ Vực Sụp Đổ?

08/09/202300:00:00(Xem: 2677)

Nen Dan Chu My 01
Những người ủng hộ TT Donald Trump tấn công vào Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng 1 năm 2021. (Photo: www.en.wikipedia.org)
  
Tự do và dân chủ luôn luôn là khát vọng muôn thuở của con người.

Nhưng lịch sử nhân loại cũng đã, đang và có lẽ sẽ còn chứng kiến những nhà lãnh đạo đầy tham vọng quyền lực, những chế độ độc tài toàn trị, những chủ nghĩa Dân Túy, Dân tộc Cực hữu, v.v… luôn luôn tìm mọi cách để duy trì quyền lực bằng nhiều thủ đoạn mà trong đó bao gồm việc tướt bỏ các quyền cơ bản của người dân. 

Tuy nhiên, các quyền cơ bản của con người, gồm quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc là những quyền ắt có của con người khi sinh ra đời, như bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 đã viết:

“Chúng ta giữ lấy những sự thật này làm bằng chứng, rằng tất cả con người được sinh ra bình đẳng, rằng họ đã được đấng Tạo Hóa ban cho một số quyền bất khả tương nhượng, mà trong số những quyền này là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. – Rằng để bảo đảm những quyền này, các chính quyền được con người tạo dựng, nhận được quyền lực chính đáng của họ từ sự đồng ý của người dân. -- Rằng bất cứ khi nào, bất cứ hình thức chính quyền nào trở thành phá hoại những mục đích này, thì người dân có quyền thay đổi hay bãi bỏ chính quyền đó, và thiết lập chính quyền mới, đặt nền tảng trên những nguyên lý như thế và tổ chức quyền lực của mình trong hình thức như vậy, sao cho chúng có hiệu quả nhất đối với sự an toàn và hạnh phúc của người dân.”(1)

Trong khát vọng tự do và dân chủ ấy, lịch sử nhân loại đã xảy ra vô số những cuộc cách mạng thay đổi chế độ hoặc chính quyền vì đi ngược lại ý muốn tự do và dân chủ của người dân. Chẳng hạn, Cách Mạng Mỹ (1765-1789), với lý thuyết chính trị dẫn đạo đưa tới Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ (1775-1783) mà trong đó 13 thuộc địa đã đứng lên chống lại Đế Quốc Anh và giành độc lập để thành lập Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Cùng thời gian đó là cuộc Cách Mạng Pháp vào năm 1789 lật đổ chế độ quân chủ và đòi hỏi cải tổ xã hội để khơi mào cho sự thay đổi toàn diện tại Châu Âu sau đó. Gần đây, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại cũng đã chứng kiến nhiều nước thuộc Liên-xô cũ đứng lên làm cách mạng, gồm Cách Mạng Nhung tại Tiệp Khắc vào năm 1989, Cách Mạng Hoa Hồng tại Georgia vào năm 2003, Cách Mạng Cam tại Ukraine năm 2004, Cách Mạng Hoa Tulip tại Kyrgyzstan vào năm 2005. Bi thảm nhất là cuộc cách mạng đòi dân chủ hóa tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, của học sinh, sinh viên và người dân Trung Quốc vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 đã bị chính quyền Cộng Sản Trung Quốc dùng quân đội để đàn áp đẫm máu.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền thừa nhận trên bình diện phổ quát các quyền tự do, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm của con người. Dù vậy, cho đến ngày nay, trên thế giới này con người vẫn còn phải đấu tranh liên tục để có thể có được tự do, dân quyền và nhân quyền và hàng trăm triệu người vẫn còn phải chịu đau khổ sống dưới các chế độ bất công và vi phạm các quyền tự do cơ bản của người dân.

Điều trớ trêu nhất là chính ngay trên đất nước Hoa Kỳ, nơi được xem là kiểu mẫu của nền tự do và dân chủ toàn cầu, trong nhiều năm qua đã chứng kiến những khủng hoảng không ngừng đưa đẩy nền dân chủ đến gần bờ vực sụp đổ, mà biến cố nổi bật gần nhất là cuộc tấn công của những người ủng hộ Tổng Thống thất cử Donald Trump vào Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, nơi biểu tượng quyền lực Lập Pháp cao nhất của nước Mỹ, vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, trong nỗ lực giúp Donald Trump duy trì quyền lực dù ông đã thua cuộc tổng tuyển cử vào ngày 3 tháng 11 năm 2020.

Để đưa nền dân chủ Mỹ vào cuộc khủng hoảng hiện nay, tất nhiên, không phải trong một sớm một chiều mà trải qua một quá trình biến động với bối cảnh thoái trào của nền dân chủ trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng. 
 
Sự thoái trào của nền dân chủ trên toàn cầu
 
Trong bài viết có tựa đề “U.S. listed as a ‘backsliding’ democracy for first time in report by European think tank,” được đăng trên trang mạng toàn cầu của báo The Washington Post hôm 22 tháng 11 năm 2021,(2) ký giả Miriam Berger cho biết rằng lần đầu tiên Hoa Kỳ đã bị nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, International Institute for Democracy and Electoral Assistance (IDEA) đưa vào danh sách những nền dân chủ “thoái trào” của họ.
Bản phúc trình về Tình Trạng Dân Chủ Toàn Cầu năm 2021 của IDEA viết rằng, “Hoa Kỳ, pháo đài của nền dân chủ toàn cầu, đã trở thành nạn nhân cho chính các khuynh hướng độc tài, và đã bị đẩy xuống nhiều thứ bậc đáng kể trên nấc thang dân chủ.” Bản phúc trình đã phân tích các khuynh hướng từ năm 2020 tới năm 2021, cho thấy rằng hơn ¼ dân số thế giới sống trong những nước thoái trào dân chủ, mà IDEA xác định là các quốc gia đang chứng kiến sự suy giảm phẩm chất của nền dân chủ của đất nước họ.

Bản phúc trình viết rằng, “Thế giới đang ngày càng trở nên độc tài hơn khi các chế độ phi dân chủ trở thành trắng trợn hơn trong việc đàn áp của họ và nhiều chính quyền dân chủ phải chịu thụt lùi bằng cách áp dụng các chiến thuật hạn chế tự do ngôn luận và làm suy yếu nền pháp quyền, càng trở nên trầm trọng hơn bởi những gì có nguy cơ trở thành ‘điều bình thường mới’ của các hạn chế vì covid-19.” Bản phúc trình còn lưu ý rằng, “Con số quốc gia đi theo chiều hướng độc tài nhiều gấp ba lần con số nước đi theo dân chủ.”

Đánh giá về Hoa Kỳ của bản phúc trình nói trên tập trung vào những phát triển trong thời gian của chính phủ của Tổng Thống Donald Trump. Bản phúc trình gọi việc nêu nghi vấn vô cớ của Trump đối với tính hợp pháp của các kết quả bầu cử năm 2020 là “điểm quay ngược lịch sử” mà “đã phá hoại niềm tin cơ bản vào tiến trình bầu cử” và đã đạt tới cực điểm trong cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Phúc trình kết luận rằng “chiến thuật của Trump đã có ảnh hưởng lan truyền tới Brazil, Mexico, Myanmar, Peru, và nhiều nước khác.”

Một sự kiện đáng chú ý khác là vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, khoảng 6,500 nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc 80 nước và 200 giáo phái trên thế giới đã tập trung về thành phố Chicago, Hoa Kỳ, là trụ sở của Nghị Viện Tôn Giáo Thế Giới (Parliament of the World’s Religions) để tham dự hội nghị năm nay có chủ đề “A Call to Conscience: Defending Freedom & Human Rights” [Lời Kêu Gọi Lương Tâm: Bảo Vệ Tự Do và Nhân Quyền], theo ký giả Craig C Lewis viết trong bài tường thuật có tựa đề “Interfaith Dialogue: Parliament of the World’s Religions Convenes in Chicago with a Focus on Human Rights” được đăng trên báo mạng Buddhistdoor.net.(3)

Nhấn mạnh đến sự đa dạng của sự kiện liên tôn giáo, chủ tọa chương trình cho Nghị Viện năm nay là nữ Linh Mục cao cấp người Wiccan là Phyllis Curott, trong một tuyên bố trước hội nghị đã nói đến khuynh hướng chính trị toàn cầu ngày càng hướng tới chủ nghĩa độc tài như là “cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất đang chống lại tất cả chúng ta ngày nay.” Bà nói rằng, “Tai họa toàn cầu đang bành trướng đang thể hiện trong những bạo chúa và những kẻ hung tàn phạm các tội ác chống nhân loại, đàn áp các quyền tự do căn bản, lật đổ các nền dân chủ, và giết chết sự thật bằng những lời nói dối.” Bà nói thêm rằng, “Những kẻ bắt nạt và chuyên quyền này đang theo đuổi các cuộc chiến dân tộc chủ nghĩa và nhắm mắt làm ngơ với chủ nghĩa khủng bố nội địa. Họ đang nuôi dưỡng sự thù hận và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi Giáo, thù ghét phụ nữ, và kỳ thị chủng tộc. Và họ đang cố gắng lạm dụng các tôn giáo để biện minh cho điều vô lý.”
 
Nền dân chủ Mỹ đang có nguy cơ sụp đổ?
 
Có phải nền dân chủ Mỹ đang có nguy cơ sụp đổ? Đó là vấn đề đã và đang được nhiều người bàn đến.

Theo thăm dò của Đại Học Quinnipiac từ ngày 25 tới 29 tháng 8 năm 2022 với 1,584 người Mỹ trưởng thành bao gồm các cử tri Dân Chủ, Cộng Hòa, độc lập và không đảng phái, 67% người được thăm dò nói rằng nền dân chủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trong bài tiểu luận được trích từ tác phẩm “How Democracies Die” được Broadway Books xuất bản vào năm 2019 và được đăng trên trang mạng www.americanacademy.de,(4) hai đồng tác giả Steven Levitsky và Daniel Ziblatt nói rằng trong suốt 15 năm làm nghiên cứu và dạy về sự thất bại của các nền dân chủ và khuynh hướng trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trên thế giới, họ chưa bao giờ nghĩ rằng có lúc họ phải đối diện với tình trạng nguy hiểm của nền dân chủ ngay trên đất nước Mỹ của họ như hiện nay.

Steven Levitsky và Daniel Ziblatt kể rằng trong 2 năm qua họ đã quan sát các chính trị gia nói và làm những việc chưa từng có trước đây tại Hoa Kỳ, nhưng đó là điều mà họ đã nhận ra như những điềm báo trước của cuộc khủng hoảng dân chủ tại những nơi khác. Cũng như nhiều người Mỹ khác, hai tác giả này cảm thấy sợ hãi, ngay cả khi họ tự trấn an rằng sự việc không thể thực sự tồi tệ như thế xảy ra ở đây. Họ nói rằng dù biết các nền dân chủ thường mong manh, nhưng không nghĩ là nền dân chủ nơi đất nước Mỹ của họ lại cũng giống như thế. Họ nói rằng Hiến Pháp, tự do, bình đẳng, tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, sự thịnh vượng, nền giáo dục cao, và lãnh vực tư nhân đa dạng rộng lớn lẽ ra là những yếu tố giúp nước Mỹ tránh khỏi bị thoái trào dân chủ. Nhưng bây giờ họ lo ngại. Các chính trị gia Mỹ đối xử với các đối thủ như kẻ thù, dọa nạt báo chí tự do, và đe dọa bác bỏ các kết quả của những cuộc bầu cử. Họ (các chính trị gia Mỹ) cố gắng làm suy yếu những lá chắn cơ chế của nền dân chủ Mỹ, gồm các tòa án, các cơ quan tình báo, và các văn phòng đạo đức.

Hai đồng tác giả viết rằng, “Các tiểu bang ở Mỹ, đã từng được luật gia vĩ đại Louis Brandeis ca tụng như là “những phòng thí nghiệm của nền dân chủ,” đang có nguy cơ biến thành những phòng thí nghiệm của chủ nghĩa độc tài khi những người nắm quyền lực viết lại luật bầu cử, vẽ lại các khu vực bầu cử, và ngay cả hủy bỏ quyền bỏ phiếu để bảo đảm rằng họ không bị thua. Và vào năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một người đàn ông không có một chút kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan công quyền, có rất ít cam kết rõ ràng đối với các quyền theo Hiến Pháp, và có khuynh hướng độc tài rõ rệt đã được bầu làm tổng thống.”

Tác phẩm “How Democracies Die” đã xuất bản vào năm 2019, nghĩa là trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 3 tháng 11 năm 2020, mà qua đó những điềm báo và lo ngại của hai tác giả của cuốn sách này đã trở thành hiện thực, khi Donald Trump không chấp nhận bị thua trong cuộc bầu cử và bằng mọi cách bất hợp pháp để lật ngược kết quả bầu cử khiến cho nền dân chủ Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trước đây.

Ký giả của báo The Atlantic và cũng là phó giáo sư môn chính trị toàn cầu của Đại Học University College London là Brian Klaas trong bài viết “America’s Self-Obsession Is Killing Its Democracy,”(5) được đăng trên trang mạng của báo này hôm 22 tháng 7 năm 2022, đã bày tỏ niềm thất vọng cay đắng đối với cách mà các chính trị gia Mỹ đang ứng phó với tình trạng nguy cấp của nền dân chủ Mỹ mà ông gọi là “đang hấp hối.”

Brian Klaas cho rằng có nhiều loại thuốc để chữa trị vết thương của nền dân chủ Mỹ. Rất tiếc, sự rối loạn chức năng chính trị làm cho các chính trị gia đã chọn cách không chữa trị và khi thời gian qua đi thì lại càng có ít cách điều trị hiệu quả, ngay dù khi bệnh tình đã đến giai đoạn cuối. Ông viết rằng, “Không có cuộc cải tổ dân chủ lớn nào được Quốc Hội thông qua. Không có khuôn mặt chính trị chủ yếu nào là người đã cố gắng đảo ngược cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ [cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11 năm 2020] đã đối diện với trách nhiệm thực sự. Vị tổng thống là người đã dàn dựng mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ của chúng ta trong thời hiện đại vẫn còn tự do tái tranh cử, và có thể sẽ trở lại Tòa Bạch Ốc.”

 Khi Brian Klaas viết bài này vào tháng 7 năm 2022 thì vẫn chưa có các cáo trạng của các đại bồi thẩm đoàn buộc tội cựu TT Donald Trump và các cộng sự của ông về các tội liên quan đến vụ cất giấu tài liệu bí mật quốc gia trái phép tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, các tội liên quan đến vụ nổi dậy tại Tòa Nhà Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, và vụ âm mưu đảo ngược cuộc bầu cử tại tiểu bang Georgia. Dù vậy, cho đến nay, tháng 9 năm 2023 các phiên tòa xử vẫn còn đang và sẽ tiếp diễn, cho nên chưa có kết quả cuối cùng, hay bản án nào dành cho những bị cáo.

Brian Klaas, trong bài viết được nói ở trên đã nhận định rằng, “Vấn đề cơ bản là một trong hai đảng chính tại Hoa Kỳ -- Đảng Cộng Hòa bị Trump hóa – đã trở thành độc tài tới tận cốt lõi.”

Nhưng, một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao các cử tri Cộng Hòa vẫn tiếp tục tin tưởng Trump?
 
Tại sao Cộng Hòa tin Trump?
 
Bình luận gia chính trị của CNN Ronald Brownstein, trong bài viết “Why Republican voters believe Trump,”(6) hôm 22 tháng 8 năm 2023, nói rằng việc mô tả của Trump về những người bảo thủ như các nạn nhân thực sự của sự thiên vị “đang làm cho giới ủng hộ nền tảng của ông say mê ông.”

Ronald Brownstein chỉ ra rằng, “Các vấn đề đã nổi lên trong 7 năm qua liên quan đến chủng tộc và giới tính rất khó chịu. Người dân không thích cảm giác khó chịu. Họ không thích cảm giác bị chê trách hay đổ tội. Trump chữa trị những cảm giác đó. Ông ấy là một tay phù thủy là người đã làm cho sự khó chịu của họ biến mất và rồi trao cho họ điều gì đó để họ giận dữ và làm cho họ cảm thấy thượng đẳng chính đáng. Đó không phải là lỗi của họ [người dân], đó là của người nào khác [Trump].”

Ronald Brownstein trích lời của Robert P. Jones, chủ tịch sáng lập của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Công Cộng phi đảng phái (Public Religion Research Institute) cho rằng đại đa số đảng viên Cộng Hòa và tín đồ Tin Lành Phúc Âm Da Trắng có cùng tình cảm rằng “Thượng Đế định đoạt nước Mỹ là vùng đất hứa mới nơi mà những người Thiên Chúa Giáo Châu Âu có thể tạo lập xã hội làm kiểu mẫu cho phần còn lại của thế giới.” Trong khi đó 2/3 người Mỹ khác bác bỏ ý tưởng đó, nghĩa là chống lại ý Chúa. Donald Trump tuyên bố “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” nên được xem như là Thiên sứ và được ủng hộ.

 Theo Ronald Brownstein, Daniel Cox, viên chức cao cấp trong cuộc thăm dò quan điểm công chúng tại Viện American Enterprise Institute theo đường lối trung hữu, thì cho rằng thành phần ủng hộ nền tảng của Trump là người Da Trắng bảo thủ không có bằng đại học đã ngày càng xem chính họ là những nạn nhân thực sự hơn là các nhóm bị gạt ra ngoài truyền thống.

Nen Dan Chu My 02
Nền dân chủ Mỹ bị rạn nứt, với sự phân cực chính trị ngày càng trầm trọng. (Photo: https://www.freepik.com
 
Đâu là nguồn gốc sâu xa làm rạn nứt nền dân chủ Mỹ?
         
Hai ký giả Dan Balz và Clara Ence Morse của báo The Washington Post, trong bài viết có tựa đề “American democracy is cracking,”(7) được đăng trên trang mạng của báo này vào ngày 18 tháng 8 năm 2023, cho biết rằng nhiều người Mỹ tin rằng hệ thống chính trị ở Mỹ đã bị gãy đổ và nó không còn đại diện cho họ nữa, bởi vì việc tìm kiếm điểm chung trong hệ thống chính trị này ngày càng khó đạt được. Hai ký giả này nói rằng đối với những vấn đề lớn đang thách thức như biến đổi khí hậu, di trú, bất bình đẳng, súng, nợ và thâm hụt thì chính quyền và các chính trị gia có vẻ không thể đạt được sự đồng thuận.

Dan Balz và Clara Ence Morse viết rằng, “Ngày 6 tháng 1 năm 2021, cuộc tấn công vào Tòa Nhà Quốc Hội vừa là điển hình cực đoan của những gì đang xảy ra khi nền dân chủ ngừng chức năng mà nó vốn phải là và kết quả của những cuộc tấn công liên tục bởi cựu TT Donald Trump vào tính hợp pháp của tiến trình bầu cử dựa trên sự dối trá và xuyên tạc, là mối đe dọa tiếp tục đối với nền dân chủ Hoa Kỳ.”

Hai ký giả nói trên đã nêu ra một số nguồn gốc sâu xa mà từ đó đưa đến sự rạn nứt hay khủng hoảng của nền dân chủ Mỹ như hiện nay, như sau.

- Mất niềm tin với chính quyền: Niềm tin của công chúng vào chính quyền liên bang đã sút giảm trong thời kỳ Cuộc Chiến Tranh Việt Nam vào thập niên 1960s và rồi càng trở nên tồi tệ hơn trong vụ tai tiếng Watergate vào đầu thập niên 1970s. Niềm tin vào chính quyền có được hồi phục khá hơn sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng liên tục hai thập niên kế đó thì việc mất niềm tin vào chính quyền vẫn tồn tại.

Người Mỹ từ lâu đã hoài nghi quyền lực của chính quyền liên bang. Những vụ tai tiếng và tham nhũng qua nhiều năm làm trầm trọng thêm việc mất niềm tin. Gần đây, các viên chức chính quyền đã công khai tấn công các cơ chế mà họ đang làm việc trong đó làm cho bộ máy hành chánh càng khó hoạt động hiệu quả. Không ai làm điều ngày trầm trọng hơn Trump. Các vụ tấn công vào những cơ chế đã là dấu ấn trong thời gian hoạt động chính trị của ông.

- Sự phân cực: Phần lớn lịch sử Hoa Kỳ, hệ thống hiến pháp đã được tạo ra bởi các nhà lập quốc đã hoạt động khá hiệu quả. Cuộc Nội Chiến là một ngoại lệ, nhưng nói chung, chính quyền đã hoạt động tốt, nếu không muốn nói là hoàn hảo.

Tuy nhiên, gần đây, sự suy yếu của hệ thống đã ngày càng rõ ràng khi phe phái định hình phần lớn hành vi chính trị và Đảng Cộng Hòa đã rời xa bến đỗ lịch sử của họ. Tác động của Trump đã bóp méo chủ nghĩa bảo thủ của Đảng Cộng Hòa truyền thống và khiến cho nhiều đảng viên Cộng Hòa chấp nhận những niềm tin sai sự thật như là sự thật. Thí dụ điển hình nhất của điều đó là đại đa số đảng viên Cộng Hòa nói rằng Biden không được bầu hợp pháp. Cánh cực hữu của Đảng Cộng Hòa và đặc biệt những cử tri của Trump chống lại sự thỏa hiệp.

- Bầu cử tổng thống: Hiến Pháp đã tạo dựng một bộ máy bất thường cho việc chọn tổng thống – đại cử tri đoàn. Qua nhiều năm điều này đã chứng minh có sai sót.

Các nhà lập quốc không tin hệ thống dựa vào phiếu bầu phổ thông, sợ nhiều công dân sẽ không được thông tri đầy đủ. Họ đặt quyền lực vào tay của các đại cử tri. Họ nghĩ rằng Hạ Viện thường cuối cùng chọn tổng thống, mà không lường trước được những ảnh hưởng của điều nhanh chóng đã trở thành hệ thống hai đảng tại Hoa Kỳ. Cơ sở hợp lý đối với hệ thống hiện nay đã bị lấn át bởi những thực tế của nền chính trị ngày nay.

Cụ thể là sự sai sót đã xảy ra 2 lần trong ¼ thế kỷ vừa qua và cũng có thể xảy ra vào năm 2024. Vào năm 2000 khi Bush trở thành tổng thống, và 2016 khi Trump được chọn là tổng thống, cả hai đều thua phiếu phổ thông của Al Gore và Hillary Clinton, mà phiếu của cử tri đoàn thì có lợi cho Cộng Hòa.

Bởi vì kết quả tại các tiểu bang cạnh tranh nhất có thể được quyết định bởi một số nhỏ lá phiếu, Cộng Hòa hiện nay có cơ hội tốt hơn một cách đáng kể để thắng cử tri đoàn hơn là phiếu bầu phổ thông.

- Quốc Hội: Theo Hiến Pháp, Hạ Viện được chia ghế dựa vào dân số, và Thượng Viện có đại diện bình đẳng cho mỗi tiểu bang không tính đến dân số. Trong quá khứ, nhiều đại diện tiểu bang cử vào Thượng Viện được chia giữa 2 đảng chính (Dân Chủ và Cộng Hòa). Thí dụ, năm 1982, khoảng hơn hai chục tiểu bang đã phân chia đại diện. Bây giờ chỉ có 6 tiểu bang có phân chia và những tiểu bang này chiếm khoảng 9% dân số Hoa Kỳ.

Cộng Hòa có khuynh hướng kiểm soát hoàn toàn tại những tiểu bang có dân số ít, đang tạo ra một sự mất quân bình trong số lượng thượng nghị sĩ mà họ cử tới Washington và phần trăm của dân số toàn quốc mà họ đại diện. Ngay cả gần đây khi họ chiếm đa số tại Thượng Viện, họ đại diện một thiểu số dân số. Vào năm 2024, hai tiểu bang có dân số ít nhất cả nước là West Virginia và Montana có thể chuyển quyền kiểm soát Thượng Viện từ Dân Chủ sang Cộng Hòa, nếu những người tranh cử Cộng Hòa thắng các đương nhiệm Dân Chủ.

Điều này đã có ảnh hưởng đặc biệt tới sự chứng nhận các ứng cử viên thẩm phán và những người được bổ nhiệm đảm nhận các chức vụ cao cấp của hành pháp. Trong nhiệm kỳ 4 năm của Trump, gần một nửa cá nhân được đề cử vào các chức vụ chính được chứng nhận bởi các thượng nghị sĩ đại diện thiểu số dân số. Nên nhớ, không có đề cử nào của các tổng thống gần đây có hơn 5% được chứng nhận bởi các thượng nghị sĩ đại diện thiểu số dân số.

- Tối Cao Pháp Viện: Dân Chủ thắng phiếu phổ thông qua 7 trong 9 cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Nhưng trong thời gian đó, các tổng thống Cộng Hòa đã đề cử 6 trong số 9 thành viên của Tối Cao Pháp Viện. Bốn trong 9 thẩm phán, gồm 3 người được Trump đề cử, đã được chứng nhận bởi các thượng nghị sĩ đại diện thiểu số dân số.

- Lập pháp các tiểu bang: Tại Thủ Đô Washington, sự chia rẽ chính trị đã dẫn tới bế tắc và bất động trên nhiều vấn đề. Tại các tiểu bang, điều ngược lại đã xảy ra bởi vì các tiểu bang ngày càng trở thành đỏ hơn hay xanh hơn.

Đảng chiếm ưu thế tại tiểu bang đã có thể hành động quyết liệt để ban hành các ưu tiên cai trị của họ. Điều này có nghĩa là quyền phá thai và đồng tính bị hạn chế chặt chẽ tại các tiểu bang màu đó của Cộng Hòa, trong khi được tôn trọng tại các tiểu bang màu xanh của Dân Chủ.

- Quan điểm công đối nghịch với chính sách công: Khoảng trống giữa chính sách công và quan điểm công là hệ quả to lớn của chính quyền liên bang bị đóng băng ngày nay. Ba vấn đề được nói đến nhiều nhất là phá thai, súng và di trú.

Về phá thai, hầu hết người Mỹ đều chống lại phán quyết vào năm ngoái (2022) của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Dobbs kiện Jackson Women’s Health Organization, mà đã chấm dứt quyền lập hiến đối với việc phá thai. Về súng, đại đa số ủng hộ các đề xuất riêng lẻ siết chặt luật, nhưng giới vận động hành lang vẫn có đủ quyền lực để ngăn chận hành động. Về di trú, hai thập niên qua Quốc Hội đã thất bại trong việc đưa ra giải pháp hữu hiệu.
         
Để kết thúc bài này, nhân kỷ niệm 60 năm (1963-2023) ngày Mục Sư Martin Luther King Jr. đọc bài diễn văn nổi tiếng “I Have A Dream” (ngày 28 tháng 8 năm 1963) trước khoảng 250,000 người tham dự cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và thúc giục Quốc Hội thông qua dự luật dân quyền Civil Rights Act trước Đài Tưởng Niệm Lincoln ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, xin trích một đoạn trong bài diễn văn đã đi vào lịch sử nước Mỹ:

“Hỡi các bạn, hôm nay tôi nói với các bạn rằng cho dù chúng ta đang đối diện với muôn vàn khó khăn hiện tại và ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Đó là ước mơ có cội nguồn sâu thẳm trong ước mơ của người Mỹ.

“Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó đất nước này sẽ vươn lên và sống theo ý nghĩa thực sự của tín điều: ‘Chúng ta giữ lấy những sự thật này làm bằng chứng: rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng’.

“Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó trên những ngọn đồi đỏ của Georgia những người con của các nô lệ và những người con của những ông chủ của cựu nô lệ sẽ có thể ngồi xuống bên nhau quanh chiếc bàn tình nghĩa anh em.”
         
Ước mơ đó cao đẹp biết bao! Rất tiếc, 60 năm sau ước mơ cao cả của Cố Mục Sư Martin Luther King Jr. vẫn chỉ là ước mơ giữa một nước Mỹ chia rẽ, hận thù, kỳ thị, và nền dân chủ đứng trước bờ vực sụp đổ!
_____________________
 
(1) Declaration of Independence: A Transcription, https://www.archives.gov  
(2)Miriam Berger, U.S. listed as a ‘backsliding’ democracy for first time in report by European think tank, https://www.washingtonpost.com  
(3) Craig C Lewis, Interfaith Dialogue: Parliament of the World’s Religions Convenes in Chicago with a Focus on Human Rights, www.buddhistdoor.net
(4) Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, How Democracies Die,
(5) Brian Klaas, America’s Self-Obsession Is Killing Its Democracy,
(6) Ronald Brownstein, Why Republican voters believe Trump, www.cnn.com
(7) Dan Balz và Clara Ence Morse, American democracy is cracking,
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm nay ngày 30/4/2024, tròn 49 năm Miền Nam sụp đổ. Thơ Nguyễn Phúc Sông Hương: Tiểu Đoàn hai hàng đều bước / Tay không súng đạn,/ Vẫn ngước cao đầu,/ Dân làng bên đường / Vỗ tay chào đón,/ Người được thắng trận/ Ngơ ngác nhìn nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian hôm thứ Hai tuyên bố rằng các cáo buộc của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ đối đầu với Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump là nhằm mục đích bôi nhọ chính phủ TQ.
Truyền thông Israel hôm Chủ nhật đưa tin Mỹ đang nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thủ tướng Israel trước đó đã nhấn mạnh rằng các phán quyết của tòa án The Hague về Gaza sẽ tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm đe dọa binh lính và nhân vật công chúng của bất kỳ nền dân chủ nào chống khủng bố hình sự và xâm lược nguy hiểm."
California: Hôm thứ Năm rằng một vụ tai nạn xe kinh hoàng ở Pleasanton vào tối thứ Tư đã khiến một gia đình bốn người, đang đi trên một xe Vinfast, đã chết một cách bi thảm. Cảnh sát Pleasanton cho biết tai nạn xảy ra vào khoảng 9 giờ tối trên Foothill Road giữa Stoneridge Drive và Đại lộ W. Las Positas Boulevard ở rìa phía tây của thành phố. Chiều thứ Năm, cảnh sát xác nhận bốn người đã chết trong vụ tai nạn, một người mẹ, người cha và hai đứa trẻ dưới 15 tuổi.
Một người đàn ông tên là Xiaolei Wu đã theo dõi và đe dọa một nữ sinh viên Trung Quốc tại đại học Boston sau khi cô này dán tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị Tòa Mỹ kết án 9 tháng tù liên bang và Wu sẽ bị trục xuất về TQ khi mãn hạn tù. Các công tố cho biết sau khi thiếu nữ dán tờ rơi thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc, Xiaolei Wu, 26 tuổi, đã cố gắng tìm ra địa chỉ của cô và đe dọa chặt tay cô trong một tin nhắn trên ứng dụng WeChat, theo CNN.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.