Cuộc thăm dò do Associated Press-Trung tâm NORC Center for Public Affairs Research thực hiện hôm đầu tuần cho thấy đa số cử tri Mỹ tin rằng ông Joe Biden, 80 tuổi, đã quá già để làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Trả lời câu hỏi liệu Biden có quá già để phục vụ thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không, 77% số người được hỏi cho biết là già, trong khi 22% nói không. Khi được hỏi câu hỏi tương tự về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người trẻ hơn Biden 5 tuổi và đang có ý định tái tranh cử tổng thống 2024, tổng cộng 51% người tham gia thăm dò cho biết Trump đã quá già cho một nhiệm kỳ nữa.
Biden, sắp tròn 81 tuổi vào tháng 11 năm 2023, là tổng thống Hoa Kỳ cao niên nhất khi tại nhiệm. Không chỉ Biden, ngày càng nhiều chính trị gia thuộc hàng ‘lão,’ trong đó có TNS Dianne Feinstein, 90 tuổi, là người cao niên nhất tại Thượng Viện và giữ chức TNS từ năm 1992.
Nhiều người tự hỏi liệu bà Feinstein có thể hoàn thành tốt công việc của mình hay không, vì đã có nhiều lần bà phát biểu bị vấp. Ngày 27 tháng 7 năm 2023, TNS Feinstein bắt đầu đọc những bình luận được soạn sẵn trong cuộc bỏ phiếu điều trần về vấn đề phân bổ ngân sách của Thượng Viện, cho đến khi đồng nghiệp thuộc Đảng Dân Chủ, TNS Patty Murray, thì thầm với bà, “Bà nói ừ thôi là được rồi.”
TNS Feinstein cũng vắng mặt trong thời gian dài vì đủ thứ bịnh tật, bao gồm cả bịnh zona và viêm não, từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2023. Sau đó, bà nói với các nhà báo rằng bà “vẫn còn” và chỉ làm việc tại nhà trong thời gian bị bịnh.
Vào tháng 7 năm 2023, TNS Mitch McConnell, 81 tuổi, im bặt và đứng hình khi phát biểu trước giới báo chí. Các phụ tá che ông khỏi camera. Sau đó, khi các nhà báo hỏi thăm, McConnell chỉ đáp là “Tôi ổn.”
Những sự việc như vậy đặt ra câu hỏi: Liệu các chính trị gia có quá lớn tuổi để tiếp tục làm chính trị gia? Liệu có nên định ra tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với các viên chức điều hành đất nước, chẳng hạn như tổng thống và TNS, hay không?
Dù người ta có quan điểm thế nào về đạo đức trong giới hạn độ tuổi đối với các chính trị gia, biểu quyết vẫn là cách chính để đưa quan điểm trở thành thực tế.
Các yêu cầu về độ tuổi tối thiểu
Yêu cầu đối với các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ không thay đổi kể từ năm 1789, khi Hiến Pháp ra đời. Vào thời đó, mức tuổi thọ trung bình là khoảng 34 tuổi – nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa nô lệ và người tự do.
Ngày nay, tuổi thọ trung bình của người dân Hoa Kỳ là 79 tuổi, nhưng nó có khuynh hướng cao hơn nhiều đối với các chính trị gia, thường là những người tương đối giàu có và được chăm sóc sức khỏe tốt.
Ở Hoa Kỳ, một người cần phải từ 35 tuổi trở lên mới có thể trở thành Tổng thống, phải ít nhất 25 tuổi mới được vào Hạ Viện, còn độ tuổi tối thiểu để vào Thượng Viện đã tăng nhẹ lên 30.
Vậy còn độ tuổi tối đa?
Năm 1967, Hoa Kỳ ra luật cấm phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc.
Các chính trị gia lãnh đạo đất nước có nên là một ngoại lệ?
Theo một cuộc thăm dò của YouGov năm 2022, 58% người dân Hoa Kỳ muốn có độ tuổi tối đa cho các chính trị gia. Những người ủng hộ giới hạn độ tuổi thường cho rằng các chính trị gia không nên nắm giữ chức vụ tới hơn 70 tuổi. Chưa rõ làm thế nào để mức giới hạn độ tuổi có thể trở thành hiện thực. Nếu điều đó xảy ra, 71% TNS Hoa Kỳ hiện tại sẽ phải ‘rời ghế.’
Càng ngày càng xuất hiện nhiều câu hỏi về việc liệu một người có thể quá già để giữ chức vụ công hay không, bởi vì người ta ngày càng sống thọ hơn, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên khắp thế giới.
Những lập luận đạo đức về giới hạn độ tuổi
Việc xem xét giới hạn độ tuổi đối với các chính trị gia cấp cao đặt ra một số câu hỏi về vấn đề đạo đức khó mà có câu trả lời rõ ràng.
Giữ chức vụ mà bất chấp vấn đề sức khỏe có thể đe dọa an toàn công cộng. Một tổng thống Hoa Kỳ nắm giữ quyền lực to lớn – bao gồm cả khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân. Các thành viên Quốc Hội thì chịu trách nhiệm đưa ra luật, tuyên chiến và kiểm soát thuế và chi tiêu.
Những người ủng hộ việc cho nghỉ hưu bắt buộc lập luật rằng người cao niên cũng đã từng có khoảng thời gian ‘vẫy vùng’ rồi.
Nhưng nếu mục tiêu là mang lại sự công bằng cho mọi người, thì tại sao không giới hạn số năm làm việc? Tuy nhiên, giống như giới hạn độ tuổi, giới hạn số năm làm việc sẽ ảnh hưởng đến những người lao động cao niên – và một số người cho rằng đó là sự phân biệt đối xử bất công.
Ngay cả khi không có giới hạn về độ tuổi, tuổi tác vẫn có thể cảnh báo các yếu tố liên quan khác, như sức khỏe.
Khi mọi người già đi, họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn và mắc nhiều bệnh hơn. Các vấn đề về sức khỏe có thể cản trở hoạt động hàng ngày và khiến các chính trị gia cao niên có khả năng thực hiện công việc kém hơn – thí dụ như bị vấp ngã.
Kiểm tra sức khỏe – hoặc thậm chí tốt hơn là kiểm tra hiệu suất công việc – là một lựa chọn khác. Các cuộc kiểm tra đều đặn ở mọi lứa tuổi sẽ tránh được định kiến phân biệt tuổi tác.
Biden trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe thường niên và được coi là “đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ” (fit for duty”). Vậy thì hai TNS Feinstein và McConnell có nên tuân theo cùng tiêu chuẩn không? Điều đó lại đặt ra một câu hỏi hóc búa, điều gì sẽ xảy ra nếu các bác sĩ nhận định một chính trị gia không đủ sức khỏe và khả năng tại vị?
Lập luận về đạo đức đối với giới hạn độ tuổi
Kiểm tra sức khỏe khác với nghỉ hưu bắt buộc.
Ở các nước phương Tây, người ta không nghỉ hưu vì không làm việc được nữa - việc nghỉ hưu không tương quan với sự suy giảm thực tế về năng lực thể chất hoặc trí tuệ.
Thay vào đó, sức khỏe có khuynh hướng suy giảm sau khi người ta nghỉ hưu.
Những người phản đối việc nghỉ hưu bắt buộc cho rằng việc bắt buộc nghỉ hưu sẽ tạo ra chủ nghĩa phân biệt tuổi tác hoặc những định kiến tiêu cực về tuổi tác.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng không phải ai già cũng giống nhau, và sự lão hóa sinh học– như sự hao mòn về thể chất – khác hoàn toàn với lão hóa theo thời gian (chronological aging).
Ngoài việc ‘quơ đũa cả nắm’ đối với những người cao niên, việc bắt buộc nghỉ hưu còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng. Những người có khả năng thực hiện công việc như nhau đều xứng đáng có cơ hội tiếp tục làm việc như nhau, không phụ thuộc vào các yếu tố không liên quan đến hiệu suất công việc, chẳng hạn như tuổi tác, chủng tộc hoặc bản dạng giới.
Trong khi đó, những người ủng hộ chế độ nghỉ hưu theo độ tuổi cho rằng chính sách này đối xử bình đẳng với mọi người theo thời gian, vì ai rồi cũng phải già. Tuy nhiên, những người khác không đồng ý, nhấn mạnh rằng quan điểm về bình đẳng là tạo ra một cộng đồng bình đẳng giữa người và người, không phân biệt đối xử kể cả với người cao niên.
Quyết định thuộc về người dân
Những người ủng hộ giới hạn độ tuổi tối đa cho tổng thống và các thành viên Quốc Hội đã phát động các chiến dịch lấy chữ ký trực tuyến trên Change.org. Nhưng những nỗ lực này sẽ đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp, và chưa tạo ra sự thu hút đặc biệt.
Hai TNS Đảng Cộng Hòa cũng đề nghị sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 2023, cho phép các TNS chỉ được tại vị hai nhiệm kỳ 6 năm và các thành viên Quốc Hội tại vị 3 nhiệm kỳ hai năm. Các đề xuất trước đây nhằm đặt ra giới hạn nhiệm kỳ đã bị Quốc Hội bỏ phiếu bác bỏ.
Ở cấp tiểu bang, có 16 tiểu bang giới hạn số lượng nhiệm kỳ đối với các nhà lập pháp – nhưng không nhất thiết là do vấn đề tuổi tác. Giới hạn độ tuổi đang được xem xét ở South Dakota. Trong năm 2024, tiểu bang này sẽ bỏ phiếu biểu quyết một biện pháp để sửa đổi hiến pháp của bang và đặt ra giới hạn 80 tuổi đối với các ứng cử viên Quốc Hội.
Bởi vì chính phủ đặt ra độ tuổi tối thiểu để được vào Quốc Hội và giữ chức vụ Tổng thống, vậy có nên có độ tuổi tối đa không? Đây vẫn là một câu hỏi mở. Trong một nền dân chủ, người dân chúng ta quyết định bằng cách bỏ phiếu.
Nguyên Hòa tổng hợp
Gửi ý kiến của bạn