Tôn giáo
Ngày giữa tuần, tháng này, năm nay
Một ngày làm việc bình thường như mọi ngày, công việc quen thuộc nằm lòng, thấy dễ đến độ có thể nhắm mắt làm cũng được. Từ bấy lâu nay mình vẫn có thói quen vừa làm vừa thầm niệm Phật, nghĩ Phật, tuy nhiên những lúc bận rộn hay giao tiếp thì tạm ngưng. Mình vẫn niệm Phật theo lối Bắc truyền, nghĩa là niệm danh hiệu Phật A Di Đà (niệm Phật theo Nam truyền có khác, nghĩa là niệm Phật, niệm pháp, tăng, thiên, thí… tử). So với các phương pháp khác thì niệm Phật là dễ và đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Những lúc làm việc thì các phương pháp khác khó có thể thực hiện, duy chỉ có niệm Phật là chẳng ảnh hưởng gì đến công việc cũng như những người cùng làm chung.
Mình đã vài lần có sự sảng khoái hưng phấn rất kỳ lạ trong lúc niệm Phật, một làn sóng rần rần lan tỏa từ đầu đến chân, len lỏi vào từng tế bào. Lúc ấy mình ngồi niệm phật trước bàn thờ Phật mà tự dưng thấy như thể bay bổng, cơ thể nở to ngang trời đất, thấy mình vượt cả trùng trùng mây, rồi từ cái cơ thể to lớn ấy nhìn thấy cái thân mình bé tí teo đang ngồi niệm Phật. Cái cảm giác lạ lùng ấy xuất hiện đâu chừng hai hoặc ba lần, sau này nhiều năm rồi không còn gặp lại nữa.
Hôm nay nhân có bạn thân chuyển cho mình một cái link, trong ấy một vị cư sĩ thuyết pháp trên Youtube. Mình rất ngạc nhiên và nghe cho đến hết. Vị ấy bài xích phật giáo Bắc truyền một cách rất cực đoan, phủ nhận toàn bộ Phật giáo Bắc truyền, mỉa mai các vị Phật, Bồ Tát và kinh điển Bắc truyền. Vị ấy tự phụ và khẳng định chỉ có Nam truyền mới đúng chánh pháp và những ai tu theo Nam truyền mới tu đúng, còn lại là tu sai, lạc đường hết! Vị ấy bảo kinh điển Phật giáo Bắc truyền do người Tàu viết...Thật ra thì chuyện tranh luận giữa Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền đã xảy ra lâu nay, nhưng hiện giờ , thông qua các mạng xã hội một số vị cực đoan mạnh miệng bài xích một cách thái quá. Mình vốn không muốn tranh luận nhưng bạn mình yêu cầu mình cho biết ý kiến nên mình mới vạch ra một số điểm không đúng của vị cư sĩ kia.
Phật giáo đại thừa vốn hình thành từ Ấn Độ chứ không phải hình thành ở Trung hoa, các vị bồ tát Long Thọ, Thế Thân... đều là xuất thân ở Ấn Độ, một số bộ luận đại thừa do hai vị ấy viết chứ không phải tất cả do người Trung Hoa viết. Việc vị cư sĩ ấy cực lực bác bỏ việc cầu nguyện với lý do hồi đức Phât còn tại thế không có cầu nguyện, cầu nguyện sẽ làm tăng lòng tham, dính mắc và không có trong chánh pháp. Có lẽ vị ấy nghĩ cầu nguyện là van xin thần thánh, thượng đế ban ơn xá tội như các tôn giáo khác nên mới nói vậy. Thật ra cầu nguyện là một cách hướng tâm đến việc thiện lành, tỷ như cầu cho cha mẹ an lạc, cầu cho mọi người gặp thầy lành bạn tốt, cầu cho chúng sanh sống trong tình thương, tỉnh thức, trách nhiệ,m, cầu đời đời gặp phật pháp… thì làm sao có thể tăng tâm tham hay dính mắc được cơ chứ? Còn giả như cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức… thì việc cầu ấy mới đáng phê phán! Vị cư sĩ ấy nằng nặc xóa bỏ việc cầu nguyện trong Phật giáo, trong khi cầu nguyện là một việc hành trì không thể thiếu. Cầu nguyện để tín tâm kiên cố, bồ đề tâm tăng trưởng.
Còn có một điều khó có thể tưởng tượng hơn nữa là vị ấy còn bảo không nên tổ chức lễ Phật đản, tổ chức lễ Phật đản bởi vì mục đích tư lợi của những tu sĩ và cư sĩ. Mình không tranh cãi, chỉ phản biện những điểm vô lý thái quá và vị cư sĩ ấy chụp mũ mình:” … Người này không biết gì, không có tu cũng không có nghiên cứu...” ừ thì là vậy, mình chỉ là một Phật tử bình thường, chẳng có công phu hay nghiên cứu chi cả, mình chỉ nói những gì mình biết mà thôi! Nghiệp ai tạo nấy thọ, phước ai làm nấy hưởng, đâu cần phải lên gân mạnh miệng làm gì.
Mình xưa nay vốn không thích việc thỉnh tượng sư tử Tàu, La Hán Tàu, pháp khí Đài Loan về chưng tùm lum, tuy nhiên nhưng việc bài xích Phật giáo Bắc truyền một cách cực đoan như thế thì khó có thể chấp nhận được! Mặc dù Phật giáo Bắc truyền mang đậm dấu ấn Trung Quốc, có nhiều sự thêm bớt châm chế của các tổ sư Trung Hoa, có sự pha trộn những yếu tố tín ngưỡng bản địa. Mình ví dụ như: Trong kinh Dược Sư có yếu tố thắp đèn diên thọ, treo phan tục mạng… đó là Lão giáo chứ trong Phật pháp không hề có. Tuy nhiên cái cốt lõi của Phật pháp vẫn là: Tứ diệu đế, bát chánh đạo, thất bồ đề phần, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… là cốt lõi, là căn bản, còn những yếu tố “ hoa lá cành” thêm vào cũng chẳng sao. Mình lại ví Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền như một qủa trứng gà, nếu cố chấp cứ phủ nhận Phật giáo Bắc truyền thì có khác gì đập vỡ cái trứng gà để lấy cái lòng đỏ tinh túy. Sự cực đoan ở ngòai đời vốn đã khó chấp nhận huống chi là trong đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo hòa bình, từ bi, trí huệ đi theo con đường trung đạo. Nếu cứ khăng khăng Phật giáo Bắc truyền là tu sai, không phải chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật thì hãy nhìn xem các ngài: Thích Thiền Tâm, Thích Trí Tịnh, sư bà Hải Triều Âm… hay các ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ….Không lẽ các ngài tu sai hết cả chăng?
Có đôi lúc việc phủ nhận Phật giáo Bắc truyền của một số sư cũng làm cho tâm mình lung lay, may mà mình vẫn quyết tâm niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật. Câu Phật hiệu giống như cái neo giữ cho con thuyền tâm không bị trôi dạt. Câu Phật hiệu như sợi dây giúp con diều bay cao mà không bị rơi hay cuốn theo gió. Thay vì trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì trụ vào câu Phật hiệu để đỡ dính mắc. Câu phật hiệu như cái áo giáp bảo vệ hữu hiệu tâm mình.
Mình vẫn làm việc, vẫn đùa giỡn với mọi người nhưng hễ rảnh ra thì thầm niệm Phât. Câu Phật hiệu giúp ích rất nhiều, tâm mình an tịnh hơn, bớt loạn động, kiềm chế sự thái quá của những cơn vui, mừng, hờn, giận...Niệm Phật trong những lúc lo lắng hay sợ sệt, hồi hộp giúp làm giảm căng thẳng rất nhiều. Mình chưa dám nói sâu xa đến chuyện nhất tâm bất loạn hay vãng sanh. Mình chỉ dám đề cập đến việc áp dụng niệm Phật như một liệu pháp tâm lý rất hiệu quả và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
– Thanh Nguyễn
(Ất Lăng thành, 22)
Gửi ý kiến của bạn