Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Ai đẹp hơn ai?

04/08/202300:00:00(Xem: 3623)

ai dep hon ai

“Guru” làm đẹp Michelle Phan, chủ nhân thương hiệu mỹ phẩm có tên EM Cosmetics. Hướng dẫn trang điểm và video cá nhân của cô trên YouTube đã thu hút được hơn một tỷ lượt xem. Hình từ Facebook của Michelle Phan trong post tự giới thiệu video “Beauty Survival Guide” của cô.

Đẹp là một khái niệm đã có từ ngàn xưa, tồn tại song song với sự tồn tại của nhân loại. Cái đẹp, vốn dĩ phức tạp và đa dạng, là một khái niệm không ngừng biến đổi và phát triển qua nhiều thời kỳ văn hóa. Dù loài người xưa nay luôn cố gắng định nghĩa và tô vẽ chân dung vẻ đẹp, vẫn không có một định nghĩa nào là tuyệt đối, ngược lại, các tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp thay đổi tùy nơi, tùy thời, tùy các nền văn hóa, không có một mực thước nào nhất định.
 
Thế nào là đẹp?
 
Đẹp là gì?” Người đầu tiên chính thức đặt ra câu hỏi căn bản này có lẽ là Socrates (469-399 TCN), và chính ông đã trả lời: “Đẹp là cái thích thú do tai nghe mắt thấy”.
 
Plato (427—347 TCN) cho rằng “Vẻ đẹp là hình ảnh nhất quán và không thể thay đổi của những điều tốt nhất, tinh tế nhất.” Ông cũng là người đầu tiên đưa ra một nền tảng siêu hình về cái đẹp: không dừng lại ở cái đẹp hữu hình, mà đi tìm những giá trị siêu cao vô hình.
 
Theo Immanuel Kant (1724-1804), vẻ đẹp là sự hài hòa giữa hình dáng và nội dung, là thứ khiến chúng ta cảm nhận sự tinh tế và thỏa mãn. Kant cho rằng cái đẹp gồm hai cảm nhận: cảm quan về sự cao cả và cảm quan về thẩm mỹ. Trong cả hai trường hợp, sự xúc động đều gây thích thú nhưng theo hai cách khác nhau: ý nghĩa cao cả khiến trái tim cảm động, còn mỹ thuật làm say mê trí óc của cặp mắt.
 
Với tôn giáo thì vẻ đẹp còn liên quan đến niềm tin. Nhà thờ Công giáo thời trung cổ coi Sắc đẹp là con đường dẫn đến Đức Chúa Trời. Aristotle, Nietzsche, Burke, và vô số tên tuổi khác cũng đã cố gắng định nghĩa cái đẹp theo nhiều cách thức và giá trị khác nhau. Tuy mỗi người diễn tả mỗi kiểu, điểm nhất quán vẫn nằm ở sự hài hòa, hoàn mỹ, tinh tế, gợi cảm, chinh phục.
 
Nói nôm na, đẹp là thứ gây thích thú, ngây ngất, mê say, đem lại cảm tình và sự rung động.
 
Quan niệm về cái đẹp qua các thời kỳ
 
Trong một bài tụng ca cổ, Plato đã viết về ba ao ước của người Hy Lạp thời xưa: 1. khỏe mạnh, 2. xinh đẹp, 3. trở nên giàu có bằng những việc làm lương thiện. Các bậc cha mẹ tương lai ở Hy Lạp thời ấy quan tâm đến vẻ đẹp của con cái đến mức họ đặt tượng Aphrodite hoặc Apollo, hai vị thần về dung mạo, trong phòng ngủ của họ để giúp họ sinh ra những đứa con xinh đẹp.
 
Theo họ, khuôn mặt đẹp lúc bấy giờ gồm mũi thẳng hoặc mũi hơi khoằm, trán thấp; và cặp lông mày tạo thành một vòng cung thanh tú ngay trên xương lông mày. Cái miệng đẹp tương tự như thời trang hiện tại: có màu đỏ tự nhiên, môi dưới đầy đặn hơn một chút so với môi trên. Quan trọng nhất là mái tóc đẹp. Tóc vàng óng ả được coi là đẹp nhất, không phải ngẫu nhiên mà nhiều vị thần Hy Lạp được miêu tả là tóc vàng.
 
Để làm đẹp, phụ nữ Hy Lạp ngày xưa đã biết sử dụng đồ trang điểm, bao gồm phấn phủ mặt, phấn xoa má làm từ một loại rễ cây, bút chì đen và đỏ và nước hoa, tất cả đều được thoa trước một đĩa kim loại sáng bóng dùng làm gương phản chiếu khuôn mặt của họ. Và, để che giấu những dấu hiệu lão hóa ngoài ý muốn, phụ nữ Hy Lạp đã dùng chì trắng che đi những nếp nhăn và nhuộm tóc để che màu bạc.
 
Tuy nhiên, việc trang điểm chỉ giới hạn ở “hetaera”, giới kỹ nữ, vì sắc đẹp không được coi là quan trọng đối với các bà nội trợ Hy Lạp. Lời tuyên bố dõng dạc của nhà hùng biện Demonthenes vẫn còn ghi trong trang sách, rằng một người đàn ông kết hôn với mục đích có "Một con chó giữ nhà trung thành. Còn vẻ đẹp và sự thỏa mãn các giác quan đến từ tình nhân."
 
Người La Mã tiếp tục cải thiện sứ mệnh làm đẹp. Vào thế kỷ thứ nhất, nhà thơ La Mã Ovid đã viết cuốn sổ tay đầu tiên về lời khuyên làm đẹp. Khoa học trang điểm đã nổi tiếng trong thế giới cổ đại. Theo nhà sử học Scarborough, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu đã làm theo lời khuyên của Ovid và chuẩn bị mỹ phẩm theo công thức của ông, bôi sáp lên vùng da nhăn nheo để trông mượt mà hơn và thay thế lông mày bị rụng bằng lông thú.
 
Hình ảnh phụ nữ xinh đẹp của thời Trung Cổ -- từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15 -- được tìm thấy trong truyền thuyết về Vua Arthur và những bài thơ của Chaucer. Tiêu chuẩn của cái đẹp hiện ra cụ thể. Tóc phải có màu vàng óng ả mịn màng, và nếu màu tóc không thích hợp thì nhuộm bằng thuốc nhập khẩu từ phương Đông." Và theo Christian Zacher, giáo sư dạy văn học thời trung cổ tại Đại học Bang Ohio, đôi mắt màu xanh-xám được đánh giá cao hơn bất cứ màu gì khác."
 
Khái niệm về vẻ đẹp nữ tính bước vào một kỷ nguyên mới với thời kỳ Phục Hưng ở Ý thế kỷ 15. Botticelli, Leonardo và Raphael đã vẽ nên một đám rước những khuôn mặt đa dạng kỳ diệu nhưng tất cả đều hợp nhất bởi một vẻ đẹp nhất định. Nhà sử học nghệ thuật Ravenal nói: “Những bức tượng Madonna’s của Boicelli rất đáng yêu vì chúng mỏng manh và dễ vỡ.” Những bức tranh về Đức Mẹ Đồng Trinh của Leonardo thể hiện một người phụ nữ đẹp không phải vì các đường nét hoàn hảo theo nghĩa Hy Lạp cũ mà bởi vì khuôn mặt của bà truyền cảm giác bí ẩn kết hợp với sự dịu dàng, mềm mỏng của người mẹ.”
 
Ở Anh, những người phụ nữ thanh lịch của thế kỷ 16 có mẫu đẹp lý tưởng của riêng họ, đó là hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth I chưa chồng. Họ bắt chước cách cắt nhuộm tóc, nhổ lông mày và trang điểm theo vẻ đẹp khuôn mặt nàng.
 
Vào cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng “Lên Tiếng” đã nổi lên trong làn gió chính trị của Châu Âu và Châu Mỹ. Chủ nghĩa cá nhân và quyền tự do cá nhân là những tiếng kêu tập hợp của thời đại. Trong nghệ thuật, "Khuôn mặt trở nên quan trọng," Theo Ellen G. Miles, người phụ trách hội họa và điêu khắc tại National Portrait Gallery: "Vào thời điểm này, người ta thực sự quan tâm đến chủ đề hơn là bối cảnh của bức tranh."
 
Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở khía cạnh mỹ học, là ranh giới phân chia giữa thời đại Victoria và thời kỳ hiện đại. Thị hiếu về thời trang quần áo cũng như thị hiếu về khuôn mặt của phụ nữ đã thay đổi. Chiếc áo cọc-sê quấn eo quấn ngực được cất vào tủ và người phụ nữ hiện đại trang điểm công khai và thả tóc bồng bềnh. Đó là thời đại mà phụ nữ giành quyền bầu cử và thậm chí còn bị chỉ trích vì để mặt “thô kệch” không trang điểm. Marlene Dietrich - với đôi lông mày tỉa tót, đôi môi đỏ mọng và phấn hồng được tô bên dưới xương gò má chứ không phải trên gò má – là hình ảnh cái đẹp đi ngược lại với người phụ nữ mềm yếu da tái nhợt, môi hồng, tóc chẻ.
 
Các tiêu chuẩn về cái đẹp đã thay đổi qua nhiều năm tháng và đã phát triển đáng kể suốt chiều dài lịch sử. Tất nhiên, cái đẹp tùy thuộc vào văn hóa. Những gì một cộng đồng ngưỡng mộ có thể khiến một nhóm người khác thờ ơ, lạnh nhạt. Điều quyến rũ người này sẽ khiến người khác nhún vai. Vẻ đẹp là quan niệm cá nhân. Nhưng nó cũng phổ quát nên mới có những người đẹp quốc tế - những người đại diện cho một tiêu chuẩn được đại đa số công nhận, ưa chuộng.
 
Ngày nay, tuy vẫn đúng với định nghĩa của tự điển Oxford, rằng cái đẹp là “một phẩm chất làm hài lòng tim óc”, nhưng cái đẹp ngày nay đã bước ra khỏi sự phụ thuộc vào diện mạo, mà chủ yếu nằm ở thái độ, sự hiểu biết, và phong cách mà một người thể hiện cá tính riêng biệt của họ, bởi tim óc con người thay đổi và tiến hóa.  Một thí dụ điển hình là thế hệ thiên niên kỷ, những người sinh từ năm 1981 đến 1996, họ không cần hòa nhập vào hàng ngũ sắc đẹp truyền thống mà tự hào đứng tách biệt, tự hào khoác lên người chiếc áo cá tính. Định nghĩa mới về cái đẹp đang được viết bởi một thế hệ chụp ảnh selfie: những người này, là ngôi sao trang bìa, cho câu chuyện của chính họ.
 
Cái đẹp ngày nay, phải khiến các giác quan thức tỉnh, phải khuấy động cảm xúc, và trên tất cả, phải chinh phục.
 
Cảm nhận cái đẹp
 
Khổng Tử nói: "Mọi thứ đều có vẻ đẹp, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy nó."
 
Thật vậy, cái đẹp đôi khi được ví như tình yêu, cảm nhận thì được, nhưng rất khó lý giải, cắt nghĩa.
 
Cái đẹp khó xác định nhất là cái đẹp trừu tượng trong nghệ thuật. Khi nghe một bản nhạc, xem một bức tranh, đọc một bài thơ, làm sao xác định? Vào một khoảnh khắc nào đó trong lúc thưởng thức, các đặc điểm của tác phẩm, có thể bao gồm từ những yếu tố đơn giản nhất như nhịp, âm, hoặc màu sắc, cho đến những kết hợp cấu trúc phức tạp hơn miêu tả nội tâm nhân vật hoặc quan điểm về thế giới, tạo cho chúng ta một cảm giác xao động, hưng phấn. Đó chính là cơ sở để nhận xét rằng tác phẩm đó hài hước, cảm động, tao nhã, sâu sắc, cuốn hút, sáng tạo, v.v. — từ đó chúng ta đánh giá tác phẩm có giá trị hoặc gọi đơn giản hơn bằng chữ “đẹp” hoặc “hay”. Các tác phẩm không “chạm” đến trái tim hay không để lại trong ta một ấn tượng, suy nghĩ gì, dù đôi khi có tác dụng giải trí, hay có vẻ hợp thời, không hẳn là tác phẩm hay đẹp. Cái đẹp tuy đôi khi chủ quan, nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn cần phải có một trình độ thẩm mỹ căn bản mới có thể cảm và hiểu, mắt mới có thể “thấy”.
 
Cái đẹp dễ nhận ra, dễ hiểu hơn có lẽ là cái đẹp phổ thông về dung nhan ngoại hình của một người. Người đó đẹp hay không thường được đánh giá theo nhận xét của một cá nhân hay xã hội, sự đánh giá này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi truyền thông, phim ảnh, theo một tiêu chuẩn vóc dáng, chiều cao, khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, làn da, kỹ thuật trang điểm, phong cách đi đứng, thời trang ăn mặc… Vẻ đẹp bên ngoài không có nghĩa không bao gồm phong cách, thái độ, thậm chí cả tính nết vì tất cả những phẩm chất này sẽ lộ ra “bên ngoài”. Một người có phong cách lịch thiệp, lễ độ, tinh tế, tự tin, ăn mặt khiêm tốn giản gị vẫn sẽ tỏa sáng xinh đẹp. Một kẻ thô lỗ, bất lịch sự, khoe khoang, khoác lác dù diện mạo và ăn mặc đẹp đến đâu đi nữa cũng khó dấu sự xấu xí.
 
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ông bà ta đã nói, vẻ đẹp ngoại hình không quan trọng bằng vẻ đẹp nội tâm, trí tuệ, phong thái, nhân cách mới là vẻ đẹp chân xác. Vẻ đẹp mỹ thuật ngoại hình có thể thay đổi tùy gu người đối diện, nhưng vẻ đẹp chân thiện nội tâm phần nào được xác định theo một tiêu chuẩn đạo đức xã hội nhất định. Chẳng hạn lòng tử tế, nhân hậu và sự chân thật ở thời đại nào cũng là vẻ đẹp bất di bất dịch, trong khi khoe khoang, dối trá, lừa đảo, luôn là hiện thân của sự xấu xí.
 
Thời đại selfie “tự cảm thấy đẹp!”
 
“Face” kia ngự ở trên tường
Thế gian ai đẹp được dường như ta?
 
Mượn hai câu này, xin bạn đọc đừng hiểu lầm, “Face” ở đây không phải là khuôn mặt, mà là Facebook.
 
Kỹ thuật hiện đại đã đặt quyền định nghĩa cái đẹp vào tay con người. Điện thoại di động cho phép mọi người tự chụp, chỉnh sửa hình ảnh của họ qua các ứng dụng đi kèm với các kỹ thuật chỉnh lọc được sử dụng để giải trí, tạo hình và “tự sướng”.
 
Bỏ chút thời giờ dạo một vòng facebook, ghé vào thăm “nhà” của các người đẹp xứ cờ hoa mà nhà báo Đinh Quang Anh Thái trong một bài viết gọi là “Đất Thần Kinh”, bạn sẽ không thể không thấy hằng hà sa số những tấm hình tự chụp, nhờ bạn trai chụp, bạn gái chụp, mượn người qua đường chụp, những tấm hình được chụp rồi chỉnh trang lại từ đầu đến chân “upload” đều đều lên facebook. Những người post những tấm ảnh này thường “khiêm tốn” không nói nhiều, nhưng ngụ ý “ai đẹp như ta”, hay đúng hơn “ta đẹp như ai” vì những tấm ảnh này, sau khi chỉnh sửa, ai trông cũng “đẹp”cũng “trẻ” như ai, tất cả mọi người đều trở thành “Poupée de cire Poupée de son”, những nàng búp bê giống nhau vô cảm đẹp hơn “tượng đá”.
 
Thật vậy, những tấm hình được các “mỹ nhân” sửa đổi công phu qua nhiều nấc bằng một ứng dụng “beauty app”với mục đích làm đẹp bằng cách bóp eo, kéo chân, chà láng da, chỉnh đường nét, bóp khuôn mặt cho thon gọn, làm trẻ lại, v.v… hiện đang là “dân số” chiếm đất facebook đông đảo. Kèm theo đó là những trận mưa “like” và những lời khen tưới mát cõi lòng.
 
Đẹp. Đẹp không? Đẹp phải không? Thật khó trả lời. Cái đẹp vốn dĩ đã phức tạp, lại qua tay viện thẩm mỹ ứng dụng bật tối đa chế độ chỉnh sửa, khiến những tấm hình tuy trở nên cân đối hài hòa về hình thể, nhưng không còn biểu lộ chút cảm xúc nào. Đẹp là gì? Chắc phải hỏi lại Socrates, nếu không thể cảm, làm sao có thể “thích thú vì mắt thấy tai nghe”!
 
Có lẽ phải chờ khi xã hội lại tiến hóa, khi các người máy AI tràn ngập lấn áp dân số loài người chi phối thị hiếu, lúc đó, con người lạc hậu như tôi may ra sẽ cảm nhận được cái đẹp “robot” của các chị em ta.
 
Còn bây giờ, xin vẫn được cảm nhận và thương cái đẹp theo các giá trị “lỗi thời”:
 
“Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương má phấn lại càng thêm xinh
Chín thương em ngủ một mình
Mười thương con mắt có tình với ai.”*
 
Nina HB Lê
 
*Ca dao Mười Thương 

Ý kiến bạn đọc
22/08/202302:58:19
Khách
Chu cha..bửa ni cô HB chơi xỏ đám độc giả nửa (Việt) vời ..đem cái thước của mấy ông triết gia từ tây qua đông để đo sắc đẹp ...đọc xong thấy mình thông (Anh) thái đến nổi thộn mặt ra luôn ;)
06/08/202318:30:51
Khách
Khổ thay phải che dấu cái đẹp tự nhiên bằng mặt nạ!
05/08/202307:44:20
Khách
Beauty is in the eyes of the beer drinkers !
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuối tuần này, khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
Vào tối ngày Thứ Bảy 31 tháng 8 tới đây, tại sân khấu ngoài trời Garden Grove Amphitheater (12762 Main Street, Garden Grove CA 92843), Đài Truyền Hình SBTN, hội thiện nguyện Bên Em Đang Có Ta sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho những người yêu nhạc: Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024 (SBTN Music Festival). Nhiều ca sĩ hải ngoại nổi tiếng sẽ có mặt để cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc cho khán giả. Hai ca nhạc sĩ Sỹ Đan, Việt Khang đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Việt Báo, chia sẻ tâm tình của mình về Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang.
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh. Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành.
Khi nói đến âm nhạc, người ta thường liên tưởng đến khái niệm về “tâm hồn” hay “cảm xúc”. Khi nói đến giáo dục lại thường liên kết với “trí tuệ”. Một bên là nghệ thuật, một bên là tri thức. Một bên là những chàng nghệ sĩ, một bên là những nhà mô phạm. Thực ra hai lĩnh vực này có nhiều khi đan lẫn, kết hợp với nhau. Âm nhạc là một ngành học với học vị lên tới tiến sĩ, không thua kém gì học bác sĩ, kỹ sư. Và khoa học đã chứng minh từ lâu rằng học âm nhạc góp phần phát triển khả năng trí tuệ toàn diện cho trẻ em.
Cuốn phim Từ Sài Gòn đến Điện biên Phủ cũng được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Phim do hãng Mỹ Vân hoàn tất tại Việt Nam trước 1975. Chưa từng chiếu được giữ lại trên 50 năm qua sẽ ra mắt đồng bào rất may mắn tại San Jose. Xin mời đến để gặp Kiều Chinh và Sài Gòn sau hơn nửa thế kỷ. Vào 1 giờ chiều thứ bẩy 27 tháng 7-2024 tại hội trường Santa Clara County
Vào chiều Chủ Nhật cuối Tháng Sáu, khoảng hơn 400 khán giả đã ngồi chật khán phòng của Huntington Beach Central Library Theater để cổ vũ cho các tài năng âm nhạc trẻ gốc Việt trong chương trình nhạc Emê Concert 2, chủ đề “I Wish It So”.
Thỉnh thoảng có một ngày vui. Gặp nhau trong thân tình, được bày lộ nỗi lòng, nâng ly rượu giao hòa. Đó là buổi ra mắt tập thơ của Họa sĩ Khánh Trường. Chiều, của một ngày cuối cùng tháng Sáu, 2024. Trời Nam Cali mát dịu. Tôi và Kim đến rất đúng giờ nhưng phòng họp đã đầy chật bằng hữu. Tấm lòng yêu mến Khánh Trường quả là rõ thực. Tay này đa tài trên khắp nẻo, hội họa, văn chương, báo chí, cả ngang tàng một cõi thời trai trẻ. Bỗng đủ thứ bệnh tật đến rần rần như rủ nhau đi xem hội. Trên hai mươi năm nay ung thư thanh quản, hộc máu, tắt tiếng, đột quỵ, ngồi xe lăn, bại thận, mỗi tuần bị lụi kim, kim bự tổ chảng, vào người thay máu hai lần. Nhìn hai cổ/ cánh tay của Khánh Trường, từng đụn da thịt gồ lên thấp xuống, như cái dãy… Trường sơn thu nhỏ.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói về Khánh Trường-nhà thơ đã không quên nhắc lại “Khánh Trường là người làm được rất nhiều thứ, không những ông là họa sĩ, nhà thơ, mà ông viết văn rất hay. Tôi rất thích đọc truyện Khánh Trường. Nhưng điều tôi phục nhất là Khánh Trường của Hợp Lưu. Khánh Trường của nguyên tắc làm theo ý mình, trái ý thiên hạ. Người ta cho là anh ta phản kháng hay nổi loạn, nhưng theo tôi, KT chỉ làm cái gì mình cho là đúng, hay, phải làm. Tôi rất khâm phục.”