Thất bại trong phòng, chống tham nhũng của CSVN xem như đã vĩnh viễn, không còn cứu được nữa. Bằng chứng này dựa vào những tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các viên chức có trách nhiệm trong “quốc nạn” này. Ông Trọng thắc mắc: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”
Lên tiếng tại phiên họp của Ban Nội chính Trung ương ngày 20/1/2022, Tổng bí thư Trọng đã hỏi mọi người: “Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?" (Báo Thanh Tra, ngày 20/01/2022).
Theo lời Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thì: “Tổng Bí thư thường đặt vấn đề ‘ai đã bao che, tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài’”. Ông Học nói: “Tổng Bí thư yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực". Ông Học cũng cho biết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần yêu cầu các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải điều tra, xử lý nghiêm, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói hăng như thế vì ông là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông cũng là người phát động chiến dịch được gọi là “đốt lò” chống tham nhũng từ khóa đảng XI, năm 2016 khi ông lên làm Tổng Bí thư. Nhưng vì sao “tham nhũng, tiêu cực vẫn ngang nhiên trắng trợn”, sau 7 năm ông cầm quyền? Tại vì, theo lời Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: “Có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, thủ đoạn che đậy tinh vi”. Ông Học nhìn nhận: “Tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp.” Ông nói: “Bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức rất lớn.”
VẪN CỨ KHOE
Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị tổ chức, ngày 30/6 (2022), ông Trọng vẫn khoe công tác này: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Ông hô hào toàn đảng cần: “Đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.” Tuy nhiên, người cầm đầu của trên 5 triệu đảng viên cũng thừa nhận mặt trận chống tham nhũng còn gian nan. Ông nói: “Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.” (Báo Thanh Tra, ngày 20/01/2022).
Khi nói về cán bộ, đảng viên sa vào tham nhũng ông thừa nhận có tình trạng: “Nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm.” Ông nói: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, bất cập; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí có trường hợp còn sa vào suy thoái, mắc vào tiêu cực, tay đã nhúng chàm, không dám đấu tranh hoặc tiếp tục tiếp tay cho tham nhũng.”
Vì tính phức tạp và nguy hiểm của của tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng cảnh giác: “Phòng, chống tham nhũng là ‘chống giặc nội xâm’, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ,... với động cơ không trong sáng.”
Ai cũng biết như thế, nhưng tại sao ông Trọng và đảng chống mãi mà không xong?
NGUYÊN NHÂN THAM NHŨNG
Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là cái gốc của tham nhũng”
Nhà xuất bản này chịu trách nhiệm in 2 cuốn sách chống Tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” ra mắt đúng dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng vừa qua (3.2.1930-3.2.2023), là cuốn sách thứ 2 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cuốn sách đầu tiên về chống tham nhũng của Tổng Bí thư được xuất bản vào năm 2019 với tiêu đề “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.
Ông Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên viết sách về chống tham nhũng mà các viên chức nhà nước nêu ra do 4 nguyên nhân, đó là:
- Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hữu hiệu;
- Rườm rà về thủ tục hành chính;
- Sự “hỗn loạn” các chuẩn mực và giá trị xã hội;
- Tình trạng thiếu minh bạch thông tin.
Khổ nỗi, chỉ có những kẻ “có chức và có quyền” mới có thể tham nhũng nên việc kéo dài những khuyết điểm này cũng do người của đảng gây ra để thụ hưởng. Nhân dân chỉ là “nạn nhân” của tham nhũng do chế độ gây ra cho họ.
SÁU TỒN TẠI
Không phải chỉ có vậy mà còn bê bối trăm bề. Theo lời ông Phó trưởng ban Nội chính Nguyễn Thái Học, tại phiên họp 22 ngày 23/08/2022, Ban Chỉ đạo T.Ư. phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhìn nhận có sáu “tồn tại” trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực, đó là:
– Thứ nhất, một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc, xử lý theo kế hoạch.
– Thứ hai, công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm; có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác này.
– Thứ ba, việc rà soát các sở hở, bất cập của chính sách pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm, quyết tâm chưa cao.
– Thứ tư, việc tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ, tự phát hiện sai phạm vẫn là khâu yếu.
– Thứ năm, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức có tâm lý lo ngại, làm việc cầm chừng, sợ sai nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
– Thứ sáu, Ban Chỉ đạo đánh giá, dù đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, song tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.
Kết luận, ông Nguyễn Thái Học cho biết: “Cái nghiêm trọng hơn nữa, các thành viên Ban chỉ đạo nhìn nhận đánh giá, nhấn mạnh là có sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư, có sự móc nối giữa cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất với các . Và sự móc nối này rất tinh vi. Có nhiều vụ án chúng ta phát hiện cho thấy tham nhũng tập thể”. (Báo Thanh Niên, ngày 23/08/2022).
Nhưng thắc mắc trong dân là: Biết rõ những nguyên nhân gây ra tham nhũng mà tại sao Đảng chưa có biện pháp trừng trị? Bằng chứng “cứ trơ ra nhìn nhau” đã được nêu ra tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 19/06/2023. Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Có một bộ phận cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân; một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một "ông vua con" ở đấy”. (Báo Công an Nhân dân, 19/06/2023).
Nhưng những “ông vua con” này là ai, bao nhiêu, và đã bị trừng phạt ra sao khi bị phát giác? Không ai biết, hay Nhà nước “không muốn biết”. Chỉ thấy ông Trọng khoe: “Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021); số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới,", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh," giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên.”
XÂY ĐÂU VỠ ĐÓ
Liệu lời nói lạc quan “dưới cũng ngày càng nóng lên” của ông Trọng có chính xác không? Nếu trên dưới đều “nóng” cả thì công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng (gọi tắt là “Xây dựng đảng”) phải thành công chứ? Đằng này, đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam/ VOV) vẫn còn kêu gào: “Vì sự sống còn của Đảng, không có lựa chọn nào khác là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dẫu có khó khăn, dẫu có nhiều lực cản. Dù nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, nhưng nếu không xây dựng Đảng thì những thành tựu kinh tế cũng có thể bị phá hỏng bởi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.” (VOV, ngày 03/02/2023).
Nên biết công tác Xây dựng Đảng được coi là “nhiệm vụ then chốt” từ khóa đảng VIII năm 1996 thời Lê Khả Phiêu. Đến khóa đảng XIII thời ông Nguyễn Phú Trọng, là 27 năm mà bây giờ đảng vẫn còn phải đối phó với “bốn nguy cơ: tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; “diễn biến hòa bình” (được gán cho của các thế lực thù địch), có mặt “phức tạp” thì hẳn “phải có vấn đề”.
Nên biết, trong 10 năm qua, theo báo Quân đội Nhân dân, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật và hơn 2.000 văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng, nhưng mọi chuyện vẫn trơ ra như đá. Như vậy ai chịu trách nhiệm thì có Trời biết. Chỉ thấy ông Nguyễn Phú Trọng và đảng không ngừng cảnh cáo rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ còn diễn biến phức tạp” và đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Như thế thì đảng đã rã rời chưa hay lãnh đạo đã buông xuôi để cho cán bộ, đảng viên Tham nhũng quanh năm, suốt tháng.
– Phạm Trần
(07/023)