Hôm nay,  

Hoạt Động Của Tâm Thức và Não Bộ Là Một Hay Khác?

14/07/202300:00:00(Xem: 2487)
Hình-chính-trang-nhất-Photo-by-Kevin-Bluer-on-Unsplash

Nghiên cứu khoa học mới cho thấy thiền định làm lắng dịu thân đồng thời làm lắng dịu tâm.

Ảnh: Kevin Bluer từ Unsplash.

 
Trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ nhanh hơn sự ứng đối của con người như hiện nay không ít người quan ngại về nguy cơ các sản phẩm trí thông minh nhân tạo có thể thoát khỏi tầm kiểm soát của con người. Điều trớ trêu là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật cũng từ con người mà ra. Hay nói cách khác, chính con người là tác nhân của các sản phẩm khoa học kỹ thuật tân tiến đó lại lo ngại tạo vật của mình.

Tuy nhiên, thực tế còn có một nghịch lý khác, đó là cho đến ngày nay, con người thông qua sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vẫn chưa biết rõ, hay nói chính xác hơn là vẫn chưa chứng minh được bằng phương thức khoa học khách quan ai là tác nhân thực sự của các sản phẩm khoa học kỹ thuật tân tiến đó: tâm trí hay não bộ hay cả hai?  

Từ vấn nạn trên đưa chúng ta đến những câu hỏi khác tiếp theo. Phải chăng những hoạt động của tâm thức con người, gồm tư duy, cảm thọ và ký ức, chỉ là sản phẩm của hoạt động não bộ? Hay ngược lại, có phải các hoạt động của não bộ đều bị chi phối và điều khiển bởi tâm thức của chúng ta? Hoặc một cách khác, phải chăng có một cái tâm tồn tại và hoạt động riêng rẽ với thân xác của con người?

Trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được không những sự vận hành của trí óc, gồm tâm trí và não bộ, mà còn giúp chúng ta giải đáp được nhiều nghi vấn về sự hình thành và hoạt động của các tầng tâm thức vốn rất phức tạp và vi tế, cũng như các hiện tượng mà lâu nay nhân loại liệt vào loại siêu nghiệm như nghiệp báo, tái sanh nhiều đời, v.v…

Những câu hỏi trên vốn không mới mẻ gì mà chúng đã được nêu ra và có cả các giải đáp từ lâu tại Đông Phương và Tây Phương với các giáo nghĩa của tôn giáo hoặc các lý thuyết của triết học, thần kinh học, tâm lý học, tâm lý trị liệu, v.v... Tuy nhiên, vấn đề là, những giải đáp đó vẫn chưa được khoa học Tây Phương chứng thực là đúng qua các nghiên cứu khách quan với các cuộc thí nghiệm lâm sàng hoặc các phương pháp điều trị đưa tới những kết quả cụ thể. Chính điều này đã thúc đẩy giới khoa học trên thế giới không ngừng nỗ lực nghiên cứu và thí nghiệm để tìm cho ra câu trả lời thích đáng. Nhờ vậy, hiện nay chúng ta đã có thêm được nhiều tia sáng rọi vào lãnh địa bí ẩn từ lâu để ngày càng hiểu rõ hơn hoạt động của tâm thức và não bộ. Trước hết, chúng ta cần lượt qua một cách khái quát các quan điểm của con người về hoạt động của tâm thức và não bộ trong lịch sử nhân loại.
 
Con người biết gì về tâm thức và não bộ trước đây
 
Câu chuyện về sự thiếu hiểu biết của con người đối với tâm thức và mối liên hệ của nó với não bộ có từ thời xa xưa. Từ lâu con người đã biết rằng loài người có khả năng độc đáo đối với lãnh vực tư duy. Triết gia cổ Hy Lạp tiền Socrat của trường phái Milesian là Anaximander (610-546 trước Tây lịch) đã cảm thấy rằng “tâm giúp cho cơ thể sức mạnh của sự sống.” (1) Vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, triết gia cổ Hy Lạp khác là Pythagoras (570-495) đã có ý niệm rằng “não bộ đóng vai trò như là cơ phận của tâm và là ngôi đền của linh hồn.”

 Thời đó người ta tin rằng bệnh tật gây ra bởi sự mất quân bình giữa 4 chất dung dịch trong cơ thể: máu, mật vàng, mật đen và đờm dãi. Các chất dung dịch nước trong cơ thể có mối quan hệ trực tiếp với 4 đại chủng: đất, nước, lửa, và gió và 4 đặc tính: nóng, khô, lạnh và ướt. Các chất dung dịch này không chỉ kiểm soát chức năng của cơ thể và cuộc sống mà còn cả tâm trí và hành vi.

Triết gia cổ Hy Lạp Plato (428/427 or 424/423 – 348/347 trước Tây lịch) nghĩ rằng linh hồn là bất tử, di chuyển từ thân thể này sang thân thể khác, và dễ bị tổn thương bởi các thần linh giận dữ. Triết gia cổ Hy Lạp Aristotle (384–322 trước Tây lịch), môn đệ của Plato, đồng thuận với các triết gia cổ thời thuộc Ấn Độ, Do Thái và Trung Hoa cho rằng trái tim là nguồn cội của trí thông minh, cảm xúc và là trung tâm thần kinh của cơ thể. Thần y cổ Hy Lạp Hippocrates (460-370 trước Tây lịch), vị cha đẻ của y học hiện đại là người đầu tiên tạo ra mối liên hệ giữa não bộ và cảm xúc, và sự đau đớn và tư tưởng. Ông không tin vào thuyết 4 chất dịch trong cơ thể.

Vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, bác sĩ nổi danh thời La Mã người Hy lạp Claudius Galen (129-216 Tây lịch) làm mới lại niềm tin của ông vào lý thuyết các chất dịch và vai trò của linh hồn tự nhiên, năng động và động vật trong cuộc sống và sức khỏe. Ông cảm nhận rằng “linh hồn năng động” hình thành trong trái tim và được bơm lên não, nơi chúng hòa lẫn với khí (được tìm thấy trong các khoang của não) trong “Rete Mirabile” (mạng lưới mạch máu được tìm thấy trong não của heo và một số động vật khác được biết vào lúc đó) và được chuyển thành “linh hồn động vật.” Linh hồn này đã chảy vào các khoang tâm thất của não để phân phối cho phần còn lại của hệ thống thần kinh. Galen còn gán các khoang của tâm thất cho sức mạnh của ký ức, sự tưởng tượng, nhận thức và ngôn ngữ. Quan điểm của Galen đã thống trị kéo dài 1,500 năm.(2)

Năm 1543, bác sĩ giải phẫu người Flemish là Andreas Vesalius (1514-1564) vào năm 31 tuổi đã viết cuốn sách rất có ảnh hưởng “The Structure Of The Human Body” [Cấu Trúc của Cơ Thể Con Người]. Ông đã giải phẫu cơ thể của những tội phạm bị hành quyết và cho thấy cấu trúc của não bộ rất khác với bản vẽ của Galen trước đó. Ông cũng khẳng định không có cái mà Galen gọi là “Rete Mirabile” trong con người và các khoang não không mang bất cứ “linh hồn” nào. Vì việc này ông bị coi là kẻ dị giáo và phải bỏ trốn tới Jerusalem.

Khái niệm về “tâm trí” vẫn khó nắm bắt cho đến thế kỷ 17 khi triết gia, khoa học gia và toán học gia người Pháp Rene Descartes (1596-1650), cha đẻ của truyền thống chủ quan và duy tâm trong triết học hiện đại, tuyên bố khái niệm quan trọng về ý thức, mà trong đó tâm trí tự biết qua phát biểu “Tôi suy tư do đó tôi hiện hữu.”(3) Trong tác phẩm “Meditations on First Philosophy” xuất bản năm 1641, Descartes cho rằng tâm là vật suy tư và không phải là vật chất chiếm không gian. Ông nói rằng cơ thể là vật chất chiếm không gian mà không phải là vật suy tư. Descartes còn tin rằng linh hồn nằm trong phần trong cùng của não mà cụ thể là nơi một tuyến tùng [pineal gland] rất nhỏ để điều hành các hoạt động của cơ thể.(4)

Những khám phá về cấu trúc và chức năng của não bộ đã diễn ra chậm chạp cho đến thế kỷ thứ 19. Vào đầu thế kỷ 19 nhà vật lý và thần kinh học người Đức Franz Joseph Gall (1758-1828) đã thực hiện một nghiên cứu về sọ người không theo phương pháp khoa học, dự đoán các năng lực tinh thần bằng việc kiểm tra các vết sưng và chỗ lõm trên đầu của một người. Dù nghiên cứu về sọ không có giá trị, nó đã giới thiệu ý tưởng về vị trí trong não bộ của chức năng tinh thần. Nhà sinh lý học người Pháp Pierre Flourens (1794-1867) đã trắc nghiệm lý thuyết của Gall bằng cách cắt bỏ các phần não động vật. Dù các vết cắt của ông còn thô kệch và các kết quả chức năng còn mơ hồ, ông đã cho thấy một cách thuyết phục rằng tâm và vật chất tương quan nhau bởi vì thiệt hại ở một số bộ phận của não bộ đã làm thay đổi nhận thức.

Hinh 1 tâm thức và não bộ

Liên kết giữa thân và tâm được gắn vào cấu trúc của não bộ của chúng ta, và được thể hiện trong tâm lý, vận động, hành vi và suy nghĩ của chúng ta, như được miêu tả trong giải thích nghệ thuật của một nghiên cứu mới bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y Khoa của Đại Học Washington Univertity tại thành phố St. Louis.(Photo: https://medicine.wustl.edu/

  
Vào thập niên 1870s, John Hughlings Jackson, nhà thần kinh học tại Bệnh Viện Quốc Gia Chuyên Về Các Bệnh Thần Kinh tại Quãng Trường Queen, ở London, Anh Quốc, khẳng định rằng các trung tâm vận động là “cực điểm của sự tiến hóa,” và bao gồm “cơ quan của tâm trí.” Qua điều này ông muốn nói rằng nhận thức, cảm xúc, ký ức, nội quan, tưởng tượng và ngôn ngữ, tất cả các yếu tố liên kết với khái niệm về tâm trí, đều được phát hiện trong các chức năng của những bán cầu não, đưa ông đến khẳng định rằng não là “cơ quan của tâm trí.”

Trong nghiên cứu về sự tiến hóa của mình, Charles Darwin (1809-1882) đã chỉ ra sự phát triển tiến bộ của hệ thống thần kinh trung khu với sự tiến bộ của nhiều loài động vật, mà trong đó lớn nhất và phức tạp nhất là não bộ con người. Cũng trong thế kỷ thứ 19, triết gia người Đức Immanuel Kant (1724-1804) đã tranh luận rằng liệu tâm trí có tiến hóa với não bộ hay tồn tại khác với não bộ.

Vào đầu thế kỷ 20, nhà phân tâm học và cũng là nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) bắt đầu giải thích về tâm thức dựa trên các kinh nghiệm riêng tư không theo phương thức khoa học của ông về tư tưởng, giấc mơ và hành vi của con người. Việc tái định nghĩa về tính dục của Freud bao gồm các hình thức tuổi thơ đưa ông đến việc hình thành định thức phức cảm Oedipus như là chủ thuyết trung tâm của lý thuyết phân tâm học.(5) Phân tích về các giấc mơ như là sự thỏa mãn dục vọng đã cung cấp cho ông các mô hình cho sự phân tích lâm sàng đối với sự hình thành triệu chứng và các cơ chế nền tảng cho sự kiềm chế. Trên cơ bản này, Freud đã tạo dựng lý thuyết vô thức và tiếp tục phát triển mô hình của cấu trúc tâm thức bao gồm bản năng xung động (id), tự ngã (ego) và siêu ngã (super-ego).(6) Freud đã mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của ham muốn tính dục (libido), năng lực tình dục mà các quá trình và cấu trúc tinh thần được đầu tư và tạo ra khát ái và dẫn tới cái chết, nguồn gốc của sự lập đi lập lại không thể cưỡng, thù hận, gây hấn, và bệnh hoạn thần kinh. Sau đó ông lập ra mô hình lý thuyết về cấu trúc tâm thức gồm 3 tầng: ý thức (conscious), vô thức (unconscious), và tiền ý thức (pre-conscious).

Đó là khái quát một số kiến thức mà con người đã có đối với tâm thức và não bộ hay cơ thể vật chất trong một thời gian dài của lịch sử hơn hai ngàn năm tại Tây phương. Dĩ nhiên, thực tế còn rất nhiều kiến giải mà con người có được về tâm và thân. Điều được nói đến ở trên chỉ là một phần rất nhỏ và rất đại lược.
 
Phật Giáo nói gì về tâm và thân
 
Đức Phật đã nói cách nay hơn hai ngàn rưởi năm rằng con người là tập hợp của 5 yếu tố gọi là ngũ uẩn (pañca-khandha) gồm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là vật chất thuộc về thân, gồm đất, nước, gió và lửa. Thọ, tưởng, hành và thức thuộc tinh thần hay tâm.

Khi Đức Phật truy tìm nguyên nhân của đau khổ trước khi giác ngộ, Ngài đã khám phá ra một chuỗi xích 12 yếu tố gọi là thập nhị nhân duyên (dvādaśāṅgapratītyasamutpāda) làm nhân làm duyên cho nhau để con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, mà khởi đầu là từ vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh và kết thúc ở lão tử. Trong 12 nhân duyên này thì danh-sắc chính là thức tâm và sắc chất, tức là tâm và thân. Như vậy, con người là một tập hợp của vật chất và tinh thần, thân và tâm. Thân và tâm luôn luôn hoạt động tương quan tương duyên nhau.

Trong bài Kinh số 213 của Kinh Tạp A-hàm (Saṃyukta Āgama), Đức Phật đã nói đến sự tương quan tương duyên của căn, trần và thức, tức là sự tụ hội của thân, thức và cảnh đưa đến tiếp xúc và cảm thọ:


“Lại nữa, khi nhãn duyên vào sắc sanh ra nhãn thức, cả ba chúng hòa hợp sanh ra xúc và xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui.”(7)

Ở đây, Đức Phật chỉ ra rằng khi con mắt (nhãn) nhìn sắc thì sinh ra cái biết của con mắt, tức là nhãn thức. Cả ba -- mắt, sắc và thức -- hòa hợp thì sinh ra xúc, từ xúc sinh ra cảm thọ. Từ cảm thọ thích hay không thích mà tạo ra tham đắm hay ghét bỏ. Tham đắm thì cố giữ và cố chiếm hữu về mình. Chiếm hữu không được thì tìm mọi cách để lấy kể cả tạo nghiệp bất thiện. Chán ghét thì cố xa lánh mà xa lánh không được thì sinh sân si, thù hận và đi đến tạo nghiệp oán thù, giết chóc. 

Nhưng thân ngũ uẩn là giả hợp, cho nên khi chết thì hoại diệt. Vậy lấy cái gì để duy trì nghiệp lực từ nhân đưa đến quả, mà quá trình này có thể kéo dài nhiều đời nhiều kiếp như Đức Phật đã nói?

Trả lời cho câu hỏi trên không phải là đơn giản vì nó liên quan đến những giáo nghĩa trong Kinh, Luật và Luận của Phật Giáo từ thời Đức Phật đến giai đoạn bộ phái và phát triển Đại Thừa. Ở đây chỉ có thể nói qua một cách rất khái quát như sau.

Trong Luận Tam Thập Tụng (Triṃśikākārikā), ngài Thế Thân (Vasubandhu, thế kỷ thứ 4, thứ 5 Tây lịch ở Ấn Độ) đã nói đến thức a-lại-da (ālayavijñāna) và chủng tử (bīja) để giải thích sự hình thành và tồn tại của nghiệp từ đời này sang đời khác. Ngài Huyền Trang (599-664) vào thời nhà Đường ở Trung Hoa đã biên dịch Thành Duy Thức Luận (Vijñaptimātrasiddhiśāstra) để giải thích Luận Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân kết hợp với các quan điểm của những bộ phái Phật Giáo khác để thành lập học thuyết Duy Thức rất có ảnh hưởng trong học giới Phật Giáo từ đó đến nay.

Giáo nghĩa này nói rằng tâm thức gồm có ba tầng: Sáu thức đầu gồm thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức; thức thứ bảy gọi là thức mạt-na; và thức thứ tám gọi là tàng thức, hay thức a-lại-da. Khi thân khẩu và ý hành động thiện hay ác, tức là tạo nghiệp, thì sẽ tạo ra năng lực, hạt giống (chủng tử) thiện hay ác và những hạt giống này được dung chứa trong thức a-lại-da (các nhà Phật học Trung Hoa dịch là tàng thức, tức là thức đóng vai trò như kho chứa các chủng tử). Các chủng tử và thức A-lại-da sinh diệt liên tục trong từng sát na. Đặc tính này của chủng tử và tàng thức tránh được hai thái cực gây bế tắc: đoạn diệt và thường hằng bất biến, tức là chủ nghĩa hư vô hay có một cái ngã bất diệt; trong khi Đức Phật dạy các pháp là vô ngã vì do duyên sinh. Thức a-lại-da và các chủng tử sẽ hết sạch khi một người tu tập và chứng đắc đạo quả vô lậu, tức chứng A-la-hán, hay thành Phật.

Như vậy, Phật Giáo chủ trương thân và tâm hoạt động liên đới chặt chẽ nhau trong lúc con người còn sống. Nhưng khi còn sống con người qua hành động của thân và tâm đã tạo ra nghiệp lực để dẫn dắt con người tái sinh và thọ nhận nghiệp quả trong tương lai. Do đó, tất yếu, đối với Phật Giáo là phải có sự hiện hữu và tồn tại của tâm thức, mà cụ thể là tàng thức hay thức a-lại-da, để duy trì các hành nghiệp từ đời này sang đời khác. Điều này thì khoa học cho đến nay mới chỉ khám phá được vài manh mối sơ khởi mà chưa có kết quả cuối cùng vững chắc nào. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (2021) đã viết như sau:

“Nghiệp được tích lũy gọi là tâm. Tồn tại của nó y trên sắc của thân đời này. Khi sắc này rã, nó lập tức xuất hiện nơi sắc khác thích hợp làm sở y để tồn tại. Cũng như hai hóa chất khi kết hợp với nhau thì biến thành chất thứ ba; cũng vậy, nghiệp quá khứ tức tâm tích lũy khi kết hợp với sắc hiện tại, ta nói là gene, cả hai sắc và tâm cùng biến đổi thành một sự sống mới. Trong đời sống này, nơi nào hội đủ điều kiện, nơi đó thức xuất hiện với hình thái thích hợp: từ thức con mắt cho đến ý thức. Như vậy, không hề có sự tồn tại của thân, gồm cả não, như là khối vật chất đơn thuần. Cũng không tồn tại tâm hay thức như là thực thể riêng biệt ngoài thân. Cho nên không có vấn đề nhất nguyên hay nhị nguyên tâm-vật ở đây.”(8)
 
Những phát hiện mới trong năm 2023 về tâm thức và não bộ
 
Gần đây, mà cụ thể là vào ngày 19 tháng 4 năm 2023, trong bản tin y học của Trường Y Khoa tại Đại Học Washington University tại tiểu bang Missouri của tác giả Tamara Bhandari cho biết rằng có sự kết nối giữa tâm và thân được hình thành trong não bộ.(9)

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y Khoa của Đại Học Washington University tại thành phố St. Louis thuộc tiểu bang Missouri cho thấy rằng ý tưởng rằng thân và tâm gắn bó chặt chẽ với nhau là điều không còn trừu tượng nữa. Nghiên cứu cho thấy rằng các phần của khu vực não kiểm soát chuyển động được kết nối vào các mạng lưới liên hệ trong việc suy nghĩ và lập kế hoạch, và kiểm soát các chức năng cơ thể không tự nguyện như huyết áp và nhịp tim. Các phát hiện cho thấy mối liên hệ theo nghĩa đen của cơ thể và tâm thức trong mọi cấu trúc của não bộ.

Nghiên cứu này, đã được đăng vào ngày 19 tháng 4 năm 2023 trong tạp chí Nature, có thể giúp giải thích một số hiện tượng khó hiểu, như tại sao sự lo lắng làm cho một số người muốn đi tới đi lui; tại sao việc kích thích thần kinh vagus nerve, điều khiển các chức năng cơ quan nội tạng như tiêu hóa và nhịp tim, có thể làm giảm trầm cảm; và tại sao những người tập thể dục đều đặn báo cáo có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Tiến sĩ Evan M. Gordon, phó giáo sư về phóng xạ học tại Trường Y Khoa của Viện Mallinckrodt Institute of Radiology, nói rằng, “Những người thực hành thiền cho biết rằng bằng việc làm lắng dịu thân thể của bạn qua thực hành hít thở thì bạn cũng làm lắng dịu tâm thức của mình.” Ông nói thêm rằng, “Những loại thực hành đó có thể thực sự hữu ích cho những người lo lắng, nhưng cho đến nay, không có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nó hiệu quả như thế nào. Nhưng bây giờ chúng tôi đã phát hiện ra sự liên kết. Chúng tôi tìm ra nơi mà phần hoạt động tích cực của tâm trí của bạn liên kết với những phần của não bộ kiểm soát hơi thở và nhịp tim. Nếu bạn làm một phần lắng dịu xuống thì chắc chắn có những hiệu quả đáp lại trên phần khác.”

 Tiến sĩ Gordon, Tiến sĩ giáo sư về thần kinh học Nico Dosenbach và các đồng nghiệp đã thí nghiệm lại công việc của Bác sĩ giải phẫu thần kinh Wilder Penfield và thập niên 1930s với máy chụp hình cộng hưởng từ trường chức năng (fMRI). Họ tuyển mộ 7 người lớn khỏe mạnh cho việc chụp hình não fMRI nhiều giờ đồng hồ. Từ bộ dữ liệu, họ tạo ra những bản đồ não từng người tham dự. Sau đó họ đưa những kết quả có giá trị vào 3 hệ thống dữ liệu iMRI công cộng lớn -- the Human Connectome Project, the Adolescent Brain Cognitive Development Study và the UK Biobank – tổng hợp các hình não từ khoảng 50,000 người.

Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng những vùng không chuyển động trông khác với những vùng chuyển động. Chúng có vẻ mỏng hơn và được nối kết với nhau mạnh hơn những phần khác của não bộ liên quan vào việc suy nghĩ, dự định, kích thích tinh thần, đau đớn, và kiểm soát nội tạng và chức năng như áp huyết và nhịp tim. Các thí nghiệm thêm nữa cho thấy rằng trong khi các vùng không chuyển động đã không trở nên năng động trong lúc chuyển động, chúng trở nên năng động khi người thí nghiệm suy nghĩ về việc chuyển động.

Dosenbach và Gordon đặt tên cho mạng lưới mới là Somato (thân)- Cognitive (tâm) Action Network, hay SCAN [Mạng Lưới Hoạt Động Thân-Tâm].
 
Chứng cứ về hoạt động của ý thức trong não người chết
 
Bản tin của Trường Y Khoa tại Đại Học Michigan hôm 1 tháng 5 năm 2023 cho biết rằng một nghiên cứu mới tìm thấy các kiểu sóng não gây thích thú trong các bệnh nhân hôn mê đã chết sau khi tim ngừng đập.(10)

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học the Proceedings of the National Academy of Science (PNAS), cung cấp chứng cứ mới về gia tăng hoạt động liên quan tới ý thức trong não bộ đang chết.

Nghiên cứu, được lãnh đạo bởi Tiến sĩ Jimo Borjigin, phó giáo sư tại Phân Khoa the Department of Molecular & Integrative Physiology and the Department of Neurology, và nhóm của bà đang theo đuổi các nghiên cứu động vật trong sự hợp tác với Tiến sĩ George Mashour, giám đốc sáng lập của Trung Tâm Khoa Học Ý Thức Michigan.

Nhóm này xác định 4 bệnh nhân đã qua đời vì tim ngừng đập tại bệnh viện trong lúc họ đang được theo dõi Điện Tâm Đồ (EEG). Tất cả 4 bệnh nhân đều hôn mê và không phản ứng. Cuối cùng họ được xác định là không thể trợ giúp y tế và, với sự cho phép của những gia đình của họ, đã bãi bỏ việc trợ sinh.

Sau khi rút ống hỗ trợ thở, 2 bệnh nhân đã cho thấy gia tăng nhịp tim cùng với sự gia tăng hoạt động sóng gamma, được xem là hoạt động não nhanh nhất và liên kết với ý thức.

Hơn nữa, hoạt động được phát hiện trong vùng được gọi là nóng của những tương quan thần kinh của ý thức trong não bộ, điểm nối giữa các thùy thái dương, đỉnh và chấm ở sau não. Vùng này được liên kết với giấc mơ, ảo giác thị giác trong bệnh động kinh, và các trạng thái thay thế của ý thức trong các nghiên cứu về não khác. Hai bệnh nhân này trước đó đã có báo cáo bị co giật, nhưng không có co giật trong một giờ đồng hồ trước khi họ chết, theo giải thích của Bác sĩ Nusha Mihaylova, phó giáo sư tại Phân Khoa Thần Kinh. Hai bệnh nhân khác không có triệu chứng gia tăng tương tự trong nhịp tim sau khi rút ống trợ sinh, cũng không có gia tăng hoạt động não bộ.

Bác sĩ Nusha Mihaylova nói rằng, “Chúng tôi không thể tạo ra những tương quan của các dấu hiệu thần kinh được quan sát của ý thức với kinh nghiệm tương ứng trong cùng những bệnh nhân trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, những phát hiện được quan sát chắc chắn là thú vị và cung cấp một khuôn mẫu mới cho sự hiểu biết của chúng ta về ý thức tiềm ẩn trong những người đang chết.”  

Hy vọng sẽ có nhiều cuộc thí nghiệm và những kết quả xác thực rõ ràng của khoa học về sự hiện hữu trong tương quan tương duyên giữa thân và tâm, vừa có năng lực tồn tại sau khi thân hoạt diệt.

Tất nhiên, việc này chỉ là để tạo thêm xác tín đối với những người phàm phu như tác giả bài này, bởi lẽ đối với các bậc tu hành đắc đạo thì không cần vì các ngài tự chứng tri điều đó trong quá trình chứng đắc thiền định và trí tuệ.
 
__________
 
(1) Russell B., Wisdom of the West, Crescent Books, New York, 1959.
(2) Jack Fincher, “The brain: Mystery of matter and mind,” US New Books, Washington DC, 1930.
(3) Durant William, The story of philosophy, Washington Square Press Publication of Pocket Books, New York, 1961.
(4) Scott Calef, Dualism and Mind, https://iep.utm.edu/dualism-and-mind
(5) Ernest Jones, What is Psychoanalysis?, do Allen & Unwin xuất bản năm 1949.
(6) Octave Mannoni, Freud: The Theory of the Unconscious, Verso xuất bản tại London năm 1971.
(7)Kinh số 213 trong Kinh Tạp A-hàm do Thích Đức Thắng dịch và Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích.
(8)Tuệ Sỹ, Tổng Quan Về Nghiệp, Hội Đồng Hoằng Pháp, 2021, tr. 65.
(9) Tamara Bhandari, Mind-body connection is built into brain, study suggests, đăng ngày 19 tháng 4 năm 2023 tại trang web https://medicine.wustl.edu
(10) Evidence of conscious-like activity in the dying brain, đăng trên trang web https://www.sciencedaily.com
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thử tưởng tượng rằng chỉ cần uống một viên thuốc là quý vị sẽ tràn trề năng lượng, da dẻ mịn màng, và tim mạch khỏe re? Các viễn cảnh hấp dẫn này vẫy gọi mãnh liệt mỗi khi chúng ta dạo quanh qua các quầy hàng bán các loại thực dược phẩm bổ dưỡng trong hiệu thuốc, từ các loại viên uống dầu cá (fish oil), bột collagen (collagen powder), kẹo bổ sung ma-giê và muôn hình vạn trạng các loại vitamin.
Hơn một thập niên từ sau cái chết bất ngờ của mẹ, Sehrish Sayani mắc chứng rối loạn tâm thần hậu chấn (PTSD). Suốt những năm đó, những cơn hoảng loạn dữ dội nhất đã giảm dần, nhưng các triệu chứng như nghi ngại thái quá (hypervigilance), trở nên đặc biệt nhạy cảm với một số yếu tố và những giấc ngủ chập chờn đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của cô.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.