Khúc ca mùa Hè

16/06/202300:00:00(Xem: 855)

Tranh Ann Phong
Minh hoạ: Tranh Ann Phong.
 
Hôm nay hè đã lại bên song cửa nhà tôi, mang theo tiếng thở dài cùng lời thì thầm nhè nhẹ; và trong rừng cây tươi ngập xác hoa bầy ong đang nhởn nhơ ca hát, lúc này là lúc ngồi im lặng, đối diện với người, trong trầm tịnh, thảnh thơi tràn trề, cất lời ca hiến dâng cuộc sống (Tagore, Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch). Vâng, chúng ta hãy theo các nhà thơ Mark Strand, Trần Dạ Từ, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Lữ Kiều, Vũ Hoàng Thư, Phạm Thiên Thư, Ko Un, Nguyễn thị Hải, Trầm Phục Khắc, cùng cất lên khúc ca mùa hè có vui cùng buồn để hiến dâng cuộc sống. – NTKM
 
***
 
TRẦN DẠ TỪ
 
 
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó giòn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
 
*
 
KHUYẾT DANH
 
Lớp học
 
Có một chùm một chùm những tiếng chim non
Có một chùm một chùm hoa nắng
Một chùm em thẩn thơ ô cửa mùa hè
Lớp học của những kẻ mê man
Người thầy quay về sau bao năm bài giảng còn dang dở
Thầy bảo mình đã già các em thì quá trẻ
Nào đừng lay thức giấc mơ
Phượng đỏ môi em đang đáp xuống ròng ròng
Mưa thẫm ngoài kia không tiếng động
Sân trường chỉ còn khoảng trống
Trên tay em từng tia ban mai mảnh hơn sợi tóc khô dần
Từ lâu rồi hoàng hôn chẳng quay về phía ấy
Phía có tàn cây lưu niên không giữ nổi thân mình
Phía có bức tường cách ngăn đến hồi sụp đổ
Vết dấu người đi dâng cỏ biếc trùng trùng
Có một chùm một chùm câu chuyện cũ
Im lìm thư viện mốc meo
Im lìm bảng đen giấy trắng
May quá nơi này còn sót vài cơn mưa từ tốn
Đủ lạnh để rùng mình.
 
*
 
MARK STRAND (1934-2014)
 
Nỗi sầu muộn bị chôn vùi của một nhà thơ
 
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
 
(Linh Văn dịch)
 
“The buried melancholy of a poet”, từ tập thơ “Almost Invisible” (2012) – Mark Strand là một nhà thơ, nhà tiểu luận và là một dịch giả người Mỹ gốc Canada (vanviet.info).
 
*
 
KO UN
 
Dòng sông mùa Hạ
 
Và đây dưới bầu trời này, chúng ta hãy ngắm nhìn
Dòng sông sinh thêm một bầu trời.
Cùng tiếng sông như tiếng đàn vang lên
Là vòm cây tần bì xào xạc.
Sông sẽ chẳng bao giờ sâu hơn khi chảy một mình
 
Với ánh sáng và những ngân vang đến từ những miền xa lắc,
Sông là con đường diệu kỳ nhất trong mọi con đường.
Khi sông cuộn chảy qua cố hương tôi uốn mình từng khúc
Dòng nước đổ vào những lấp lánh cơn mơ
Và đôi bờ từ từ trôi vào lễ hội của giấc ngủ
 
Những chàng trai, những cô gái, vẻ đẹp của mùa hạ,
Ngắm nhìn những hào quang rực rỡ tỏa quanh mình,
Bởi chính ánh sáng từ đức hạnh trinh tiết của họ
Cất cánh bay trên mặt nước sông
Nếu cuộc sống tươi trẻ của thế gian này chảy như chính dòng sông
Thì những ai qua sông chẳng hề mong trở lại
 
Vẻ lộng lẫy của thế gian lúc hoàng hôn dành cho những chàng trai cô gái.
Đêm đêm những ngôi sao mới được sinh ra để soi sáng họ.
Và đây dưới bầu trời này, chúng ta hãy ngắm nhìn
Dòng sông sinh thêm một bầu trời.
Này những chàng trai này những cô gái
Và tiếng đàn của các bạn ngân vang!
Làm lòng sông trở nên sâu thẳm
 
Và giờ đây dọc đôi bờ, những xóm làng trải rộng
Bởi lễ hội của bầu trời mùa hạ và sự tràn đầy vô tận của đêm.
 
(Nguyễn Quang Thiều dịch, trong tập Năm Nhà Thơ Hiện Đại Hàn Quốc, 2002).
 
*
 
NGUYỄN NHẬT ÁNH
 
Mùa Hè
 
Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâủ
Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho tôi người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá
Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Trốn đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?
 
*
 
ĐỖ TRUNG QUÂN
 
Chút tình đầu
 
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu
 
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Lá áo người trắng cả giấc ngủ mê
Lá bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về.
 
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm.
 
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
 
(Nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát Phượng Hồng, 1984)
 
*
 
LỮ KIỀU
 
Niềm Hạ
 
Mùa đã về rồi người hay không?
Những khóm hoa xưa rụng bên lòng
Nghẹn ngào dĩ vãng về trong nắng
Tôi cách người xa một con sông
 
Nửa đêm thân tôi thành gió thổi
Đưa thuyền vô cớ đậu bến người
Con trăng từ độ mùa đã dậy
Bỗng vàng hiu quạnh giữa đơn côi
 
Giấc ngủ tôi mơ người ngồi khóc
Thân tôi là nắng đậu mắt sầu
Lối cũ rất êm người bước nhẹ
Bước nhẹ như là chưa bước qua
 
Đưa người bâng khuâng về lối cũ
Mùa lên trên đỉnh bóng cây gầy
Người khẽ nhìn tôi cầu nhắn nhủ
Gió căng buồm hay tóc người bay?
 
Bây giờ lòng tôi như nắng hạ
Chẳng dám đưa tay nắm tay người
Từng ấy thương yêu từng ấy khổ
Tôi lỡ người rồi tôi lỡ tôi
 
Thôi mùa đã đến giao buồn bã
Hồn riêng giữ mãi một bóng người
Tôi giữ luôn dòng sông xa cách
Mùa đã về rồi người hay không
 
*
 
NGUYỄN THỊ HẢI
 
 
Cây hoa phượng bọc kín trong bóng tối
Con cá say nắng đã bị nấu thành món canh cá
Khép lại ngày
Bằng que kem giải nhiệt
Bé Amidan
Hát vang trong vòm họng tôi
Bài ca mùa hè
Lạnh buốt   
 
*
 
TRẦM PHỤC KHẮC
 
Hè Muộn
 
Ra đi như cơn giông
Trên bàn tay chớp giật
Ôm trời đất vào trong
Cởi hồn cho gió lộng
 
(Trích từ tập thơ Bói Mộng)
 
*
 
VŨ HOÀNG THƯ
 
Hoa Hạ
về Phượng
 
từ em quê ngoại mùa lên
đỏ ươm tình ngát hạ rền lời em
hải trình tôi lướt chiều êm
nghe từ cuối bãi bình yên lượng triều
 
đẹp đôi mắt phượng xuân thiều
cù tôi phương hướng dặm kiều sánh môi
rực hây hoa thắm em ngời
bóng chùm râm mát dịu tôi cõi về
 
nụ em hạ chớm tình khuê
cành tôi bắt nắng cận kề lân lang
nghe chim tìm trụ hót tràn
triều dương kim phượng biếc tàng suối hoa
 
êm vui giọng nói quanh nhà
lời em mở hạ hương đàn thềm trăng
tình tôi em ở thường hằng
trăm năm về ngụ một đằm thắm em
 
*
 
PHẠM THIÊN THƯ
 
Hạ Hoa
 
1.
đêm nghe mưa nhỏ
động mái lều thơ
dưng nhớ người xưa
áo vàng thuở nọ
 
người tình nho nhỏ
nhỏ mãi trong ta
như chum hạ hoa
 
buồn ơi, đốt thuốc
lần trang sách nhòa
này những đóa hoa
ép từ hạ cũ
 
tưởng em tóc rủ
trong dòng mưa sa
 
2.
nhà anh đầu suối
nhà em cuối dòng
suối có một lòng
sao tình đôi ngả
 
kể từ mùa hạ
tê tái ve sầu
đêm thắp đèn dầu
chúng mình ngồi học
 
giờ anh đi đâu
chòng đèn em khóc
 
(Trích thi tập Ngày Xưa Người Tình, cơ sở Văn Chương xuất bản tại Sài Gòn 1974)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên…
… Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ... (Ngô Thế Vinh, trong tập truyện Mặt Trận Sài Gòn.)
LTS: “19 Hè 72” là một bài trường ca của nhà thơ Ngu Yên viết về chiến tranh Việt Nam với những hình ảnh thống khổ và chết chóc đau thương do chiến tranh gây nên. Và để tri ân người lính Việt Nam Cộng Hòa. Khác với những trường ca thường thấy trước đây, nhà thơ đã kết hợp một cách sáng tạo giữa thi ca với tài liệu từ những trang bút ký, hình ảnh chiến tranh, ca khúc, thậm chí quân sử, để thơ không chỉ là những câu chữ thuần túy nữa, mà là một bức tranh linh động và xúc động khiến người đọc không khỏi bồi hồi khi đọc, dù những điều được nhắc đến trong bài thơ xảy ra cách nay đã trên nửa thế kỷ. Việt Báo trân trọng giời thiệu.
Dấu thời gian để lại trên con đường nó đi qua là tàn phai, là những đổi thay tác động vào tâm thái vui buồn của ta, tạo nên hoài niệm, và ước mơ. Vậy cái lúc đang thở, bạn có biết thời gian đang có mặt không, và có nhìn kỹ người bạn đồng hành ấy không. Phải chăng lúc dừng lại đó là ta đang thức cùng hiện tại? Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật dạy: Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại/ Kẻ thức giả an trú/ Vững chãi và thảnh thơi.
Gió gỡ bóng tối rừng thông./ Sáng trăng lang bạt theo dòng lân tinh./ Suốt ngày đuổi bắt ái tình./ Sương mù nhảy múa bóng hình yêu đương./ Hải âu lạc cánh tây phương./ Cao, cao, ngọn nến dễ thường ngôi sao.
Đó là câu kết một bài thơ của nhà thơ Iya Kiva, là một trong nhiều nhà thơ trẻ Ukraine hiện nay. Bà đã dùng câu thơ “Tháng hai. Lấy mực ra và khóc” của thi hào Nga Boris Pasternak (February. Get ink and weep!) để làm tựa đề cho ba bài thơ của bà. Cùng với các nhà thơ Ukraine khác như, Taras Shevchenko, Pavlo Vyshebaba, Oksana Zabuzhko, chúng ta thấm thía hơn thân phận dân tộc Ukraine, máu và nước mắt họ làm cháy bỏng trái tim thế giới.
Từ những ý nghĩa của bút hiệu Nhã Ca, tôi có thể viết ra một đoạn bói số mệnh nhà thơ:“Nhã Ca: tuy là một loài cỏ dại, nhưng có tiếng thơ thanh thoát tao nhã bên ngoài, bên trong chứa đầy nghịch ngợm, khác thường. Trải qua cuộc sống thăng trầm, tiếng thơ trở thành tiếng ho, tiếng nôn mửa, rồi tiếng thơ đó, về chiều, lắng đọng thành âm điệu cà sa.” Tác phẩm “Nhã Ca, Thơ” toàn tập cho phép tôi có cái nhìn tổng thể và cũng trả lời được nỗi niềm thắc mắc của cậu học trò mới lớn, khi đọc bài thơ “Vết Thẹo.”Từ tuổi thiếu niên vươn lên tuổi thanh niên, ngoài trừ thân xác nẩy nở, trí tuệ cũng gia tăng tò mò và tưởng tượng. Hầu hết, tò mò tưởng tượng lúc đó, hướng về phụ nữ, đối với tôi là một nhân vật thần bí. Khi vô tình đọc được bài thơ “Vết Thẹo”, tôi vô cùng sửng sốt. Tôi sống tự do trong thân thể mình / Nghe vết thẹo lớn dần và mọc rễ.” Đọc lên, nghe vừa lạ lùng, vừa khiêu khích, vừa bí mật.
Chúng giết người vào buổi sớm mai/ Sáng Mồng Hai, ngày Tết / Chúng giết người không ghê tay,/ không giấu mặt./Những hàng xóm, phố xưa quen biết lâu dài, /chung tộc họ, tính danh, gia cảnh / Chúng giết người bởi quyết tâm định sẵn / "Đường vinh quang xây xác quân thù /Lềnh loang màu cờ thẫm máu.
Một sáng mùa Xuân ngập ánh hồng, / Một cung đàn ấm khắp Tây, Đông. / Một rừng thông điểm trời mây biếc, / Một vũng vàng tô biển nước trong. / Một khối bao la hoa lá trổ, / Một bầu bát ngát sắc hương nồng. / Một tia nắng đẹp soi muôn cõi / Một chữ là mang một tấc lòng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.