Hôm nay,  

Ăn chay -- Cách ăn uống của Đạo Phật

08/06/202311:42:00(Xem: 1595)
Tôn giáo

hongha 1

Trong bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu về cách ăn uống của Đạo Phật – những qui định, tầm quan trọng, tượng trưng, và những lý do ẩn sau những nguyên tắc này. Hầu hết những tôn giáo hay tín ngưỡng tâm linh lớn trên thế giới đều có một số nguyên tắc, qui định, khuyến cáo, và/hoặc tượng trưng về cách ăn uống, thực phẩm và đồ uống. Một số tín ngưỡng không ăn một số loại động vật nhất định, có những ngày lễ nhất định trong đó nghiêm cấm một số loại thực phẩm, ngăn cản sự tham ăn, và/hoặc hạn chế hay nghiêm cấm việc sử dụng các đồ uống có chất rượu.
    Phật giáo nói chung, về cơ bản luôn nghiêm cấm bất kỳ loại thịt động vật nào hay những chất gây say. Tuy nhiên, khi khảo cứu nhiều hơn, lại có thêm một số bổ sung hoặc ngoại lệ không phổ biến hoặc ít biết đến cho những quy định tương đối đơn giản này. Những lý do ẩn sau những quy định này tương đối phức tạp hơn và cần thảo luận kỹ hơn. Cần phải lưu ý rằng, cũng giống như mọi tín ngưỡng và truyền thống khác, trong Phật giáo, có nhiều bản dịch, nhiều cách diễn dịch và nhiều mức độ khoan dung khác nhau. Tôi sẽ không tập trung vào bất kỳ một “giáo phái” hay “tông phái” nào trong tư tưởng Phật giáo, nhưng sẽ đề cập và đối chiếu so sánh những hình thái đặc biệt khi gặp gỡ nếu những hình thái đặc biệt này quan trọng đối với chủ đề của tôi.
    Việc người đọc tin hay không tin giáo lý của Đạo Phật không thành vấn đề đối với tinh thần lập luận của tôi. Giáo lý và truyền thống của Đạo Phật mang đến “thực phẩm quan trọng cho tư tưởng” cho tất cả chúng ta; tư tưởng mà ít nhất có thể tiếp thu theo cách ẩn dụ – cho thế giới thế tục và nặng về khoa học ngày nay. (Điều này không hề ám chỉ tới sự nghi ngờ đối với tư tưởng và tín ngưỡng Đạo Phật, mà chỉ đơn thuần là cuộc mở đầu cho thảo luận sau đây. Thảo luận này cũng yêu cầu độc giả cần tiếp thu với một tâm trí và trái tim rộng mở).
    Tôi sẽ bắt đầu với việc tóm tắt tầm quan trọng của những giáo huấn của Đức Phật đối với “Năm điều quán niệm trong khi ăn” vì đây là một bài thực hành buộc các Phật tử phải dừng lại và suy nghĩ về thực phẩm họ đang ăn. Bước đầu tiên là tự hỏi thức ăn là gì, tại sao chúng ta ăn, thực phẩm có từ đâu, chúng ta nên ăn khi nào và như thế nào. Ta phải: “Nghĩ về thực phẩm từ đâu mà có, công sức cần có để vun trồng, vận chuyển thực phẩm, chuẩn bị, nấu nướng và dọn lên bàn ăn” (1).
    Rồi ta nên xem xét rằng liệu mình có xứng đáng với thực phẩm đó hay không? Ta nên tự quán xét tâm mình, tâm mình có tham lam không, có xao lãng mất tập trung không? Ta nên biết rằng việc dùng thực phẩm là cần thiết và là một tác nhân chữa lành cơ thể, và sẽ bị bệnh nếu không có thực phẩm. Cuối cùng, ta nên nhớ chỉ đón nhận và sử dụng thực phẩm với mục đích duy nhất là để “Thành tựu Đạo” (1), hoặc là một phương tiện để đạt đến sự Giác ngộ.
    Trong khi quán tưởng những điều này, người đó phải xác định thực phẩm nào là phù hợp cho sự thọ dụng, và thực phẩm nào bị nghiêm cấm. Hơn nữa, điều quan trọng là cần biết tại sao một số thức ăn, đồ uống nhất định thuộc về một trong hai nhóm: hoặc là nghiêm cấm hoặc là phù hợp. Để làm điều này, trước hết chúng ta cần phải xem xét “Ngũ Giới”, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của Đạo Phật.
    Không tuân thủ bất kỳ một trong “Ngũ giới” sẽ gây tổn hại cho người khác, che lấp thêm bản tính nhận biết chân thật của mình, và giảm đi đáng kể cơ hội để mình có thể được tái sinh làm người (một điểm thuận lợi cho suốt tiến trình đạt tới sự Giác ngộ); đây là những nền tảng của sự nghiêm cấm. “Ngũ giới” là: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng các chất gây say. Sử dụng các chất gây say là bị cấm bởi vì các chất gây say có xu hướng cản trở khả năng suy xét của mình và giới này khiến mình dễ phạm một trong bốn giới trước. Điều này giải thích tại sao đồ uống có chất rượu bị nghiêm cấm. Uống rượu có thể không trực tiếp tạo nghiệp với chúng sanh khác, nhưng nếu uống rượu làm tăng trưởng các cơ hội để phạm các giới luật khác, thì đó là điều nguy hiểm, bởi vậy khuyên không uống rượu. Và với cá nhân (phép tu từ trong Phật giáo) các chất gây say sẽ bóp méo và làm mờ đi định lực của hành giả (chánh niệm là điều cần thiết cho thiền định) và con đường đạt tới Giác ngộ.
    Như thế thì điều gì là sai trái với bốn giới luật kia? Ăn cắp và nói dối không trực tiếp liên quan tới chủ đề của tôi về cách ăn uống, nhưng đều bị nghiêm cấm bởi vì chúng gây ra nghiệp xấu. Gây ra nghiệp xấu làm hại các chúng sanh hữu tình khác, và sớm hay muộn nghiệp xấu sẽ quay trở lại ám ảnh kẻ nói dối và ăn cắp.
    Tà dâm liên quan thế nào tới việc ăn uống? Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Phật Giáo Đại thừa), Đức Phật giải thích “Ngũ vị tân”, bao gồm tỏi, hành, đều bị nghiêm cấm như thế nào: 
Người theo đuổi thiền định nên kiềm chế việc ăn năm giống cây có mùi hăng của thế giới này. Nếu ăn năm vị này được nấu chín, chúng sẽ làm tăng ái dục; nếu ăn sống, chúng sẽ làm tăng sân hận (2).
    Hơn thế nữa, chư thiên “sẽ xa lánh họ bởi vì họ có mùi khó chịu, (và) quỷ đói sẽ lởn vởn quanh và liếm lên môi họ” (2). Bị quỷ bám quanh mình sẽ cản trở sự tìm cầu Giác ngộ. Những ác ma này có năng lực giả làm Phật và thuyết tà Pháp. Chư Phật cảnh báo thêm rằng trong thời kỳ Mạt pháp (thời kỳ hiện chúng ta đang sống), sẽ có rất nhiều nhà tiên tri giả hay tà ma, ác quỷ sẽ xuất hiện giả làm Bồ tát. Những ai quá xa rời Đạo có thể sẽ tin vào hoặc bị mê hoặc bởi các ma quỷ trá hình thành những bậc đạo sư giác ngộ. Những ác quỷ này có thể nói khiến những người lạc đường đi vào việc ăn uống “phân và nước tiểu, hay thịt và rượu” và biện minh cho việc này (3).
    Tôi thảo luận giới không giết hại (giới sát), giới luật đầu tiên và quan trọng nhất, cuối cùng là vì giới luật này là tâm điểm trong cách ăn uống của Phật giáo. Trên thực tế giới không giết hại là khía cạnh quan trọng nhất.
    Trong mười điều răn truyền thống của Do Thái giáo-Cơ Đốc giáo, “Chớ giết người” nhìn chung đang được chấp nhận với nhiều trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, người ta có quyền giết hại trong trận chiến để bảo vệ, hoặc để ăn hay tế lễ thú vật (trong Kinh Cựu Ước, Chúa Trời qui định tế lễ thú vật). Ngược lại, không hề có một hình thức giết hại người hay động vật nào từng được cho phép trong Đạo Phật. Đây là những nguyên tắc không thể tranh cãi. Tuy nhiên, có những cấp độ khác nhau của “tính nghiêm ngặt” mà những giáo lý này duy trì tùy theo thời gian, địa điểm và giáo phái khác nhau. Ví dụ, trong thời kỳ đầu của Luật Tạng Ấn Độ (Luật Lệ Của Tu viện), vì các nhà sư là những người du phương không có nhà cửa, nên việc hóa duyên để thọ trai là điều phổ biến (truyền thống này vẫn còn được thực hành một cách tương tự ở các nước Đông Nam Á theo Phật Giáo Tiểu thừa. Các nhà sư “phải ăn mọi thứ được đặt vào trong bình bát của họ mà không phân biệt, gồm có cả thịt hay thực phẩm hư thối” (4). Giới Luật thì rất nghiêm ngặt, trong đó, các nhà sư phải lưu ý bất kỳ một sinh vật nhỏ bé nào trong đồ uống của họ hay nơi họ bước đi. Do thực phẩm của các vị sư có được từ việc hóa duyên, nên họ không biết gì về nguồn gốc thực phẩm trước đó. Nếu họ nhận được thịt, nhà sư cần phải được thuyết phục rằng thịt đó không phải đã được chuẩn bị riêng cho vị ấy. Các tiêu chuẩn là vị sư đó không nhìn thấy, không nghe thấy, hoặc không có một mối nghi ngờ rằng thịt đó đã được chuẩn bị dành riêng cho mình (4).
    Đó là nỗ lực có ý thức của nhà sư để có được thức ăn chay “thọ dụng được”.
    Trong những thế kỷ đầu của Công nguyên, Phật Giáo Đại thừa thâm nhập vào Trung Hoa (và cuối cùng là các nước Phật giáo Đại thừa khác là Đại Hàn và Nhật Bản). Ở đây, các tu viện đã phát triển đất đai để các tu sĩ trồng trọt lương thực cho họ, ít nhiều đảm bảo sự chay tịnh tự nhiên mà không phải lúc nào cũng có thể có được từ việc hóa duyên. Điều này khiến cho tu sĩ có thể tuân thủ theo cách chay tịnh nghiêm ngặt, thậm chí phát triển một phong cách ẩm thực (như Jai (chay) ở Trung Hoa và Shojin Ryori (món chay) ở Nhật Bản). Đây là mục tiêu của Phật Giáo Đại thừa nhằm giúp tất cả chúng sanh đạt được Giác ngộ. Vì thế, nhờ có các truyền thống của Phật Giáo Đại thừa mới nên các cách ăn chay nghiêm ngặt hơn xuất hiện, và cuối cùng trở thành văn hóa của những Phật tử tại gia hiện đại. Kinh Phạm Võng có viết: Một người Phật tử không được ăn thịt bất kỳ chúng sanh hữu tình nào. Nếu ăn thịt chúng, là người ấy đã cắt đứt lòng Đại Bi, cũng như hạt giống Bồ Đề trong mình (4).
    Vì thế, chúng ta thấy rằng việc ăn chay được tuân theo trong cả hai truyền thống chính Phật giáo (Tiểu Thừa và Đại Thừa), tuy rằng có đôi chút khác biệt trong việc thực hiện điều này.
    Thuyết ăn chay, “một việc làm tự nhiên và hợp lý của giới luật về phạm hạnh chống lại việc tước đoạt sự sống” (5) là một chế độ ăn uống mà không có thịt động vật. Trong thuật ngữ hiện đại, chúng ta có thể sử dụng từ “thuần chay” để mô tả cách ăn uống nghiêm ngặt của Phật giáo Đại thừa. Thuật ngữ “thuần chay” đề cập đến những người không ăn bất kỳ một động vật nào, cũng như những sản phẩm từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật bao gồm sữa, pho mát, mật ong hoặc sử dụng lông thú, thuộc da, da, v.v… Đức Phật khuyên dạy bậc Bồ Tát thanh tịnh cần tuân thủ điều này: "Những vị Tỳ khưu nào không mặc dùng các thứ tơ bông, hàng lụa Đông phương, cùng dùng các ủng da, giày dép da, áo da, áo lông thú, sữa, pho mát, sữa đặc tinh của miền đó, thì những vị Tỳ khưu ấy thật sự được giải thoát ở đời; trả xong nợ trước, họ sẽ không trở lại Tam giới nữa (6)”.
    Thuật ngữ ahimsa, không gây hại chúng sanh, trong Đạo Phật hiện được chấp nhận bởi những người ăn thuần chay. Không gây hại chúng sanh là nói đến lòng Từ Bi, cư xử không thô bạo với động vật và tất cả chúng sanh hữu tình. Việc thực hành “không gây hại chúng sanh” không những  giữ gìn người Phật tử đi đúng đường, mà còn khiến cho “cuộc sống tốt đẹp hơn và sức khỏe tốt hơn (7)”.
    Giết hại hay ăn thịt cùng lúc phá vỡ một số nguyên tắc. Người nào gây tổn hại và chướng ngại cho con đường/cơ hội của những chúng sanh hữu tình trong việc tìm cầu Giác ngộ/ Niết bàn, thì kẻ đó cũng tự gây hại chính mình bởi vì tất cả chúng sanh là một phần của tổng thể. Cũng như kẻ đó làm lan tràn các nghiệp xấu giết hại, mà sau này sẽ phải chịu đau khổ hoặc gia tăng việc giết chóc nhiều hơn. Kẻ đó cũng sẽ phải chịu sự khổ đau gây ra bởi luân hồi trong vòng sinh tử.
    Tất cả chúng sanh hữu tình đều ham muốn được sống. Mọi động vật đều cố gắng trốn thoát khi chúng bị giết để làm thức ăn.
 
Như cá quăng lên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới;
Tâm này vùng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực Ma (8).
 
Khi một người giết một con vật, cho dù trực tiếp hay gián tiếp bằng cách mua thịt, người đó đang lấy đi sinh mạng của một (hay nhiều) chúng sanh. Vì thế, với Đạo Phật, hành nghề đồ tể là công việc tồi tệ nhất. Tuy nhiên, là người tiêu dùng, việc mua một cách có chủ ý hoặc tiêu thụ thịt của động vật là một phần của quá trình giết hại. Bằng cách tạo nhu cầu, việc đó cũng giống như chính bạn đang giết hại những sinh linh có tri giác. Làm như vậy đi ngược lại với “tinh thần tối thượng và phổ quát nhất của Đạo Phật, làm việc không ngừng nghỉ để vĩnh viễn chấm dứt đau khổ của tất cả chúng sanh, không chỉ con người (9)”.
    Việc ăn thịt gây ra hai loại khổ đau: nỗi đau đớn trực tiếp đối với sinh vật bị làm thịt và nỗi khổ gây ra bởi cái vòng luân hồi chết và tái sinh. Khi một chúng sanh hữu tình chết đi, chúng sanh đó buộc phải bắt đầu lại quy trình đau đớn của sự tái sinh. Cách duy nhất để chấm dứt cái vòng này là đạt tới sự giác ngộ viên mãn. Do loài vật cũng có thể trở nên Giác ngộ, nên việc giết chúng là tước đi  cơ hội ấy của chúng.
    Quan điểm của phương Tây về “bản ngã cá nhân” (hay chúng ta sẽ gọi là “ích kỷ cá nhân”) rõ ràng không phải tinh thần của Đạo Phật. 
 
Ai sống nhìn tịnh tướng,
Không hộ trì các căn,
Ăn uống thiếu tiết độ,
Biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
Như cây yếu trước gió (10).
 
Trong Phật Giáo, người nào quan tâm tới những chúng sanh khác như quan tâm tới chính mình, họ có sự liên hệ với nhau, là một phần của tổng thể. Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh thực sự là một phần của thể thống nhất nguyên thủy. Do đó, khi một người giết một sinh vật khác, họ đã thực sự giết hại một phần của chính họ. Cũng là họ đã giết hại một phần của cha mẹ mình (cũng bị nghiêm cấm trong Phật Giáo). Vì vậy, kết quả là, ăn thịt là tự sát!
    Chúng ta gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi nghiệp sát tập thể (cộng nghiệp). Nghiệp hoạt động như tài khoản ngân hàng. Những chúng sanh bị ảnh hưởng bởi nghiệp xấu sẽ tái sinh làm chúng sanh thấp kém hơn (như súc sinh, ngạ quỷ); những người tuân thủ giới luật và tạo nghiệp tốt sẽ tái sinh làm chúng sanh ở cõi cao hơn (thánh thần, con người). Khi những chúng sanh thấp kém hơn trả hết “nợ”, họ có thể tái sinh làm người. Do con người ở vị thế tốt nhất để Giác ngộ, nên đây là vị trí được mong muốn nhất. Như Đức Phật đã giải thích rằng: Nếu dùng tiền của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi trần, cũng như bánh xe xoay vần, thay đổi bên cao, bên thấp, không có dừng nghỉ (11).
    Khi chúng ta sát sinh, chúng ta làm gia tăng và duy trì nghiệp xấu sát sinh. Nghiệp xấu này sẽ quay trở lại chúng ta trong đời này hoặc đời sau, nhưng chắc chắn là tác động trực tiếp hơn so với chúng sanh bị chúng ta giết hại. Việc lan tràn nghiệp sát gây ảnh hưởng lên tổng thể rất lớn đến nỗi nghiệp sát tích tụ, duy trì và cuối cùng dẫn đến chiến tranh thế giới trong tương lai.
    Khi một người chết, linh hồn của họ có thể chia nhỏ vào trong nhiều súc sinh, một bầy cừu, một đàn ong, một đàn kiến, v.v… Khi người ta tước đi mạng sống của một trong những sinh vật này, thì chúng thực sự đang tham dự vào cuộc sống của con người mà đã từng trải qua. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói tại sao một người ăn thịt cừu thì có thể trở thành cừu trong đời sống tiếp theo và cừu có thể trở thành người ra làm sao. Trong chu kỳ có tính chất lặp lại, “chúng ăn thịt lẫn nhau” (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, trang 80). Không có sự phân cấp bậc trong chúng sanh; tuy rằng mỗi loài ở mỗi trình độ khác nhau, nhưng họ (đều) quan trọng như nhau. Vì thế, giết hại động vật thực sự là hành động của kẻ giết người, ăn thịt súc vật là ăn thịt người. Theo niềm tin này, chúng ta có thể nhận thấy tại sao nhiều Phật tử thực hành việc phóng sanh và giải cứu những con vật sắp bị làm thịt. Đức Phật khuyên thực hành như vậy: Nếu lúc thấy người đời sát sinh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ (12).
    (Một lý thuyết cho việc gia tăng dân số quá mức là do thị trường to lớn thịt hiện đại, việc thử nghiệm trên động vật, kỹ nghệ hóa và khoa học, chúng ta đang giết hại nhiều động vật hơn bao giờ hết. Những chúng sanh bị giết hại này có thể quay trở lại làm người, do đó làm gia tăng dân số).
    Tôi đã tóm tắt ngắn gọn những lý do ẩn đằng sau cách ăn uống của Đạo Phật, được xây dựng trên (nền tảng) giới luật đạo đức. Tôi kêu gọi người đọc xem xét những quan điểm này, như Dharmachari Saaramati cho biết thêm:
    Phật tử hay không phải Phật tử đều như nhau – chỉ là bắt đầu đánh giá một cách đầy đủ những gì mà truyền thống này có thể bổ sung vào những nỗ lực hiện tại để chuyển đổi thái độ của chúng ta đối với thế giới mà chúng ta đang sống (13).
    Có những qui định khác liên quan đến cách ăn uống mà khác nhau giữa các giáo phái như: thời gian và số lượng thực phẩm phù hợp có thể ăn; nghiêm cấm thực phẩm tươi sống; nhưng việc tuân thủ cách ăn uống mà không vi phạm giới luật về sát sanh là điều phổ quát và quan trọng nhất.
     Thực phẩm, và các hướng dẫn liên quan đến thực phẩm, đóng vai trò quan trọng trong truyền thống Phật Giáo. Đức Phật nói về việc trong quá khứ Ngài đã phải “ăn cám ngựa” (6) để trả nợ nghiệp như thế nào. Một đoạn khác thường trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về việc làm thế nào Đức Phật đã tạo ra “tịnh nhục… là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn (6)”. Người ta tin rằng chính Đức Phật đã bị chết do ngộ độc thực phẩm.
    Một điều nghịch lý trong chủ đề của tôi là trong Đạo Phật, thực phẩm, ăn uống và khẩu vị là những ảo tưởng ngay tại ban đầu, không phải là một phần của bản tánh nhận biết chân thật của chúng ta, Nhưng bản tánh nhận biết chân thật của chúng ta lại bị bóp méo bởi vô minh của chúng ta, điều bị tạo ra bởi vòng luân hồi chết và tái sinh. Mọi khổ đau đều bắt nguồn từ cái vòng luân hồi này. Và như vậy, “không gây hại chúng sanh” (ahimsa), cách cư xử từ bi với động vật, và cuối cùng là cách ăn chay của Đạo Phật, là thiết yếu để chấm dứt mọi khổ đau và vô minh; và là sự thực hành bắt buộc trong việc tìm cầu trí huệ chân thực cho chính chúng ta và tất cả chúng sanh.

 

– Michael Ohlsson

(Hồng Hà dịch)


Bài gốc:

 

https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/BuddhismAnimalsVegetarian/Buddhist%20Diet.htm


Ghi chú:


(1) Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z, selection: "Five Contemplations While Eating". (Tiến sĩ Ron Epstein, Phật giáo A-Z, từ ngữ: "Ngũ Quán Niệm Trong Khi Ăn"). https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Buddhism.htm

https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/BuddhistDict/BDF.html#FiveContemplations

1. Xem công nhiều ít, xem thức ăn từ đâu đến

2. Xem đức hạnh mình, đủ hay thiếu để thọ dụng thức ăn

3. Đề phòng tâm lầm lỗi, lớn nhất là lòng tham
4. Thức ăn này như vị thuốc lành, để điều trị thân héo gầy
5. Chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp mà thọ nhận thức ăn này.

 

(2) Shurangama Sutra, p.182, translation Buddhist Text Translation Society,  (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, p.182, Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo BTTS): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Shurangama/Shurangama.htm - Các chúng sanh, cầu Tam-ma-đề, nên dứt bỏ năm thứ rau cay trong thế-gian. Năm thứ rau cay nầy, ăn chín, thì phát lòng dâm, ăn sống, thì thêm lòng giận. (Kinh Thủ lăng Nghiêm, Quyển 8: http://dharmasite.net/Kinh-Dien/Kinh-Lang-Nghiem-Cs-Tam-Minh-Le-Dinh-Tham-Dich.pdf )

 

(3) Shurangama Sutra, p.232, translation Buddhist Text Translation Society, (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, p.232, Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo BTTS): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Shurangama/Shurangama.htm -  Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phẩm Ngũ Ấm Ma - Phần Tưởng Ấm

 

(4) Eijo. Buddhism & Vegetarianism. published on ( Eijo. Phật giáo & Ăn chay. Được phát hành trên trang): http://www.ccil.org/~cneal/veg.html - Ma Ha Ca Diếp hỏi Phật "tai Sao Như Lai không cho phép ăn thịt?" Đức Phật trả lời: "Bởi vì ăn thịt làm cắt đứt hạt giống từ bi."

 

(5) Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z, selection: "Vegetarianism" (Tiến sĩ Ron Epstein, Phật giáo AZ, từ ngữ: “Ăn chay"): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Buddhism/BuddhistDict/BDV.html#vegetarianism

 

(6) Shurangama Sutra, p.145-7, translation Buddhist Text Translation Society, (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, p.145-7, Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo BTTS): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Shurangama/Shurangama.htm - Phẩm Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối http://dharmasite.net/KinhLangNghiem_TuChungThanhTinhMinhHoi.htm

 

(7) Wu Hung Bhiksu, "The Buddhist Perspective on Animals and Life Conservation..." Tỳ kheo Wu Hung, "Quan điểm Phật giáo về Động vật và sự bảo tồn cuộc sống ..."): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/BuddhismAnimalsVegetarian/Buddhist%20Perspective%20on%20Animals.htm

 

(8) Dhammapada. p. 34, (Kinh Pháp Cú. p. 34): http://www.ncf.carleton.ca/~bp239/dhamma.html - Kinh Pháp Cú, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, đoạn 34 Phẩm Tâm

 

(9) Epstein, A Buddhist Perspective on Animal Rights, (TS Ron Epstein, Một quan điểm Phật giáo về quyền động vật) https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/BuddhismAnimalsVegetarian/Buddhism%20and%20Animal%20Rights.htm - Bản dịch tiếng Việt: Một Quan Điểm Phật Giáo Về Quyền Của Loài Vật

 

(10) Dhammapada. p. 7 (Kinh Pháp Cú.trang 7): http://www.ncf.carleton.ca/~bp239/dhamma.html - Kinh Pháp Cú, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, đoạn 7 Phẩm Song Yếu

 

(11) Shurangama Sutra, p.205, translation Buddhist Text Translation Society (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, p.205, Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo BTTS): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/Shurangama/Shurangama.htm - Kinh Thủ lăng Nghiêm, Quyển 8: http://dharmasite.net/Kinh-Dien/Kinh-Lang-Nghiem-Cs-Tam-Minh-Le-Dinh-Tham-Dich.pdf )

 

(12) Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z, selection: "liberating living beings" (Tiến sĩ Ron Epstein, Phật giáo A-Z, từ ngữ : "phóng sanh"): https://repstein.faculty.drbu.edu/Buddhism/BuddhistDict/BDL.html#liberating - Kinh Phạm Võng, bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

 

(13) Sponberg, Alan, "The Buddhist Conception of an Ecological Self" (Sponberg, Alan, "Quan niệm của Phật giáo về bản chất sinh thái học"): http://www.westernbuddhistreview.com/vol2/ecological_self.html

 

(14) Long Discourses of the Buddha, translated by Maurice Walshe. Wisdom Publications, Somerville, Mass. 1995. (Trường Bộ Kinh (Long Discourses of the Buddha), Maurice Walshe dịch. Wisdom Publications, Somerville, Massachusetts 1995.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhóm Vietnamese American Art Club (VAAC) triển lãm hội họa với chủ đề Hương Sắc Quê Nhà...
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù, xung đột, phân hóa và cực đoan. Mạng sống vốn bình đẳng và quý giá của con người đã chẳng còn chút giá trị thiêng liêng và cao quý nào cả trong cái nhìn lạnh lùng và trái tim sắt đá của những nhà lãnh đạo và chính trị gia cuồng vọng, hay của những đảng phái và chủ nghĩa cực đoan, độc tài và tàn bạo! Nhân loại đang rơi vào thảm họa của một thời kỳ nhuốm màu sắc văn hóa cục bộ, phiến diện và bất bao dung. Đó là sắc thái văn hóa, mà trong đó hoặc là anh đúng, hoặc là tôi đúng; hoặc là anh chết, hoặc là tôi sống; không có thỏa hiệp, không có cộng sinh. Và dĩ nhiên, không ai chấp nhận mình sai, cũng không ai muốn mình chết. Cho nên, chúng ta phải quyết đấu nhau, một còn một mất.
Tại Westminster Civic Center (Sunken Gardens) 8200 Westminster Blvd Thành phố Westminster CA 92683, ban Liên Lạc các Hội Đoàn Giới Trẻ Nam California tổ chức Tết Trung Thu năm 2023 cho các em Thiếu Nhi.
Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh. Chuyến hành hương một tháng: Phật tích, hội thảo Phật giáo và từ thiện của Chùa Hương Sen tại ba nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Tích Lan đã khép lại với nhiều thành tựu đáng nhớ. Thành kính tri ân Chư tôn thiền đức Tăng ni và các Phật tử đồng hương xa gần đã ủng hộ cho chương trình Bảo trợ Tăng Ni Sinh du học và Từ thiện ba nước.
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
Cô Liudmyla Chychuk là nhạc sĩ piano người Ukraine, một nhà giáo dục danh tiếng, và là sáng lập viên của Tổ chức “Power of Art” với mục đích giới thiệu âm nhạc, văn học, nghệ thuật và văn hóa cổ truyền của Ukraine đến công chúng Ukraine và thế giới...
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
Ý nghĩa thâm nghiêm của tượng Phật đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.