Hôm nay,  

Nụ Hôn Đầu Tiên Của Nhân Loại: Xảy Ra Sớm Hơn Chúng Ta Nghĩ

02/06/202300:00:00(Xem: 894)
 
The Kiss by Gustav Klimt
Con người có thể đã biết hôn từ những ngày đầu của nhân loại. Hình: The Kiss – by Gustav Klimt.
 

“Môi trên của tôi dần ướt át, môi dưới thì run rẩy! Tôi sẽ ôm lấy chàng, sẽ hôn chàng.”
– một phiến khắc có niên đại từ 1900-1595 TCN ở Sippar, Mesopotamia (Lưỡng Hà); bản dịch là của Nathan Wasserman, Akkadian Love Literature of the Third and Second Millennium B.C.E.
 
Những dòng chữ cổ (chữ hình nêm) này được khắc trên một phiến đất sét khoảng 4,000 năm tuổi, là một trong những mô tả đầu tiên về nụ hôn lãng mạn. Tuy nhiên, những gợi ý từ khảo cổ học và DNA cho thấy con người đã hôn nhau từ rất lâu, trước cả khi họ có khả năng ghi lại việc đó bằng văn bản. Hành động yêu thương này thậm chí có thể đã tồn tại ngay từ những ngày đầu xuất hiện giống loài của chúng ta.
 
Thật không may, khi nụ hôn được phổ biến thì lại gây ra một hiệu ứng phụ – sự lây lan của bệnh tật. Giờ đây, các khoa học gia nghiên cứu sự tiến hóa của các mầm bệnh dai dẳng đang đào sâu vào lịch sử của nụ hôn, và cố gắng khám phá vai trò lâu đời của nụ hôn trong quá trình lây bệnh.
 
Troels Pank Arbøll, một chuyên gia về chữ hình nêm tại Trường Copenhagen, người chuyên nghiên cứu về lịch sử y học, là đồng tác giả của một quan điểm được đăng trên tạp chí Science vào Thứ Năm tuần qua đã nói về lịch sử cổ xưa của nụ hôn và vai trò của nó trong việc truyền bệnh.
 
Arbøll và Sophie Lund Rasmussen đã nghiền ngẫm các mẫu vật có chữ cổ đại tìm được từ Mesopotamia, chú trọng vào những tài liệu tham khảo bị bỏ sót về nụ hôn và các mô tả bệnh tật. Nghiên cứu đã đẩy lùi niên đại thường được trích dẫn là bằng chứng bằng văn bản lâu đời nhất về nụ hôn, một thủ bản 3,500 năm tuổi từ thời kỳ đồ đồng ở Ấn Độ. Các tác giả mô tả những tấm bia thời Lưỡng Hà còn lâu đời hơn tới 1,000 năm, là bằng chứng từ nghệ thuật cổ đại và DNA. Tuy nhiên, Arbøll nhấn mạnh rằng không nên coi những bản viết 4,500 năm tuổi này là cái nôi ban đầu của nụ hôn.
 
Đó là bởi vì một nụ hôn chỉ thoáng qua và không để lại nhiều điều để các khoa học gia có thể khám phá. Arbøll giải thích: “Nguồn gốc của nụ hôn lãng mạn chắc chắn có từ thời tiền sử và lâu đời hơn những gì chúng ta có thể phát hiện bằng các phương pháp hiện tại.”
 
Hôn nhau có thể thể hiện phong cách riêng, nhưng các nhà nghiên cứu phân loại thành hai kiểu hôn chính. Đầu tiên là những nụ hôn từ những thành viên gia đình hoặc bạn bè, dường như khá phổ biến trong các xã hội trên toàn thế giới. Còn kiểu thứ hai là nụ hôn môi kéo dài hơn, nụ hôn của các cặp tình nhân. Và đây mới là trọng tâm của nghiên cứu này.
 
Tại sao mọi người khóa môi và trao đổi nước bọt với nhau? Sự quyến rũ của nụ hôn vẫn đang là một chủ đề của các nghiên cứu về tâm lý và sinh lý. Một số cho rằng hôn giúp con người đánh giá tình cảm khả thể. Thí dụ, khi hôn nhau, người ta có thể ngửi thấy hơi thở của đối phương có mùi khó chịu. Mùi hơi thở khó chịu cũng có thể cảnh báo một số phần trong não về một số loại bệnh tật hoặc các dấu hiệu khác cho thấy ta không khỏe mạnh. Và nước bọt được truyền từ người này sang người khác có chứa hormone và các hợp chất khác, có thể cung cấp manh mối cho não để xác định người mà ta đang hôn có thực sự là một nửa của ta hay không.
 
Một số nghiên cứu cho thấy hôn cũng giúp xây dựng sự gắn kết giữa các cặp đôi và các cặp vợ chồng hạnh phúc thường hôn nhau nhiều hơn, dù các chuyên gia chưa thể giải thích chính xác cách thức hoạt động của nó. Một lý do đơn giản có thể là hôn khiến ta cảm thấy dễ chịu; khi hôn, phần môi và lưỡi nhạy cảm của chúng ta sẽ kích hoạt các vùng não liên quan đến việc tăng khoái cảm và giảm căng thẳng.
 
Các loài vượn cũng có hôn nhau. Ở loại tinh tinh lùn, hôn miệng được coi như một phần của hành vi tình dục. Tinh tinh sử dụng những nụ hôn má (platonic kiss) như một phần trong các tương tác xã hội trong bầy, đàn. Có thể những nụ hôn cũng đã đóng những vai trò tương tự trong thời kỳ đầu của Homo sapiens. Nói như vậy nghĩa là khuynh hướng hôn của chúng ta có thể có lịch sử lâu đời ngang ngửa với chính giống loài của chúng ta? Thực sự thì các khoa học gia chưa thể xác định được vấn đề này.
 
Trong DNA của chúng ta, có thể tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng loài người từng có quan hệ tình dục với người Neanderthal. Nhưng họ có hôn nhau không? Khi nghiên cứu mảng bám trên răng của người Neanderthal, các khoa học gia đã phát hiện ra dấu hiệu di truyền của một vi sinh vật 48,000 năm tuổi, vốn vẫn được tìm thấy trong miệng con người ngày nay, và khác với những vi sinh vật trên người Neanderthal thời đại đó. Sao có thể? Một khả năng chắc chắn là hôn, mặc dù đó không phải là khả năng duy nhất, bởi vì hai loài cũng có thể đã ăn uống chung.
 
Các gợi ý cũng tồn tại từ nghệ thuật và khảo cổ học. Các nhân vật ôm nhau trong tác phẩm điêu khắc Ain Sakhri 11,000 năm tuổi, tác phẩm lâu đời nhất mô tả về quan hệ tình dục, cũng có thể chứa trong đó một nụ hôn say đắm. Bởi vì mẫu vật thiếu các đặc điểm trên khuôn mặt nên việc diễn giải là tùy cảm nhận mỗi người.
 
Chữ viết cổ xuất hiện vào khoảng năm 3200 TCN và trong vài trăm năm, nó dường như chỉ giới hạn trong các văn bản hành chính. Sau một thời gian, rồi cũng phải tới lúc, các chủ đề về các mối quan hệ yêu đương đã được đưa vào ghi chép của người Lưỡng Hà, và cùng với đó là những tài liệu đầu tiên về nụ hôn cách đây khoảng 4,500 năm.
 
Arbøll nói: “Những trường hợp thực tế đầu tiên có vẻ như là những câu chuyện thần thoại. Nhưng rõ ràng thế giới thần thánh cũng là một dạng phản ánh những gì diễn ra giữa con người với nhau. Tuy nhiên, trong những câu chuyện thần thoại thì nụ hôn có vẻ liên quan đến ái tình, tình dục. Cho nên, thật thú vị khi họ hình dung các vị thần của mình theo cách đó.”
 
Trong các văn bản khác của người Lưỡng Hà, các thí dụ về nụ hôn cho thấy đó là một phần phổ biến trong quan hệ lãng mạn giữa các cặp vợ chồng – và là một ham muốn nguy hiểm của những người chưa kết hôn.
 
Trong một tài liệu pháp lý cổ từ thành phố Larsa của Lưỡng Hà khoảng năm 1900-1595 TCN, được dịch bởi Marten Stol từ Women in the Ancient Near East, một phụ nữ tên là Shat-Marduk đã thề sẽ cắt đứt liên lạc với tình nhân bất chính của mình: “Chàng sẽ không quay lại [với tôi], và chàng sẽ không mời gọi tôi ‘chuyện nam nữ.’ Chàng sẽ không hôn môi tôi, và tôi sẽ không cho phép chàng làm ‘chuyện nam nữ’ với mình. Nếu chàng mời gọi tôi sà vào lòng chàng, thì tôi nhất định sẽ báo với các bô lão và trưởng làng.”
 
Và Lưỡng Hà không phải là nơi duy nhất người ta biết ‘khóa môi’ ở thời cổ đại. Arbøll lưu ý rằng các thí dụ từ Ấn Độ và Ai Cập cho thấy một khu vực rộng lớn mà nụ hôn ái tình đã tồn tại từ thời cổ đại.
 
Charlotte Houldcroft, nhà sinh học phân tử tại Trường Cambridge, cho biết: “Bài viết này bổ sung kiến thức lịch sử của chúng ta về các hành vi thân mật của con người như hôn nhau, và mang đến cái nhìn sâu sắc hấp dẫn về cuộc sống cá nhân của người Lưỡng Hà cổ đại từ những ghi chép rất lâu đời.”
 
Mặc dù có lịch sử lâu đời, nhưng ngày nay nụ hôn không còn nhan nhản khắp nơi nữa. Một nghiên cứu năm 2015 về 168 nền văn hóa trên toàn cầu cho thấy nụ hôn lãng mạn chỉ phổ biến ở khoảng một nửa các nhóm đó. Và khi hôn hít trở nên phổ biến, một số phải trả giá cho trải nghiệm này.
 
Các loại bệnh bao gồm vi rút herpes simplex 1 (HSV-1), vi rút Epstein-Barr, vi rút parv ở người và cảm lạnh thông thường có thể lây lan qua nước bọt, vì vậy hôn hít có thể làm lây lan các bệnh này trong toàn bộ quần thể. Một nghiên cứu cho rằng hàng chục triệu, thậm chí 1 tỷ vi khuẩn có thể được trao đổi khi người ta hôn sâu.
 
Theo các ghi nhận, thì người Lưỡng Hà không tin rằng nụ hôn đóng vai trò lây lan bệnh truyền nhiễm. Nhưng rất có thể nó đã xảy ra. Thật khó để chẩn đoán bệnh chỉ dựa trên các mô tả cổ xưa từ văn bản chữ hình nêm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng bệnh răng miệng của người Lưỡng Hà, được gọi là bu'sanu, có thể là bị mụn rộp ở miệng. Ít ra thì cũng có một số nhân vật trong thế giới cổ đại có vẻ đã nghi ngờ rằng hôn nhau có ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở Rome, Hoàng đế Tiberius đã cố gắng cấm hôn trong một số trường hợp, có thể vì nó được cho là làm lây lan bệnh lở miệng. (Những nỗ lực này đã không thành công.)
 
Năm ngoái, Houldcroft và các đồng nghiệp đã sử dụng DNA cổ đại để giải trình tự bộ gen của virus herpes và lập biểu đồ tiến hóa của nó. Họ cho rằng chủng HSV-1 hiện đang chiếm ưu thế, đã ra đời cách đây 5,000 năm, trong thời kỳ di cư từ Âu-Á đến Châu Âu trong thời đại đồ đồng, và được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng của một tập tục văn hóa mới lan truyền giữa các quần thể hỗn hợp: hôn sâu.
 
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính rằng hai phần ba dân số thế giới dưới 50 tuổi, khoảng 3.7 tỷ người, bị nhiễm HSV-1.
 
Theo Arbøll và Rasmussen, vì hài cốt của người cổ đại cũng mang lại bộ gen của nhiều mầm bệnh lây truyền qua nước bọt, nên có thể nói các bệnh lây truyền qua nụ hôn đã xuất hiện từ thời tiền sử. Nhưng bằng chứng về sự phổ biến lâu dài của nụ hôn khiến giả thuyết cho rằng chủng HSV-1 phát sinh từ một phong trào hôn môi, truyền từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, ít có khả năng xảy ra hơn.
 
Với sự pha trộn văn hóa đã biết giữa các khu vực của thế giới cổ đại, được chứng minh bằng sự trao đổi đồ vật, công cụ và gen, Arbøll cảm thấy rằng nụ hôn được nhiều người biết đến, nếu không muốn nói là được chấp nhận rộng rãi. Nhưng ông cũng nói thêm rằng: “Có một số người không chấp nhận chuyện hôn, có thể do họ cảm thấy nó kỳ kỳ sao đó, và họ vẫn sẽ không chấp nhận nó chỉ vì một số di dân đến ở và nói, ‘Này, hôn nhau tuyệt lắm đấy!’”
 
Cung Đô biên dịch theo bài viết “Humanity’s First Recorded Kiss Was Earlier Than We Thought” của Brian Handwerk, được đăng trên trang Smithsonianmag. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ đợt đầu di tản sau biến cố 30/4/1975, chừng 125,000 người. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức nhân viên Hoa Kỳ và hàng nghìn quan chức quân sự và ngoại giao của miền Nam Việt Nam. Các kênh truyền hình tin tức Mỹ đã phát đi những hình ảnh đau lòng về cuộc không vận hỗn loạn, trong đó có đám đông công dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng tràn ngập ngoài cổng Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Làn sóng đầu tiên đến vào năm 1975 như một phần của 140.000 người của Đông Dương được sơ tán ban đầu qua lệnh của Tổng thống Gerald Ford. Những người tị nạn đó, hầu hết đều có trình độ học vấn và nói được một ít tiếng Anh, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Mỹ mong muốn được xóa bỏ ít nhiều mặc cảm tội lỗi về việc quân đội Mỹ đột ngột rời khỏi miền Nam Việt Nam. Đến năm 1978, kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái và sự chào đón nồng nhiệt này không còn nữa (1).
Giữa những hình ảnh cánh đồng hoa anh túc và những chiến hào sũng nước trong ký ức chung về Thế Chiến I, ít ai để ý đến sự hiện diện của các trại tù binh chiến tranh ở vùng đảo British Isles. Nhưng trong suốt cuộc chiến, Anh đã giam giữ gần 116,000 người trong các trại tù binh trên khắp đất nước, từ Cung điện Alexandra ở London đến một trang trại cũ trên Đảo Isle of Man. Trong số đó có một võ sĩ đấm bốc và nghệ sĩ biểu diễn xiếc người Đức tên là Joseph Pilates.
Cựu Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã qua đời vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu 18-8-2023 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 98 tuổi. Ông sinh ngày 31-8-1926 tại Hà Đông. Trung tướng Phạm Quốc Thuần giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh (Thủ Đức) ngày 20-8-1969...
Bát Nhã Tâm Kinh của Phật học có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Từ “sắc” trong câu kinh dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng. Còn “không” là cái không bao giờ xẩy ra. Từ “không” được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chân Không Diệu Hữu”. Như vậy, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là nói đến “thật tướng” của vạn pháp và đấy chính là “vô tướng”, từ “cái không” do nhân duyên hợp lại thành “cái có”. Và, ngược lại, từ “cái có” tất yếu trở về “cái không”. Chu kỳ ấy là bất diệt, cứ tiếp nối nhau đến vô tận. Đó là cách tiếp cận theo triết học tôn giáo hay siêu hình học. Nhìn từ nhãn quan vật lý học, “cái có” có thể đến từ “cái không” được không? Theo thuyết Big Bang thì có vẻ là như thế. Vật chất tồn tại như ta nhìn thấy – hàng tỉ tỉ dải thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỉ tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một hệ thái dương có thể có nhiều hành tinh, mỗi hành tinh là một thế giới như quả đất chúng ta đang sinh sống – đến từ “cái không có gì”,
Nhân Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông được tổ chức ngày hôm nay 13/08/2023 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tiểu bang Victoria-Úc, Ban Tổ Chức có nhờ tôi chia sẻ đề tài “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị chân chính”, dưới đây là một số điều tôi được biết về cuộc đời chính trị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
✱ Đs Anh/Đs Lodge: Đề xuất của Hồ Chí Minh về một hiệp định đình chiến - Nhu đã đáp lại rằng đề xuất này "không thực tế" nhưng có thể trở thành thực tế trong ba hoặc bốn tháng tới và đang được nghiên cứu. ✱ Báo Espresso, Italia: Ông Nhu sẵn lòng từ bỏ viện trợ Mỹ nếu đó là cái giá phải trả để loại bỏ sự hiện diện của người Mỹ - Nhu cho biết Việt Nam có thể tồn tại mà không cần người Mỹ - Ông Nhu phản ứng phẫn nộ khi người Mỹ muốn ông rời khỏi đất nước. ✱ Nhà báo M.West,Úc: Ông Nhu nói rằng ông muốn tất cả, lặp lại, tất cả các cố vấn Mỹ đều phải rời đi - Không có người Mỹ, chúng ta có thể thắng chiến tranh trong hai hoặc ba năm - Hiện nay trong ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, không có đạo đức. ✱ Đại sứ Lodge: Chúng ta nên xem xét việc rút quân là một khả năng ngày càng gia tăng. Sự bắt đầu của việc rút quân có thể gây ra một cuộc đảo chính...
Một nhóm khoa học giả quốc tế đã thấy bằng chứng lâu đời nhất về cà ri bên ngoài Ấn Độ và cho thấy ý nghĩa lịch sử của hành trình mà các thành phần gia vị này đã trải qua để đến đó. Các nhà nghiên cứu từ Úc, Việt Nam và Trung Quốc đã tìm thấy món ăn này – được biết đến với hương vị cay nồng của đất, có nguồn gốc từ Nam Á và hiện đã phổ biến trên toàn cầu – có lẽ đã được đưa đến bàn ăn của người Việt Nam hơn 1800 năm trước nhờ mạng lưới thương mại hàng hải.
Ở Hoa Kỳ, khi ai đó qua đời, thường thì họ sẽ được ướp xác, đặt trong quan tài và chôn cất tại nghĩa trang (thổ táng), hoặc mang đi hỏa táng, phần tro cốt sẽ được trả lại cho gia đình, người thân. Tuy nhiên, thổ táng và hỏa táng nay đã không phải là các lựa chọn duy nhất. Ngày càng có nhiều nhà tang lễ, cả các công ty khởi nghiệp và tổ chức vô vụ lợi, cung cấp cho mọi người những nghi thức khác nhau dành cho người đã khuất. Trong tương lai, bối cảnh nghi thức tang lễ sẽ đa dạng hơn…
Đã mấy năm nay, một nhóm tên "Sinh viên tranh đấu cho được nhập học công bằng" (Students for Fair Admissions) kiện Đại Học Harvard về tình trạng mà họ cho là bất công lúc xét các ứng viên Á châu nộp đơn vào trường đại học ưu tú này của Mỹ. Nhóm này cho rằng Harvard thực hành “affirmative action” (hành động khẳng định) và "racial balancing" (quân bình chủng tộc) trong quá trình quyết định ai được nhận ai bị từ chối. Nếu không, theo họ, nếu chỉ căn cứ trên thành tích học tập (academics) tỷ lệ sinh viên Á châu được nhận sẽ là 43% tổng số, hay ít lắm 26% nếu xét thêm về hoạt động ngoại khóa, thể thao hay gia đình quen biết với trường ("legacy"); chứ không thấp như mức 18.7% như hiện nay.
Cuộc chiến trên đất nước chúng ta chấm dứt đã gần nửa thế kỷ và được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Bài nầy xin trở lại vấn đề gọi tên cuộc chiến để hiệu đính và bổ túc thêm bài trước cách đây khá lâu của cùng người viết.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.